CHƯƠNG III

VƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC

(935-721)

  

Bài 1

LỊCH SỬ

 

Hai thủ đô thù nghịch, Giêrusalem và Samaria, chỉ cách nhau chừng 50 km. Nhưng có nhiều điểm rất khác nhau.

 

I. HOÀN CẢNH ĐỊA DƯ

Chỉ cần nhìn thoáng lên bản đồ, ta sẽ thấy rõ sự dị biệt.

- Giêrusalem nằm giữa các ngọn đồi, gần sa mạc Giuđa. Đất đai nhiều sỏi đá, trên đó người ta trồng ngũ cốc, nho, ôliu và nuôi cừu. Xứ này không có đường ra biển (vì cánh đồng Shêphêla phì nhiêu đã bị quân Philitinh chiếm) nên phải hướng về đồng bằng Giođan và Biển Chết.

- Vương quốc phía Bắc trái lại, trải rộng trên một vùng đất gồm những ngọn đồi của xứ Samaria đầy những thung lũng xanh tươi, và những cánh đồng phì nhiêu vùng Saron và Isréel. Việc dời thủ đô cho thấy sự phát triển của xứ này : Vua đầu tiên là Giêrôbôam đặt thủ đô ở Tirsa quay hướng về sông Giođan. Nhưng một trong những vua kế vị, Omri mua ngọn đồi Samaria và đặt nó làm thủ đô, quay hướng về phía biển, nhờ thế những liên hệ thương mại với các vua Canaan ở phương Bắc (ngày nay là Liban và Syria) được dễ dàng. Hoàn cảnh này ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và tôn giáo.

 

II. HOÀN CẢNH KINH TẾ

Sách ngôn sứ Amos đã mô tả nhà cửa ở Samaria làm bằng gỗ mun và ngọc ngà (Am 3,12; 5,11; 6,4) chứng tỏ một mức thịnh vượng cao. Nhưng từ đó cũng phát sinh cảnh bất công xã hội : những kết quả khai quật ở Tirsa, thủ đô đầu tiên cho thấy một một khu nhà cửa xây cất kiên cố được tách hẳn bằng một bức tường với một khu khác gồm những mái nhà lụp xụp.

 

III. HOÀN CẢNH TÔN GIÁO

Israel có nhiều tiếp xúc hơn Giuđa với những người Canaan sinh sống trên lãnh thổ họ và với các vua thành Tyr, Siđon và Đamas. Tín ngưỡng của những dân này rất hấp dẫn đối với một dân sống bằng nghề nông bởi vì nó thờ những sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá (Baals và Astartés) vốn được coi là có khả năng làm cho loài người, súc vật và cây trái sinh sản nhiều. Israel đã đi nước đôi, hay nói như ngôn sứ Êlia là "đi khập khiễng trên cả hai chân" tức là vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ các Baals.

Để ngăn không cho dân mình đến Đền thờ Giêrusalem, Giêrôbôam đã cho dựng 2 tượng bò tót ở 2 đầu biên giới, Đan và Bêthel (1V 12,26t). Hình như những tượng bò tót ấy được coi là bệ ngai của Thiên Chúa Yavê tương tự như khám giao ước ở Giêrusalem. Thế nhưng bò tót cũng tượng trưng cho các thần Baals, vì thế nó gây nên nguy hiểm thờ tà thần.

 

IV. HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ

Hệ thống vương quyền do Đavít và Salômon thiết lập vẫn tiếp tục ở Israel. Nhưng ở đây các vua không còn là những hậu duệ hợp pháp của Đavít nữa ; 8 trong số 19 vua sẽ bị mưu sát và các triều đại cứ liên tiếp lật đổ nhau. Vua không phải là "con của Đavít" nên cũng không phải là "con Thiên Chúa". Trong sách Hôsê, Thiên Chúa trách rằng : "Chúng đã dựng nên những vua mà không cần hỏi ý Ta" (Hs 8,4). Vì thế không như ở Giuđa, vua sẽ không là kẻ đảm bảo mối thống nhất của dân và đại diện dân trước Thiên Chúa. Ở Israel, người nắm vai trò ấy sẽ là ngôn sứ, mà các ngôn sứ thường chống đối các vua.

Cách chung, các vua của Israel cũng chẳng tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn các vua Giuđa, nhưng một số vị quả là những vua vĩ đại.

 

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Israel bị chi phối bởi đường lối chính trị chung của thời đó.

Khi ấy Ai cập đang xuống dốc, còn Assyria thì hùng cường, nhiều lần xuất chinh vào xứ Canaan.

Ở phía Bắc của Israel, một nước khác tuy nhỏ nhưng thịnh vượng là Đamas. Vì cũng thuộc chủng Sêmit, vì hùng mạnh và vì ở sát cạnh Israel và Giuđa, nước này sẽ trở thành khi thì đồng minh khi thì đối thủ của họ. Chẳng hạn một tài liệu Assyria cho hay rằng vào năm 853 Assyria phải đương đầu với một liên minh các nước Aram trong đó có phần đóng góp của vua Achab nước Israel là 2.000 chiến xa và 10.000 lính.

Khoảng năm 750 hai vương quốc Israel và Giuđa đạt đến cao điểm hùng cường. Đế quốc Assyria muốn mở bờ cõi về hướng Địa Trung Hải. Chướng ngại đầu tiên họ gặp là Đamas. Điều này có lợi cho Israel và Giuđa, vì Đamas phải bận tâm đối phó với mặt trận thứ hai ấy nên không còn đe doạ họ nữa. Ngoài ra bao lâu Đamas còn sức chiến đấu thì đó sẽ cũng là một lá chắn thay họ chống lại Assyria. Nhưng tình hình đó sẽ không kéo dài bao lâu. Tuy nhiên trong tạm thời, nhờ có những vua thông minh và vị nào cũng trị vì khá lâu (khoảng 40 năm) nên hai vương quốc tiếp tục an cư lạc nghiệp. Trong thời kỳ này các ngôn sứ Amos Hôsê rao giảng ở Israel.

Đến năm 732, Assyria chiếm được Đamas, rồi năm 721 chiếm Samaria. Một phần dân cư bị đày sang Assyria, họ sẽ bị đồng hoá với dân xứ đó. Thế là chấm dứt vương quốc phía Bắc.

 

VI. DÂN SAMARIA SAU NĂM 721

Không phải tất cả cư dân đều bị lưu đày, một số còn lại ở Samaria. Assyria còn đưa về Samaria những kẻ chiến bại từ các tỉnh khác. Những người này khi tới Samaria cũng mang theo các tập tục, tín ngưỡng của họ.

Điều ấy làm sinh ra một cư dân mới hỗn tạp ; về huyết thống thì lại giống, về tín ngưỡng thì vừa thờ Yavê vừa thờ các thần linh (xin đọc 2V 17,24-41).

Chúng ta sẽ có dịp nói tới những cuộc xung đột giữa đám người Samaria này với những người Do thái từ chốn lưu đày Babylone trở về.

Thế mới hiểu tại sao vào thời Đức Kitô những người Do thái và Samaria thù ghét nhau.

 

HOẠT ĐỘNG VĂN CHƯƠNG

Có lẽ từ đầu thế kỷ IX, người ta chép "những truyền thống về Êlia" (1V 17-19, 21; 2V. 1-2), và khoảng năm 750, những "giai thoại về Êlisê" (2V 3-9) hoặc những "trang sử đẹp" như tường thuật về cuộc cách mạng của Jéhu (2V 9-10).

Những sấm ngôn của Amos và Hôsê cũng được viết ra.

Cũng khoảng năm 750, người ta viết "lịch sử thánh của phía Bắc" mà chúng ta gọi là truyền thống Elihiste.

Sau cùng là bắt đầu có những sưu tập về luật để thích nghi hệ thống luật cũ với hoàn cảnh xã hội mới. Những sưu tập này chịu nhiều ảnh hưởng của các ngôn sứ, nhất là Hôsê. Sau này chúng sẽ là nòng cốt của quyển Đệ nhị luật.