Bài 1

ĐỌC BẢN VĂN

Xh 12,1-13,16

 

I. ĐỌC LẦN ĐẦU

Bắt đầu,bạn hãy đọc bản văn này từ đầu tới cuối. Đừng để ý tới những tựa đề và những chú thích trong sách Thánh kinh của bạn. Nếu có từ nào hoặc nhóm từ nào bạn không hiểu rõ lắm cũng không sao, chúng ta sẽ trở lại chúng khi đọc lần thứ hai. Còn bây giờ bạn chỉ đọc bản văn và tự đặt những câu hỏi sau :

- Bản văn nói tới sự việc gì ?

- Nói cách nào ? Cách tường thuật chăng (trong những đoạn nào) ? Đề ra những khoản luật chăng (trong những đoạn nào) ? Hay là tổ chức lễ nghi phụng vụ (trong những đoạn nào) ?

- Sau khi đọc xong, bạn thử đặt tựa đề cho những đoạn mà bạn đã tìm thấy. Điều này, buộc bạn phải xác định văn thể của những đoạn ấy.

 

II. ĐỌC LẦN THỨ HAI

Bây giờ nhờ những chú thích trong sách Thánh kinh, bạn hãy xem kỹ lại một vài điểm.

Những đoạn ấy được viết vào nhiều thời kỳ khác nhau, các chú thích sẽ giúp bạn xác định rõ hơn (TOB 12,1f BJ 12,1e).

Những đoạn ấy là những đoạn văn phụng vụ chỉ cách cử hành lễ nghi để lưu giữ kỷ niệm về biến cố xuất hành, đồng thời cho thấy biến cố ấy có ý nghĩa gì cho cuộc sống hôm nay.

Israel đã mượn hai cuộc lễ có trước họ, nhưng đã thay đổi ý nghĩa để ghép chúng vào một biến cố lịch sử. Quả thực có hai loại lễ : loại thứ nhất có tính cách thiên nhiên và được cử hành mỗi năm, (thí dụ lễ mừng năm mới) ; loại thứ hai có tính cách lịch sử để tưởng niệm một biến cố đã xảy ra một lần trong lịch sử (thí dụ lễ Quốc khánh).

Mỗi năm vào mùa xuân, những người du mục mừng lễ vượt qua : họ ăn thịt chiên và lấy máu nó đánh dấu lên cọc lều để xua đuổi tà thần. Israel đã mượn lại lễ này (12,2-11 và 21.22) nhưng đổi ý nghĩa thành lễ tưởng niệm cuộc Giải phóng (12,25-27) ; (TOB 12,11k và 5,1s BJ 12,1e).

Cũng vào mùa xuân hàng năm, những nông dân mừng lễ bánh không men : họ mừng mùa thu hoạch mới bằng cách xoá sạch mọi dấu vết của mùa cũ. Israel cũng mượn lại lễ này (12,15) nhưng biến nó thành lễ tưởng niệm cuộc Giải phóng (12,17.39 13,3-10); (TOB 12,15 BJ 12,1).

Các Kitô hữu cũng mượn lại hai lễ trên nhưng còn gán thêm ý nghĩa tưởng niệm cuộc Giải phóng chung cục do Đức Kitô.

Israel cũng làm thế đối với tục lệ dâng cái tốt nhất cho thần linh : tức là dâng con đầu lòng của loài vật, đôi khi của cả loài người nữa. Tục lệ này được Israel xem như tưởng niệm cuộc Giải phóng (13,2.14-15) ; (TOB 13,12 BJ 13,11).

 

VĂN THỂ

 

Cùng một sự việc nhưng có thể kể lại nhiều cách. Chẳng hạn cùng một sự việc người thân bị bệnh, nhưng ta kể lại cách khác nhau cho gia đình người ấy, cho bác sĩ hoặc cho nhân viên bảo hiểm xã hội ; và cách kể cũng khác nhau tuỳ theo lúc người ấy còn trong cơn thập tử nhất sinh hay sau khi khỏi bệnh. Đó là những "văn thể" vậy.

Nhưng xâu sa hơn, những "văn thể" ấy tương ứng với những nhu cầu khác nhau trong sinh hoạt của một nhóm. Bất cứ nhóm nào cũng tạo ra một số bản văn. Lấy thí dụ một nhóm chài lưới : họ sẽ tạo ra những bản văn có tính pháp lý (nội quy), những "biểu ngữ" hoặc là những câu ngắn gọn dễ nhớ ("Muốn thư giãn thì hãy đi chài"), những chuyện kể, thậm chí cả những "anh hùng ca"... Rồi cũng có những nghi lễ : ăn mừng, nhậu nhẹt... Cũng thế, xã hội nào cũng cần tạo ra một nền văn chương, quốc gia nào cũng cần có luật, có những cuộc lễ, có những tường thuật về thời quá khứ, những bài ca, những bài thơ...

Vậy thì sự kiện Israel hiện hữu như một dân tộc đã tạo nên một nền văn chương với nhiều thể loại, xin kể ra đây một số:

o Tường thuật :

Cần phải nhắc lại quá khứ để làm cho mọi người có cùng một não trạng chung. Khi nghe những tường thuật về các tổ tiên mình, người ta mới ý thức mình cùng một gia tộc với nhau.

o Anh hùng ca :

Cũng là kể chuyện quá khứ, nhưng nhằm ca tụng các bậc anh hùng và khơi lên anh hùng tính nơi người nghe, mặc dù để đạt mục tiêu đó thì phải điểm tô thêm một số chi tiết.

o Luật :

Nhằm mục đích tổ chức sinh hoạt để có thể sống chung với nhau.

o Phụng vụ nghi lễ :

Để biểu lộ cuộc sống chung ấy, cũng như bữa ăn ngày lễ làm cho gia đình đoàn kết nhau. Vì là những hành vi tín ngưỡng nên chúng còn biểu lộ sự liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.

o Thi ca Thánh vịnh :

Là những cách thức biểu lộ tình cảm và đức tin của dân.

o Sấm ngôn :

Là những lời phán long trọng của Thiên Chúa, chúng nhắc dân về đức tin đích thực.

o Giáo huấn :

Của các ngôn sứ và các tư tế : có thể ở dạng dạy dỗ, có thể ở dạng tường thuật, kể chuyện (dụ ngôn)...

o Những câu khôn ngoan :

Là những suy tư về những vấn đề lớn của loài người như ý nghĩa của sự sống, sự chết, tình yêu, đau khổ...

Phải phân biệt rõ văn thể

Mỗi cách diễn tả (mỗi văn thể) có kiểu sự thật của nó. Ta không nên đọc bài tường thuật tạo dựng (St 1) như một bài dạy khoa học, vì đó là một bài thơ phụng vụ ; cũng không được đọc đoạn văn qua biển như một bài phóng sự trực tiếp (Xh 14) ; nó là một thiên anh hùng ca.

Vì thế, mỗi khi có thể được, ta phải tự hỏi xem bản văn này thuộc văn thể nào và loại sự thật của nó ra sao.

 

 

III. NGHIÊN CỨU XUẤT HÀNH 13,17-14,31 :

Việc nghiên cứu bài tường thuật "Qua biển" sẽ giúp chúng ta khám phá điều được gọi là những truyền thống của Ngũ thư.

 

1) Đọc lần thứ nhất :

Bắt đầu, bạn hãy đọc đoạn này. Thoạt đầu xem ra đó là một bài tường thuật rất liền lạc. Nhưng khi đọc kỹ, bạn sẽ thấy nhiều điều lạ. Chẳng hạn như về "phép lạ" : có khi đó là gió thổi khô biển và quân Ai cập sa lầy trong cát lún ; nhưng khi khác thì Thiên Chúa tách đôi nước biển để cho dân Híp-ri đi qua. Có khi đoạn văn nói chính Thiên Chúa ra tay chiến đấu ; khi khác lại nói Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê và chính ông này ra tay. Bút pháp cũng khác nhau : có khi mô tả rất cụ thể, trình bày Thiên Chúa như một chiến sĩ ra trận, thọc gậy vào bánh xe của các chiến xa (đó là kiểu nói "như nhân", nghĩa là diễn tả Thiên Chúa dưới hình dáng của con người, tiếng Hy lạp là anthropomorphisme), nhưng có khi bút pháp rất trừu tượng, Thiên Chúa phán, và chính Lời của Ngài hành động...

Những nhận xét trên, không riêng gì cho đoạn này mà cho toàn thể bộ Ngũ thư, đã khiến các chuyên viên đưa ra giả thuyết : đây là một tập hợp từ 4 truyền thống (hoặc 4 nguồn tài liệu) thành một tổng tập. Chúng ta sẽ kiểm chứng giả thuyết này.

 

2) Đọc lần thứ hai :

Bây giờ ta tạm đưa vào giả thuyết có 4 nguồn truyền thống, và chép lại bài tường thuật của mỗi truyền thống (ở đây ta chỉ chép có truyền thống Jahviste và truyền thống tư tế mà thôi, tạm bỏ qua 2 truyền thống kia, để đơn giản cho công việc của chúng ta hơn).

 

Truyền thống Jahviste :

 

14,2b Đối diện với Pi-Hakhirot giữa Migdol và biển, đối diện với Baal-Céphon, các ngươi hãy đóng trại ngay đàng trước đó, gần mé biển.

5b Pharaon và bầy tôi đổi lòng với dân. Họ nói "ta đã làm gì vậy, sao lại thả Israel ra đi để chúng khỏi làm tôi ta ?".

6a Ông cho thắng xe trận của ông.

7a Ông lấy 600 xe trận, những xe bảnh nhất.

9ab Quân Ai cập đuổi theo họ và đã kịp họ... trong khi họ đóng trại gần mé Biển gần bên Pi-Hakhirot đối diện với Baal-Céphon.

10 Pharaon sấn lại gần. Con cái Israel ngước mắt lên, và này quân Ai cập tiến lại đằng sau họ và họ khiếp sợ quá đỗi, và con cái Israel đã kêu lên Yavê.

13 Môsê nói với dân "Đừng sợ, cứ đứng yên và nhìn xem việc cứu thoát Yavê sẽ làm cho các ngươi hôm nay, các ngươi sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy lại nữa !

14 Yavê sẽ giao chiến thay cho các ngươi, còn các ngươi, các ngươi chỉ việc làm thinh".

19b Cột mây đã bỏ đàng trước và vòng lại đàng sau

20 Và đến vào giữa doanh trại Ai cập và doanh trại Israel. Và đám mây ấy vừa là tối tăm (cho bên kia) vừa làm rạng sáng đêm tối (cho bên này)

22b Yavê cho cuồng phong phía Đông thổi lại khuấy động biển suốt cả đêm. Ngài làm cho biển thành đất khô ráo.

24 Và xảy ra là vào lối canh sáng, Yavê trên cột lửa và mây ngó sang doanh trại Ai cập và gieo tán loạn trong doanh trại Ai cập.

25 Ngài làm xiêu vẹo bánh xe chúng và chúng phải vất vả mới đẩy xe đi. Bấy giờ quân Ai cập nói với nhau : "ta hãy trốn cho mau khỏi Israel vì Yavê giao chinh với Ai cập hộ chúng".

27b Biển đã trở lại mức cũ vào lúc tảng sáng. Quân Ai Cập chạy ùa cả xuống biển và Yavê xô quân Ai cập lộn nhào trong lòng biển.

30 Trong ngày ấy, Yavê đã cứu Israel thoát tay Ai cập, và Israel đã thấy xác quân Ai cập trên bãi biển.

31 Và Israel đã thấy tay cao cả Yavê tỏ ra trên quân Ai cập và đã kính sợ Yavê. Họ đã tin vào Yavê và Môsê tôi tớ Ngài...

Đọc xong bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau : các vai là ai ? quân Ai cập muốn gì ? chúng có biết cách đạt điều chúng muốn không ? chúng có khả năng đạt được điều đó không ? còn dân Híp-ri, họ muốn gì ? ai giúp họ biết cách đạt điều họ muốn ? ai ban cho họ khả năng ấy ?

Tựu trung, biến cố này như thế nào ?

Bạn hãy gạch dưới những từ lặp đi lặp lại. Phải chăng động từ "thấy" luôn luôn có cùng một ý nghĩa (thấy bằng cặp mắt xác thịt, và thấy bằng đức tin) ? chữ "sợ" có cùng một ý nghĩa chăng trong những câu 10.13 và c.31 (chữ song song với nó trong câu này là chữ nào) ?

Xem ra mục đích của tường thuật Jahviste nầy là cho thấy dân Híp-ri đã đi qua từ loại sợ này sang loại sợ khác như thế nào ? sự chuyển biến này diễn ra thế nào ? điều đó có nghĩa gì đối với đức tin của dân Híp-ri và của chúng ta ?

 

Truyền thống tư tế :

 

13,20 Họ bỏ Sukkot trẩy đi và đã đóng trại ở Etam, đầu mút sa mạc.

21 Và Yavê đi đàng trước họ, ban ngày trên cột mây để dẫn họ trên đường, và ban đêm trên cột lửa để soi sáng trên họ, thành thử họ có thể đi cả ngày lẫn đêm.

22 Ban ngày cột mây và ban đêm cột lửa không hề rời khỏi đàng trước dân.

14,1 Yavê phán bảo Môsê rằng:

2a "Hãy bảo con cái Israel quay lại mà đóng trại.

3 Pharaon sẽ tự nói với mình về con cái Israel "chúng lạc loài trong vùng, đã có sa mạc nhốt chúng lại".

4 Ta sẽ làm cho Pharaon ra chai đá và nó sẽ đuổi theo các ngươi, Ta sẽ được rạng vinh nhân vì Pharaon và quân lính của nó, khiến cho người Ai cập biết được rằng "Ta là Yavê". Và họ đã làm như vậy.

8 Yavê làm cho lòng Pharaon vua Ai cập ra chai đá, và ông đuổi theo con cái Israel, trong khi con cái Israel ra đi, tay giơ cao.

15 Yavê phán với Môsê "tại sao ngươi kêu lên Ta ? Hãy bảo con cái Israel cứ trẩy đi.

16 Còn ngươi, ngươi hãy nâng gậy lên và giơ tay trên biển. Hãy rẽ nó làm hai cho con cái Israel đi vào lòng biển (chân) khô ráo.

17 Phần Ta, này Ta làm cho lòng dân Ai cập ra chai đá để chúng cũng vào theo sau. Ta sẽ được rạng vinh nhân vì Pharaon và quân binh cùng xe trận với kỵ binh của nó.

21a Môsê giơ tay trên biển.

21c Nước đã rẽ làm hai

22 Con cái Israel đi vào lòng biển (chân) khô ráo. Nước đã nên như tường thành cho họ ở tả hữu hai bên.

23 Quân Ai cập thúc đuổi cũng vào theo sau (tất cả ngựa xe của Pharaon cùng với xe và kỵ binh của ông ta) tận trong lòng biển.

26 Yavê phán với Môsê "Hãy giơ tay trên biển cho nước trở lại trên quân Ai cập, trên xe trận và kỵ binh của chúng.

27a Môsê đã giơ tay trên biển

28 Nước đã trở lại và nhận chìm xe trận, kỵ binh và tất cả quân binh của Pharaon trong khi chúng theo sau Israel xuống biển, và chúng không còn một mống nào sót lại.

29 Con cái Israel đã đi trong lòng biển (chân khô ráo). Nước đã trở nên như tường thành cho họ ở tả hữu hai bên.

Ở đây ta thấy chỉ còn có một vai, là ai ? Ngài muốn gì ? Ngài hành động ra sao ? Hãy chú ý những nhóm từ lặp đi lặp lại. Vài nhóm từ có lẽ gây thắc mắc ("Thiên Chúa làm cho lòng người ta ra chai đá"). Nhưng bạn đừng mất giờ suy nghĩ, sau này ta sẽ trở lại.

Điều mà Thiên Chúa muốn tìm là : Ngài được rạng vinh, khiến cho người ta biết Ngài là Chúa. Nhưng "rạng vinh" không phải là "hào quang", thánh Irênê nói : "vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống" ; Thiên Chúa lấy làm vinh quang khi cứu dân Ngài, vì như thế các dân khác sẽ biết Ngài là Thiên Chúa cứu thoát, Thiên Chúa bảo vệ. Nhưng với điều kiện là dân phải để cho Ngài cứu họ, phải trông cậy vào Ngài, làm như thế là họ "thánh hoá danh Thiên Chúa", tức là để cho Ngài tỏ ra Ngài là thánh, là Chúa. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về điểm này khi nghiên cứu ngôn sứ Êdêkiên.

Tựu trung, biến cố này diễn ra thế nào ? Hãy chú ý những sự lặp đi lặp lại : Thiên Chúa ra lệnh và người ta thi hành. Đây là trình tự hay được truyền thống tư tế sử dụng (hãy xem bài tường thuật thứ nhất về cuộc tạo dựng St.1). Ở đây điều quan trọng là Lời của Thiên Chúa, Lời nói gì là sáng tạo ra ngay cái đó. Hãy so sánh "phép lạ" này với Sách Thánh.1 : cũng cùng một chủ đề : Thiên Chúa tách đôi mặt nước và khô ráo lộ ra (Xh 14,16.22.29 và St.1, 9.10).

Điều này có nghĩa gì đối với tường thuật về cuộc qua biển ? và đối với tường thuật về tạo dựng ? (TOB 14,16).

 

NHỮNG TRUYỀN THỐNG CỦA BỘ NGŨ THƯ

Hãy bắt đầu bằng một thí dụ đơn sơ : chúng ta có 4 bản văn khác nhau cùng nói về Đức Giêsu, đó là 4 sách Tin mừng. Biết bao người đã mong muốn tổng hợp chúng lại thành một quyển duy nhất "cuộc đời Đức Giêsu", bằng cách dựa vào một quyển rồi lấy các chi tiết của các quyển kia thêm vào.

Giả sử tôi nhờ một chuyên viên văn chương không biết gì về 4 sách Tin mừng để nghiên cứu quyển "cuộc đời Đức Giêsu" ấy thì chẳng bao lâu ông ta sẽ đánh hơi rằng quyển này không phải do một người viết vì có nhiều lần đổi bút pháp, nhiều bộ ngữ vựng khác nhau v.v...

Rồi ông sẽ đưa giả thuyết rằng quyển này là tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu. Ông sẽ cố gắng phân quyển sách thành nhiều cột để tìm cho ra những nguồn tài liệu khác nhau ấy.

Bây giờ nếu ta so sánh kết quả việc làm của ông với các sách Tin mừng thì chắc chắn sẽ nhận ra hai điều : một là những "chỗ trống". Chẳng hạn Marco và Luca cùng thuật một chuyện, nhưng quyển "Cuộc đời Đức Giêsu" chỉ giữ lại một tường thuật thôi, tường thuật kia đã mất. Hai là có những "sai lầm" : không phải lúc nào cũng dễ nhận ra đoạn này thuộc về Marco hay Luca, cho nên chuyên viên của chúng ta có thể lầm.

Trở lại với bộ Ngũ thư, 5 quyển này làm thành một tác phẩm duy nhất. Nhưng từ lâu các chuyên viên đánh hơi rằng đó là một tổng hợp từ 4 nguồn truyền thống chính được viết vào nhiều thời kỳ khác nhau.

Như thế Ngũ thư được viết qua nhiều giai đoạn:

1) Phần căn bản là nhân vật Môsê và biến cố Xuất hành.

2) Tiếp đó người ta đã soạn tác (bằng miệng hoặc cũng có thể bằng chữ viết) những mẩu chuyện nhỏ như : tường thuật, luật, diễn từ, suy gẫm về biến cố ấy, cử hành phụng vụ...

3) Vào những thời kỳ khác nhau, những ký lục (ngôn sứ, tư tế, hiền sĩ) gom góp những mẩu chuyện nhỏ ấy lại thành những tường thuật dài, tức là 4 nguồn tài liệu.

4) Cuối cùng 4 truyền thống ấy được nhập chung thành một bộ sách gồm 5 quyển.

Chúng ta sẽ có dịp nghiên cứu chi tiết những tài liệu ấy. Còn bây giờ chỉ xin nói phớt qua :

1) Truyền thống Jahviste (viết tắt là J) : sở dĩ được đặt tên như vậy vì nó gọi Thiên Chúa là Jahvé (hay Yavê). Truyền thống này được sinh ra có lẽ vào thời Salômon, khoảng 950 trước cn, trong môi trường triều đình Giêrusalem. Vì thế nó dành cho Vua một vị trí lớn, chính vua là người tạo thống nhất về đức tin.

2) Truyền thống Élchiste (viết tắt là Êdêkiên) : gọi Thiên Chúa là Êlôhim, được sinh ra khoảng 750 ở Vương quốc phía Bắc sau khi Vương quốc thống nhất của Đavít-Salômon bị phân đôi. Vai trò của các ngôn sứ được đề cao, truyền thống này chịu ảnh hưởng nhiều bởi lời rao giảng của ngôn sứ Êlia và Hôsê.

Hai truyền thống trên được nhập lại tại Giêrusalem khoảng năm 700. Công trình hoà nhập này thường được gọi là Jéhoviste (JE).

3) Truyền thống Đệ nhị luật (viết tắt là D) : phần lớn nằm trong quyển Đệ nhị luật, nhưng cũng ảnh hưởng nhiều trên các sách khác. Được bắt đầu trong Vương quốc phía Bắc và được hoàn thành ở Vương quốc phía Nam tại Giêrusalem.

4) Truyền thống tư tế (viết tắt là P, do chữ tư tế tiếng Pháp là Prêtres) : sinh ra trong thời lưu đày bên Babylone, trong những năm 587-538 và sau đó. Trong cảnh lưu đày, các tư tế đọc lại các truyền thống của họ để gìn giữ đức tin và niềm hi vọng của dân.

4 truyền thống này và các công trình quản diễn chúng sẽ được tập họp lại thành một bộ sách : bộ Ngũ thư. Công việc này hình như được hoàn thành vào năm 400 và có lẽ do công của một tư tế tên là Esdras.

Trong chương I này, chúng ta chỉ làm quen với những truyền thống ấy. Trong những chương sau chúng ta sẽ xem xét từng truyền thống. Như thế ta sẽ đọc Ngũ thư 4 lần và mỗi lần để ý riêng một truyền thống.

 

 

IV. BÀI CA CHIẾN THẮNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CỨU : Xh 15,1-21

Với đoạn văn này, Xuất hành trở thành một bài thơ, một bài ca có thể hát lên để mừng tất cả mọi cuộc giải phóng xưa cũng như nay.

Bạn hãy bắt đầu bằng cách đọc (đọc to lên càng tốt). Bạn sẽ thấy ngay có hai bè đối đáp nhau : một bè ca tụng quyền năng Thiên Chúa cách chung (cc.2.3.6.7.11.18) ; bè kia ca tụng những hành động cụ thể của Ngài (cc.1.4.5.8.10.12-17).

Những hình ảnh được sử dụng, đặc biệt để nói về Thiên Chúa, gợi cho bạn ý tưởng gì ? Trong đó có một số sẽ làm bạn ngạc nhiên, chẳng hạn hình ảnh Thiên Chúa Chiến sĩ. Nhưng nên nhớ rằng : đây là loại hình ảnh biểu tượng. Nói "Thiên Chúa Chiến sĩ" là một cách nói rằng Thiên Chúa không ở xa, không vắng mặt trong những cuộc chiến đấu của loài người cho công bình và tự do (TOB 15,3t).

Bài hát này ca tụng những hành động cụ thể nào của Thiên Chúa : ở cc.4-5 và 8-10? Ở cc.12-17 ? Tên của các dân (Êđom, Moab, Canaan, Philitinh) cho thấy một lộ trình : Lộ trình nào ? "Nơi ở thánh, trên núi, nơi Thiên Chúa ngự" là những kiểu nói về một ngôi nhà rõ rệt, ngôi nhà nào ? Đoạn này đặt ta vào thời kỳ nào ?

Vào thời ấy, người ta diễn tả Thiên Chúa nhằm một mục đích rõ rệt khi giải phóng dân Ngài (c.17). Mục đích gì ?

c.18 dạy ta điều gì về đức tin của Israel và hệ thống chính trị của họ ?

 

Xuất hành cũng là một biến cố của hôm nay :

Bản văn này đưa ta đến một vài nhận định quan trọng cho đức tin của chúng ta.

Thiên Chúa được bản văn này ca tụng không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, một ý tưởng, dù cao siêu bao nhiêu đi nữa. Người ta biết được Ngài là vì người ta thấy được hành động của Ngài trong những biến cố cụ thể.

Những biến cố ấy cũng là những biến cố của hôm nay, nhưng ta chỉ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đó khi ta suy gẫm về những biến cố của ngày xưa. Bạn hãy đọc lại cc.12-17 : đó là thời quân chủ, dân đang ở xứ Canaan, Đền thờ đã cất xong, Thiên Chúa đang ngự trị giữa dân Ngài. Hãy so sánh những câu 12-16 (nói về việc Israel "đi qua" các dân) với những câu 8-10 (nói về việc dân Ai cập chết chìm) : tác giả mô tả xuất hành theo ánh sáng những gì ông vừa mới sống qua, và đối lại, những sự việc của Xuất hành giúp ông hiểu ý nghĩa điều ông đang sống.

Và như thế, bài thơ này được dùng làm lời cầu nguyện cho những thế hệ tương lai : mỗi cộng đoàn tín hữu thuộc mọi thế hệ đều được mời viết thêm những câu thơ của mình, phụng vụ Công giáo hát bài ca này trong đêm vọng Phục sinh : đó là mời chúng ta viết thêm những câu thơ của mình để ca tụng những lần Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, can thiệp vào lịch sử của chúng ta hôm nay, lịch sử của thế giới, mà cũng là lịch sử riêng của mỗi người.

 

THI CA HÍP-RI

Ta hãy nói qua về vài đặc tính của thi ca Híp-ri.

Đặc tính thứ nhất là giàu hình ảnh: Híp-ri là một thứ ngôn ngữ rất cụ thể. Các sự vật, sự việc đều được coi là những biểu tượng về một thực tại phong phú nhưng vô hình. Thay vì triển khai những ý nghĩa trừu tượng, thi sĩ thích dồn chung nhiều hình ảnh cụ thể và phong phú của cả một cuộc sống. Thay vì nói : "Thiên Chúa quyền năng", thi sĩ diễn tả : Ngài giáng sấm sét, Ngài là chiến sĩ, tay hữu Ngài cầm gươm, Ngài là kẻ hướng dẫn, là người trồng vườn, là nhà kiến trúc v.v...

Đặc tính thứ hai là cú pháp sóng đôi. Mỗi câu gồm hai vế, hai vế này có cách diễn tả bổ sung nhau hoặc đối nghịch nhau. Nhưng đều nói lên cùng một ý tưởng, chẳng hạn:

Tôi sẽ ca tụng Ngài là Thiên Chúa của tôi.

Tôi sẽ tôn vinh Ngài là Thiên Chúa của tổ tiên tôi.