Bài 3

TRUYỀN THỐNG JÉHOVISTE (J-E)

 

Đây là tên gọi của công trình tổng hợp hai truyền thống J và E. Thực ra đây không chỉ là một tổng hợp văn chương, mà còn cho thấy một quyết định đức tin, một suy tư sâu sắc về tình hình mới do việc sụp đổ của vương quốc phía Bắc tạo ra.

Khi đó là ở Giêrusalem, triều vua Êdêkias được ngôn sứ Isaia ủng hộ. Êdêkias là con cháu của Đavít và Salômon, là những vị được Thiên Chúa hứa ban cho một lãnh thổ, một dân tộc và một triều đại. Nhưng từ 2 thế kỷ trước, vương quốc thống nhất ấy đã tan vỡ thành 2 vương quốc phía Bắc hoặc Israel, và vương quốc phía Nam hoặc Giuđa. Cả 2 đều biết mình là dân được Thiên Chúa kết giao ước ở Sinai, là kẻ thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với Abraham.

Thế rồi năm 721 vương quốc phía Bắc bị Assyria tiêu diệt. Biến cố này khiến dân xét lại đức tin của mình về 2 điểm chính là lãnh thổ và dân tộc. Lãnh thổ xưa kia được ban cho Đavít thì nay bị quân thù lấn chiếm dần cho đến tận cổng thành Giêrusalem. Còn dân tộc thì phải chăng từ nay chỉ thu lại trong hai bộ là Giuđa và Benjamin tạo thành vương quốc phía Nam ?

Trong số những người phương Bắc sống sót, nhiều tín hữu chạy về Giêrusalem mang theo các truyền thống của họ. Vua Êdêkias muốn gây nên một cuộc canh tân về quốc gia và tôn giáo, và dưới triều ông đã phát sinh một sức sống thần học và văn chương phong phú. Truyền thống Jéhoviste sẽ là một thể hiện đẹp của sức sống này.

Việc hoà hợp J-E thành truyền thống JE là câu trả lời của đức tin cho vấn đề băn khoăn được đặt ra về lãnh thổ và dân tộc. Trên căn bản người ta vẫn còn hi vọng (và sẽ mãi hi vọng) rằng dân tộc là gồm cả Giuđa và Israel, để chứng minh điều đó người ta đã kết hợp 2 truyền thống phát sinh riêng rẽ thành một truyền thống chung. Công việc quả tế nhị vì 2 truyền thống ấy thường có cùng những tường thuật nhưng được viết theo những nhãn quan khác nhau. Việc hoà hợp phải cố gắng tôn trọng cả 2 mà vẫn giữ được tính mạch lạc cho tường thuật mới. Đặc biệt phải tôn trọng niềm hi vọng của J vốn tập chú vào triều đại Đavít, đồng thời phải đưa vào đấy những đòi hỏi về luân lý và thiêng liêng của E. Như vậy đây là công trình chung của các chi tộc phương Bắc và phương Nam, biểu lộ niềm tin của họ vào Thiên Chúa của Israel và niềm hi vọng của họ vào tương lai. Sau đây chúng ta đọc lướt qua 2 bản văn :

 

1) Giao ước với Abraham St 15 :

Đây có lẽ là đoạn mở đầu của truyền thống E nhưng đã pha lẫn rất nhiều với một bài tường thuật J đến nỗi các chuyên viên thấy không cần phân biệt câu nào là của truyền thống nào, họ chỉ chú ý chỉ ra ý tưởng nào là của truyền thống nào mà thôi.

Chẳng hạn lời hứa ban cho một hậu duệ và một lãnh thổ là thuộc J, còn giao ước là thuộc E.

Bản văn cho thấy đức tin trọn vẹn của Abraham. Lễ nghi kết giao ước rất quan trọng (xem các chú thích của TOB và BJ). Thông thường thì 2 bên kết ước cùng đi qua những con vật đã được cắt đôi, ngụ ý nếu bên nào vi phạm giao ước thì cũng sẽ bị chẻ đôi như những con vật ấy. Thế nhưng ở đây chỉ có một mình Thiên Chúa đi qua, chỉ mình Ngài cam kết. Điều này thật hệ trọng đối với Israel ngày xưa và với chúng ta ngày nay : ban đầu là một sự cam kết vô điều kiện từ phía Thiên Chúa và Thiên Chúa tự nguyện trung thành với cam kết ấy. Trong những giai đoạn đau đớn khi Israel tự ý thức mình đã bất trung cho nên đáng bị trừng phạt, thì họ quay về với giao ước ấy và thâm tâm tự nhủ : Thiên Chúa đã hứa không điều kiện và Ngài vẫn trung thành.

 

2) Luật giao ước : Xh 20,22-23,19 :

Bản văn này rất cổ xưa, được sinh ra có lẽ vào thời các thủ lãnh, là thời chưa có vua và cũng chưa có tư tế. Kinh tế dựa vào chăn nuôi và đôi chút trồng trọt. Bản văn này được lưu giữ trong vương quốc phía Bắc, sách Đệ nhị luật cũng lấy ý từ đó. Bộ luật giao ước này quan tâm tới mọi lĩnh vực cụ thể của sinh hoạt thường ngày, dạy chúng ta phải luôn sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa.

Khi hoà hợp lại để thành truyền thống Jéhoviste, bộ luật này được đưa vào tường thuật về cuộc Xuất hành.