CHƯƠNG IV

GIAI ĐOẠN CUỐI CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA

721-587

  

Bài 1

LỊCH SỬ

 

I. GIUĐA TỪ 933 ĐẾN 721

Nằm giữa Israel và Philitinh, Giuđa chỉ là một vương quốc nhỏ mà diện tích là những ngọn đồi bao quanh Giêrusalem và sa mạc Néguev. Dân cư sống bằng trồng trọt, chăn nuôi (đặc biệt là cừu) và buôn bán với xứ Arabia và Aicập.

Về mặt chính trị, chắc chắn Giuđa cũng chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình thăng trầm của cả vùng. Khi đó các thế lực lớn như Aicập và Assyria đang suy yếu, cho nên hoạt động chính trị và quân sự tập trung trong vùng lãnh thổ Canaan với những cuộc chiến tranh và những thoả hiệp giữa những vương quốc nhỏ như Giuđa, Israel và Đamas.

Nhưng từ năm 745 tình hình thay đổi với sự kiện Assyria quay trở lại sân khấu. Để chống Assyria, Đamas cùng Israel liên minh với nhau và ép Giuđa gia nhập liên minh với họ. Đó là cuộc chiến tranh Syro-Ephraim, là dịp ngôn sứ Isaia đưa ra những sấm ngôn. Vua của Giuđa lúc bấy giờ là Achaz không chấp nhận gia nhập liên minh, ông xin Assyria tới giúp. Và vua của Assyria đã tới, chiếm Đamas năm 732 rồi Samaria năm 722-721.

Biến cố Samaria thất thủ đưa lại nhiều hệ quả quan trọng cho Giuđa về cả 2 phương diện chính trị và tâm lý.

 

II. GIUĐA GIỮA 721 VÀ 587

Toàn thể lãnh thổ phía Bắc Giêrusalem (vương quốc Israel cũ) đã trở thành một tỉnh của Assyria. Vua Achaz cũng có một phần trách nhiệm vì chính ông đã xin Assyria tới can thiệp. Từ đó cho tới chết Achaz vẫn trung thành với Assyria.

Con ông là Êdêkias nối ngôi trị vì khoảng 30 năm. Nhưng nếu cộng thêm 12 năm cùng ngự trị với vua cha thì triều đại của ông được hơn 40 năm. Dù Isaia đã hết lời can gián nhưng Êdêkias vẫn theo đuổi chính sách thoả hiệp với Aicập và Babylone để chống lại Assyria. Năm 701 vua mới của Assyria là Sennachérib đem quân bao vây Giuđa. Êdêkias củng cố thủ đô và cho đào một con kênh dẫn nước từ Guihon tới Ao Siloé trong thủ đô. Nhưng Sennachérib siết chặt vòng vây, Giêrusalem "như một con chim bị nhốt trong lồng". Thế nhưng sau cùng ông đành phải rút quân (có lẽ do một cơn dịch đã làm tiêu hao đội quân Assyria), chỉ buộc Êdêkias đóng phạt một phần thuế rất nặng.

Kế vị là Manassê, một ông vua hung bạo và vô đạo. Ông này trị vì 45 năm, ngoan ngoãn thần phục vua Assyria lúc bấy giờ là Assourbanipal. Đây là một ông vua học thức và chuộng nghệ thuật. Ông đã để lại một thư viện lớn gồm hơn 20.000 thủ bản khắc trên đất nung về lịch sử và văn học của vùng Trung Đông. Thế nhưng vào cuối triều đại ông, bản đồ chính trị bắt đầu thay đổi : một thế lực mới xuất hiện ở Babylone ; và xa hơn về hướng Đông (ở lãnh thổ nước Iran hiện nay), dân Mèdes hùng mạnh lên ; còn ở phía Tây, Aicập cũng thức dậy.

Trong bối cảnh ấy vua Josias ngự trị ở Giêrusalem khoảng 30 năm. Vì ông lên ngôi sau 2 triều vua bạo ngược là Manassê và Amon, nên ông được dân chúng nồng nhiệt ủng hộ, nhất là khi ông chiếm lại được một phần lãnh thổ của vương quốc Israel cũ. Người ta tự hỏi phải chăng Josias chính là một Đavít mới. Dưới triều ông, năm 622 người ta tìm được trong đền thờ một cuốn sách luật xuất xứ từ vương quốc Israel cũ : tài liệu này sẽ được bổ sung thêm để trở thành sách Đệ nhị luật, nhà vua dùng nó làm nền tảng cho cuộc cải cách tôn giáo và chính trị (2V 22-23).

Thời này xuất hiện một thế hệ ngôn sứ mới gồm Xôphônia, Nakhum, Khabacúc và nhất là Giêrêmia.

Năm 612, Ninivê, thủ đô của Assyria bị chiếm. Tất cả các dân Trung Đông vui mừng trước sự sụp đổ của kẻ thù. Nhưng hỡi ơi họ không hiểu rằng đó chỉ là đổi chủ mà thôi : vị tướng của Babylone chiến thắng kẻ thù cũ ấy tên là Nabuchodonosor, và việc làm đầu tiên của ông khi nắm quyền bá chủ sẽ là đưa quân trừng phạt Aicập.

Vua Josias muốn cứu Aicập nên đem quân chận đường Nabuchodonosor và tử trận tại Megiddo. Cái chết thê thảm của vị vua thánh này làm đau lòng các tín hữu : họ tự hỏi tại sao một người hết lòng trông cậy vào Thiên Chúa mà phải chết thảm như vậy. Cái chết ấy cũng kết thúc công cuộc cải cách của Josias khi nó chưa đi sâu vào tâm hồn người dân bao nhiêu.

Sau chiến thắng Karkémish, năm 605 Nabuchodonosor tiến về xứ Palestina. Ông chiếm Giêrusalem năm 597 và bắt vua cùng một phần dân cư đưa đi đày. Trong số đó có một tư tế ngôn sứ là Êdêkien. Nabuchodonosore đặt một người khác làm vua Giêrusalem. Nhưng khi ông vừa quay lưng đi thì vua mới này liền liên minh với Aicập. Nabuchodonosor tức giận quay trở lại. Ngày 9-7-587 (hoặc 586), ông chiếm thành, đốt Đền thờ và khám giao ước, bắt dân đi đày bên Babylone... thế là chấm dứt vương quốc Giuđa.

Giêrusalem sụp đổ là một cú sốc tâm lý nặng nề đối với các tín hữu. Chương sau ta sẽ xem rõ hơn. Còn bây giờ ta phải trở lại cú sốc đầu tiên là Samaria thất thủ, bởi vì chính biến cố này giúp ta hiểu một phần về suy tư của Giuđa từ năm 721 trở đi.

 

III. CÚ SỐC DO VIỆC ISRAEL SỤP ĐỔ NĂM 721

Dân Đức đã từng trải qua cơn ác mộng đất nước họ bị chia đôi, và trong lòng họ luôn sôi sục ước muốn đất nước tái thống nhất.

Cũng thế, dân Giuđa đã trải qua cơn ác mộng khi thấy Assyria tàn phá Samaria và sát nhập phần đất này vào lãnh thổ của chúng. Cơn ác mộng lại càng khủng khiếp hơn vì không phải chỉ chạm tới tinh thần ái quốc mà còn đụng tới đức tin tôn giáo. Hẳn nhiên 2 vương quốc đã ly khai và đánh nhau, thế nhưng họ vẫn có cùng một Thiên Chúa, cùng những truyền thống và cùng một niềm xác tín rằng mình là "dân của Thiên Chúa", đã được Thiên Chúa ban cho một lãnh thổ. Việc Samaria bị sát nhập vào đế quốc Assyria đã khiến họ hoang mang về cả 2 cột trụ ấy của đức tin : dân tộc và lãnh thổ. Phải chăng "dân tộc" chỉ gom lại thành Giuđa mà thôi ? Nhờ các ngôn sứ và các hiền sĩ, người ta vẫn nuôi hi vọng một ngày kia Thiên Chúa sẽ hợp nhất dân tộc lại, đó là một dân tộc thực sự của Thiên Chúa gồm cả Giuđa và Israel.

Bối cảnh chính trị và tôn giáo trên giúp ta hiểu một phần lớn tại sao có hoạt động văn chương sôi động như thế ở Giêrusalem dưới triều các vua Êdêkias và Josias.

 

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG

Các Lêvi từ phía Bắc chạy về tị nạn ở Giêrusalem mang theo gia tài văn chương của họ được viết ở miền Bắc gồm co : lịch sử thánh của vương quốc phía Bắc (truyền thống E), những sưu tập luật, những sấm ngôn của các ngôn sứ...

Các sưu tập luật mang nặng ảnh hưởng của tinh thần miền Bắc. Chúng bị quên lãng cả một thế kỷ trong thư viện của Đền thờ trước khi vua Josias dùng nó làm nền tảng cho công cuộc cải cách. Ngoài ra các ký lục tiến hành việc hoà hợp 2 lịch sử thánh của Giuđa (truyền thống J) và của Israel (truyền thống E) lại làm một. Gọi là truyền thống Jéhoviste (JE). Đây là tài sản chung của các chi tộc Nam Bắc.

Công cuộc cải cách của vua Josias đã đưa ra ánh sáng những khoản luật xuất xứ từ miền Bắc. Sau này chúng được bổ sung và trở thành sách Đệ nhị luật.

Dưới ánh sáng của giáo huấn được tìm thấy trong sách Đệ nhị luật, người ta bắt đầu sắp xếp những truyền thống về Giôsuê, các thủ lãnh, Samuel và Các Vua. Những quyển mà sách Đệ nhị luật cố gắng diễn tả bằng lời nói.

Sau cùng là sấm ngôn của các ngôn sứ (Xôphônia Nakhum, Khabacúc, Giêrêmia) được viết ra thành sách (xem Gr 36). Thời đó nhiều Thánh vịnh cũng được sáng tác và suy tư của các hiền sĩ cũng vẫn tiếp tục. Đặc biệt là suy nghĩ về cái chết của vua Josias.