Bài 2

NHỮNG NGÔN SỨ
CỦA VƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC

 

Ở vương quốc này ngôn sứ (chứ không phải vua) mới là người bảo đảm cho đức tin. Ta hãy nói tới 3 vị ngôn sứ lớn.

 I. ÊLIA

Cũng như Natan ở Giêrusalem, Êlia không để lại văn tự. Nhưng ông và Môsê được coi là những khuôn mặt lớn của đức tin Do thái. Tân ước, nhất là Luca, sẽ trình bày Đức Giêsu là một Êlia mới.

Tên của ông là cả một chương trình : chữ ÊLIA là viết tắt 2 chữ : ÉliYahu. Với ý nghĩa : "Thiên Chúa của tôi chính là Yavê". Ông xuất hiện vào thế kỷ IX triều vua Akhab. Vua này đã cưới Jêsabel con gái vua thành Tyr. Cuộc hôn nhân này góp phần làm cho Israel thêm thịnh vượng, nhưng Jêsabel cũng đem vào xứ những Baals và những ngôn sứ của bà khiến dân vừa thờ Thiên Chúa, vừa thờ Baals. Phần Êlia thì đã dứt khoát lựa chọn.

Bạn hãy đọc 1V 17-19; 21, 2V 1-2. Hãy tìm xem những nét chính về Êlia.

- Một người trước mặt Thiên Chúa. Những thuật ngữ "Thiên Chúa mà tôi thờ" và "Thiên Chúa mà tôi đứng trước mặt" được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nghĩa là Êlia đã chọn, một sự lựa chọn dứt khoát, không chia sẻ. Và ông cũng muốn buộc dân phải như thế.

- Một kẻ được Thánh Linh xâm chiếm. Bạn hãy đọc câu trả lời cho Ovad-yahu trong 1V 18,12. Đó chính là nguồn sức mạnh và tự do của tâm hồn Êlia.

- Một đức tin không chia sẻ. Trong cuộc tế lễ trên núi Carmel (1V 18), ông buộc dân phải chọn giữa Thiên Chúa hằng sống, hữu vị, can thiệp vào lịch sử và các Baals vốn chỉ là những sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá (xem khung sau đây). Cũng như chúng ta, Êlia đã tin dù không thấy, tin chỉ vì nghe Thiên Chúa bảo (1V 18,41t : Thiên Chúa bảo ông loan báo sắp có mưa thì ông loan báo... dù chẳng thấy gì cả !).

- Một người thân thiết với Thiên Chúa. Việc ông được thấy Thiên Chúa (1V 19) (cùng với thị kiến của Môsê, Xh 33,18t) được coi là mẫu mực cho cuộc sống chiêm niệm : đó là mức tối đa mà con người được phép thấy. Nhưng Êlia vẫn là một người phàm như chúng ta, cũng thất vọng, cũng sợ hãi (19,1t). Phải dịch câu 19,12 như sau mới đúng : "có tiếng động của một sự im lặng", bởi vì Thiên Chúa không ở trong sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá. Ngài là Thiên Chúa mầu nhiệm, người ta chỉ có thể cảm được sự hiện diện của Ngài trong im lặng và trống rỗng, Ngài là một Thiên Chúa giấu mình. Trong lời cầu nguyện của ông (cũng như của Hôsê), Êlia không cần nói nhiều, ông chỉ thân mật thưa chuyện với Thiên Chúa Đấng giao sứ mệnh cho ông.

- Kẻ bênh vực người nghèo : Êlia không sợ chống lại vua và những người thế lực để bênh vực người nghèo.

- Một tinh thần đại đồng : vì Êlia tin Thiên Chúa với một đức tin không chia sẻ, và vì ông để Thánh Linh hoàn toàn hướng dẫn, nên ông rất tự do thường xuyên lui tới những người ngoại (1V 17). Nhưng ông đòi người ngoại phải có một đức tin không điều kiện (17,13).

- Những giai thoại về Êlia (2V,1) : đây là một tường thuật bình dân. Tiếc thay nó sẽ khiến người ta lầm tưởng Êlia là một người khe khắt đòi lửa từ trời xuống đốt những tội nhân.

- Chuyện Êlia thăng thiên (2V,2) : có lẽ vì người ta không biết mộ của Êlia nên đã tưởng rằng ông được đưa lên trời. Luca sẽ dựa vào bản văn này để viết tường thuật Đức Giêsu thăng thiên (Cv 1,6-11) ; cũng như Êlisê nhờ được thấy thầy mình là Êlia được lên trời mà được thừa hưởng tinh thần của thầy để tiếp tục sứ mạng của thầy, thì các môn đệ nhờ thấy Đức Giêsu thăng thiên nên cũng nhận được Thánh Linh của Đức Giêsu.

 ĐỨC GIÊSU - ÊLIA MỚI TRONG TIN MỪNG LUCA

Bạn hãy đọc những bản văn mà Luca quy chiếu minh nhiên về chuyện Êlia : 4,26 (diễn từ tại hội đường Nazareth), 7,12.15 (cứu sống con trai bà goá Naim) ; 9,42 (chữa bệnh một đứa trẻ) ; 9,51.54.57.61.62 (Đức Giêsu lên Giêrusalem) ; 22,43.45 (hấp hối, Đức Giêsu được thiên sứ đến tăng sức). Cũng hãy lưu ý rằng Luca đã bỏ qua Lời Đức Giêsu đồng hoá Gioan Tẩy giả với Êlia (so sánh với Mt 11,14 ; 17,11-13).

Những nhận xét trên giúp bạn thấy Luca mô tả Đức Giêsu bằng những nét của Êlia : liên hệ mật thiết với Thiên Chúa biểu lộ thường xuyên bằng việc cầu nguyện, tâm hồn hoàn toàn tự do trong Thánh Linh, tinh thần đại đồng, yêu thương những người nghèo khó, tội lỗi, bị bỏ rơi, các phụ nữ, đòi hỏi một đức tin không chia sẻ và không điều kiện. Và cũng như Êlia, Đức Giêsu là con người chỉ nghĩ đến mỗi một mục tiêu là "hướng về lúc được nâng lên" (9,51) : vừa là nâng lên trên thập giá vừa là nâng lên trong vinh quang của Cha.

 II. AMOS - NGÔN SỨ CỦA ĐỨC CÔNG BÌNH

Là một mục tử quê quán ở Téqoa gần Bêlem, Amos được Thiên Chúa sai đến vương quốc phía Bắc vào thời huy hoàng của Samaria dưới triều Giêrôbôam II. Ông là một nhà giảng thuyết bình dân với những lời lẽ thẳng thừng, ông phẫn nộ trước cảnh xa hoa và bất công xã hội. Bạn hãy xem 3,13-4,3 (xa hoa) ; 2,6-16 ; 8,4-8 (bất công).

Amos là một ngôn sứ : có hai lần ông nói về ơn gọi của mình. Ở 7,10-17 ông thuật lại việc mình được gọi thế nào ; ở 3,3-8 ông giải thích ý nghĩa của ơn gọi ấy : ngôn sứ là người được bước vào kế hoạch của Thiên Chúa nên từ đó nhìn mọi sự theo ánh sáng Thiên Chúa và tìm cách diễn tả kế hoạch ấy trong cuộc sống và trong những sự việc xảy ra.

Do đó, giáo huấn của ông về xã hội đặt nền tảng trên Giao ước : Giao ước không phải là một bảo đảm để người ta sống cách nào cũng được, mà là một trách nhiệm : "trong tình thương, Ta chỉ biết có các ngươi, Thiên Chúa phán, vì thế Ta sẽ buộc các ngươi phải trả lẽ về những sự bất công của các ngươi" (3,1-2).

Nếu Thiên Chúa phạt, đó là để giúp người ta hoán cải. Amos thấy trước sẽ có một thiểu số dự tồn trong thảm hoạ, sẽ có một ít người được cứu (3,12) cho nên vẫn còn hi vọng (8,11-12).

Thiên Chúa của Amos không chỉ là Thiên Chúa của quốc gia, mà còn là Thiên Chúa của các nước khác (1,3-2,3), bởi vì Ngài là Đấng tạo hoá (4,13 + 5,8-9 9, 5-6)).

 III. HÔSÊ - NGÔN SỨ CỦA TÌNH THƯƠNG

Là người gốc phía Bắc, Hôsê rao giảng cùng thời với Amos. Ông đã khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua kinh nghiệm bản thân : Hôsê yêu thương vợ ông, nhưng đó là một người đàn bà xấu nết. Tuy nhiên ông đã dùng tình thương để hoán cải nàng. Thiên Chúa cũng yêu thương chúng ta như thế, không phải bởi vì chúng ta tốt, mà là để cho chúng ta trở nên tốt (Hs 1-3). Ngài yêu thương ta như chồng yêu thương vợ : tư tưởng này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Thánh kinh và cho đức tin có một ý nghĩa mới : Luật Sinai được coi như một khế ước tình thương, một giao ước giữa hai vợ chồng. Còn tội được coi như một sự ngoại tình, một lỗi nghịch với tình thương.

Hôsê vẽ ra một bức tranh u tối về tội lỗi của dân : chẳng có trung tính, chẳng có yêu thương nhau, chẳng có sự hiểu biết về Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nghiên cứu một bản văn cách kỹ lưỡng hơn. Còn bây giờ bạn hãy đọc một vài đoạn nói về tình thương của Thiên Chúa (1-3 : như chồng thương vợ ; 11 : như cha thương con), Thiên Chúa đòi dân phải đáp lại tình thương của Ngài (4,1-3 ; 6,4-6 ; một câu mà Mt sẽ trích lại hai lần ở Mt 10,12 ; 12,3-7) ; và tội là gì (4,4-10 ; 5,1-7 ; 7,1-2).

Về điều gì quan trọng cho cuộc sống, bạn hãy tìm các câu nói về định chế như Luật - Phụng tự - Đất - Ngôn sứ (có vai trò trổi hơn vua) - Thủ lãnh... Lý tưởng là sống như ở sa mạc trong thời xuất hành, dưới sự hướng của ngôn sứ Môsê.

 THIÊN CHÚA CỦA LỊCH SỬ
HAY CÁC THẦN CỦA THIÊN NHIÊN ?

Israel tin một Thiên Chúa duy nhất là Đấng can thiệp vào lịch sử : "Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacob", "Thiên-Chúa-đã-kéo-chúng-ta-ra-khỏi-kiếp-nô-lệ". Thiên Chúa ấy đã dẫn dắt họ khi họ còn là dân du mục trong sa mạc, và đã đưa họ vào đất Canaan.

Nhưng khi Israel trở thành dân định cư, đã có những đồng ruộng và những thành phố, thì những điều họ quan tâm la : làm sao cho đất đai và đoàn vật sinh sản nhiều ? phải xin với ai để có mưa đúng thời ? Họ đã tìm thấy câu trả lời cho những quan tâm ấy trong thứ tín ngưỡng đã có sẵn tại chỗ : các thần Baals (thần bão, thần mưa) và các nữ thần Astartés (thần phái tính và sinh sản).

Đành rằng cũng tốt nếu thờ một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử. Nhưng mà còn phải sống, cho nên xin với các thần Baals thì bảo đảm hơn !

Ta đừng vội nghĩ rằng đó là một vấn đề thuộc quá khứ : ngày nay vẫn có những thần Baals nhưng đã đổi tên. Kitô hữu cũng có thể gặp sự xung đột tương tự : họ tin Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử và Đức Giêsu Con Ngài, thế nhưng đức tin ấy có giúp họ thoả mãn những nhu cầu kinh tế không ? phải chăng bảo đảm hơn là chạy tới những "quyền lực" thiên nhiên (ngân hàng, địa vị, quyền thế...) ?

 IV. NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN Hs 2,4-25

Bạn hãy đọc bản văn trên rồi cố trả lời những câu hỏi sau :

Bản văn nói tới ai ? bằng những hình ảnh gì ? bản văn này nói với bạn điều gì ? Hãy ghi nhận những điều bạn thích, những điều khiến bạn ngạc nhiên và những điều làm bạn thắc mắc...

Có những vai nào ? những vai ấy được diễn tả bằng những hình ảnh nào ?

Họ làm gì ? họ kiếm gì ?

Chú ý tới những từ và nhóm từ lặp đi lặp lại, những từ mà bạn thấy quan trọng, cách chơi chữ với những tính từ sở hữu (thí dụ : lúa, lúa của tôi...).

Đây là một vụ kiện ly hôn, hãy lưu ý 3 lời buộc tội của Thiên Chúa (những lời nào ?) và những hình phạt Ngài đe doạ (hình phạt thứ 3 ra sao ?)

Xin chú ý những đối nghịch : thương / không thương ; cho / lấy lại ; sa mạc ở câu 5 / sa mạc ở câu 16 (có cùng nghĩa không ? tại sao ?) ; ở đầu thì "làm vợ" có nghĩa là "được chăm sóc", còn ở cuối thì sao ?

Hãy đặt bản văn này lại vào tư tưởng của thời đó (xem khung ở trang trước, nói về Thiên Chúa của lịch sử và các thần của thiên nhiên ; và chú thích của TOB 2,25cho) ; mấu chốt là phải biết ai làm cho sinh sản nhiều : các Baals hay là Thiên Chúa ? Hôsê đã dựa vào lịch sử thế nào (hãy đọc những quy chiếu bên rìa sách Thánh kinh) ?

Trong bản văn nầy, Thiên Chúa mang dung mạo nào ? Ngài có phải là một thành phần của thiên nhiên không ? Ngài là Đấng cho mọi sự có ý nghĩa. Nhưng thiên nhiên có những luật riêng thuộc lĩnh vực khoa học (x.TOB.w).

Thiên Chúa chờ đợi gì nơi con người ? Hãy chú ý những chữ nói về sự trả lời của con người.

 NGỮ VỰNG TÌNH THƯƠNG

 1) HÉSED : liên hệ yêu thương giữa 2 vợ chồng (TOB dịch là amour, fidélité ; BJ dịch là tendresse, amour, bonté. Tạm dịch qua tiếng Việt là : tình ân ái).

2) RAHAMIN : số ít là rehem nghĩa là "vú mẹ", chỉ sự êm ái dịu dàng. Số nhiều rahamin là từ dành riêng để nói về tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta, một tình thương dịu dàng, đùm bọc như của cha mẹ đối với con cái, một tình thương nằm trong ruột gan của cha mẹ (TOB dịch là amour, aimer, tendresse, aimer. Tạm dịch tiếng Việt là : tình thương trìu mến).

3) ÉMETH, ÉMOUNAH, AMEN : những chữ này có cùng ngữ căn trong tiếng Híp-ri. Chúng chỉ sự bền vững lâu dài trong Giao ước giữa hai người nhờ đó mà họ có thể hoàn toàn tin cậy nhau (TOB và BJ dịch là sincérité, fidélité. Tạm dịch quan tiếng Việt là : trung tín).

4) BIẾT : biết bằng trí khôn, tấm lòng và thân xác. Tóm lại là bằng cả con người trọn vẹn. Động từ này cũng được dùng để diễn tả việc vợ chồng giao hợp (xem TOB chú thích Hs 4,1 và Am 3,2; BJ chú thích Hs 2,22).

5) HANAN : cử chỉ người mẹ nghiêng mình trên đứa con nhỏ. Người ta thường dịch là ban ơn, nhưng chưa đủ nghĩa. Có lẽ nên dịch là cưng, (tên Gioan do chữ Yo-hanan nghĩa là : "Thiên Chúa ban ơn", "Thiên Chúa cưng".

Đó là những tên mà Thiên Chúa ghi trên danh thiếp của Ngài : ân ái, trìu mến, trung tín, biết và cưng loài người.