Bài 2

LỊCH SỬ THÁNH JAHVISTE

 

Salômon đã tổ chức triều đình theo kiểu của Pharaon, trong đó các ký lục giữ một chỗ đứng quan trọng. Là những người được đào tạo để làm ký lục, họ cũng là những hiền sĩ tức là những kẻ có tài biện phân và biết cách sống khôn khéo : sự khôn ngoan của họ được coi là một ơn Thiên Chúa ban.

"Lịch sử thánh của Giuđa" (hay của vương quốc Giuđa) có lẽ là do họ viết. Người ta gọi nó là truyền thống Jahviste (hay "tài liệu Jahviste") vì ngay từ đầu nó đã gọi Thiên Chúa là Yavê. Tác giả có thể là một người hoặc một nhóm người, nhưng được gọi đơn giản là Jahviste, viết tắt là J.

Truyền thống này có lẽ bắt đầu từ thời Salômon và sẽ được tiếp tục trong vài triều vua kế tiếp ở vương quốc Giuđa. Nhà vua được coi là con của Đavít, con của Thiên Chúa, là đại diện của Thiên Chúa, là kẻ tạo thống nhất chính trị và tôn giáo. Truyền thống J nhằm phục vụ cho vương quyền và chứng minh rằng vua là kẻ thực hiện lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ ; vì thế nó cũng là một tài liệu chính trị ủng hộ vương quyền. Nhưng đồng thời, J cũng chỉ trích vương quyền vì kêu gọi nhà vua phải tôn trọng trật tự : vua không phải là chúa tể tối cao mà phải lo phục vụ Thiên Chúa, phục vụ dân mình và các dân khác.

Chúng tôi đề nghị bạn hãy đọc vài bản văn của truyền thống này, vừa đọc vừa chú ý tới ý tưởng chính, lời chúc phúc, tiếp đó chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về bài tường thuật tạo dựng.

 

VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG J :

1) J có tài thuật chuyện : những bài tường thuật của J rất sống động, luôn cụ thể và đầy hình ảnh. Thiên Chúa thường được mô tả như một người (như nhân hoá) : trong bài tường thuật tạo dựng, Ngài lần lượt là người làm vườn, người thợ gốm, nhà giải phẫu, thợ may... đấy là cách thức riêng của J để nói về Thiên Chúa và về con người. Nhưng J cũng là một nhà thần học sâu sắc.

2) Một Thiên Chúa rất người : Ngài đi dạo thân mật với Adam như một người bạn (St 2), Ngài đến dùng bữa ở nhà Abraham và mặc cả với ông (St 18)... con người sống thân mật với Ngài trong sinh hoạt thường ngày.

3) Một Thiên Chúa hoàn toàn khác : tuy nhiên Thiên Chúa ấy là chủ : Ngài ra lệnh và cấm đoán (St 3,16). Ngài bảo Abraham và Môsê "Hãy đi", Ngài có một dự án về lịch sử : lời chúc phúc của Ngài phải đem hạnh phúc đến cho dân Ngài và qua đó đến với các dân khác. (Thật tuyệt vời khi thấy một ý hướng đại đồng như thế ngay từ thời đó). Con người phải đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và phải tuân phục Ngài.

Tội của con người sẽ là muốn tự coi mình là Thiên Chúa. Tội ấy kéo lời chúc dữ xuống trên con người : Cain, Hồng thuỷ, tháp Babel...).

4) Một Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ : đặc biệt theo lời cầu bầu của những người như Abraham (St 18) hoặc Môsê (Xh 32,11-14) và sẵn sàng lặp lại lời chúc phúc của Ngài.

 

 

I. MỘT BẢN VĂN CHÌA KHOÁ : St 12,1-3

Bạn hãy mở Thánh kinh và đọc bản văn trên.

Các vai là ai ?

Những từ nào bạn thấy là quan trọng và hay lặp đi lặp lại (bao nhiêu lần) ? hãy chú ý thì của các động từ : mệnh lệnh cách, thì tương lai. Chữ "nước" ở đây chỉ một dân có tổ chức và đã định cư trên một lãnh thổ.

Bản văn này nói với bạn điều gì?

Hãy đọc St 12,6-9. Thiên Chúa hứa điều gì mới với Abraham (c.7) ?

 

II. đọc VÀI BẢN VĂN :

1) Chu kỳ khởi nguyên :

Bảng trong khung dưới đây cho ta thấy các câu của St 1-11 có thể phân chia những câu nào thuộc về truyền thống Jahviste và những câu nào thuộc truyền thống tư tế. Ở đây ta chỉ nghiên cứu truyền thống J mà thôi (về cuộc tạo dựng - sẽ được giải thích kỹ ở mục III).

Truyền thống J Truyền thống P

KHỞI NGUYÊN

ch 1 c. 1-31

2 1-4a

c. 4b-25

3 1-24

4 1-26

5 1-28

29 30-32

HỒNG THUỶ

6 1-8 9-22

7 1-5 6

7 8-9

10 11

12 13-16a

16b 17a

17b 18-21

22-23 24

8 1-2a

2b-3a 3b-5

6-12 13a

13b 14-19

9 1-17

TỪ NÔÊ ĐẾN ABRAHAM

18-27 28-29

10 1a

1b 2-7

8-19 20

21 22-23

24-30 31-32

11 1-9 10-27a

27b-30 31-32

 

Những chương trên không phải là lịch sử, mà là thần học diễn tả bằng hình ảnh, là một suy tư của các hiền sĩ. Tác giả muốn trả lời cho những câu hỏi lớn mà con người đặt ra về cuộc sống, cái chết, tình yêu và nguồn gốc. Tác giả suy tư từ khởi điểm đức tin vào Thiên Chúa và sử dụng những huyền thoại cổ.

Bài tường thuật bắt đầu một cách lạc quan nhưng dần dần lịch sử loài người đầy dẫy điều dữ. 5 lần bị chúc dữ (3,14.7; 4,11; 5,29; 9,25). Mỗi lần như như thế Thiên Chúa đều tha thứ. Nhưng trừ lần chót. Tường thuật về tháp Babel thể hiện cảm nghĩ của chúng ta trong một thế giới rạn nứt trong đó người ta không còn hiểu nhau nữa. Phải chăng lịch sử của chúng ta bị chúc dữ ?

Suy nghĩ xem bài tường thuật về Abrahamn đưa ra câu trả lời thế nào ?

Hãy lưu ý tới thế đảo ngược từ 14,1 đến 12,2 và 5 lời chúc phúc.

 

2) Chu kỳ Abraham :

Ở đây chúng ta cũng chưa vào văn thể lịch sử. Những chương này cũng là những chuyện giả sử dựa trên một cái nền lịch sử, và được giải thích theo nghĩa tôn giáo nhằm đưa ra một giáo huấn.

Abraham được coi là người quản lý lời chúc phúc của Thiên Chúa cho mọi dân. Ông làm gì với lời chúc phúc ấy ?

o Ở St 12,10-20 ?

o Ở St 18,16-33 ? lưu ý cc.17-18.

o Ở St 22, 15-18 ?

Nếu muốn, bạn có thể xem Tân ước tự đặt mình trong dòng dõi Abraham như thế nào : Gl 3,8 ; Dt 11,8t ?

 

3) Chu kỳ Giacob :

Văn thể ở đây cũng giống như trong chu kỳ Abraham. Những truyền thống về 2 chi tộc khác nhau (chi tộc Giacob và chi tộc Ismael) đã được hoà lẫn với nhau và người ta đã lấy 2 tên để đặt cho một người, và coi người ấy là cháu nội của Abraham.

Hãy đọc St 28,13-16. Tại sao Thiên Chúa hứa với Giacob, và hứa những gì ?

St 32,23-33 : chuyện Giacob chiến đấu với Thiên Chúa. Đọc kỹ những chú thích của TOB và BJ.

 

4) Chu kỳ Môsê :

Môsê vẫn là nhân vật chủ chốt của Cựu ước. Nhưng dung mạo ông có khác nơi mỗi truyền thống.

Theo J, Môsê có mặt khắp nơi, từ lúc ra khỏi Aicập tới lúc đến Canaan. Nhưng Thiên Chúa mới là thủ lĩnh thực sự của dân, là nhà giải phóng duy nhất. Môsê không làm phép lạ, không phải là thủ lĩnh quân đội, không thành lập tôn giáo ; ông chỉ là người mục tử được Thiên Chúa soi sáng để tỏ cho dân biết ý của Ngài đối với con người.

Hãy đọc Xh 3,1-8 : Thiên Chúa gọi Môsê.

Hãy xem phản ứng của Pharaon trong Xh 8,4 ; 10,17 ; 12,31-32 (về đoạn này nên đọc chú thích của TOB, chữ r). Hãy so sánh vai trò cầu bầu của Môsê và của Abraham trong St 18. Ngay cả đối với kẻ thù tệ hại nhất, dân Thiên Chúa phải mang tha thứ và lời chúc phúc đến với ho !

 

5) Chu kỳ Balaam :

Israel phải đối đầu với dân Moab. Vua xứ này mời phù thuỷ Balaam từ phương Đông tới để chúc dữ Israel. Balaam làm gì ? (Ds 24,1), cũng nên đọc Ds 24,1-19 ít ra những câu 7 và 17.

Sau đây là cách người thời Đức Kitô hiểu Ds 24,17 dựa theo bản dịch Targum thời đó:

 

Bản Híp-ri :

"Một ngôi sao xuất từ Giacob trở thành thủ lãnh.

Một vương trượng đứng lên từ Israel".

 

Bản dịch Targum :

- Một vua sẽ chỗi dậy từ nhà Giacop.

- Một Đấng cứu tinh (hoặc Messias) từ nhà Israel.

Lời giải thích trên có giúp bạn hiểu Mt 2,1t không ? Theo Mt thì Ngôi sao ấy là ai ?

 

 

LỜI CHÚC PHÚC :

- Chúc phúc (tiếng Latin là benedicere gồm bởi bene : tốt ; dicere : nói) nghĩa là : nói điều tốt. Khi Thiên Chúa nói điều tốt với ai thì điều tốt đến thật với người đó bởi vì Lời Thiên Chúa là toàn năng và phát sinh điều Lời ấy nói.

- Ngược lại: chúc dữ (tiếng Latin là maledicere cũng gồm bởi male : dữ, xấu ; và dicere : nói) là nói điều dữ, và khiến điều dữ xảy đến.

Những điều tốt mà Thiên Chúa nói hoặc làm có thể thuộc trật tự (avoir) : như của cải, con cháu ; nhưng nhất là thuộc trật tự (être) : chính sự sống của Thiên Chúa.

 

CÁC TỔ PHỤ

Khi ta muốn lập một bảng gia phả, ta bắt đầu từ chính mình rồi tiến lên các tổ phụ của mình. Nguyên tắc hướng dẫn duy nhất là liên hệ huyết thống. Lẽ dĩ nhiên huyết thống là quan trọng, thế nhưng đôi khi những liên hệ khác, chẳng hạn liên hệ bạn bè còn mạnh hơn nhiều. Một người bạn có thể trở thành "người anh em", thế mới hiểu được tại sao ngay vào thờ nay vẫn còn nhiều chi tộc khi đã giao ước với nhau thì để tất cả thành của chung (tài sản chung, truyền thống chung, tổ tiên chung). Bởi vì từ nay mọi người đã trở thành một nhóm chung. Và để biểu lộ tinh thần chung, người ta coi mọi tổ tiên riêng đều là tổ tiên chung, coi các vị ấy như bà con với nhau.

Hình như đó cũng chính là điều Israel đã làm đối với các tổ phụ. Khoảng thế kỷ XVIII hoặc XVII trước cn, có nhiều chi tộc du mục định cư trong xứ Canaan : những chi tộc Giacob, Isaac, Israel, Abraham... Họ cùng nhận một vị thần địa phương : Thần El. Họ kết giao ước với nhau, trở thành anh chị em với nhau, thế là họ có một gia phả, trong đó Abraham thành cha của Isaac và là ông nội của Giacob, ông này được đồng hoá với Israel.

Giả thuyết trên do các chuyên viên đưa ra, thật ra chẳng có gì khiến ta phải băn khoăn. Nó chỉ khuyến cáo ta nên thận trọng hơn khi ta muốn dựng lại lịch sử của các tổ phụ. Tuy nhiên đó không phải là điều chính yếu.

Điều chính yếu nằm trong ý nghĩa tôn giáo mà Israel đã thấy được trong lịch sử của mình. Trong lịch sử ấy (một bài ca ngợi các việc làm của các tổ phụ) họ đã tìm được ở mỗi thời kỳ những điều bổ ích cho suy tư của họ và củng cố đức tin của họ. Tác giả J tìm thấy trong đó một lời hứa chúc phúc mà nhà vua (con của Đavít) được hưởng và phải chuyển lại cho mọi người. Tác giả E chỉ cho mọi người đồng thời của ông đang gặp cám dỗ muốn bỏ Thiên Chúa mà chạy theo các ngẫu thần Canaan, rằng các tổ phụ của họ như Abraham và nhất là Giacob đã trung thành với Thiên Chúa như thế nào. Tác giả P viết trong thời lưu đày khi mà mọi sự hình như tan nát cả và chẳng thể hi vọng gì nữa, ông dựa trên lời Thiên Chúa hứa với Abraham để khuyên dân rằng : Thiên Chúa đã hứa thì Ngài sẽ trung thành thực hiện lời hứa mà cứu thoát họ dù họ tội lỗi.

Còn Phaolô thì coi Abraham là gương mẫu của đức tin : điều quan trọng không phải là muốn mình trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ những việc mình làm, mà là phải cậy trông phó thác nơi Ngài. Thư Híp-ri mời chúng ta theo bước Abraham mà chẳng cần biết trước con đường sẽ đi...

Phần chúng ta, trong Abraham chúng ta sẽ tìm thấy điều gì để sống trung thành với Thiên Chúa hôm nay ?

 

 

III. TƯỜNG THUẬT VỀ CUỘC TẠO DỰNG St 2,4-3,24 :

Trước hết bạn hãy đọc kỹ bản văn này. Hãy ghi nhận những cảm nghĩ, những thắc mắc ban đầu.

Xin đọc lại lần nữa và tự đặt vài câu hỏi (có thể dùng bút chì nhiều màu để gạch dưới bản văn).

- Các vai là ai, họ làm gì?

- Tường thuật này có thể chia thành mấy phần, mỗi phần nói gì ?

- Những chủ đề và kiểu nói nào thường lặp đi lặp lại ? Cách riêng : những câu nào nói về "cây sự sống" ? "cây biết lành biết dữ" ? tác giả dùng những thuật ngữ nào để giải thích điều người ta có được khi ăn trái của cây ấy ?

 

Đây là một bài suy tư của các hiền sĩ.

Bản văn này được viết theo văn thể nào ?

Hiển nhiên không phải là "phóng sự trực tiếp", cũng chẳng phải là lịch sử hay địa dư. Nó là một bài suy tư của các hiền sĩ về những vấn đề lớn của nhân loại : con người từ đâu mà có ? ta sẽ đi về đâu ? tại sao có sống - chết - đau khổ ? sao mà nam nữ lại thu hút nhau ? con người có liên hệ gì với Thiên Chúa, với thiên nhiên (lao động) và với tha nhân...?

Để trả lời cho những vấn đề trên, tác giả dựa trên suy tư riêng của mình, nhưng cũng dựa trên suy tư của các hiền sĩ thuộc những nền văn minh khác, và nhất là dựa trên đức tin : các tín hữu trước ông đã từng suy nghĩ về Xuất hành và việc vào đất Canaan ; họ đã tìm thấy trong những sự việc ấy một dung mạo nào đó về Thiên Chúa của họ. Đó là những chỗ mà tác giả dựa vào để đưa ra câu trả lời.

Sau đây chúng ta lấy lại một số vấn đề và đặt chúng lại vào bối cảnh tư tưởng của thời chúng.

 

1) Adam và Eva :

Trước tiên ta hãy loại bỏ một khó khăn. Đôi khi ta nghe nói : "Adam và Eva không bao giờ có". Nói thế là chẳng hiểu gì về văn thể của bản văn này. Dĩ nhiên là nhân loại đã có lúc bắt đầu. Lúc nào ? thế nào ? và bắt đầu bằng những ai ? những chi tiết này khoa học phải trả lời, chứ không phải Thánh kinh. Cặp người (hoặc những cặp người) đầu tiên mà khoa học khám phá ra được, Thánh kinh gọi tên là "Adam và Eva". Trong tiếng Híp-ri những tên đó có ý nghĩa là "NgườiSự Sống" (l'homme, la vie), tức là không phải tên riêng mà là tên biểu tượng vừa của những người đầu tiên, vừa của bất cứ người nào và của mọi người.

 

2) Phát sinh Trái đất :

Tường thuật này chứa đựng ý tưởng "khoa học" nào của thời đó ? (ta sẽ thấy rằng "khoa học" của St 1 khác hẳn). Có lẽ đây chỉ là kinh nghiệm của một người du mục, gặp được một ốc đảo trong sa mạc thì cứ tưởng là địa đàng.

 

3) Việc tạo dựng con người :

Con người gồm bởi những yếu nào ? Bạn hãy đọc một trích đoạn thơ dưới đây của Babylone rồi so sánh với bài tường thuật của Thánh kinh xem có những điểm nào giống nhau và khác nhau. Bạn có nhận thấy nét bi quan của Babylone và nét lạc quan của Thánh kinh không ?

 

 

ANH HÙNG CA ATRA-HASIS
(
trước năm 1600)

Các thần mỏi mệt vì những việc phải làm : "khi các thần cũng phải theo kiểu loài người mà lao động nhọc nhằn và chịu cực nhọc thì nhọc nhằn của các ngài thật lớn, lao động của các ngài thật nặng, sầu buồn của các ngài thật mênh mông..."

Thế là các thần nổi loạn. Để trút gánh nặng, các ngài quyết định tạo dựng con người. Thần Ea bèn khuyên :

"Ta phải giết chết một vị thần, Nintou (nữ thần mẹ) lấy máu và thịt của vị ấy ta hãy trộn với bùn để cho thần linh và người phàm hoà lẫn nhau trong bùn..."

 

 

Bản văn Thánh kinh chẳng có gì nghịch với thuyết tiến hoá, theo đó con người là do con vật tiến hoá thành : Thánh kinh chỉ đưa ra một ý nghĩa tôn giáo về việc xuất hiện của con người : ý nghĩa gì ?

 

4) Con người và thiên nhiên :

Vai trò của con người đối với thiên nhiên ra sao (2,15) ? đối với thú vật ra sao ? (2,19 : đặt tên là ban cho một hữu thể mới). Như thế có phải là chấp nhận khoa học không ?

 

5) Tạo dựng người nữ :

Tại sao tạo nên người nữ ? tác giả diễn tả thế nào ý tưởng người nam và người nữ cùng một bản tính với nhau, nhưng khác với thú vật ?

Đối với chúng ta ngày nay "ở bên cạnh (sườn)" có nghĩa là bình đẳng với nhau. Có lẽ Thánh kinh cũng dùng hình ảnh ấy. Nhưng có thể cũng là một cách chơi chữ : trong tiếng Sumer, chữ "cạnh sườn" và chữ "sự sống" có thể viết giống nhau.

- "Cơn tê mê" hay là "giấc ngủ" (TOB 2,21r) : chữ này rất hiếm, nó chỉ một cảm nghiệm siêu nhiên, một loại "xuất thần".

Ở đây có lẽ ta gặp được một huyền thoại cổ xưa, theo đó người nam chỉ thực sự thành người nam khi có tương quan yêu thương với người nữ. Sau đây là một trích đoạn:

 

ANH HÙNG CA GILGAMESH :

Gilhamesh là vị anh hùng của thành Qurouk. Để chống lại thế lực của chàng, các thần linh tạo dựng nên một quái nhân tên là Enkidou, tên này chung sống với các dã thú. Theo lời khuyên của một người thợ săn, một cô gái hiến thân cho tên Enkidou ấy. Trong 6 ngày 6 đêm ấy hắn kết hợp với nàng, sau đó, thoả mãn rồi, hắn muốn quay về với các dã thú, nhưng các dã thú thấy hắn thì chạy trốn. Enkidou muốn rượt theo, nhưng không nỗi, vì hắn đã mất hết sức lực, hắn đã trở thành người.

"Enkidou đã hết sức

cặp đầu gối của hắn bất động

khi hắn muốn rượt theo bầy dã thú

Bạc nhược,

hắn không còn chạy được như trước nữa,

nhưng lòng và trí hắn mở ra!

Hắn đến ngồi dưới chân cô gái

và chiêm ngưỡng gương mặt nàng

và bây giờ hắn hiểu được

điều mà cô gái nói..."

 

6) Con rắn :

Rắn có một vai trò lớn trong các huyền thoại. Ở Aicập nó là kẻ thù của thần Mặt trời, ban đêm nó cản trở không cho thần Mặt trời tái xuất hiện. Ở Canaan nó là biểu tượng của tính dục trong một số lễ nghi. Theo anh hùng ca Gilgamesh, chính con rắn đã "ăn cắp cây sự sống". Còn trong bản văn này, điểm chủ yếu là tác giả cho thấy tội lỗi không phải ở trong con người mà là từ bên ngoài (từ con rắn), nên tội lỗi không là thành phần của bản tính con người. Vì thế con người lãnh trách nhiệm về các hành vi của mình (bạn hãy so sánh với một bản văn Babylone dưới đây)

"Thần tối cao tạo dựng con người

tức thần Ea, kẻ đã lấy bùn đất nắn ra con người.

Và nữ thần đã tạo hình dáng cho con người

Hai thần này đã ban cho con người một tinh thần xảo trá.

Các vị ấy đã không bao giờ ban cho con người sự thật, mà là xảo trá".

 

7) Cây của sự biết lành dữ :

Cây này và trái của nó dĩ nhiên chỉ là những biểu tượng (chứ không phải là trái táo đâu !) tương tự như ngày nay chúng ta nói "hưởng hoa trái của việc làm". Vậy cây này là biểu tượng của sự gì ?

Hãy gạt bỏ một cách giải thích sai lầm : đây không phải là cây của sự hiểu biết, của khoa học, làm như con người bị cấm không cho hiểu biết, không cho làm khoa học. Bản văn quả quyết ngược lại : Thiên Chúa ban Trái đất cho con người canh tác và thú vật cho con người đặt tên, tức là Thiên Chúa cho phép con người hiểu biết và tìm hiểu khoa học.

Khi đọc bản văn này, ta đã thấy cái cây ấy luôn luôn liên hệ với những thuật ngữ như : "các ngươi sẽ như thần linh có sự hiểu biết điều lành điều dữ" (3,5), cây này quý giá để thành công (nghĩa là : để có được sự biện phân, sự sáng suốt) (3,6); hãy đọc thêm 3,22.

Nếu có giờ bạn hãy đọc thêm Êdêkien 28 : ngôn sứ cũng dùng lại những hình ảnh ấy (địa đàng, như Thiên Chúa, thiên sứ v.v... xem chú thích của TOB) tội của vua thành Tyr là ỷ vào sự khôn ngoan của ông để nói : "Ta là thần".

Điều Thiên Chúa cấm con người chính là từ chối không chịu làm người mà lại muốn coi mình là Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa là "khôn ngoan", biết nguồn gốc của sự lành sự dữ. Không ai có thể ăn cắp sự khôn ngoan ấy, chỉ có Thiên Chúa ban cho người nào yêu mến Ngài với lòng tôn kính (hay nói theo ngữ vựng của Thánh kinh, là lòng "kính sợ" chẳng hạn xem Cn 3,18).

Sự khôn ngoan mà con người tưởng là đã ăn cắp được, cuối cùng khiến nó trở nên "trần truồng"; nó thấy rằng mình chỉ là người mà thôi và nó rơi vào tình trạng như con rắn. Trong tiếng Híp-ri "trần truồng" và "tinh ranh" chỉ là một chữ.

 

ANH HÙNG CA GILGAMESH

Bị ám ảnh về sự chết, Gilgamesh ra đi tìm sự bất tử. Vị anh hùng bão lụt chỉ cho chàng biết có một "cây sự sống". Gilgamesh đã nhổ được cây ấy lên từ một vực thẳm và muốn mang nó trở về thành của chàng. Chàng đi được hai ngày, rồi dừng lại.

"Gilgamesh thấy một vũng nước trong

Chàng dừng bước để tắm.

Một con rắn đánh mùi được cái cây ấy

nó rón rén từ dưới đất bò lên

nó chộp lấy cái cây,

và lập tức nó lột lớp da già cũ.

Hôm đó Gilgamesh ở lại đấy và khóc

nước mắt chảy đầm đìa dọc theo mũi chàng...".

 

8) Đau khổ và sự chết :

Phải chăng trước khi phạm tội thì con người không khổ và không chết ? Câu hỏi này bị đặt lầm chỗ. Tác giả sáng suốt nhìn vào thân phận con người thời của ông ; ông biết là có chết và có khổ, ông tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Nhưng ông vấp phải sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà con người không thể biết được. Muốn ăn cắp sự khôn ngoan ấy tức là thấy mình "trần truồng" trong thân phận đau khổ của kiếp người. Vậy ông khám phá có một liên hệ giữa đau khổ và tội. Trước lúc phạm tội có lẽ Adam cũng đau khổ và cũng sẽ chết, nhưng Adam đã sống thân phận ấy trong niềm phó thác vào Thiên Chúa, không hề lo lắng (chúng ta sẽ trở lại chữ "trước" này).

 

NGUYÊN TỘI

Cái mà Kitô hữu gọi là "nguyên tội" thực ra không có trong bản văn Sáng thế ký, nhưng trong thư của Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 5).

Tội trong sách Sáng thế : Nếu Adam có nghĩa là "người", bất cứ người nào, mọi người... thì tội Adam cũng có nghĩa là tội của mọi người, của thế giới. Theo nghĩa này mọi tội của chúng ta đều đi vào trong tội của Adam, làm cho tội đó lớn thêm, kéo dài thêm.

Theo Phaolô, xác nhận có nguyên tội chỉ là hệ quả của một sự thật quan trọng hơn nhiều : "Tất cả chúng ta đều được cứu trong Đức Giêsu Kitô". Ông nói tiếp : "bởi vì tất cả chúng ta đều cần được như thế". Rồi ông cố dùng phương pháp thống kê để chứng minh rằng cả Do thái lẫn dân ngoại đều có tội (Rm 1,3) ; kế đó ông lại dùng biểu tượng để chứng minh thêm : vì Adam là đại biểu tất cả chúng ta và ông đã phạm tội, nên trong ông, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Điều chủ yếu là chúng ta được cứu trong Đức Giêsu Kitô. "Ở đâu tội đầy tràn, thì ở đó ân sủng còn dư tràn hơn nữa". Nói cách khác : Phaolô tuyên bố rằng chúng ta không phải là "có ơn sủng", chúng ta là những tội nhân được ban ơn sủng. Thế mới là kỳ diệu ! Cũng như sau khi thoát khỏi một tai nạn có thể chết, vết sẹo còn lại trên mặt ta thật kỳ diệu, mỗi lần nhìn thấy nó ta nhớ rằng mình còn sống ! Tín điều về nguyên tội cũng phải khiến chúng ta vui mừng như vậy, nó nhắc ta rằng Thiên Chúa đã cứu chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, rằng : "chúng ta còn tốt số hơn những người chiến thắng trong Đấng đã yêu thương chúng ta" (Rm 8,37).

 

9) Cây sự sống :

Cây này xuất hiện đầu tiên ở 2,9. Theo 2,16 thì con người có thể ăn trái của nó. Nó lại xuất hiện ở 3,22-33. Ở đây ta thấy được lòng tốt của Thiên Chúa. Ngài không ganh tị như lời con rắn xuyên tạc. Ngài nắm giữ sự sống (và chỉ một mình Ngài thôi). Ngài sẵn sàng ban sự sống cho con người với điều kiện con người phải muốn sống : "Đây trước mặt ngươi là sự sống và sự chết: ngươi hãy chọn sự sống..." (Đnl 30,19-20).

 

10) Địa đàng - một trách nhiệm phải hoàn thành :

Tác giả muốn diễn tả hai điều rất khó nói và khó giữ cùng một lúc. Điều thứ nhất là do đức tin : Thiên Chúa đã dựng nên con người để nó được hạnh phúc và tự do ; Thiên Chúa đã không dựng nên tội và sự dữ. Điều thứ hai là do kinh nghiệm : mọi người là tội nhân, mọi người đều tự muốn làm Thiên Chúa, từ xưa đến nay vẫn thế.

Ta hãy cầm một đồng tiền : không thể cùng một lúc xem được cả hai mặt. Muốn xem cả hai mặt thì phải cắt dọc đồng tiền nhưng như thế thì không phải là một đồng tiền nữa. Tác giả J cũng làm như thế. Hai điều ông nói là hai mặt của thực tại con người ; ông tách đôi chúng ra để đặt chúng cạnh nhau cái trước cái sau. Trình bày như thế thì rõ ràng, nhưng không còn phải là con người nữa ? Ở đây, "cái trước" không phải là một thời gian lịch sử, mà là một hình ảnh của thần học. Tác giả chỉ muốn trình bày ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn không bao giờ được thực hiện đúng hoàn toàn.

Sau J ít lâu, ngôn sứ Isaia sẽ lấy lại cùng những hình ảnh ấy nhưng phóng chúng về lúc tận thế : đấy là điều mà một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ thực hiện (Is 11,1-9). J và Isaia có lẽ nói cùng một điều : vườn địa đàng không nằm sau lưng chúng ta như một giấc mơ đã mất, mà nằm trước mặt chúng ta như một nhiệm vụ phải hoàn thành.

 

11) Thiên Chúa nào ? con người nào ?

Khi bắt đầu bài này, chúng ta đã nói : J muốn trả lời cho những câu hỏi lớn nằm trong tâm tư chúng ta. Giờ đây đã cuối bài, bạn đã nhận được những soi sáng nào ?

Bạn thấy dung mạo của Thiên Chúa ra sao ?

Và con người là gì...?