Bài 2

XUẤT HÀNH
BIẾN CỐ THÀNH LẬP DÂN

 

"Mỗi người của mọi thế hệ phải tự coi như chính mình ra khỏi Ai cập, vì có lời viết rằng : trong ngày đó (ngày mừng lễ tưởng niệm việc ra khỏi Ai cập) ngươi hãy bảo con trai ngươi rằng "chính vì thế mà Chúa đã can thiệp cho cha. Khi cha ra khỏi Ai cập...". Trích đoạn này từ phụng vụ lễ Vượt qua Do thái cho ta thấy rõ tầm quan trọng của biến cố xuất hành đối với dân Israel. Suốt dòng lịch sử của mình, dân (Israel và tiếp đó là dân Kitô hữu) sẽ không ngừng suy niệm ý nghĩa của biến cố đó.

Dưới đây ta chỉ có thể nêu lên vài khía cạnh của biến cố phong phú ấy :

 

I. MỘT BIẾN CỐ THÀNH LẬP DÂN

"Israel luôn coi việc ra khỏi Ai cập là thời điểm độc nhất vô nhị trong lịch sử của họ, là một biến cố có vị trí đặc biệt hơn mọi biến cố khác" (TOB). Với Abraham thì có lẽ đã có dân, nhưng chỉ mới có trong lời hứa. Chính Xuất hành mới là biến cố tạo họ thành một dân tộc thực sự.

Khi ta muốn hiểu ý nghĩa của các biến cố, các định chế, các lễ nghi khác ; khi ta muốn giải thích sự tồn tại của dân Israel, nhất thiết ta phải quy chiếu về biến cố Xuất hành.

 

II. MỘT CUỘC GẶP GỠ THIÊN CHÚA

Trong biến cố này, Israel bắt đầu khám phá Thiên Chúa của mình là ai, tên Ngài là gì. Họ đã khám phá rằng Thiên Chúa là Đấng giải phóng, Đấng cứu độ, trước khi nhận biết Ngài là Đấng tạo hoá. Đây là một điểm rất quan trọng nên sau này ta sẽ nói lại. Thiên Chúa là "Đấng đã kéo chúng ta ra khỏi nhà nô lệ", đấy là danh hiệu chính của Ngài, và hầu như là danh hiệu riêng không ngừng được dùng trong Thánh kinh.

Trong thị kiến bụi gai rực cháy, Thiên Chúa đã xưng tên cho Môsê: YAVÊ tên mà TOB dịch ra là "Ta là Đấng sẽ là" (Je suis qui je serai) nghĩa là : Ta là gì thì các ngươi sẽ khám phá trong điều Ta sẽ là và sẽ làm với ngươi, với các ngươi, trong lịch sử (Xh 3,14).

Như vậy, Thiên Chúa và dân Ngài được hiệp nhất bởi cùng một liên hệ huyết thống (xem lễ nghi trong Xh 24,3-8), bởi cùng một giao ước.

"Từ nô lệ tới phục vụ" : đây là tựa đề mà một bài chú giải đã đặt cho biến cố Xuất hành. Tựa đề này tóm lược rất đúng điểm chủ yếu của biến cố ấy. Dân ý thức rằng Thiên Chúa đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai cập ; từ nay họ có thể hoàn toàn tự do để phục vụ Ngài, phục vụ bằng cách sống hàng ngày trong tâm tình trung thành với Giao ước và biểu lộ ra trong phụng tự.

 

III. MỘT QUÁ KHỨ LUÔN LÀ HIỆN TẠI

Như nghi thức phụng vụ Do thái diễn tả, Xuất hành không chỉ là một biến cố của quá khứ, mà là biến cố vẫn tháp tùng Israel trong suốt dòng lịch sử của họ. Khi cử hành biến cố ấy trong phụng tự thì nó trở thành hiện tại và mọi người có thể tham dự vào. Việc quy chiếu về quá khứ ấy giúp họ hiểu hiện tại : cả cuộc sống trở thành một cuộc Xuất hành, một cuộc hành trình về Nước Thiên Chúa ; việc quy chiếu như thế còn giúp duy trì đức tin trong những thời kỳ khủng khiếp hoặc lưu đày : nếu ngày xưa Thiên Chúa đã giải phóng chúng ta thì hôm nay Ngài cũng vẫn có thể làm thế. Thành thử việc quy chiếu ấy lại có tác dụng duy trì niềm trông cậy hướng về tương lai nữa.

Các Kitô hữu đầu tiên sẽ tiếp tục suy gẫm điều ấy. Họ sẽ giải thích cuộc đời Đức Kitô như một cuộc Xuất hành. Và những bản văn như thư 1 Phêrô, thư Hípri hoặc sách Khải huyền sẽ cho thấy rằng đời sống của Kitô hữu cũng là một cuộc xuất hành, nối bước Đức Kitô, để tiến về nước Ngài.

Chúng ta đã phần nào thấy được vẻ phong phú của biến cố Xuất Hành. Bây giờ còn một câu hỏi nữa : liệu chúng ta có thể tìm ngược lên tận biến cố đó hay không ? hay nói cách khác : thực sự điều gì đã xảy ra ? Đây là câu hỏi mà chúng tôi sẽ cố trả lời trong bài kế tiếp.