Bài 3

XUẤT HÀNH
ĐÃ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO ?

 

I. THẾ NÀO LÀ MỘT BIẾN CỐ LỊCH SỬ ?

Trước khi trả lời câu hỏi "Xuất hành đã diễn ra thế nào ?" cần phải xác định thế nào là một biến cố lịch sử.

Có thể trả lời ngay : đó là những sự việc mà ta có thể hoặc đã có thể thấy. Tuy nhiên nói thế vẫn còn hàm hồ, phải nói rõ hơn.

Thực ra, không có những "sự việc sống sượng", tức là những sự việc mà ta có thể biết một cách khách quan ; chỉ có những sự việc đã được giải thích mà thôi. Hai người kể cùng một sự việc, nhưng kể hai cách khác nhau, nghĩa là họ không kể "sự-việc-tự-thân" mà là "sự-việc-như-họ-đã-thấy". Bởi thế cùng một cử chỉ, nhưng đối với người này nó có nghĩa là một sự chế nhạo, còn đối với người kia lại là một sự khích lệ.

Và chính vì người ta giải thích sự việc bằng cách cho nó một ý nghĩa nên nó mới là sự việc lịch sử. Có những sự việc xảy ra nhưng người ta quên đi ngay vì chúng chẳng có ý nghĩa gì cả : chúng có "trong lịch sử" nhưng không có "tính lịch sử". Tôi mở cửa, tôi cầm bút... những sự việc ấy co đó. nhưng không có ý nghĩa gì riêng biệt. Còn một sự việc lịch sử là cái để lại dấu vết trong ký ức của một người hoặc một nhóm người nào đó, nó vẫn kéo dài trong lịch sử bởi vì người ta đã thấy trong nó một ý nghĩa.

Thế nhưng ý nghĩa ấy chỉ là sau này mới thấy, và đôi khi sau này rất lâu mới thấy. Chẳng hạn như khi thấy kỷ nguyên mới mở ra cho Giáo hội, ta mới khám phá tầm quan trọng của việc Đức Gioan XXIII quyết định mở một Công đồng chung. Như thế, chính nhờ xuôi dòng lịch sử để nhận ra một sự việc nào đó đã đưa đến những kết quả nào mà ta mới bắt đầu hiểu ý nghĩa của sự việc ấy.

Đôi khi cũng phải lội ngược dòng lịch sử, bởi vì một số sự việc có thể rất tầm thường, đã có thể trở thành biểu tượng cho cả một toàn thể. Lấy một thí dụ mà ai cũng biết : một nhóm người nổi dậy đã vào ngục Bastille để giải thoát 2,3 tù nhân được canh giữ sơ sài bởi vài anh lính hiền lành. Đấy là một sự việc rất tầm thường so với biết bao sự việc khác bi thảm hoặc hào hùng hơn nhiều. Vậy thử hỏi việc ấy đã trở thành sự kiện lịch sử lúc nào ? Phải chăng vào ngày 14-7-1789 ? hoặc khi cuộc cách mạng thành công và nó trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng ấy ? Xin thưa là : cả hai ! Chính vì hôm đó đã có một sự việc xảy ra nên người ta mới có thể lấy sự việc đó làm biểu tượng. Nhưng cũng chính ví nó được lấy làm biểu tượng nên nó mới trở thành sự kiện lịch sử.

 

II. XUẤT HÀNH ĐÃ DIỄN RA THẾ NÀO ?

1) Môsê :

Nền tảng của những bài tường thuật về biến cố Xuất hành là nhân vật Môsê. Ông sinh ra dưới triều Horemheb (1334-1306) hoặc Séti I (1309-1290), được học hành trong một trường đào tạo những ký lục-thông ngôn mà Ai cập rất cần cho những cuộc giao dịch với những dân châu Á.

Thời gian ông lưu ngụ ở sa mạc Madian đã đánh dấu đời ông : ông đã tiếp xúc với một nhóm người (nhóm mà nhạc phụ của ông là Jéthro làm tư tế), nhóm này hình như rất có tinh thần tín ngưỡng và thờ kính một vị thần mà họ gọi là YAHO.

 

2) Có hai cuộc xuất hành ?

Một số bản văn mô tả cuộc ra khỏi Ai cập như một cuộc trục xuất, một số bản văn khác lại coi đó là một cuộc trốn chạy. Vậy có lẽ có hai cuộc Xuất hành mà sau đó dân đã hoà lẫn lại làm một trong ký ức của họ.

a) Cuộc xuất hành-trục xuất diễn ra khoảng năm 1550. Một số người thuộc chủng Sêmit (những người Hyksos) đã lên nắm quyền ở Ai cập vào khoảng năm 1720. Nhưng họ đã bị đuổi vào năm 1552. Con cháu Giacob cũng thuộc chủng Sêmít, đã lợi dụng sự hiện diện của người Hyksos ấy để tới Ai cập định cư, nhưng khi đó họ cũng bị đuổi. Họ đi con đường phía Bắc rồi vòng xuống phía Nam hướng về Ốc đảo Cadès. Một ngày kia họ sẽ vào miền Nam xứ Canaan.

b) Cuộc xuất hành-chạy trốn xảy ra khoảng năm 1250. Một nhóm người Sêmit khác đã ở lại Ai cập. Do Môsê kích thích, họ lợi dụng một cuộc lễ mùa Xuân (và có lẽ một vài tai hoạ giáng xuống Ai cập khiến nhiều trẻ con bị chết) để trốn đi. Họ đi con đường phía Bắc. Khi họ tới gần hồ Sirbonis thì bị một toán quân Ai cập đuổi kịp, nhưng các chiến xa của toán quân này bị lún cát, nhờ vậy nhóm Sêmit ấy được cứu, họ rời con đường nguy hiểm ấy để đi xuống hướng Cadès.

 

3) Cuộc "vượt qua" biển :

Trong truyền thống Jahviste không có nói tới "cuộc vượt qua biển" : gió thổi khô nước, các chiến xa Aicập sa lầy trước những cặp mắt ngỡ ngàng của dân Híp-ri, nhiều sử gia thời cổ cho biết rằng những bờ của hồ Sirbonis rất dễ lún vì toàn là đất cát ngăn chận nước Địa Trung Hải.

Chỉ có tường thuật của truyền thống tư tế là nói Thiên Chúa "chẻ đôi" giòng nước để cho "khô ráo" hiện ra, cũng như vào thuở bình minh của thế giới, Ngài đã chẻ đôi giòng nước nguyên sơ để cho khô ráo hiện lên ! Cuộc Xuất hành được mô tả như một hành động sáng tạo, và tường thuật về cuộc Sáng tạo (St.1) được mô tả như một hành động giải phóng.

 

4) Núi Sinai :

Các truyền thống đều nói tới một ngọn núi tên Sinai hoặc Horeb. Vậy nó ở đâu? Có nhiều giả thuyết:

- Đó là núi Mousa ở phía Nam vùng Sinai. Thực ra con đường phía Nam chỉ quen dùng từ thế kỷ IV của kỷ nguyên chúng ta, vì thế không có gì chắc chắn là dân Híp-ri khi xưa đã đi con đường này. Sở dĩ có người theo giả thuyết này có lẽ là vì chịu ảnh hưởng của việc một số đan sĩ đã tới cư ngụ dưới chân núi Mousa.

- Đó là núi Hor gần Cedès.

- Đó là một quả núi ở Madian, phía Đông vịnh Aqaba.

 

5) Một khảo luận thần học viết theo cú pháp anh hùng ca

Có thể ta hơi thất vọng vì được biết quá ít điều chắc chắn như thế. Nhưng đó là do thể loại của những bản văn ấy, thể loại anh hùng ca, với nội dung quan trọng trước tiên có tính thần học.

- Một thiên anh hùng ca : nhiều chi tộc cho rằng mình do cùng một nguồn gốc (những chi tộc ở lại Canaan, những chi tộc bị đuổi khỏi Ai cập và những chi tộc chạy trốn theo Môsê) đã liên minh với nhau trong Đại hội Sikem (Gs 24). Mỗi chi tộc khi liên minh với các chi tộc khác cũng đem theo những truyền thống của mình, và những truyền thống ấy đã hoà chung lại làm thành gia sản chung của liên minh mới. Do đó những kỷ niệm khác nhau lại ảnh hưởng lên nhau. Chẳng hạn như kỷ niệm về cuộc "vượt qua" sông Giođan tác động lên kỷ niệm về trận đụng độ bên bờ hồ và biến nó thành cuộc "vượt qua biển" (TOB, Gs 3,13c ; BJ Xh 14,15a). Rất nhiều biến cố đánh dấu cuộc định cư ở Canaan (qua sông Giođan, những cuộc chiếm thành, chiến thắng Taanak được Đêbôra hát mừng (Tl 5). Trong số đó có một biến cố nổi bật và trở thành biểu tượng cho mọi biến cố khác, biểu tượng cho cuộc giải phóng, đó là biến cố Xuất hành.

- Một khảo luận thần học : những kỷ niệm ấy được viết lại không nhằm mục đích giảng dạy về lịch sử hoặc địa dư, mà là để nói về Thiên Chúa. Xuyên qua những tường thuật ấy, xuất hiện gương mặt của một vị Thiên Chúa giải phóng, Ngài muốn cho một dân tộc được tự do, tự do phụng sự Ngài bằng cách sống theo giao ước với Ngài. Đấy là điều chủ yếu và là động cơ của toàn thể cuộc sống của Israel và kế đó là của các Kitô hữu.

Kinh nghiệm nền tảng trên giúp cho một ngày nào đó người ta có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa không phải chỉ muốn giải phóng một dân, mà là giải phóng chính con người : khi đó người ta sẽ có thể viết những tường thuật về cuộc tạo dựng trong đó ơn ban sự sống và tự do được trải rộng ra cho toàn thể nhân loại.