Bài 6

MỘT NGÀN NĂM LỊCH SỬ

hay là

NHỮNG GIAI ĐOẠN LỚN CỦA ISRAEL

 

I. VƯƠNG QUỐC CỦA ĐAVÍT-SALOMON

Khoảng năm 1000, Đavít chiếm Giêrusalem và đặt nó làm thủ đô của một vương quốc quy tụ các chi tộc cả phía Nam lẫn phía Bắc. Sau đó con ông là Salômon sắp xếp vương quốc ấy.

Thế là có một lãnh thổ, một vua và một Đền thờ nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài.

Đó cũng là lúc bắt đầu sinh hoạt văn chương. Người ta khởi sự viết ra những kỷ niệm quá khứ : xuất hành (biến cố giải phóng khỏi Ai cập) trở thành kinh nghiệm nền tảng giúp người ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng giải phóng, Đấng cứu độ ; người ta cũng viết chuyện các tổ phụ (Abraham, Isaac...) để chứng minh rằng lời Thiên Chúa hứa với Abraham được Đavít thực hiện. Người ta còn truy đến tận lúc khởi nguyên thế giới : nhằm cho thấy rằng Thiên Chúa không chỉ muốn cho một dân tộc mà còn cho cả nhân loại được tự do.

 

II. HAI VƯƠNG QUỐC : GIUĐA VÀ ISRAEL

Sau khi Salômon băng hà, năm 933, vương quốc chia thành hai : phía Nam là vương quốc Giuđa với thủ đô là Giêrusalem, phía Bắc là Israel với thủ đô là Samaria.

Giuđa vẫn trung thành với triều đại Đavít. Vua được coi là người bảo vệ sự thống nhất của nước và là đại diện cho cả nước trước mặt Thiên Chúa, Đấng ở giữa dân Ngài trong đền thờ. Những truyền thống được bắt đầu viết từ thời Đavít-Salomon dần dần trở thành "Lịch sử thánh của Giuđa". Đó cũng là thời rao giảng của các ngôn sứ Isaia và Mikha.

Israel thì dứt khoát hẳn với triều Đavít. Ở Israel, về mặt tôn giáo, vua không được coi trọng bằng. Chính ngôn sứ là người có vai trò tập hợp dân và duy trì đức tin của dân, một đức tin bị đe doạ bởi việc tiếp xúc với tín ngưỡng Canaan thờ những thần Baal. Ở Israel, những truyền thống được bắt đầu viết từ thời Đavít-Salomon dần dần trở thành "Lịch sử thánh của Bắc quốc". Những ngôn sứ rao giảng thời đó là Amos và Hôsê.

Nhiều sưu tập lề luật được thực hiện ở Bắc quốc, sau đó được soạn lại ở Giuđa và trở thành quyển Đệ nhị luật.

Năm 721 vương quốc Israel bị quân Assyria tàn phá.

Năm 587 dân vương quốc Giuđa bị bắt đi đày sang Babylone.

 

III. LƯU ĐÀY Ở BABILONE

Trong vòng nữa thế kỷ, dân phải sống lưu đày. Họ đã bị mất tất cả : lãnh thổ, vua ; phải chăng đức tin vào Thiên Chúa cũng bị mất luôn ? Các ngôn sứ như Êdêkien và một môn đệ của Isaia cố gắng hồi sinh niềm trông cậy của dân ; phần các tư tế thì dạy dân đọc lại những truyền thống của mình để tìm hiểu ý nghĩa của khổ đau hiện tại. Những việc ấy dẫn đến "Lịch sử thánh tư tế".

 

IV. DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA BATƯ

Năm 538 vua Cyrus của Batư phóng thích dân Do thái. Họ hồi hương về Palestina. Họ đã được thanh luyện qua cuộc lưu đày và trở về quê hương sống một cuộc đời nghèo nàn.

Trong vòng 5 thế kỷ trước, dân đã nhiều lần đọc lịch sử của mình để tìm ra ý nghĩa và cậy trông mỗi tình huống lịch sử. Một người tên là Ét-ra, vừa là tư tế vừa là ký lục, đã gom 3 "lịch sử thánh" và quyển "Đệ nhị luật" lại thành một bộ sách duy nhất, gọi là Sách Luật.

Ngoài ra, suy tư của các Hiền sĩ đã bắt đầu có từ thời Salomon và cả trước đó nữa, dần dần đưa tới những tuyệt tác như Gióp, Châm ngôn, Tôbia...

 

V. DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA HY LẠP RỒI RÔMA

Năm 333 vua Alexandre của Hylạp chiếm trọn vùng Trung Đông, đem vào đấy văn hoá và ngôn ngữ Hy lạp.

Năm 167 một kẻ kế vị Alexandre là vua Atiochus ép dân Do thái phải từ bỏ đức tin của họ, nếu không thì bị xử tử. Đó là thời nhiều người chịu tử đạo, và cũng là thời của nhà Macabê. Dân tìm lại được tự do năm 164. Hoàn cảnh thời đó trở thành đề tài suy tư của các tác giả những sách khải huyền : họ mong đợi lúc tận cùng thời gian và khi đó Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp.

Năm 63, đế quốc Rôma chiếm vùng Trung Đông. Vua Hêrôđê cai trị từ năm 40 đến năm 4 trước cn.