Bài 4

MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI ĐỊA DƯ CỦA NÓ

 

Nhìn vào bản đồ Trung Đông, ta thấy ngoài đất liền có biển và sa mạc. Trong phần đất liền, nhiều nền văn minh đã phát sinh và phát triển ở ba vùng chính:

I. NHỮNG NỀN VĂN MINH LỚN :

Ở mạn Nam, trong lưu vực sông Nil, từ 3000 năm trước cn, AI CẬP đã là một dân tộc quan trọng dưới quyền cai trị của các triều đại Pharaon. Thủ đô khi thì ở miền Bắc (Memphis), khi thì ở miền Nam (Thèbes). Lịch sử Ai cập được tính theo các triều đại. Chẳng hạn như cuộc xuất hành xảy ra có lẽ vào triều đại thứ 19 (khoảng 1250).

Ở mạn Bắc, sống trên các cao nguyên Tiểu Á là dân HITTITES. Họ rất hùng mạnh trong khoảng 1500 năm, nhưng đã biến mất vào thời Thánh kinh.

Ở mạn Đông là vùng LƯỠNG HÀ ĐỊA (Mésopotamie, tiếng Hy Lạp mésos potamos nghĩa là "giữa hai giòng sông"). Vùng nầy còn được gọi là "Lưỡi liềm phì nhiêu". Ở đấy nhiều nền văn minh sáng chói đã sát cánh nhau hoặc nối tiếp nhau, sau đấy biến mất để rồi vài thế kỷ sau lại tái xuất hiện. Trong số đó đặc biệt ở miền Nam có các dân SUMER, AKKADBABYLONE; ở miền Bắc có dân ASSYRIA. Đây là lãnh thổ của nước Irak ngày nay. Xa hơn về phía Đông, trong lãnh thổ nước Iran ngày nay, là dân MÈDES, kế đó là dân BA .

Nhiều dân khác sẽ đến từ mạn Tây (châu Âu ngày nay), xâm chiếm Trung Đông như : HY LẠP, (3 thế kỷ trước cn), ROMA (1 thế kỷ trước cn).

Điều gì xảy ra khi các dân tộc lớn sống cạnh nhau ? Dĩ nhiên là họ sẽ đánh nhau ! "Khi mùa Xuân trở lại, các vua lên đường chinh chiến..." Thánh kinh đã viết như thế. Nhưng để đánh nhau thì phải gặp nhau hoặc đi gặp đối phương, và do đó phải dùng hành lang giữa Địa Trung Hải và sa mạc Arabia.

Rủi thay dân tộc nhỏ bé mà chúng ta quan tâm, dân Israel, lại ở ngay hành lang hẹp đó. Thế mới hiểu vì sao cuộc sống của họ phải lệ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của các dân tộc khác. Họ là một vùng trái độn giữa những thế lực lớn, họ được dùng làm tiền đồn khi thì cho thế lực này, khi thì cho thế lực khác, và do đó họ cũng thường xuyên bị cám dỗ thoả hiệp với nước này nước khác.

II. CANAAN :

Trong Thánh kinh (và trong những bản văn ngoài Thánh kinh), chữ "Canaan" có khi là một xứ, có khi là một dân.

Xứ Canaan đại khái là miền Palestina ngày nay. Nó được cắt dọc thành nhiều vùng :

- Dọc theo bờ Địa Trung Hải là vùng duyên hải có ngọn núi Carmel cắt ngang.

- Vùng ở giữa gồm nhiều cao nguyên (Galilêa) và nhiều đồi (Samaria, Giuđa).

- Vùng phía Tây là lưu vực sông Giođan. Sông này bắt nguồn ở chân núi Hermon ở mức 200m trên mực nước biển, chảy tới hồ Hulê thì nó còn 68m, nhưng khi tới hồ Tibéria thì đã - 212m dưới mực nước biển và khi đổ vào Biển Chết thì độ thấp là - 392m.

Chính trong xứ Canaan này, vào thế kỷ XII trước cn có nhiều chi tộc sinh sống, rồi tới khoảng năm 1000, họ trở thành vương quốc của Đavít - Salômon. Khi Salômon băng hà, vương quốc tách đôi thành vương quốc Giuđa ở miền Nam với thủ đô là Giêrusalem, và vương quốc Israel ở miền Bắc với thủ đô là Samaria.

Cũng vào khoảng thế kỷ XII, dân PHILITINH chiếm cứ vùng duyên hải Địa Trung Hải ở mạn Nam. Vài thế kỷ trước cn, người Hy Lạp sẽ lấy tên của dân ấy mà đặt cho xứ này : xứ Palestina, nghĩa là "xứ của dân Philitinh".

Có một vương quốc nhỏ khác sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Israel, đó là ĐAMAS.

Thế mới biết lịch sử Israel phải tuỳ thuộc vào những dân khác đến mức nào. Bây giờ chúng ta hãy xem tư tưởng và não trạng của Israel bị ảnh hưởng thế nào bởi những nền văn minh khác.