Bài 3

NHỮNG NGÔN SỨ
CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA

 

Trong bài này chúng ta sẽ làm quen với những ngôn sứ đầu tiên rao giảng trong vương quốc Giuđa.

 

I. NATAN

Ngôn sứ này không để lại văn thư, nhưng đóng một vai trò quan trọng bên cạnh Đavít.

2Sm 7,1-7 : bạn hãy đọc bản văn này và đặt nó vào bối cảnh tôn giáo và chính trị của vương quốc Đavít.

Hãy tìm những ý đối nghịch : định cư / ở dưới mái lều (TOB) ; cư ngụ / trú ngoài trại (BJ); nhà (xây) / nhà-triều-đại ; danh của ngươi / danh của Ta. Bạn có nhận ra hai cách quan niệm về Thiên Chúa như đã nói phía trước không ? Bạn có thể nói rõ hơn không ?

Vai trò của vua ở Israel như thế nào ? Hãy xem những tước hiệu được gán cho Đavít : tôi tớ, mục tử, vua...

Nếu bạn có giờ, xin đọc thêm 1Sb 17,1-15. Quyển sử biên niên được viết sau thời lưu đày, hơn 5 thế kỷ sau bản văn của Samuel. Hãy so sánh 2Sm 7,14 và 1Sb 17,13 (khi ấy người ta không còn nghĩ rằng "con vua Đavít" mà có thể phạm tội) ; 2Sm 7,16 và 1Sb 17,14 (những sở hữu tính từ đã đổi). Điều này cho thấy rằng trong 3 thế kỷ, dung mạo của "con vua Đavít" đã được coi trọng). Hãy đọc Tv 2 : gán cho vua quyền trên toàn thế giới ! Điều này khiến ta có thể hiểu tước hiệu "con vua Đavít" được gán cho Đức Giêsu theo nghĩa nào.

Những lần can thiệp khác của Natan là ở 2Sm,12 (Đavít phạm tội) và 1V,1).

 

II. ISAIA

Isaia rao giảng ở Giêrusalem giữa các năm 740 và 700. Ông là một thi hào, một chính khách khôn khéo, nhưng trên hết là một ngôn sứ. Ông có một ảnh hưởng to lớn trên thời kỳ của ông. Hai thế kỷ sau nhiều người vẫn tự xưng là môn đệ của ông, tác phẩm của họ được ghép thêm vào tác phẩm của ông. Vì vậy phải phân biệt "sách Isaia" (66 chương) và những tác giả viết sách ấy : Is 1,39 là do Isaia viết ; Is 40-55 do một môn đệ trong thời lưu đày và Is 56-66 do một môn đệ khác sau thời lưu đày.

Hoàn cảnh chính trị thời Isaia rất phức tạp. Hai vương quốc Giêrusalem và Samaria đều thịnh vượng (ít ra đối với những người giàu áp bức kẻ nghèo !), nhưng đang bị Assyria đe doạ. Khoảng năm 734 các vua của Đamas và Samaria muốn ép Giêrusalem vào liên minh chống Assyria : cuộc chiến tranh Syro-Éphraim này sẽ là dịp cho Isaia đưa ra những tuyên sấm chính.

Đọc những bài dẫn nhập vào Isaia trong TOB và BJ, bạn có thể thấy rõ hơn bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị của thời đó.

Còn trong bước đầu, ta chỉ đọc 12 chương đầu hoặc chỉ đọc Is 6-12 và 29,17-24.

Bài tường thuật ơn gọi của Isaia (Is 6) giải thích sứ điệp của ông. Lúc ở trong Đền thờ, ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Ông ý thức rằng mình chỉ là người phàm và là tội nhân. Ông thấy mình như chết. Nhưng Thiên Chúa giúp ông đứng vững và thanh luyện ông. Isaia nhận ra tội lớn nhất chính là kiêu căng (tưởng tự mình có thể đứng vững, coi mình là Thiên Chúa), và ơn cứu độ chính là đức tin (phó thác vào Thiên Chúa một cách trọn vẹn và khiêm tốn).

Isaia cố gắng làm cho dân chúng có cảm nghiệm đó : Thiên Chúa cũng như một tảng đá lớn trên đường, kẻ kiêu căng thì vấp phải nó (8,14) và chết (5) ; kẻ tin thì dựa trên nó (10,20-21) hoặc trên Đấng Messia-Đá-tảng (28,16). Nhưng than ôi, lời rao giảng này sẽ chỉ đưa tới sự cứng lòng của đa số, nhưng dù sao cũng tạo được một thiểu số dư tồn những kẻ trung thành (6,9-11).

Isaia là người Giuđa. Theo ông, vua là "con của Đavít / con của Thiên Chúa", là người bảo đảm đức tin cho dân và đại diện dân trước Thiên Chúa. Vì thế ông đau lòng trước sự thiếu tin của vua Akhaz. Ông này quá sợ liên minh Đamas-Samaria nên đã tế hiến con mình cho các thần giả (2V 16,3), làm nguy hại đến Lời Thiên Chúa hứa với Đavít. Isaia đến báo cho ông ta rằng, dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn giữ lời hứa, rằng một đứa trẻ khác đã thụ thai, rằng thiếu phụ trẻ (vợ của Akhaz) đã mang thai. Và Isaia đặt hết hi vọng vào đứa trẻ ấy, cậu bé Êzékias, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7). Khi Êzekias lên ngôi vua trở thành "con Thiên Chúa" thì Isaia hát mừng kỷ nguyên hoà bình mà ông thoáng thấy (Is 9) và còn hát mừng trước việc con Đavít đích thực sẽ đến để thiết lập một nền hoà bình phổ quát (Is 11). Những sấm ngôn này quan trọng nhưng đôi khi khó hiểu : bạn hãy đọc những chú thích trong TOB và BJ.

 

"CHẲNG AI CÓ THỂ THẤY THIÊN CHÚA
MÀ KHÔNG CHẾT"

Đây là một câu thường gặp trong Thánh kinh, nhất là trong sách Isaia, không phải vì Thiên Chúa hung dữ mà vì Ngài hoàn toàn khác chúng ta ! Dòng điện là tốt, nhưng nếu ta đặt tay trên dòng điện cao thế thì sẽ bị giật chết, bởi vì ta không hợp với điện thế ấy. Cũng vậy chúng ta không hợp với Thiên Chúa, Đấng sự sống trong khi chúng ta chỉ sự sống mà thôi. Vì vậy khi hiện ra Thiên Chúa phải che vinh quang Ngài lại (hãy xem Xuất hành 33,12t : Thiên Chúa cho phép Môsê được nhìn "phía lưng" của Ngài).

Vả lại, chúng ta còn là tội nhân nên không thể đứng vững trước Thiên Chúa thánh. Nghĩa là vừa hoàn toàn khác, vừa trọn hảo.

Thiên Chúa cần phải thanh luyện chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Chỉ sau nầy trong Đức Giêsu Con của Ngài, chúng ta mới "dám" gọi Ngài là Cha.

 

III. MIKHA

Isaia là một người quý phái, còn Mikha là một nông dân. Ông là nạn nhân của đường lối chính trị của những "người lớn" đã dẫn đến chiến tranh và sự bóc lột của những kẻ giàu. Một hôm ông lên Giêrusalem để lớn tiếng cho người ta biết sự bất bình của Thiên Chúa.

Nếu chỉ nhớ một câu của Mikha thôi thì đó phải là Mk 6,8. Câu này tổng hợp được sứ điệp của 3 ngôn sứ thời đó : Amos rao giảng sự công bình, Hôsê giảng tình thương của Thiên Chúa (2 vị này ở vương quốc phía Bắc) và Isaia (ở Giêrusalem) rao giảng về đức tin khiêm tốn :

"Hỡi người, đã cho ngươi biết điều gì là thiện, điều mà Đức Chúa đòi ngươi. Không gì khác hơn là thực thi công bình, trìu mếu yêu thương, và bước đi khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi".

Bạn có thể đọc những lời ông kêu gào chống bất công xã hội (2,1-5 ; 3,1-12; 7,1-7), lời ông loan báo về một Đấng Messia không phải là con của Đavít-vua-Giêrusalem, mà là con-Đavít-mục tử-ở-Bêlem (5,1-5, được trích lại ở Mt 2,6) hoặc sứ điệp hi vọng của ông (7,1-10 được trích ở Lc 1,73).

 

NGÔN SỨ

Ngôn sứ không phải là người đoán tương lai (tiên tri), mà đúng hơn, đó là người nói nhân danh Thiên Chúa, người được đưa vào kế hoạch của Thiên Chúa (Am 3,7) và từ đó ông nhìn mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa.

Ngôn sứ có nhất thiết nhận được những mạc khải phi thường không ? Không loại trừ điều này. Nhưng hình như đúng hơn là họ khám phá Lời Thiên Chúa ở 2 lúc hoặc 2 nơi : lúc được gọi và trong cuộc sống. Ơn gọi là yếu tố quyết định : đó chính là lúc họ cảm nghiệm Thiên Chúa (lúc ở trong Đền thờ như Isaia, lúc đang cầu nguyện như Giêrêmia, lúc gặp tình yêu trắc trở như Hôsê...) rồi được soi sáng bằng ánh sáng ấy, từ nay trong cuộc sống (trong những biến cố chính trị lớn, và trong sinh hoạt thường ngày) họ sẽ khám phá ra Lời Thiên Chúa, họ sẽ được "đọc" những dấu chỉ thời đại.

Từ đó, mọi sự đều nói cho họ về Thiên Chúa, chẳng hạn một cánh đào trổ hoa hay một chiếc nồi sắp đổ (Gr 1,11t) hoặc một cuộc sống lứa đôi (Hs 1-3; Ed 24,15t) hoặc một cuộc xâm lăng của quân thù... Các ngôn sứ dạy chúng ta cũng phải biết đọc trong cuộc sống mình Lời Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục kêu gọi chúng ta.

Các ngôn sứ diễn tả sứ điệp bằng nhiều cách : bằng lời nói, như sấm ngôn (những lời tuyên bố nhân danh Thiên Chúa), khuyến dụ, tường thuật, cầu nguyện...; bằng hành động : những hành vi ngôn sứ cũng là một cách diễn tả Lời Thiên Chúa và thậm chí tác động lên lịch sử nữa (xem những chú thích của TOB và BJ về các hành vi ngôn sứ).