CHƯƠNG II

VƯƠNG QUỐC CỦA GIÊRUSALEM

  

Bài 1

LỊCH SỬ

 

Khoảng năm 1000 trước cn, Đavít trở thành vua và chiếm thành Giêrusalem, rồi biến nó thành thủ đô của nước ông. Đây là một điểm khởi hành mới đối với Israel. Thế nhưng những gì đã dẫn đến việc này ?

 

I. TỪ XUẤT HÀNH ĐẾN ĐAVÍT

Khoảng năm 1200, nhóm người đã rời Aicập dưới sự hướng dẫn của Môsê, rồi của Giôsuê đến định cư ở Canaan. Xứ này đã được chiếm ngụ bởi nhiều chi tộc khác, quy tụ quanh những thành trì nhỏ trên các đỉnh đồi. Các chi tộc ấy sinh sống bằng nghề nông, nghề buôn bán và thường đánh nhau.

Bằng sức mạnh, bằng mưu mô và đôi khi bằng thoả hiệp, nhóm người Híp-ri đã định cư được ở ngay trung tâm của xứ này. Sau này sách Giôsuê đã tường thuật cuộc định cư như là một thiên anh hùng ca kỳ diệu, trước hết là để đưa ra một giáo huấn : dân Híp-ri đã chiếm được xứ này, nhưng chính Thiên Chúa đã cho họ làm điều đó ; đấy là "ơn chinh phục".

Trong một đại hội họp ở Sikem, các chi tộc đã lập với nhau một dây liên kết bằng cách cùng ký kết giao ước với Thiên Chúa (Gs.24).

Tới thời kỳ gọi là thời các thủ lãnh (giữa các năm 1200 và 1000), các chi tộc liên minh với Yavê (gồm 12 chi tộc) chia thành 3 nhóm ở Galilê, Samaria và ở phía Nam Giêrusalem. Liên hệ giữa họ rất lỏng lẻo và hầu như chỉ có tính cách tôn giáo. Nhưng đôi khi nếu một vài chi tộc nào đó gặp nguy hiểm thì một vị cứu tinh (hoặc thủ lãnh) đứng lên động viên toàn dân chiến đấu, và sau khi chiến thắng thì ai trở về nhà nấy (sách Thủ lãnh).

Tuy nhiên sức ép của quân Ammon ở miền Trung và nhất là của quân Philitinh ở miền Nam khiến các chi tộc ý thức rằng họ cần có một quyền lực mạnh ở trung ương. Bởi thế họ đã thử thành lập chế độ quân chủ : các chi tộc miền Trung đã thử chọn Abimélek làm vua nhưng thất vọng, các chi tộc miền Nam thì chọn Saul.

Trên bình diện tôn giáo thì cư dân xứ Canaan thờ một vị thần : thần El, nhưng nhất là họ theo một thứ tôn giáo thiên nhiên : họ thờ các thần Baal, tức là những sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá (như bão, đất, biển...) và vợ của các thần ấy, những nữ thần Astartés là những nữ thần tình yêu và sinh sản. Còn dân Híp-ri thì thờ thần YAVÊ, họ sẽ thường xuyên bị cám dỗ bởi những lễ tế đầy tính sắc dục của người Canaan trên những nơi cao.

 

II. ĐAVÍT

Lợi dụng lúc ba "đại cường" đang xuống sức (Hittites trên thực tế đã biến mất, Ai cập và Assyria không còn mạnh) và dựa vào uy tín cá nhân của mình, Đavít đã khôn khéo khiến cho các chi tộc miền Nam và sau đó các chi tộc miền Bắc chọn ông lên làm vua. Ông chiếm thành của dân Giơbusi (nằm giữa ranh giới 2 miền Nam Bắc) và biến nó thành thủ đô Giêrusalem. Việc này tạo cho Israel một hoàn cảnh hoàn toàn mới.

- Trên bình diện chính trị, Israel đã có vua như các dân khác. Nhưng việc này cũng đặt cho các tín hữu một câu hỏi : Yavê há không phải là vua duy nhất sao ?

Khi đó ngôn sứ Natan đóng một vai trò hàng đầu. Ở Babylone và Aicập, khi tấn phong một vị vua thì vị tư tế nhân danh thần linh của xứ đó tuyên sấm với vị tân vương rằng : "Ngươi là con của Ta và Ta là Cha của ngươi". Qua trung gian của Natan, Thiên Chúa cũng làm thế : Đavít và những con cháu kế vị ông ("con của Đavít") trong ngày lễ tấn phong cũng được trở thành "con Thiên Chúa". Điều này cho thấy : nhà vua là đại diện của Thiên Chúa, nhà vua có vai trò thiết yếu là chịu trách nhiệm về ơn cứu độ của cả nước trước mặt Thiên Chúa, là đầu mối thống nhất về chính trị và tôn giáo.

- Trên bình diện tôn giáo : Đavít làm một hành động có giá trị chính trị : quyết định đặt khám giao ước trong thủ đô. Khám này từ thời xuất hành đã là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Khi đặt nó ở Giêrusalem, Đavít ràng buộc sự hiện diện của Thiên Chúa vào triều đại của ông. Vì thế không gì đáng ngạc nhiên khi nhiều tín hữu phản kháng hành động ấy, vì ở đây xuất hiện hai cách thức quan niệm về Thiên Chúa : (1) quan niệm về Thiên Chúa cố định, cư ngụ ở một nơi cố định và gắn liền với quyền bính của một người, vua và dân có thể "lèo lái" Ngài ; (2) một quan niệm về Thiên Chúa vẫn tự do, một Thiên Chúa muốn đi đâu tuỳ ý, sự hiện diện và hoạt động của Ngài luôn luôn vô hình (xem chuyện khám giao ước di chuyển trong 1Sm 5-6). Vì thế, vẫn qua trung gian của Natan, Thiên Chúa từ chối không cho Đavít dựng nhà cho Ngài (2Sm 7).

Ta sẽ gặp hai cách quan niệm về Thiên Chúa ấy trong suốt Thánh kinh (Cv 7,48) và ngay cả trong thời đại ngày nay.

- Trên bình diện hành chính, Đavít khởi công tổ chức vương quốc. Ông đặt nhiều chức vụ như Tổng tư lệnh quân đội, các tư tế, các ký lục, bộ trưởng thông tin... (2Sm 8,16-18), ông còn thực hiện cả một cuộc kiểm tra dân số nữa (2Sm 24).

- Chính sách đối ngoại của Đavít cũng có những hệ quả tôn giáo. Nhờ những trận chiến thắng, ông đã sát nhập thêm vào vương quốc một số chi tộc khác và một vài vương quốc thần phục ông. Khi trở thành chư hầu của Đavít, các dân ấy cũng được hưởng ơn ích của Giao ước với Thiên Chúa. Sau này khi viết lịch sử, các ký lục của Đavít sẽ cố chứng minh rằng tính đại đồng này đã được loan báo trước từ lâu nơi bản thân của Abraham.

 

III. SALÔMON

Salômon kế thừa vương quốc của cha mình. Được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan (1V 3), tức là ơn khéo điều hành việc nước, ông lợi dụng tình trạng hoà bình để tổ chức đất nước. Bộ máy hành chính phát triển (1V 4-5), đất nước được chia thành 12 khu vực lãnh trách nhiệm mỗi tháng cung cấp lương thực cho triều đình và lao động cho những công trình xây cất lớn... Những chuồng ngựa (cho kị binh) được thành lập tại Megiddo và những nơi khác. Một đội thương thuyền hoạt động trên các biển. Tài nguyên do buôn bán với Aicập và Syria chảy về Giêrusalem. Tại chính Giêrusalem, Salômon còn xây một Đền thờ huy hoàng cho Thiên Chúa, và một cung điện còn huy hoàng hơn nữa cho chính ông... quả là một vị vua vĩ đại ! Thế nhưng...

Thế nhưng có những bóng đen. Salômom đã tỏ ra là một kẻ quan liêu theo kiểu các vua chúa thời đó chứ không phải là một người đại diện cho Thiên Chúa. Thánh kinh nói ông có tới 700 bà vợ và 3000 hầu thiếp... Có lẽ nói vậy hơi quá đáng! Nhưng sự thật là Salômon có nhiều vợ mà ông cưới từ các nước khác (trong đó có công chúa con Pharaon) ; các bà này mang theo vào Israel những thần linh của họ, kéo theo nguy hiểm của thói thờ ngẫu thần. Salômon cũng đã quá khai thác dân, cho nên dù ông đã chận được âm mưu nổi loạn thì khi ông mất, cuộc nổi loạn vẫn sẽ nổ ra. Con của ông lên kế vị, nhưng là một nhà chính trị ngu xuẩn, ông này sẽ để đất nước bị chia cắt làm đôi : các chi tộc phía Bắc ly khai. Như vậy là vương quốc thống nhất chỉ tồn tại có 70 năm.

 

IV. HAI VƯƠNG QUỐC

Từ năm 933 có hai vương quốc :

- Vương quốc phía Nam (hay vương quốc Giuđa) có thủ đô là Giêrusalem. Các vua kế vị nhau đều thuộc dòng dõi Đavít và do đó sẽ thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa qua miệng Natan : dù thánh thiện hay tội lỗi, họ cũng được coi là "con Thiên Chúa".

- Vương quốc phía Bắc (hay vương quốc Israel) có thủ đô là Samaria. Các vua không thuộc dòng dõi Đavít và trong số 19 vua, đã có 8 bị mưu sát chết. Vua không được coi là người chịu trách nhiệm về ơn cứu độ của dân trước mặt Thiên Chúa.

  

KHỞI ĐẦU MỘT NỀN VĂN CHƯƠNG

Thời kỳ Đavít-Salômon, các ký lục bắt đầu viết những truyền thống. Đó là nhờ tình hình hoà bình lúc đó và cũng do Salômon cũng đã tổ chức triều đình theo kiểu Aicập trong đó có nhiều ký lục. Thánh kinh có nói tới 2 quyển sách đã bị mất là "sách về người công chính" và "sách về những cuộc chiến của Yavê". Có lẽ thời đó người ta đã viết một "lịch sử về khám giao ước" (1Sm 2-5) và lịch sử khác về việc kế vị Đavít (2Sm 9-20). Những bài thơ được sưu tập : bài ca chiếc cungbài khóc Abner có lẽ do Đavít soạn (2Sm 1 và 3), và có lẽ một vài Thánh vịnhmột số châm ngôn mà sau này sẽ được tập họp lại trong sách Châm ngôn.

Nhưng quan trọng hơn cả là người ta viết "lịch sử thánh của Giuđa" mà ta gọi là truyền thống Jahviste. Trong bài sau đây ta sẽ học về tài liệu này.