Bài 2

MỘT DÂN TỘC NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI CỦA MÌNH

 

Nhiều người biết rằng Thánh kinh là một bộ sách thánh của những người Do thái giáo và Kitô giáo. Nhưng họ tưởng rằng trong đó chứa những lời của Thiên Chúa "trong nguyên trạng", như một quyển giáo lý hoặc luân lý.

Thế nhưng khi mở ra đọc thì người ta thấy những chuyện quá khứ của một dân tộc nhỏ bé, những chuyện không hấp dẫn bao nhiêu, có những điểm luân lý chẳng tốt đẹp gì lắm đến nỗi không dám đọc lớn tiếng, những cuộc tàn sát, những bài thơ khó mà dùng để cầu nguyện được mặc dù chúng đã được gọi là Thánh vịnh, có những lời khuyên theo một thứ luân lý cũ kỹ, lỗi thời và kỳ thị phụ nữ...

Đó là một quyển sách đánh lạc hướng... nhưng có phải là một quyển sách không ?

Đúng ra đó là cả một thư viện gồm tới 73 quyển được viết trong một thời gian trải dài suốt hơn 1000 năm. Khi bạn nhìn vào một thư viện, bạn thấy biết bao sách đủ loại xếp cạnh nhau : sách lịch sử, sách khoa học, sách triết học, sách văn chương... những quyển viết về thời Cổ đại và những quyển viết về thời hiện nay... Chúng giúp ta có một cái nhìn tổng quát về lịch sử và văn chương của 2000 năm qua, nhưng phần nào bạn cũng cảm thấy lạc lõng... Cũng vậy, Thánh kinh là một thư viện và còn hơn cả một thư viện lạnh lùng, nó là cả một vũ trụ, là một cuộc phiêu lưu đang mời gọi bạn bước vào : cuộc phiêu lưu của một dân tộc say mê đi tìm Thiên Chúa.

Thí dụ sau đây sẽ giúp bạn thấy rõ hơn.

Chiều ngày lễ vàng hôn phối

Lúc chúng tôi tới thì chỉ còn hai ông bà, con cháu họ đã đi đâu hết. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau trọn buổi tối. Tôi cứ tưởng là đã hiểu rõ hai ông bà này : những con người đơn sơ đã sống chung với nhau nửa thế kỷ giữa những vui buồn sướng khổ. Nhưng chiều hôm ấy tôi đã khám phá được nhiều điều mới lạ vì họ đã mở "kho tàng" của họ cho tôi xem : một chiếc hộp đơn sơ đựng đủ thứ : hình chụp, giấy tờ, thư từ, gia phả v.v... Có cả những bức thư tình họ đã viết cho nhau trước ngày cưới nữa... Hai ông bà lần lượt giải thích cho tôi nghe từng thứ một. Chúng là những chứng nhân của tất cả những niềm vui, nỗi buồn trong bao nhiêu năm qua.

Trước đây tôi tưởng đã hiểu hai ông bà nầy. Nhưng chiều hôm đó tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của đời họ. Những hình ảnh và giấy tờ ấy xem ra rất tầm thường, không đáng giá. Thế nhưng chúng đã trở thành vô giá : chúng không còn phải là đồ vật nữa mà là cả một cuộc đời được gom góp lại và được giải nghĩa, từng món đều có một vị trí trong lịch sử đời họ.

Xin rút ra vài điểm quan trọng từ thí dụ trên.

1) Một cuộc sống trở thành văn bản :

Cặp vợ chồng già ấy cho tôi xem những bức hình và những giấy tờ. Những món ấy tuy tầm thường nhưng vô cùng quý giá. Vì cả cuộc sống của họ đã cô đọng lại trong đó. Qua chúng và nhờ chúng, tôi có thể hiểu phần nào bước vào thế giới của họ, tham dự cuộc phiêu lưu của họ.

2) Sau nầy mới hiểu :

Ông cụ cười ranh mãnh nói : "đây là bức thư tình đầu tiên của chúng tôi". Tôi đọc tờ giấy và ngạc nhiên : chỉ là một bài toán ! Khi ấy ông và bà còn là học sinh trung học. Vì bà bệnh nên ông được giao trách nhiệm viết gửi cho bà đề tài của bài toán phải làm. Chỉ là một lá thư tầm thường nhưng nó khai mào cho một cái gì đó... rồi tiếp theo là nhiều lá thư khác nữa. Tự nó, lá thư đầu tiên chẳng có gì. Nhưng nó được lưu giữ và được đọc lại sau ngày hôn lễ, khi đó nó đã trở nên lá thư tình đầu tiên !

Thì cũng thế đối với những sự việc khác : tự chúng chẳng có ý nghĩa gì, nhưng khi chúng bước vào lịch sử đời ta thì chúng mang rất nhiều ý nghĩa. Những bức hình khi mới chụp không có ý nghĩa bao nhiêu, nhưng sau nầy xem lại thì mới thấy đong đầy kỷ niệm.

Như vậy, mỗi sự việc có thể mang trong mình rất nhiều ý nghĩa mà ta chưa nhận ra ngay lúc đó, nhưng sau nầy khi nhìn lại ta mới khám phá ý nghĩa quan trọng của nó, càng lùi xa thì càng nhiều ý nghĩa.

Thuật lại một sự việc không phải chỉ là kể lại chính xác những điều gì đã xảy ra, mà còn là làm sống lại sự việc ấy và cho thấy ngày nay nó có ý nghĩa gì với ta. Và nếu sau nầy ta thuật lại lần nữa thì ta lại khám phá thêm nhiều điều nữa. Chẳng hạn một người bạn nói với ta điều gì đó, ta không chú ý bao nhiêu. Nhưng bẵng đi một thời gian ta bỗng nhớ lại và chợt hiểu ra "À, thì ra nó muốn nói thế này này...". Lúc đó dù ta không nhớ chính xác từng lời của người bạn, nhưng ta hiểu thực ý của hắn.

3) Chính xác hay thực ?

Đôi khi ta nghe hỏi "những điều viết trong Thánh kinh có thực không ? phép lạ nầy có thực không ?" Trước khi trả lời, có lẽ phải xác định chữ "thực" (vrai). Nó có thể mang nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn người ta nói : "chuyện này thực, quyển tiểu thuyết này thực, bài thơ nầy thực". Nghĩa của những chữ "thực" nầy khác nhau : quyển tiểu thuyết này dù tất cả chỉ là tưởng tượng, nhưng nó thực vì nó viết đúng tâm lý ; chẳng có gì chính xác theo lịch sử nhưng tất cả đều thực, vì viết đúng thực trạng con người.

- Chính xác (exact) là viết thật đúng như đã xảy ra trong lịch sử, y như chụp hình hoặc ghi âm vậy. Nếu xét theo khía cạnh chính xác thì lá thư đầu tiên của hai ông bà kia chỉ là để thông báo một bài toán.

- Thực (vrai) là viết đúng tâm tình, ý tưởng. Xét theo khía cạnh thực thì lá thư ấy là một lá thư tình.

Trong Thánh kinh có rất nhiều điều không chính xác, bằng những lời lẽ không chính xác. Nhưng tất cả đều thực vì chúng chứa đựng những ý nghĩa mà ta khám phá ra.

4) Tin để hiểu :

Thực chất của một sự việc, mắt tôi không thể thấy được. Tôi phải dựa vào những vẻ bề ngoài mà mắt tôi thấy để đoán ra thực chất ấy. Chẳng hạn tôi thấy hai người ôm nhau. Đó là một sự việc chính xác, lịch sử. Nhưng còn ý nghĩa của sự việc đó : họ chào nhau ? hay họ yêu nhau ? Tôi không thể kết luận. Nếu như có người cho tôi hay là họ đã yêu nhau thì tôi hiểu cử chỉ ôm nhau đó là dấu hiệu của tình yêu. "Nhưng nếu có người cho tôi hay..." nói như thế có nghĩa là tôi tin điều người ấy nói, và vì tin nên tôi hiểu được ý nghĩa cái ôm đó. Để hiểu thì phải tin và khi đã hiểu thì càng tin hơn. Ta như đi theo đường trôn ốc : cứ đi vòng vòng, nhưng sau mỗi vòng thì tiến cao hơn thêm.

Đối với Thánh kinh cũng vậy. Các tác giả Thánh kinh tường thuật những sự việc, nhưng những sự việc ấy sở dĩ có ý nghĩa là vì họ tin. Ngày nay ta đọc những sự việc đó, có người hiểu thế nầy, có người hiểu thế khác, nhưng ta sẽ hiểu đúng ý nghĩa tác giả nếu ta có cùng niềm tin với tác giả.

Những điều vừa nói trên xem ra hơi phức tạp, nhưng ta sẽ còn nói lại nữa và sẽ thấy sáng tỏ dần dần. Bây giờ hãy rút ra một hệ luận quan trọng : đâu là ý nghĩa của một bản văn? thế nào là đọc một bản văn ?

5) Ý nghĩa của một bản văn :

Khi đứng trước một bản văn, nhất là một bản cổ văn, tự nhiên chúng ta lập luận thế này : tác giả muốn nói cái gì đó, ý nghĩa ấy được tác giả "gói ghém" trong những từ ngữ và theo văn hoá của ông, việc của ta là "mở gói" ra để thấy ý nghĩa ấy và "gói ghém" lại trong những từ ngữ và văn hoá của ta ngày nay. Nghĩa là ta tưởng có một ý nghĩa khách quan trong bản văn, một cái "nhân cứng" ở trong lớp vỏ bọc bên ngoài, chỉ cần bóc vỏ là thấy được cái nhân ý nghĩa.

Nhưng thực ra không phải giản đơn như vậy. Khi nghe cặp vợ chồng già kia kể lại đời họ. Dĩ nhiên tôi đã cố gắng hiểu điều họ muốn nói. Nhưng khi nhận điều ấy thì tôi cũng đã biến đổi nó đi. Kể từ buổi chiều hôm ấy, tôi có một hình ảnh về họ nhưng chưa hoàn toàn giống với hình ảnh của một người khác cũng có mặt chiều đó có về họ. Cũng thế, khi đọc một bản văn, chúng ta tạo lại bản văn ấy theo hiện tình của chúng ta . Sau đó ta sống cái sự việc ta đã đọc, nhưng đồng thời ta cũng cho thêm vào đó cái ý nghĩa mà ta khám phá.

Như vậy, "đọc" tức là "chiếm lấy" một bản văn và bắt nó phải nói một điều gì cho ta hôm nay, một điều gì làm cho ta sống.

Tuy nhiên không thể bắt bản văn phải nói bất cứ điều gì ! Chính vì thế mà ta cần nghiên cứu bản văn, cần phải sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu.

MỘT LỊCH SỬ KỲ DIỆU

"Phải chăng Thánh kinh thuật lại một lịch sử kỳ diệu : Thiên Chúa luôn luôn nói (với Abraham, với Môsê, với các ngôn sứ...) và không ngừng làm những phép lạ để giải phóng những kẻ bị áp bức, và cứu chữa những bệnh nhân...? Nhưng điều đó có hệ gì đến cuộc sống tầm thường hàng ngày của tôi và của thế giới hôm nay ? Thiên Chúa đã nói nhiều như thế suốt 2000 năm mà bây giờ im lặng ! Vẫn còn những người bị áp bức và những kẻ bất hạnh, thế tại sao Ngài không ra tay hành động nữa...?"

Trên đây là một vấn nạn rất thực tế. Thế nhưng những điều chúng tôi đã trình bày có thể giúp bạn đoán ra rằng khi đặt vấn nạn đó người ta đã so sánh các lịch sử trên hai bình diện khác nhau.

Một sử gia nghiên cứu lịch sử Israel thì thấy rằng đó chỉ là một lịch sử tầm thường của một dân tộc nhỏ bé ở Trung Đông chẳng có gì đặc biệt.

Những tín hữu đã soạn tác Thánh kinh thì thấy trong những sự việc ấy Lời và sự can thiệp của Thiên Chúa, cũng giống như trường hợp cặp vợ chồng kia thấy trong tờ giấy ghi bài toán một bức thư tỏ tình.

Lịch sử Israel cũng là một lịch sử bình thường như lịch sử của nhiều dân khác. Do đó kẻ không tin chẳng khám phá dấu vết nào của Thiên Chúa trong đó cả.

Nhưng đối với chúng ta, việc đọc Thánh kinh phải khiến ta đọc lại đời mình bằng cái nhìn của người tin. Có như vậy ta mới thấy được rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với ta như đã thường nói với các ngôn sứ, Ngài vẫn tiếp tục hành động. Và có như vậy cả cuộc đời của ta sẽ là một lịch sử đầy những việc kỳ diệu.