Bài 3

LỊCH SỬ THÁNH CỦA PHÍA BẮC
HAY LÀ
TRUYỀN THỐNG ELOHISTE

 

Các chi tộc phía Bắc đã tách khỏi Giêrusalem và các vua nhà Đavít. Nhưng họ vẫn có chung một quá khứ và những truyền thống. Sau cuộc ly khai này chẳng bao lâu, vương quốc Giuđa đã viết các truyền thống của họ thành "lịch sử thánh của Giuđa" (hay truyền thống J). Hai thế kỷ sau, có lẽ khoảng năm 750, ở vương quốc Israel, người ta cũng gom góp cùng những truyền thống ấy để viết một "lịch sử thánh của phía Bắc". Người ta gọi đó là "truyền thống Elohiste", vì nó gọi Thiên Chúa là Êlohim. Truyền thống này viết tắt là E.

Đây cũng là lịch sử đã được viết ở phía Nam, nhưng vì bối cảnh khác nên nó cũng khác. Ở Israel dân bị nhiều cám dỗ bỏ Thiên Chúa thật để thờ các Baals, hoặc bắt cá hai tay. Để duy trì đức tin chân thật, ta không thể dựa vào vua không thuộc dòng dõi Đavít. Chính các ngôn sứ lãnh trách nhiệm nhắc nhớ dân rằng chỉ có thể có một giao ước duy nhất là giao ước mà Thiên Chúa đã ký với dân Ngài. Các ký lục viết truyền thống này thấm nhuần tư tưởng của các ngôn sứ và các hiền sĩ. Nhắc dân nhớ lại những truyền thống là một cách đưa họ về với giao ước.

Có lẽ vì lý do trên mà không như truyền thống J ở phía Nam, truyền thống E không bắt đầu bằng những tường thuật về khởi nguyên, nhưng với giao ước Thiên Chúa ký kết với Abraham.

Tâm tình tôn giáo mà dân phải có để trung thành với giao ước ấy là "kính sợ Thiên Chúa", đây không phải là sợ hãi, mà là tôn kính và trông cậy.

Chúng ta sẽ đọc kỹ 2 bản văn trong đó, E bày tỏ những xác tín chính của mình : phần kết thúc của giao ước Sinai và tường thuật hiến tế Isaac.

Sau đó chúng ta sẽ có thể đọc nhanh hết truyền thống E, nhưng chú ý tới những yếu tố hướng dẫn là : Giao ướcKính sợ Thiên Chúa.

 

VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG E

Ta sẽ thấy rõ hơn nếu so sánh E với J.

1) Bút pháp kém sống động, kém cụ thể hơn.

2) Thiên Chúa là Đấng khác hẳn con người. E thường tránh các kiểu nói như nhân. Vị Thiên Chúa bất-khả-đạt ấy tự mạc khải qua trung gian những giấc mộng. Khi Ngài nói là nói trong những cuộc thần hiện. Con người không thề hình dung Thiên Chúa.

3) E quan tâm nhiều đến những vấn đề luân lý và ý nghĩa của tội. Chẳng hạn E giải thích rằng Abraham đã không nói dối (so sánh St 12,10t của J với St 20 của E). Luật Môsê trong E chú ý tới luân lý, những bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân hơn là chú ý tới cách thức tế lễ.

4) Việc phụng tự đích thực, đó là vâng lời Thiên Chúa, tôn trọng giao ước và từ bỏ mọi thoả hiệp với các thần giả.

5) Những người đích thực của Thiên Chúa không phải là vua hay tư tế, mà là những ngôn sứ : Abraham, Môsê (ngôn sứ lớn nhất), Êlia, Êlisê...

6) Suy tư của E đâm rễ trong dòng tư tưởng ngôn sứ và hiền sĩ.

 

I. GIAO ƯỚC SINAI Xh 19-20

Bạn hãy đọc kỹ bản văn rồi tìm ra những nét đặc thù của E.

Môsê được gán cho vai trò gì ? hãy lưu ý tới những phương diện khác nhau : ngôn sứ, trung gian, tư tế...

Kính sợ : tâm tình này thế nào ? nhằm mục đích gì ? Đối với Thiên Chúa, thử thách là một cách để trắc nghiệm lòng trung thành của dân.

Giao ước : xem kỹ nghi thức kết giao ước; đây là một hợp đồng 2 chiều : Thiên Chúa ban luật, dân cam kết vâng lời Ngài (trong tiếng Híp-ri, động từ "nghe" cũng có nghĩa "vâng lời". x. Đnl 6,4. Máu được rảy lên hai phía ký hợp đồng : trên bàn thờ tượng trưng Thiên Chúa và trên dân. Nghi thức này ngụ ý rằng nếu phía nào vi phạm giao ước thì máu nó sẽ phải đổ ra ; nhất là nó cho thấy từ nay hai phía thuộc "cùng một dòng máu".

 

II. HIẾN TẾ ISAAC : St 22,1-13.19

Hãy đọc bản văn trên nhưng nhớ bỏ đi những câu 14-18 thuộc truyền thống J.

Có lẽ chuyện này xây trên nền tảng của một tường thuật cổ để cho thấy rằng Thiên Chúa không muốn người ta sát tế trẻ con (như thói quen thời xưa).

E lấy lại tường thuật cổ ấy để vẽ lên chân dung Abraham một cách đặc biệt sắc sảo.

Bạn hãy tìm những nét đặc thù của E. Chú ý riêng những nét có chung trong bản văn này với phần kết thúc giao ước.

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của một người Israel khi nghe tường thuật này : phải chăng Abraham là mẫu mực cho anh phải noi theo ?

Và Abraham cũng là mẫu mực cho ta noi theo thế nào ?

 

SÁT TẾ CON NGƯỜI

Người ta hay tìm kiếm cái mới. Bởi vì cái gì mới thì quý. Do đó thời nào cũng vậy, người ta dâng lên thần linh những sản phẩm đầu tiên của mình.

Những người nào thuộc chủng Sêmit sinh sống ở Canaan cũng thế : họ đem con trai đầu lòng sát tế cho thần linh, thí dụ như trong những hoàn cảnh bi thảm (bị xâm lăng chẳng hạn). Tuy nhiên điều này ít khi xảy ra, và những người chủng Sêmit tới từ phương Đông (Lưỡng Hà Địa) như Abraham không biết tới nghi lễ lễ ấy.

Phần Israel thì không chấp nhận thứ lễ tế ấy, cho nên họ chuộc đứa con đầu lòng lại bằng cách tế sát một con vật thay thế (xem TOB ; St 22,2r ; Xh 13,11c và Lv 18,21 ; BJ : St 22,1a ; Xh 13,11a ; Lv 18,21b).