Bài 5

MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI NÃO TRẠNG TRUNG ĐÔNG

 

Trong suốt dòng lịch sử của mình, Israel luôn tiếp xúc với những dân láng giềng và học biết nhiều kiệt tác văn chương của họ. Chúng ta sẽ có dịp đọc vài trích đoạn. Còn bây giờ ta hãy nói qua về những nền văn minh ấy.

I. NÃO TRẠNG AI CẬP :

Người Ai cập sống trong vùng đất đầy ánh sáng ; nếu như họ cảm thấy lo âu khi thấy Mặt trời biến mất buổi chiều, thì kinh nghiệm đã cho họ biết rằng Mặt trời sẽ lại xuất hiện mỗi buổi sáng sau khi đã chiến thắng các thế lực của đêm tối. Do đó Mặt trời được họ coi là Thần đệ nhất trên các thần, và được họ đặt cho nhiều tên. Chính Mặt trời sinh ra các thần khác và con người. Trong khung dưới đây ta có thể đọc vài câu trong bài thánh thi tán dương Thần Mặt trời, được Pharaon Akkhénaton soạn khoảng năm 1350 ; tác giả Thánh vịnh 104 chắc đã lấy ý từ bài thánh thi ấy.

Sông Nil có những đợt thuỷ triều vào những ngày nhất định, mang phù sa và nước uống cho cuộc sống.

Do sống trong một thiên nhiên ưu đãi như vậy nên người Ai cập tự nhiên có tính lạc quan ; các thần của họ đều tốt, chăm sóc loài người. Sau cái chết là một cuộc sống mới huy hoàng sẵn chờ người tín hữu.

 

THÁNH THI TÁN DƯƠNG THẦN MẶT TRỜI ATON

Đây là một bài thơ tôn giáo của Ai cập, do Pharaon Akhénaton soạn.

Sau đây là trích một vài câu:

Ngài hiện lên hùng vĩ ở chân trời

Như dĩa lửa, nguồn phát sinh sự sống

Ở trời đông, lúc Ngài xuất hiện,

Ánh hào quang lan toả khắp nơi nơi.

Bên trời tây khi Ngài lặn xuống

Màn đen tối bao phủ địa cầu...

Và đây là trích vài câu của Tv 104, để bạn so sánh :

Ôi lạy Chúa muôn trùng cao cả

Áo Ngài mặc, toàn oai phong lẫm liệt

Cẩm bào Ngài : muôn vạn ánh hào quang...

Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết

Dạy mặt trời lặn xuống đúng thời gian

Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối...

 

II. NÃO TRẠNG LƯỠNG HÀ ĐỊA

Xét chung, ngược với não trạng Ai cập, não trạng Lưỡng hà địa mang tính bi quan. Cư dân vùng này thường gặp những đợt thuỷ triều thất thường, đôi khi gây lụt lội. Hơn nữa, thường có những đợt xâm lăng của các sắc dân du mục từ sa mạc Arabia hoặc từ những cao nguyên Iran. Vì thế các thần của họ cách chung có tính khí thất thường, luôn đánh nhau ; con người là một sinh vật khả tử luôn sợ hãi tìm cách khỏi bị các thần giận dữ xuống tay hành hạ. Các thần "đã ban cái chết làm gia tài cho con người" (Anh hùng ca Gilgamesh) và "đã lấy dối trá nhào nặn nên con người". Nơi cư ngụ sau khi chết rất là buồn thảm, đó là nơi tụ tập của những hồn ma bóng quế chập chờn chẳng có gì vui thú.

Sau đây là một số huyền thoại mà ta sẽ có dịp đọc vài trích đoạn :

- Anh hùng ca Atra-Hasis (nghĩa là: "Đấng rất khôn ngoan" : một bản chép được tìm thấy ở Babylone, chép năm 1600 trước cn. Đây là một bài thơ dài 1645 dòng, mô tả các thần vì phải nô dịch vất vả nên mỏi mệt, bèn quyết định tạo dựng con người để bắt nó làm việc thế cho họ. Họ đã lấy bùn trộn với máu của một vị thần bị bóp cổ chết rồi nhào nặn thành con người. Nhưng loài người sinh sản thêm đông, gây ồn ào làm cho các thần bực bội. Các thần bèn giáng xuống loài người nhiều tai ương và cuối cùng giáng một trận hồng thuỷ. Nhưng thần Êa đã mật báo cho một người đóng một chiếc tàu cứu được cả gia đình và các thú vật mỗi loại một cặp.

- Thi ca Enouma Elish (nghĩa là: "xưa kia ở trên cao"): đây cũng là một tài liệu rất cổ ; hình thức như hiện nay của nó có lẽ được viết khoảng năm 1100 trước cn. Thuở ban đầu có 2 nguyên lý phái tính là Apsou (nước ngọt) và Tiâmat (nước mặn, từ chữ "Tiâmat" nầy sinh ra chữ tehom ở St 1,2 nghĩa là "vực thẳm"). Từ hai nguyên lý đó sinh ra tất cả các thần. Nhưng vì các thần quấy rầy quá nên Tiâmat muốn giết họ chết hết. Tuy nhiên thần Marduk đã thắng Tiâmat và chặt bà làm đôi như một chiếc vỏ sò rồi lấy đó tạo thành vòm trời. Tiếp đó Marduk lấy máu của một thần phản loạn tạo nên con người...

- Anh hùng ca Gilgamesh : đây có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của văn chương Lưỡng Hà Địa thời cổ. Thiên anh hùng ca này sinh ra tại Sumer rồi phổ biến trong khoảng 1 thiên niên kỷ sang Assyria và Babylone ; nó còn được chép lại ở Palestina và nơi dân Hittites. Dưới hình thức như hiện nay, nó gồm 12 ca khúc. Gilgamesh là một vị anh hùng của Sumer, nhưng tính khí hiên ngang của chàng làm cho các thần khó chịu. Các thần bèn xúi một quái nhân sống với dã thú tên là Enkidu chống lại chàng. Nhưng Enkidu được một thiếu nữ cảm hoá và trở thành bạn của Gilgamesh, cả hai đã làm được nhiều kỳ công. Rồi một ngày kia Enkidu chết, Gilgamesh chợt khám phá sự độc dữ của cái chết và chàng ra đi tìm sự trường sinh bất tử. Vị anh hùng Bão lụt chỉ cho chàng biết bí mật của cây trường sinh. Gilgamesh đã lấy được cây trường sinh, nhưng lại bị một con rắn cướp mất. Thế là Gigamesh đành phải chấp nhận chết...

 

BÀI THƠ TẠO DỰNG CỦA BABYLONE

Thi ca Enouma Elish thuật rằng các thần được sinh ra bởi Apsou nguyên lý đực, và Tiâmat nguyên lý cái. Vì các thần quấy rầy mình nên Tiâmat muốn giết chết họ. Các thần liền trao quyền cho thần Marduk (thần của Babylone). Với sự trợ lực của các thần kia, Marduk giết được Tiâmat, và lấy xác bà mà tạo thành thế giới ! Ta có thể so sánh thi ca này với tường thuật của St 1 và với huyền thoại dưới đây của người Ai cập.

 

... VÀ CỦA AI CẬP :

Chou là thần không khí. Hai đứa con của ông là Nout (con gái) và Geb (con trai) dính với nhau. Chou đã tách Nout ra thành vòm trời và tách Geb ra thành trái đất (một chỉ cảo Ai cập khoảng giữa các năm 1100-950 trước cn).

Một thánh thi, viết khoảng 1400 trước cn, tán dương thần Mặt trời Amon đã thức suốt đêm để coi sóc cho loài người ngủ yên. Vì thế loài người đã coi Amon là Cha của các thần.

 

III. TƯ TƯỞNG CANAAN :

Người ta biết nhiều hơn về tư tưởng Canaan từ khi khai quật được (năm 1929) thư viện của thành Ugarit, tức là Ras Shamra ở Syria hiện nay. Đỉnh cao của nền văn minh Uragit này là khoảng năm 1500 trước cn, tức là thời các tổ phụ.

Vị thần chính có tên là El, thường được hình dung bằng hình con bò tót (đây cũng là một trong những tên của Thiên Chúa. Trong Thánh kinh là Élohim, tức là số nhiều trang trọng của chữ El). Tôn giáo Canaan thờ những sức mạnh của thiên nhiên được thần thánh hoá như : Baal là thần Bão và mưa (đôi khi được mô tả là "Đấng cưỡi mây", cũng như Thiên Chúa trong Thánh vịnh 68,5), Anat em gái của Baal là thần Chiến tranh, tình yêu và sinh sản (về sau nữ thần này được gọi là Astarté).

Vương quốc Israel sẽ bị cám dỗ chạy theo thứ tôn giáo Canaan này, cũng như theo các hình thức tế tự đầy màu sắc phái tính dâng lên tượng nữ thần trần truồng được đặt ở những "nơi cao", và cử hành nhiều lễ nghi cầu xin cho đất đai và súc vật sinh sản nhiều.

 

IV. NÃO TRẠNG THÁNH KINH :

Chúng ta sẽ khám phá não trạng này khi đọc trọn tập tài liệu này. Còn bây giờ chỉ xin nêu ra một nét cơ bản khiến nó khác với những não trạng mà ta đã đề cập ở trước.

Shema Israel, Adonai hédad ! "nghe đây hỡi Israel. Đức Chúa là độc nhất !". Công thức này trong Đnl 6,4 tóm lược điểm chủ yếu của đức tin Israrel. Israel ý thức rằng chính Thiên Chúa gọi họ, và họ đáp lời Ngài bằng yêu thương. Để minh hoạ, ta có thể vẽ tư tưởng huyền thoại bằng một vòng cung khởi đi từ con người và trở lại với con người: con người phóng sang cõi bên kia một vị thần, rồi dùng nghi lễ để "chế ngự" thần và bắt thần phải phục vụ con người.

Thần

Nghi lễ

Con người

Còn trong Thánh kinh thì vòng cung đảo ngược lại : chính Thiên Chúa mời gọi con người và con người đáp lời. Nghi lễ trở thành cách bày tỏ sự đáp lời.

Thiên Chúa

Nghi lễ

Con người

Nghi lễ có thể như nhau nhưng ý nghĩa thì khác. Chẳng hạn đứa con dâng bó hoa cho mẹ để được cho phép đi xinê, hoàn toàn không giống với cũng đứa con đó dâng một bó hoa y như thế cho mẹ vào dịp Lễ các Bà Mẹ. Trong trường hợp sau, dâng hoa là một cử chỉ tự nguyện để biểu lộ tấm lòng đứa con đáp lại tình yêu của mẹ. Đó là một nghi lễ biết ơn. Đấy cũng là tâm tình căn bản của Thánh lễ Tạ ơn mà chúng ta sẽ có dịp nói tới.

 

NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ THIÊN NHIÊN Ở

CANAAN

Một bài thơ tìm thấy ở Ugarit ca tụng thần Baal và thần Môt. Baal là thần Bão và mưa, Môt là thần Chết. Như vậy bài thơ này đề cập tới một vấn đề ray rứt. Đó là vấn đề về sự phì nhiêu của đất đai : thần Baal phục vụ con người bằng cách làm mưa xuống cho đất đai phì nhiêu. Nhưng thần Môt nuốt hết nước xuống đất (thần Môt ở phía dưới mặt đất). Thế thì nước có thể bị giam mãi dưới đất để sinh ra hạn hán chăng ? Bài thơ này đưa câu trả lời : Thần tối cao El sẽ cho Baal tái sinh, và sẽ lại có mưa.

Trong Thánh kinh ta gặp thấy công thức "đất chảy ra sữa và mật" (chẳng hạn Xh 3,8).

 

HUYỀN THOẠI

Nhiều lần chúng ta đã gặp chữ "huyền thoại". Vậy nó là gì ?

Đó là những câu chuyện tưởng tượng với các vai là thần nam, thần nữ và những vị anh hùng. Thoạt mới đọc, ta thấy lúng túng, khó chịu, nhưng liền sau đó ta thấy bị cuốn hút vì biết trong đó có những vấn đề lớn, vốn nằm trong tâm tư ta được đề cập và khai triển: thế giới bởi đâu mà có ? tại sao nam nữ thu hút nhau ? con người và thần thánh liên hệ với nhau thế nào ?

Chỉ có điều là thay vì bàn những vấn đề ấy bằng những bài viết đầy trí thức và khó hiểu như nhiều người thời nay, thì huyền thoại bàn chúng bằng những "chuyện hoạt hoạ".

Ta hãy lấy một thí dụ thời nay : thi hoa hậu. Sống trong thời đại không còn vương quyền nữa, người ta bầu một người đẹp lên làm hoàng hậu ; cuộc sống hiện nay mang nhiều buồn chán thế mà người ta cho hoàng hậu này đội vương miện, nhận biết bao món quà... Tất cả những chi tiết trên khiến cho cuộc bầu hoa hậu mang vẻ của một thế giới khác, một thế giới trong mơ, không có thực. Nhưng đấy là biểu lộ ước muốn của mọi phụ nữ : muốn đẹp, muốn giàu, muốn thành công ; và cũng biểu lộ ước muốn của mọi người nam : muốn ngắm nhìn sắc đẹp phụ nữ. Thế nhưng cũng có một tác dụng nghịch là huyền thoại có thể khiến người ta bị tha hoá, không còn tự do, không còn là mình nữa. Chẳng hạn có nhiều thiếu nữ cố bắt chước kiểu tóc của hoa hậu và ráng làm sao cho thân mình có những kích thước như hoa hậu, trong khi điều đó không thích hợp với dáng người của họ.

Nói một cách đơn giản tối đa, huyền thoại lấy một vấn đề trong tâm tư chúng ta rồi phóng ra ngoài dưới dạng một câu chuyện, trong một thế giới không có thực, trong một thời gian-trước-mọi-thời-gian, tức là thời gian của các vị thần khi mà con người chưa có. Thực ra câu chuyện ấy về các vị thần chính là câu chuyện của chúng ta, đã được chuyển dịch để trở thành mẫu mực cho người ta bắt chước.

Chẳng hạn con người không hiểu tại sao hai phái nam và nữ lại thu hút nhau như thế, và làm cách nào để sinh sản đông đúc. Thế là con người tưởng tượng ra một thế giới siêu thời gian, trong đó các thần nam và các thần nữ yêu nhau, giao hợp với nhau và sinh sản ; nếu các vị thần ấy mà sinh sản nhiều thì đất đai và súc vật của con người cũng sinh sản nhiều, bởi vì các thần ấy chỉ là phóng thể không có thực của cuộc sống con người. Vì thế phải làm sao buộc các vị ấy sinh sản cho nhiều : những nghi lễ là nhằm mục đích ép các vị ấy giao hợp nhau. Theo chiều hướng đó, việc giao hợp với các "đĩ thánh" ở Babylone hoặc các "nơi cao" trong xứ Canaan không phải là điều truỵ lạc mà chính là một nghi lễ tôn giáo nhằm làm cho đất đai sinh sản phì nhiêu.

Như thế, tất cả các huyền thoại đều cực kỳ trang nghiêm : chúng là suy tư đầu tiên của nhân loại. Có thế ta mới hiểu tại sao Thánh kinh lại dùng ngôn ngữ huyền thoại để diễn tả tư tưởng riêng của mình. Nhưng Thánh kinh thay đổi thứ ngôn ngữ đó. Nói cách đơn giản, thì cũng giống như dựa vào một chuyện hoạt hoạ, Thánh kinh viết lại thành một chuyện tâm lý.

Ta hãy đọc thử một chuyện tâm lý : nó viết về một cặp yêu nhau cùng với những niềm vui, nỗi buồn của họ. Thoạt mới đọc thì ta thấy nó cũng giống như một chuyện hoạt hoạ, nhưng thực ra trái ngược hẳn : nó không đưa ta vào cõi mơ mộng mà ngược lại dẫn ta vào cuộc sống thường ngày, bởi vì nó được rút tỉa từ 1001 nhận xét về biết bao cặp yêu nhau. Do đó nó buộc ta phải suy tư về cuộc sống của ta.

Khi Thánh kinh vay mượn những huyền thoại, đặc biệt là trong những bài tường thuật về tạo dựng, Thánh kinh đã suy tư lại để làm sao có thể dùng chúng diễn tả đức tin của mình vào Thiên Chúa độc nhất đã can thiệp vào lịch sử chúng ta và muốn cho con người được tự do.