Bài 4

LƯỚT QUA
LỊCH SỬ THÁNH CỦA PHÍA BẮC

 

Thật khó đọc liên tục lịch sử thánh này, vì khi lưu đày trở về người ta đã hoà lẫn những truyền thống với nhau, và khi có những chỗ song song thì người ta thường bỏ chi tiết ấy trong truyền thống Êdêkiên, do đó E chỉ còn tồn tại trong tình trạng manh mún. Sau đây chúng ta chỉ đọc những bản văn nào được coi là chắc chắn thuộc về E.

 

1) Chu kỳ Abraham :

Có lẽ truyền thống E không bắt đầu với những tường thuật về khởi nguyên như J, mà bắt đầu với Abraham. Bản văn đầu tiên là tường thuật về giao ước của Thiên Chúa với Abraham (St 15).

a) Abraham và Abimélek (St 20) : ta gặp ở đây những nét chính của Êdêkiên : quan tâm tới luân lý, Abraham đóng một vai trò đẹp nhưng ông không nói dối ! Chính một mình ông, với tư cách ngôn sứ (c.7) có thể cầu bầu cùng Thiên Chúa cho vua (c.17). Ông khám phá rằng "lòng kính sợ Thiên Chúa" (c.11) cũng có thể có nơi một người ngoại. Vả lại người ngoại này cũng không phạm tội vì trong một giấc mộng Thiên Chúa đã cản trở ông phạm tội (c.4).

b) Agar và Ismael (St 21,9-21) : Thiên Chúa ra tay can thiệp giúp người bị áp bức.

c) Abraham và Isaac (St 22,1-14) : bản văn quan trọng này chúng ta đã đọc rồi. Theo truyền thống Do thái, việc trói Isaac trên đóng củi (aqédah) rất là quan trọng (xem Targum giải thích St 22,10 trong khung).

 

2) Chu kỳ Giacob :

a) Giấc mộng của Giacob (St 28,10trong) : có những chi tiết đặc thù của E như giấc mộng (c.11-12), nỗi kính sợ khi đứng trước Thiên-Chúa-khác-hẳn (c.17-18), Thiên Chúa bảo vệ kẻ yếu (c.20-22).

b) Những cuộc du hành của Giacob (St 29-35) : ta thấy Giacob đi qua những đền thờ chính của vương quốc phía Bắc. Như thế là nguồn gốc của những đền thờ ấy có nền tảng từ thời các tổ phụ.

 

3) Chuyện Giuse :

Ở đây cũng khó phân biệt giữa E và J. Giuse là cha của 2 chi tộc phía Bắc (Ephraim và Manassê) và được chôn tại Sikem (Gs 24,32). Chính vì thế mà E coi trọng tổ phụ Giuse.

Trong chuyện này ta có thể gặp được những nét của E như : thử thách (St 42,16), kính sợ Thiên Chúa (42,18), Thiên Chúa bảo vệ người yếu (45,5; 50,20). Thậm chí qua đau khổ và tội lỗi, Thiên Chúa cũng vẫn theo đuổi kế hoạch cứu loài người.

 

TARGUM GIẢI THÍCH St 22,10 :

Vào đầu cn, người Do thái đọc sách thánh trong hội đường bằng tiếng Híp-ri. Nhưng khi đó dân quen nói tiếng Aram nên không hiểu. Vì thế phải dịch ra. Nhưng thay vì dịch sát từng tiếng người ta đã dịch rộng, cách này được gọi là Targum.

Những bản dịch sang tiếng Aram này rất hữu ích vì chúng ta biết người Do thái thời Đức Giêsu đã hiểu sách thánh như thế nào. Đôi khi dịch giả chỉ thay đổi chút ít. Đôi khi vừa dịch vừa giải thích thêm. Đây là trường hợp Targum dịch tường thuật tế sát Isaac. Sau câu 10, Targum giải thích tiếp như sau:

Isaac cất tiếng và nói với Abraham cha cậu : "Thưa cha, xin trói cho con kỹ để con không dùng chân mà đá cha khiến cho lễ vật không còn giá trị nữa...". "Mắt Abraham dán chặt vào mắt Isaac, và mắt Isaac dán về các thiên sứ trên cao. Lúc đó từ trời có tiếng phán xuống "Hãy đến mà xem hai người độc nhất trong vũ trụ của Ta, một người sát tế và một người chịu sát tế : người sát tế không ngần ngại còn người chịu sát tế đưa cổ ra..."

Việc trói (Aqédah trong tiếng Aram) mà Isaac yêu cầu, biểu lộ lễ vật trong tâm hồn trong câu : cậu không muốn vì giãy giụa mà bị thương tích khiến cậu không còn là một lễ vật xứng đáng dâng lên Thiên Chúa nữa.

Trong những giờ phút lo âu, người Do thái cầu xin Thiên Chúa nhớ lại Aqédah của họ (họ cũng như bị trói) để vì đó mà tha thứ tội lỗi cho họ và cứu họ.

 

4) Môsê :

Ở đây vai trò Môsê thành lập dân được chú trọng hơn là trong J. Ông có quyền làm phép lạ, ông đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với dân, ông cũng đóng vai trò ngôn sứ, lời cầu xin của ông hữu hiệu, ông còn là một tư tế nữa.

a) Chuyện Môsê sinh ra (Xh 1,15-2,10). Các bà đỡ kính sợ Thiên Chúa và thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời Pharaon. Thiên Chúa cứu kẻ yếu là cậu bé Môsê. Có lẽ tác giả đã dựa vào một câu chuyện quen thuộc ở Aicập về việc sinh ra của Sargon Agadé, một người đã sống hơn 2.300 năm trước cn.

 

CHUYỆN SARGON AGADÉ SINH RA

"Sargon, vua hùng mạnh, vua của Agadé, chính là Ta. Mẹ Ta thì nghèo ; còn Cha Ta thì Ta không biết... Người Mẹ nghèo của Ta đã cưu mang Ta, đã sinh ra Ta cách lén lút, bà đặt Ta trong một chiếc thúng bằng sậy rồi lấy nhựa trét lại nhốt Ta trong đó. Bà thả Ta trôi trên giòng sông nhưng nó không phủ ngập Ta. Giòng sông đưa Ta đến tận Akhi là Thần Nước. Akhi dạy Ta làm vườn. Trong lúc Ta làm vườn thì nữ thần Ishtar yêu Ta. Ta đã làm vua ngự trị trong 55 năm".

 

b) Bụi gai rực lửa (Xh 3-4) : Thiên Chúa tỏ mình ra một cách rực rỡ. Ngài mạc khải tên Ngài cho Môsê trong một câu khó dịch. TOB dịch là "Ta là Đấng sẽ là" (Je suis qui serai), nghĩa là "các ngươi sẽ biết Ta là ai khi thấy Ta sẽ là gì và sẽ làm gì trong lịch sử của các ngươi". Như vậy ta chỉ biết Thiên Chúa là ai qua những kẻ phụng sự Ngài : đó là Thiên Chúa của Abraham, của Môsê, của Đức Giêsu-Kitô, của ông A bà B. Mục đích của cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Aicập là để dân phục vụ Thiên Chúa (4,23 câu nầy lặp đi lặp lại nhiều lần). Trong truyện này, chính Israel được gọi là con đầu lòng của Thiên Chúa chứ không phải như trong J.

c) Môsê và Jéthro (Xh 18) : nhạc phụ của Môsê giúp ông tổ chức dân, ông đã đặt Môsê vào vị trí người đại diện cho dân trước Thiên Chúa (c.19). Trong vương quốc phía Bắc, núi của Thiên Chúa được gọi là Hôreb chứ không phải Sinai.

d) Con bê vàngthị kiến thấy lưng Thiên Chúa (Xh 32,34) : trong chuyện này 2 truyền thống E và J cùng hoà lẫn với nhau. Có lẽ tội của dân và của Aharon không phải là thờ ngẫu thần, vì tượng con bê hình như là bệ cho Thiên Chúa ngự (32,5). Nhưng tội này là : dân muốn Thiên Chúa hiện diện bằng cách làm cho Ngài một chiếc ngai. Làm như thế thì họ "nắm" được Thiên Chúa (bạn hãy đọc lại 2 cách quan niệm về Thiên Chúa).

Môsê tỏ ra là một người cầu bầu (33,10t).

Ông lãnh trách nhiệm dẫn dân đến gặp Thiên Chúa : trong bài tường thuật rất hay trong Xh 33,7-10, Môsê (và sau này là Êlia) là người đã tiến sâu hơn trong tình thân thiết với Thiên Chúa. Dù vậy ông cũng chỉ được thấy "lưng" Thiên Chúa mà thôi (Xh 33,18-23).

e) Thánh Linh ngự xuống trên các kỳ lão (Ds 11,16-17.24-30) : chúng ta đã thấy rằng ở vương quốc phía Bắc, chính ngôn sứ là kẻ duy trì đức tin thật, và Môsê đứng hàng đầu và là vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Thế nhưng lý tưởng của tác giả là toàn dân đều là ngôn sứ được Thánh Linh dẫn dắt.