Bài 8

 

QUAN HỆ VẬT CHẤT

TRONG XÃ HỘI DÂN CHÚA THEO LUẬT MÔ-SÊ

 

 

 

Trong bài trước bộ Luật Mô-sê này đã được nhắc tới, bài này sẽ tiếp tục đào sâu hơn về nó, nhưng sẽ không dừng lại lâu. Ðể tiếp tục nói về những tiêu cực trong việc sử dụng của cải vật chất mà Thánh Kinh đề cập tới, ta sẽ lượt qua vài chi tiết chọn lựa trong bộ Luật này hầu có một cái nhìn hợp đạo đức hơn về tương quan vật chất trong xã hội.

 

I. ÐÔI NÉT VỀ BỘ LUẬT

 

1. Những quy định cho một dân định cư

Bộ Tora này chắc chắn đã được soạn thảo rất muộn thời so với  nhà làm luật mà tên của ông được gán cho nó, Luật Mô-sê. Thật vậy, các quy định trong đó nhằm mục đích giúp điều hành một xã hội của một dân tộc định cư  (như ta sẽ thấy qua các loại quy định luật pháp trong phần mô tả bộ Luật dưới đây) ; trong khi đó, ông Mô-sê đã qua đời khi Dân còn hành trình trong sa mạc (Ðnl 34,1-4), như một dân du mục. Sau ông, Dân đã được tiếp tục dẫn dắt bởi ông Giô-suê để tiến vào chiếm lĩnh Ðất Hứa và định cư ở đó (Ds 27,15-23 ; Ðnl 30,1-8 ; 34,9 ; Gs 1,1-4 và tiếp theo). Và một khi Dân đã trở thành một dân định cư, một bộ luật như thế mới có chỗ ứng dụng.

 

2. Một bộ Luật  Thánh  dạy về yêu thương

Bộ Luật Mô-sê được trải dài, với nhiều điều được lặp lại, trong bốn sách : Xuất hành (Xh), Lê-vi (Lv), Dân số (Ds) và Ðệ nhị luật (Ðnl). Trong đó, chủ yếu là những  luật thánh liên quan đến việc thờ kính ÐỨC CHÚA, được coi là do chính Thiên Chúa ban hành qua các thừa tác viên có nhiệm vụ lãnh đạo Dân Người, đặc biệt là ông Mô-sê.

Song song với điểm nhấn thứ nhất là những luật điều liên quan đến việc thờ kính Chúa, ta gặp thấy một điểm nhấn thứ hai không kém quan trọng : công bằng xã hội. Ðòi hỏi thứ hai này được xem như một hệ luận trực tiếp của điểm thứ nhất. Quả vậy, sau này trong Tân Ước, chính Chúa Giê-su đã tóm tắt toàn bộ Lề Luật (tức là Luật Mô-sê) thành hai điều không thể tách rời nhau, đó là :  Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi  ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22,37.39 ; song song Mc 12,29-31). Thực ra, hai điều nền tảng này, dường như, đã được các luật sĩ Do Thái biết đến, như ta thấy qua câu trả lời tương tự của nhà thông luật nọ, khi ông đáp lại câu hỏi của Ðức Giê-su rằng :  Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?, ông ấy đáp :  Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình (Lc 10,27-28). Ðó là hai mặt của cùng một hành vi thờ kính ÐỨC CHÚA :  mến Chúa, yêu người. 

 

3. Một đan kết giữa luật tôn giáo và luật xã hội

Chính vì vậy, ta thấy bên cạnh và song song với các điều luật  thánh  có những điều luật xã hội. Các điều luật  thánh  như các luật về nơi thờ phượng (1), luật về nghi thức các lễ tế (2), luật về việc tấn phong tư tế (3), luật  liên quan đến cái thanh sạch và cái ô uế (4), luật về sự thánh thiện (5), luật về ngày Sa-bát (6), luật về bàn thờ (7), qui chế các thầy Lê-vi (8), chỉ thị về việc phân chia chiến lợi phẩm và đất đai (9), quy định về các ngày đại lễ (10), v.v. Và những điều luật xã hội như các quy định về việc dâng cúng vào Ðền Thờ (11), về việc đóng thuế thập phân (12), về việc đóng thuế thân (13), luật về Năm Sa-bát (14) và Năm Toàn Xá (15), luật về việc chuộc con đầu lòng (16), chỉ thị về việc chuộc lại đất đai, nhà cửa và người (17), luật về người nô lệ (18), luật về việc xâm phạm cơ thể người khác (19), về việc xâm phạm tài sản vật chất của người khác (20), luật liên quan đến công lý và công bằng (21), luật bồi hoàn (22), quy định về gia tài cho con gái (23), về gia nghiệp của phụ nữ có chồng (24), v.v. Nói chung, đó là một bộ luật rất phức tạp xen lẫn quyền đạo với quyền đời, theo tinh thần của chế độ  Thần trị . Ðó là đôi nét chung về bộ Luật. Nhưng phía sau những quy định đó ta có thể thấy gì ?

 

II. CÁC MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI TRONG LÒNG DÂN CHÚA

Qua mặt nổi của các điều quy định của bộ Luật như vậy; lồng phía sau chúng, ta có thể đọc được đôi nét về vấn đề đạo đức xã hội của cộng đồng Dân Chúa. Vì, theo một tiến trình bình thường, luật lệ được soạn ra khởi đi từ kinh nghiệm về những vấn đề cụ thể diễn ra trong xã hội và những hệ luận có thể có của chúng (thiết tưởng không cần phải giải thích thêm về điều này). Vậy, để chỉ ra một số vấn đề xã hội diễn ra trong lòng Dân Chúa thời đó, ẩn sau những qui định được liệt kê ở trên, người viết chỉ xin gợi một vài điểm chọn lựa, làm ví dụ. Ðó là những điều liên quan trực tiếp đến chủ đề : sai phạm trong việc sử dụng của cải vật chất khiến nền công bằng xã hội không còn được tôn trọng. Thực vậy, khởi đi từ sự kiện là có những bất công xã hội, các luật lệ liên quan được thiết lập nhằm ngăn cấm hoặc hạn chế chúng

Như một ví dụ về cách đọc Thánh Kinh liên quan đến chủ đề của chúng ta (theo cách riêng của bản thân), người viết chỉ xin bàn về một điểm mà thôi, đó là khía cạnh công bằng xã hội của bộ Luật. Ðiều này sẽ được thực hiện trên hai đoạn trích ngắn : Xh 22,20-26 và Xh 23,1-9. Sự chọn lựa này có liên quan đến những vấn đề sẽ được bàn đến trong các bài sau về sự khiển trách của các ngôn sứ đối với Dân, huấn giáo của các nhà khôn ngoan, và nhất là các lời dạy của chính Chúa Giê-su.

 

1.Thân phận của những người cô thế cô thân :

Nơi đoạn trích thứ nhất, ta đọc thấy :  Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu các ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi : thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.

Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.

Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.  (Xh 22,20-26)

- Họ bị ruồng rẫy và đối xử bất công

Phía sau các lời đó, ta có thể nhận ra rằng đã có một thái độ và hành vi đáng khiển trách trong lòng xã hội dân ít-ra-en thời đó : sự ức hiếp, hay đúng hơn là sự ruồng rẩy và đẩy ra bên lề xã hội, những người vốn đã mất chỗ nương dựa, theo quan hệ xã hội bình thường : các bà goá và trẻ mồ côi là những người đã mất chồng, mất cha; những người ngoại kiều là những người đã  mất  quê hương. Lẽ ra, họ phải đáng được thương xót và quan tâm nhiều hơn bởi cộng đồng nơi họ đang trú ngụ thì, trái lại, họ đã bị hất hủi và đối xử bất công, nhất là trong các vụ kiện cáo ở  công đường . Ðiều này, có lẽ đã trở nên rất phổ biến trong lòng xã hội dân Ít-ra-en, đến nỗi chính Chúa Giê-su, vào thời Ngài, đã sử dụng chính hình ảnh này trong một dụ ngôn - hình ảnh một bà goá nghèo kêu cầu một vị quan toà cho vụ kiện của bà - để nói về việc kiên trì cầu nguyện (xin xem Lc 18,1-8).

Ðó cũng chính là hình ảnh của người nghèo nói chung : những người không đủ ăn đủ mặc, túng thiếu về mặt vật chất. Ðôi khi họ phải bán sức lao động hoặc bán chính bản thân làm nô lệ để có cái ăn cái mặc tối thiểu. Lại nữa, có khi họ phải lâm vào cảnh túng ngặt đến nỗi phải đi vay đi mượn. Và, trong hoàn cảnh đó, đã có những người lợi dụng sự thất thế sa cơ đó để cho vay lấy lãi.

- Họ là những người cùng khổ

Có một điều, có lẽ, cần phải giải thích thêm trong đoạn văn này, đó là việc  trả lại áo choàng đã lấy làm đồ cầm . Theo các nhà chú giải, những người Ít-ra-en nghèo thường chỉ có một tấm áo choàng to vừa dùng làm áo che thân vào ban ngày và vừa làm  cái túi ngủ vào ban đêm lúc trời trở nên rất lạnh, trong các vùng sa mạc, ngược lại với cái nóng khủng khiếp ban ngày. Những người mà đã phải cầm cố đến thứ vật dụng thiết yếu như thế (thực ra, nó chẳng đáng giá bao nhiêu) vốn là những người đã đi đến cùng đường của sự nghèo khổ. Vì một lý do nào đó thực sự sống còn, họ phải cầm cố đến mảnh áo choàng của mình. Ðối với họ, lúc đó, điều quan trọng chỉ đơn thuần là có chút gì để sống và tiếp tục tồn tại. Ðiều này chẳng khác tình trạng của những người ăn xin độ nhật (cho bản thân họ và có thể gia đình họ nữa). Thảm thay! Và luật của Thiên Chúa đã dự trù cho họ một cơ hội để có thể tiếp tục tồn tại : được quyền nhận lại chiếc áo choàng để có cái đắp mà ngủ ban đêm, nhưng ẩn sau điều đó, ta có thể hiểu là họ lại có cơ hội cầm cố nó vào ngày hôm sau, khi cần, để lại có chút gì mà sinh sống. Thiên Chúa đã không quên họ cùng với cảnh cơ cực của họ. Những qui định loại này được nhắc lại thường xuyên gần như một điệp khúc trong Thánh Kinh. Rồi, sau này, chính Chúa Giê-su, khi Ngài đến, đã công bố tin mừng cho họ :  Phúc thay cho anh em là những người nghèo (Lc 6,20), ta sẽ có dịp bàn kỹ về sau.

 

2. Công lý trong quan hệ xã hội : tôn trọng tài sản chung

Ðoạn trích thứ hai dạy rằng :  Ngươi không được phao tin đồn nhảm. Ðừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái ; trong một vụ kiện, ngươi không được ngả theo số đông mà làm chứng, khiến công lý bị sai lệch. Ngươi không được thiên vị người yếu thế khi họ có việc kiện tụng.

Nếu gặp bò hay lừa của kẻ thù đi lạc, ngươi phải dẫn nó về cho người ấy. Nếu thấy lừa của kẻ ghét ngươi quỵ ngã vì chở nặng, ngươi không được để mặc người ấy ; phải giúp người ấy đỡ lừa dậy.

Ngươi không được làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo cậy nhờ ngươi, khi họ có việc kiện tụng. Ngươi phải lánh xa điều gian dối. Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính, vì Ta không cho kẻ có tội được trắng án. Ngươi không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hoá ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính.

Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức ; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.  (Xh 23,1-9)

Bản văn này cho ta một bức tranh khác, phức tạp hơn, với những đòi hỏi khó hơn trong tương quan xã hội giữa những người  không nghèo với nhau. Ðây cũng là một vấn đề của mọi thời đại. Ngoài chủ đề về người nghèo được lặp lại hầu như một điệp khúc, ta thấy xuất hiện chủ đề công lý : thiên vị và hối lộ. Ðiều đáng tiếc này, buồn thay, không hề vắng bóng trong xã hội con người, nó có mặt ở mọi thời và mọi nơi, từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Thiết tưởng không cần phải giải thích thêm, chỉ xin đơn thuần nhắc đến hầu thấy rằng nó vốn là một điều xấu, rất xấu. Cần và nhất thiết phải tránh.

Có một điểm mà bộ Luật đã đề cập đến  cần được lưu ý : một đòi hỏi về việc giúp đỡ  kẻ thù ngươi và  kẻ ghét ngươi khi họ gặp khó khăn, cụ thể hơn liên quan đến gia súc của họ : bò và lừa. Ở đây, thấy có dấu vết của một nền văn hóa du mục còn lưu lại. Vì đối với những dân tộc loại này, gia súc là tài sản quan trọng hàng đầu. Do đó, việc dắt trả cho khổ chủ những gia súc đi lạc chính là trả lại cho người ấy của cải đã bị thất lạc. Hiển nhiên, không được phép giữ lấy làm của riêng, nhưng đòi phải đem trả nó về cho người chủ bị mất. Ðiều này, ám chỉ trở lại tội xâm phạm tài sản của người khác theo tinh thần của Mười Ðiều Răn. Hơn nữa, có lẽ, phải hiểu nó vốn là của cải, là tài sản của cả bộ tộc, của toàn dân. Và, người ta không được phép để thất thoát của cải chung, vốn là thứ gắn liền với chúc lành của Thiên Chúa. Vì, giả thiết rằng, con bò hoặc con lừa đó sẽ có nguy cơ chết trôi chết nổi do thiếu chăm sóc của chủ, hoặc phải kiệt sức do mang quá nặng (như đòi hỏi phải giúp  người ghét ngươi đỡ lừa chở quá nặng của họ dậy). Nói chung lại, mọi tài sản là của cả dân tộc, do Thiên Chúa ban cho - nó thuộc về mỗi người và về toàn dân - cần phải tôn trọng.

 

III. BÀI HỌC TỪ NHỮNG ÐIỀU TIÊU CỰC

Nhìn chung, qua các quy định về các mối quan hệ xã hội nêu trên, ta thấy bàng bạc trong bộ Luật một hậu cảnh phức tạp về những vi phạm nền công lý và sự công bằng là điều đi ngược lại tinh thần đạo lý của một dân tộc nói chung, và Dân Chúa nói riêng. Ðiều này sẽ là một trong những chủ đề các ngôn sứ quan tâm và lên tiếng phản kháng mạnh mẽ. Vì nó không chỉ đụng chạm tới các vấn đề của xã hội con người nhưng, quan trọng hơn, đụng tới nền tảng của niềm tin vào Thiên Chúa. Ðó sẽ là chủ đề của bài tiếp theo bàn về sự áp bức người nghèo liên quan đến việc thu tích của cải vật chất.

Thiết tưởng, ít điều trên có thể gợi ý, cho ai muốn, suy nghĩ về thái độ và thực hành trong tương quan vật chất với người chung quanh và trong xã hội.

 

 

An Thụ

13/04/2002

 

 

CHÚ THÍCH

(1) Xh 25 - 27 ; 35 - 38 ; Ðnl 12,2-12

(2) Lv 1 - 7 ; Ds 28 - 29 ; Ðnl 12,12-28

(3) Xh 29,22-30 ; Lv 8 - 10

(4) Lv 11-16 ; Ðnl 14,3-21

(5) Lv 17 - 24

(6) Xh 23,12 ; 31,12-17 ; 35,1-3

(7) Xh 20,22-26

(8) Ds 1,47-53 ; 18,21-24 ; 351-8 ; Ðnl 10,6-9 ; 18,1-8

(9) Ds 31 - 36

(10) Xh 12,1-20 ; 34,22 ; Lv 23,15-21.33-43 ; Ðnl 16,1-17

(11) Ds 18,8-19

(12) Ds 18,25-32 ; Ðnl 14,22-27.28-29 ; 26,12-15

(13) Xh 30,11-16

(14) Xh 23,10-11 ; Lv 25,1-7.18-22 ; Ðnl 15,1-11

(15) Lv 25,8-17

(16) Xh 13,11-16 ; Ðnl 15,19tt

(17) Lv 25,23-34 ; 35-55 ; 27,1-34

(18) Xh 21,1-11 ; Ðnl 15,12-18

(19) Xh 21,12-17.18-36 ; 22,15-16

(20) Xh 21,37 - 22,14

(21) Xh 22,20-26 ; 23,1-9

(22) Ds 5,5-9

(23) Ds 27,1-11

(24) Ds 36


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà