Bài 1

THÁNH KINH

MỘT QUYỂN SÁCH HAY MỘT THƯ VIỆN ?

 

I. DANH TỪ :

Nguồn gốc của chữ "Thánh kinh" là một danh từ Hy lạp số nhiều ta bilia có nghĩa là "những quyển sách".

Như vậy Thánh kinh không chỉ là một quyển sách, mà là cả một thư viện trong đó có nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại khác nhau ; được gom thành hai bộ lớn là Cựu giao ước và Tân giao ước, hoặc nói gọn hơn : Cựu ước và Tân ước. Vậy Thánh kinh là toàn bộ những sách viết về Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Israel qua trung gian của ông Môsê (cựu giao ước) và được hoàn thành trong Đức Giêsu (tân giao ước).

Người ta cũng thường gọi Thánh kinh là Văn tự (Ecriture), hoặc Văn tự thánh (Saintes Ecritures). Cách gọi nầy quan trọng và rất có ý nghĩa :

(1) Đây là Lời của Thiên Chúa được viết ra ; vậy thì cũng có thể có Lời Thiên Chúa không được viết ra.

(2) Đối với chúng ta, Lời Thiên Chúa là những gì được viết ra chứ không phải là những biến cố hoặc những lời được thốt ra trước khi được viết. Chúng ta sẽ có dịp trở lại điểm này.

II. NHỮNG SÁCH :

Phần thứ nhất của bộ Thánh kinh, Cựu ước, là chung của những người Do thái và Kitô hữu, nhưng với vài khác biệt : những người Do thái và những người Tin lành chỉ công nhận những sách nào viết bằng chữ Híp-ri, tức là 40 quyển. Những người Công giáo công nhận thêm 6 quyển nữa viết bằng chữ Hy Lạp. 6 quyển này Tin lành gọi là "nguỵ thư" vì họ không công nhận, còn Công giáo gọi là "thuộc đệ nhị thư quy" vì chúng có mặt trong Thư quy nhưng thuộc hạng nhì (xem tư liệu ở cuối bài).

Phần Tân ước thì như nhau đối với mọi Kitô hữu, gồm 27 quyển.

Thành thử bộ Thánh kinh gồm 67 hoặc 73 quyển.

III. XẾP LOẠI :

Trong tất cả các ấn bản Thánh kinh dù là của Công giáo hay của Tin lành, cách xếp loại các quyển Tân ước đều như nhau.

Đối với Cựu ước thì có 2 cách xếp loại :

a- Người Do thái xếp thành 3 phần:

. Torah, Luật (ta gọi là Ngũ thư).

. Nebiim, các ngôn sứ. Chia thành 2 nhóm : Những ngôn sứ đi đầu (những quyển mà ta gọi lầm là "lịch sử") và những ngôn sứ đi sau (Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và 12 ngôn sứ khác).

. Ketubim, sách vở.

Ấn bản Kinh thánh Đại kết (TOB) chọn theo cách xếp loại này và ở phần sau có in thêm những quyển mà chỉ có Công giáo công nhận.

b- Đa số các ấn bản Thánh kinh xếp loại theo sách của bộ Thánh kinh Hy Lạp, nghĩa là xếp các sách thành 4 loại : Ngũ thư, những sách lịch sử, những sách Ngôn sứ và những sách Khôn ngoan.

IV. NGÔN NGỮ :

Toàn thể Cựu ước được viết bằng chữ Híp-ri, trừ một ít đoạn bằng chữ Aram. Hai ngôn ngữ này chỉ viết có phụ âm thôi, người đọc phải đoán ra nguyên âm theo nghĩa mà họ hiểu. Từ thế kỷ VII sau công nguyên (cn), có những học giả Do thái (được gọi là những nhà massorètes) ấn định ý nghĩa của bản văn bằng cách ghi thêm những nguyên âm dưới hình thức những dấu chấm bên trên hoặc bên dưới các phụ âm trong nguyên bản. Vì thế những bản văn được ghi thêm nguyên âm như thế được gọi là những bản massorétiques.

Cựu ước đã được dịch sang chữ Hy Lạp tại Alexandria từ thế kỷ III trước cn. Theo một huyền thoại thì có 70 ký lục tuy làm việc riêng rẽ nhưng đều dịch đúng y như nhau. Ý nghĩa của huyền thoại nầy la : bản dịch được Thiên Chúa linh ứng. Chính vì thế mà người ta gọi bản dịch sang chữ Hy Lạp nầy là "bản dịch bảy mươi" (viết tắt là LXX). Ngoài ra cũng có những bản dịch khác sang chữ Hy Lạp nữa như: bản Aquila, bản Symmaque, bản Théodotion.

Tân ước được viết hoàn toàn bằng chữ Hy Lạp thuộc loại ngôn ngữ "chung" được nói vào thời đó, chứ không phải là loại ngôn ngữ Hy Lạp cổ điển. Người ta gọi nó là koinè, nghĩa là (ngôn ngữ) "chung".

Có những chuyên viên lo dịch nguyên bản (tức là chữ Híp-ri của Cựu ước, và chữ Hy Lạp của Tân ước) sang những ngôn ngữ khác. Trong những bản dịch ấy, có thể lưu ý tới những bản dịch sang chữ Syriaque, Copte và Latin. Bản dịch sang chữ Latin được gọi là bản Vulgata nghĩa là "phổ thông". Đây là công trình của thánh Jérôme (cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V sau cn).

V. PHÂN ĐOẠN VÀ PHÂN CÂU :

Để giúp người ta dễ tìm trong Thánh kinh. Étienne Langton có sáng kiến phân mỗi quyển thành những đoạn được đánh số. Việc này được thực hiện năm 1226. Đến năm 1551, ông Robert Estienne trong một chuyến đi từ Lyon tới Paris bằng xe ngựa, đã đánh số hầu như mỗi câu của các đoạn ấy. Đấy là nguồn gốc việc phân câu.

Thế nhưng cách phân thành đoạn và câu như trên không phải luôn luôn ăn khớp với ý nghĩa của bản văn, cho nên ta không được dựa vào đấy để tìm hiểu ý nghĩa bản văn. Dù sao thì nó cũng thực dụng, nên các ấn bản Thánh kinh đều đã theo cách đó. Muốn chỉ một chỗ nào trong Thánh kinh thì chỉ cần cho biết quyển nào, đoạn mấy, câu mấy. Thí dụ St 2,4.

 

NHỮNG SÁCH NGUỴ THƯ VÀ ĐỆ NHỊ THƯ QUY

Có một khác biệt nhỏ giữa các ấn bản của Thánh kinh Công giáo và Tin lành đối với phần Cựu ước: Công giáo có thêm 7,8 quyển. Những quyển này Công giáo gọi là thuộc đệ nhị thư quy, còn Tin lành gọi là nguỵ thư.

Chữ "Thư quy" có nguồn gốc là chữ Canon, nghĩa là "quy luật" : quyển sách nào được công nhận làm quy luật cho đức tin thì là "hợp quy". Thư quy các sách thánh là toàn thể những quyển sách được nhìn nhận là quy luật cho đức tin.

Các Kitô hữu và các tín hữu Do thái giáo đồng quan điểm với nhau về các sách phần Cựu ước. Tuy nhiên có hai thư quy khác nhau. Cho tới những năm 90 sau cn, các rabbi ở Palestina chỉ công nhận những quyển viết bằng chữ Híp-ri. Còn những người Do thái ở Alexandria công nhận thêm một số quyển khác được viết hoặc được viết bằng chữ Hy Lạp, những Kitô hữu nào đọc những ấn bản Thánh kinh chữ Hy Lạp thì nhận Thư quy Alexandria. Phần thánh Jérôme, người dịch Thánh kinh sang chữ Latin vào đầu thế kỷ V, thì theo thư quy Híp-ri.

Trong cuộc Cải cách thế kỷ XIV, những người Tin lành theo lập trường của thánh Jérôme nên khi in Thánh kinh, họ đã đặt những quyển bị bàn cãi vào phần cuối và gọi những quyển ấy là "nguỵ thư".

Còn phía Công giáo thì, trong Công đồng Trente, xem những quyển sách vừa nói cũng được linh ứng như những quyển kia, nhưng gọi chúng là "thuộc đệ nhị thư qui". Nghĩa là: được nhận vào thư quy với tư cách hạng nhì.

Những quyển ấy là : Giuđita, Tôbia, 1 và 2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, những đoạn bằng chữ Hy Lạp trong sách Étte, Barúc Thư của Giêrêmia.