Bài 3

ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN

 

Ta phải phân biệt đọc một bản văn và nghiên cứu bản văn ấy.

Đọc một bản văn là bắt nó phải cho ta một ý nghĩa cho ngày hôm nay. Đây là điều chúng ta quen làm. Ta thường nói "đó là điều bản văn muốn nói với tôi... điều đánh động tôi trong bản văn nầy là...". Đọc như vậy thì rất dễ. Nhưng cũng có nguy hiểm bởi vì làm sao ta có thể bắt bản văn nói lên bất cứ điều gì ? Vì thế mà cần phải nghiên cứu.

Nghiên cứu tức là làm việc trên bản văn bằng những phương pháp phân tích, nhằm mục đích giúp ta thấy rằng có một khoảng cách giữa chúng ta với bản văn khiến ta không thể bước vào bản văn một cách trọn vẹn. Vì thế không nên liều lĩnh giải thích nó theo cảm quan và tâm lý của ta. Nghiên cứu cũng buộc ta phải đọc bản văn thật sát. Có những bản văn ta biết rõ (hoặc tưởng là biết rõ), chẳng hạn những bản văn Tin mừng, đến nỗi chúng ta không phải "đọc", mà chỉ nhìn lướt qua chúng, rồi lặp lại ý nghĩa mà ta thường nghe nói về chúng (một thí dụ : khi đọc Lc 2,1-20 người ta thường nói "đó là chuyện các mục tử đến thờ lạy Chúa". Nhưng bạn hãy đọc kỹ bản văn ấy xem, bạn sẽ thấy rằng các mục tử đến không phải để thờ lạy mà chỉ là để "giảng" cho Đức Maria nghe !).

Hai phương pháp phân tích :

Trước một bản văn chúng ta thường sử dụng hai loại phương pháp nghiên cứu. Xin lấy một thí dụ đơn sơ :

Bà cô của bạn viết thư cho bạn. Khi đọc thư bạn thấy được bà qua ý tưởng của bà, và bạn giải nghĩa bức thư theo những gì bạn đã biết về bà. Giả sử có đoạn bà than phiền, nếu như bạn biết bà có tính hay than phiền luôn thì bạn chẳng quan tâm, bạn chỉ nói : "bà ấy vốn là như vậy mà" ; trái lại nếu bạn biết bà là người rất nghiêm khắc với bản thân thì bạn sẽ nói : "bà mà than phiền thì chắc chắn là bà đang buồn khổ lắm". Hoặc hơn nữa, nếu trong thư có một câu công kích đám trẻ hay một nhóm xã hội bạn sẽ nói : "bà ta thuộc thế hệ xưa rồi nên không thể thông cảm với ngày nay". Tức là bạn đã đi ra khỏi bức thư để hình dung bà cô của bạn, và từ cái hình dung ấy bạn tìm hiểu xem bà cô muốn nói gì.

Cũng thế, bạn đang đọc một bản văn và gặp một đoạn khó hiểu. Bạn ngừng đọc một lúc để tìm hiểu ý nghĩa, bạn phân tích ngữ pháp. "Động từ ở đâu? Chủ từ ở đâu? Túc từ ở đâu...?", sau đó bạn đọc lại bản văn để tìm cho nó một ý nghĩa. Cũng có thể xảy ra là bạn thấy bức thư bắt đầu với giọng bi quan nhưng kết thúc cách lạc quan. Bạn đọc lại bức thư để xem cái gì đã khiến giọng điệu thay đổi như thế. Trong trường hợp này, bạn không ra khỏi bản văn nhưng bạn tìm hiểu trong chính bản văn.

Đó là hai cách nghiên cứu một bản văn, các chuyên viên đã sử dụng chúng và hoàn chỉnh chúng. Dưới đây ta sẽ xem họ đã sử dụng chúng như thế nào.

I. PHÂN TÍCH LỊCH SỬ :

Khi đọc bức thư của bà cô, bạn đặt câu hỏi "bà muốn nói điều gì đây ?", và để trả lời, bạn đặt bức thư vào đời sống hiện tại hoặc quá khứ của bà.

Đó cũng là câu hỏi chúng ta đặt cho một bản văn Thánh kinh : "Luca muốn nói gì? Tác giả sách Sáng thế muốn nói gì?".

Nhưng sự việc hơi phức tạp hơn. Phần bạn thì đã hiểu rõ bà cô của bạn. Nhưng chúng tôi thì không hiểu bà ; nếu tôi đọc bức thư ấy, tôi sẽ dựa vào chữ viết, vào những câu ám chỉ và tâm trạng bà biểu lộ để đoán bà bao nhiêu tuổi, môi trường sống như thế nào, muốn nói những gì v.v... nghĩa là từ hình dung mà tôi tạo ra về một con người, tôi sẽ giải thích bức thư của người ấy. Tôi phải biết rằng làm cách đó thì có phần mạo hiểm : vì tôi tạo ra một con người từ một bản văn, thế rồi sau đó tôi giải nghĩa bản văn từ hình dung về con người ấy.

Cũng tương tự như vậy, chúng ta chỉ biết Luca và tác giả sách Sáng thế qua những bản văn của họ. Do đó phải tiến hành cách thận trọng và không ngừng kiểm tra điều ta xác định.

1) Làm thế nào để đặt tác giả vào môi trường của ông ?

Việc nầy rất dễ đối với trường hợp bà cô vì bà thuộc thời đại của chúng ta. Dù vậy trong thư bà có nói tới trận đại chiến 14-18 thì tôi phải liên hệ với những gì tôi đã biết về cuộc chiến ấy. Đối với các sách trong Thánh kinh thì lại càng khó hơn nữa vì chúng được viết cách nay hai ba nghìn năm. Để đặt chúng vào môi trường, ta cần lưu ý những điểm sau:

- Tìm hiểu lịch sử dựa vào những gì được viết trong Thánh kinh, nhưng cũng phải dựa vào những tư liệu của các dân khác.

- Tìm hiểu văn chương thời đó : những người Do thái thời lưu đày bên Babylone đã dựa vào những huyền thoại vùng Lưỡng Hà Địa để trình bày tư tưởng của họ ; những người Do thái thời Đức Giêsu có những cách thức riêng để diễn giải một đoạn sách thánh...

- Tìm hiểu khoa Khảo cổ : thành Giêricô đã điêu tàn khi Giôsuê chiếm nó ; đã tìm thấy ở Giêrusalem một ao nước có 5 cửa mà Tin mừng có nói tới...

Dĩ nhiên những việc trên dành cho các chuyên viên. Nhưng cũng may là họ đã tốt bụng cho chúng ta được biết những kết quả vững chắc nhất mà họ đã tìm ra. Bạn có thể đọc chúng trong rất nhiều tác phẩm nổi danh, nhất là trong những bài dẫn nhập và những ghi chú trong ấn bản Thánh kinh (nhất là TOB và BJ).

2) Làm thế nào để đặt một bài tường thuật vào môi trường của nó ?

Chúng ta hay tưởng rằng tác giả của một bài tường thuật cũng giống như một chiếc máy ghi âm. Khi mở máy ra ta sẽ nghe lại chính xác những sự việc và những lời nói đã xảy ra. Sự thật không phải vậy : tác giả vừa thuật sự việc, vừa phản ánh sinh hoạt của ông và của thời đại ông. Hãy lấy vài thí dụ:

Luther đã sống vào thế kỷ XVI. Ta hãy đọc hai quyển sách đều của người Công giáo viết về ông. Một quyển viết khoảng năm 1900 và một quyển mới viết. Quyển thứ nhất viết đại khái như sau : Luther là một thầy tu hồi tục, đi quyến rũ một nữ tu, và do tính kiêu căng, ông đã đưa Âu châu và Giáo hội vào vòng máu lửa... Còn quyển thứ hai thì viết đại khái : Luther cũng có những yếu đuối như bất cứ ai trong chúng ta, nhưng ông là một tu sĩ rất say mê Thiên Chúa, luôn nghĩ đến việc cứu độ các linh hồn ; ông thấy rằng Giáo hội cần phải canh tân và trở về nguồn Thánh kinh ; tiếc thay ông đã bị loại ra khỏi Giáo hội... Trong hai quyển sách ấy, chúng ta được biết nhiều điều về Luther, nhưng nhất là ta thấy được tinh thần đại kết của những người Công giáo vào năm 1900 và vào thời đại bây giờ khác xa nhau đến chừng nào !

Cũng như cặp vợ chồng già kia thuật lại cuộc hôn nhân của họ vào buổi chiều ngày lễ vàng hôn phối. Muốn hiểu, tôi phải đặt lại cuộc hôn nhân này vào bối cảnh năm 1940, nhưng cũng phải đặt nó vào bối cảnh năm 1990 nữa. Bởi vì họ thuật chuyện theo ánh sáng của cả năm 1940 lẫn của năm 1990.

Cũng thế tác giả Thánh kinh thuật chuyện Abraham, nếu ông viết trong thời thịnh vượng của Đavít thì ông sẽ viết không giống như nếu ông viết 500 năm sau đó lúc đang bị lưu đày bên Babylone. Những lời nói của Đức Giêsu phải được hiểu theo ánh sáng lịch sử của những năm 30, nhưng cũng phải theo ánh sáng của sinh hoạt các giáo đoàn vào những năm 80 hoặc 90 là những giáo đoàn đã viết ra chúng.

Tóm lại : khái quát lộ trình của phương pháp phân tích lịch sử là : đặt một bản văn trở lại vào lịch sử của nó để có thể thấy được tác giả muốn nói gì (người ta cũng gọi phương pháp này là "lịch sử/phê bình" nghĩa là có phần phê bình riêng trong khi đặt bản văn trở lại vào lịch sử).

3) Phân tích duy vật :

"Đấy là một cách phản ứng của môi trường" chúng ta nghĩ thế khi đọc một câu trong bức thư của bà cô. Nghĩa là khi chúng ta nói, chúng ta tưởng là chúng ta đang nói, nhưng thực ra là chính môi trường và nền giáo dục của chúng ta nói qua chúng ta.

Phương pháp phân tích duy vật đặt bản văn trở lại vào lịch sử của nó vì cho rằng bản văn là sản phẩm của những điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị của thời đó.

II. PHÂN TÍCH CƠ CẤU :

Ta dùng lại thí dụ bức thư của bà cô. Trước một câu khó hiểu, ta dừng lại một lúc để sắp xếp những yếu tố của câu ấy (chủ từ, động từ, túc từ v.v...) nhờ đó ta sẽ hiểu được ý nghĩa của câu.

Từ đầu thế kỷ XX, một khoa mới đã sinh ra, đó là khoa Dấu chỉ học (sémiothique: từ chữ Hy Lạp sémeion nghĩa là "dấu chỉ"), nhằm nghiên cứu ý nghĩa những dấu chỉ trong các yếu tố của ngôn ngữ. Các chuyên viên khoa nầy cho biết rằng ngoài ngữ pháp của câu, còn có ngữ pháp của bản văn nữa. Khi viết một câu ta phải để ý tới những quy tắc ngữ pháp, và khi viết cả một bài, ta cũng phải để ý tới những quy tắc ngữ pháp ấy (về thể loại thư tín, tường thuật v.v...).

Một trong những nét đặc thù của phương pháp nầy là : với phương pháp phân tích lịch sử, ta ra khỏi bản văn để giải nghĩa nó theo ánh sáng của điều tác giả muốn nói ; còn với phương pháp phân tích cơ cấu này, ta không ra khỏi bản văn, nhưng nghiên cứu trong chính bản văn và không cần quan tâm tới những ý hướng của tác giả ("tác giả đã chết !"). Ta mổ xẻ bản văn đủ mọi khía cạnh, nhưng đồng thời phải quên đi những gì ta đã biết trước về bản văn, phải gạt sang một bên điều mà ta muốn tìm, để chỉ tập chú vào một mình bản văn. Vì thế phương pháp nầy rất khách quan.

Một nhóm người đi dạo trong rừng. Có người thích nấm nên chỉ thấy nấm, đối với anh, rừng chỉ toàn là nấm ! Thế nhưng bạn của anh không thích nấm nên chẳng thấy nấm gì cả mà còn đạp nát chúng. Đối với anh nầy, rừng là chim, là cây, là đá, là hoa v.v... Cũng thế, khi chúng ta đọc một bản văn, thì một cách vô thức ta đã có sẵn một ý tưởng : chẳng hạn ta muốn tìm trong bản văn một lời khuyên, một trợ lực. Rồi ta mải mê tìm điều đó và chỉ thấy mỗi điều đó. Chính vì thế mà rất nhiều khi chúng ta không hiểu nhau. Giả sử như nhóm bạn kia khởi sự tham quan tổng quát toàn khu rừng và mở mắt quan sát tất cả nào nấm, nào chim, nào cây, nào hoa, nào đá... Sau đó, nếu ai thích thì làm một đợt tham quan thứ hai, người xem nấm, kẻ xem chim v.v... thì họ sẽ không nói rằng : "rừng chỉ toàn là nấm" hay "rừng chỉ toàn là chim".

Ích lợi của phương pháp phân tích cơ cấu, dù chỉ được sử dụng một cách rất thô sơ, là buộc chúng ta phải khảo sát bản văn dưới càng nhiều khía cạnh càng tốt, đồng thời quên đi quan điểm riêng có trước của chúng ta, để tập chú vào một mình bản văn. Sau đó ta có thể trở lại xem xét một khía cạnh nào đó, nhưng vẫn biết rằng còn có những khía cạnh khác nữa.

III. MỘT DỤ NGÔN :

Bây giờ ta hãy dùng một dụ ngôn để tóm lược những điều vừa nói trên. Tôi và một người bạn nghe một đĩa nhạc giao hưởng của Mozart. Mỗi người trong chúng tôi nghe khác nhau : tôi thấy bản nhạc ấy vui, còn bạn tôi lại thấy nó buồn. Đó là vì mỗi người nghe theo tâm trạng của mình lúc đó và phải tâm trạng mình vào bản nhạc : "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Vì cách giải thích của chúng tôi quá khác biệt, cho nên để đi đến nhất trí thì chúng tôi phải nghiên cứu. Chúng tôi lấy một đoạn nhạc và nghiên cứu những nhịp, những lúc nhạc cụ này, nhạc cụ nọ nhập cuộc... Sau đó chúng tôi mở một quyển sách viết về Mozart để tìm hiểu xem ông muốn thể hiện gì qua bản giao hưởng ấy. Với hai phương pháp ấy, chúng tôi khám phá rất nhiều điều, loại trừ đi rất nhiều giải thích cá nhân chủ quan. Thật là hay. Tuy nhiên một bản giao hưởng được viết ra không phải để được nghiên cứu, mà để được nghe !

Vì thế chúng tôi mở máy ra nghe lại lần nữa. Việc nghiên cứu trước sẽ giúp chúng tôi nghe hay hơn, nhưng bây giờ chúng tôi tạm quên đi những gì đã nghiên cứu mà chỉ thả hồn lắng nghe thưởng thức bản nhạc. Chúng tôi tìm được một cảm hứng mới cho cuộc đời. Đây mới là điều chủ yếu.

Trong dụ ngôn trên, bạn thay chữ "nghe" bằng chữ "đọc", thay "bản nhạc" bằng "quyển sách" thì bạn sẽ có được điểm cốt yếu mà chúng tôi muốn nói với bạn trong bài nầy.

 

"HỘP ĐỒ NGHỀ"

 

I. TIẾP XÚC SƠ KHỞI :

Hãy đọc bản văn. Ghi ra những phản ứng tự nhiên bộc phát: điều gì đánh động bạn, điều gì làm bạn thích, điều gì làm bạn ngạc nhiên, điều gì làm bạn thắc mắc...

II. NGHIÊN CỨU BẢN VĂN :

1) Chính bản văn :

Hãy đọc lại bản văn, nhưng đừng để ý tới những ghi chú của quyển Thánh kinh. Nếu bản văn không dài quá thì hãy chép ra. Hãy tìm (nếu cần thì dùng những bút chì màu gạch dưới):

- Những từ hoặc nhóm từ lặp đi lặp lại tương ứng nhau, đối nghịch nhau...

- Những vai (nhân vật hoặc sự vật) : chúng làm gì ? nói gì ? điều gì xảy ra cho chúng ?

- Những nơi, những sự di chuyển : một số nơi có liên hệ đặc biệt với một nhân vật hay một ý tưởng nào đó không ?

- Những thì của các động từ, những chỉ dẫn khác...

Dựa trên những chi tiết vừa khám phá, bạn hãy tìm xem điều gì đang diễn ra trong bản văn : ai (hoặc cái gì) làm hoặc tìm ai (hoặc cái gì) giúp cho việc làm hoặc cuộc tìm kiếm đó ? Ai (hoặc cái gì) cản trở việc ấy ? để ý xem có biến chuyển nào không từ đầu cho tới cuối bản văn : biến chuyển của ai (của cái gì) ? biến chuyển thế nào ? biến chuyển qua mấy giai đoạn ? biến chuyển nhờ ai (hoặc nhờ gì) ?

2) Đặt bản văn vào văn mạch :

Bản văn này thuộc về một chương, một phần, một quyển sách ? chỗ đứng của nó trong văn mạch ra sao ? nó mang lại điều gì cho văn mạch ?

3) Đặt bản văn vào thời của nó :

Bây giờ bạn dùng những bài dẫn nhập và những ghi chú của quyển Thánh kinh để trả lời những câu hỏi sau đây :

- Bản văn này được viết vào thời nào ? hoàn cảnh của dân tộc hoặc của tác giả lúc ấy ra sao ?

- Một số từ hoặc nhóm từ có mang một ý nghĩa đặc biệt nào không vào thời đó ?

- Bản văn này thuộc văn thể nào ?

- Thời đó có những bản văn nào tương tự không trong Thánh kinh hoặc ngoài Thánh kinh : bản văn Cựu ước này có nói lại những chủ đề Thánh kinh không ? Hãy nói lại những chủ đề quen thuộc của văn chương Ai cập hoặc Lưỡng Hà Địa ? những điểm nào giống nhau và khác nhau ? bản văn này của Tân ước có nói lại những chủ đề Do thái của thời Đức Giêsu không ? hay của những bản văn Cựu ước ? trong trường hợp này nó được soi sáng nhờ những bản văn ấy thế nào ?

- Nếu trong Thánh kinh có những bản văn tương tự, nhất là đối với các sách Tin mừng (bạn hãy xem những quy chiếu in bên lề trang sách Thánh kinh), bạn hãy so sánh chúng : những điểm nào giống nhau và khác nhau ? những điểm ấy có giúp bạn hiểu bản văn rõ hơn không ?

- Bản văn này được viết bởi một giáo đoàn và cho một giáo đoàn. Vậy ai nói với ai ? nhằm trả lời cho câu hỏi nào ?

4) Kiểm tra :

Xem lại những câu hỏi ban đầu: bạn có thể trả lời chúng không ?

III. ĐỌC BẢN VĂN :

Bây giờ bạn bỏ sang một bên những gì đã nghiên cứu được, và cả cái "hộp đồ nghề" nữa. Bạn đọc bản văn : nó nói gì với bạn ? nó giúp gì cho cuộc sống bạn ?