Bài 4

 NHỮNG NGÔN SỨ CỦA GIUĐA
THẾ KỶ VI

 

Không biết Isaia im tiếng lúc nào. Theo một truyền thuyết Do thái, ông đã tử đạo dưới triều vua Manassê. Nhưng một thế hệ ngôn sứ khác đã đứng lên nối tiếp ông.

 

I. NAKHUM

Đoạn văn tuyệt vời của ông là đoạn mô tả cuộc chiến của những chiến xa tràn ngập thủ đô Ninivê. Thực ra đây chỉ là một lời tiên tri, vì ông rao giảng vào năm 660, mà biến cố Ninivê thất thủ xảy ra vào năm 612. Cho nên đây đúng là một lời tuyên xưng đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa, được thốt lên vào chính thời điểm Assyria đang vào thời cực thịnh.

 

II. XÔPHÔNIA

Khi Xôphônia lên tiếng thì triều của ông vua vô đạo Manassê vừa kết thúc, vua trẻ Josias lên ngôi năm 640 chưa bắt đầu cuộc cải cách tôn giáo.

Phần I (1,1-3,8) là một nhận định bi thảm. Có một chữ Híp-ri được lặp đi lặp lại, mà chữ này có thể dịch 2 cách : "đến gần" và "ở giữa". Xôphônia cố sức tìm "ở giữa" dân nhưng chẳng gặp được ai là người công chính cả. Giêrusalem đã không "đến gần" Thiên Chúa của nó (3,2) vì thế ngày thịnh nộ lớn lao của Thiên Chúa "đến gần" (Dies irae dies illa 1,14t).

Bởi vì những kẻ mạnh thế như vua, ngôn sứ và tư tế đều không còn, nên Xôphônia quay về những người nghèo trong tâm hồn, tức là những người không cậy vào sức mạnh riêng nhưng đặt trông cậy vào Thiên Chúa (2,3). Như vậy Xôphônia là người khai sáng một chủ đề (chủ đề sự nghèo khó trong tinh thần) sẽ được khai triển rộng rãi trong Tân ước.

Xôphônia đề cao tình thương của Chúa, Thiên Chúa thấy trước sẽ có một ngày Ngài rốt cuộc có thể ở giữa lòng con gái Sion, ở giữa dân Ngài và mọi dân đã được thanh luyện bởi tình thương của Ngài. Chỉ cần nghĩ tới điều đó thôi, Ngài đã cảm thấy lòng mình rộn rã niềm vui (3,9-20).

 

III. KHABACUC

Khabacuc rao giảng khoảng năm 600 là lúc quân Babylone bắt đầu xâm lược Palestina. Theo ông chúng là dụng cụ Thiên Chúa dùng để trừng phạt quân Assyria vì tội đã áp bức Israel. Nhưng việc này cũng đặt cho ông một câu hỏi : Những dụng cụ xấu xa như vậy Chúa có thể dùng chúng cách nào ? Tại sao những kẻ gian ác cứ mãi thành công ? Khabacuc đặt vấn đề sự dữ trên bình diện các nước. Và Thiên Chúa đã trả lời ông trong một câu mà sau này Phaolô sẽ dùng để tóm lược sứ điệp của mình : "người công chính sống bởi đức tin" (2,4).

Lời cầu nguyện ở Kb 3 biểu lộ đức tin và niềm vui của ông đồi với Thiên Chúa cho dù đang sống giữa những thử thách bi thảm nhất.

 

CON GÁI SION

Tất cả mọi nền văn hoá đều thích lấy hình ảnh người nữ để làm biểu tượng cho dân tộc.

Hôsê đã so sánh dân Do thái với một người vợ bất trung nhưng được Thiên Chúa dùng tình yêu để hoán cải.

Mikha là người đầu tiên dùng thuật ngữ "con gái Sion" để ám chỉ khu vực phía Bắc của thành Giêrusalem, tức là đỉnh đồi Sion, nơi tập trung những người chạy thoát từ cơn thảm hoạ Samaria năm 721. Như thế, thuật ngữ này có nghĩa là phần nhỏ dư tồn đã được đau khổ thanh luyện.

Xôphônia thấy trước rằng phần dư tồn ấy trong tương lai sẽ được luyện sạch đến nỗi Thiên Chúa có thể đến ở trong lòng đó. Và tất cả các dân đã được thanh luyện cũng được Thiên Chúa đến ở như vậy (Xp 3,9). Như thế hình ảnh này cũng liên hệ tới mỗi người chúng ta vì chúng ta là thành phần của Dân Chúa trong thời cuối cùng.

Phần Giêrêmia thì nhấn mạnh hơn tới mầu nhiệm đau khổ cần được thanh luyện (4,11 ; 6,23). Nhưng một khi đã được thanh luyện rồi thì "người vợ" ấy sẽ tìm kiếm Thiên Chúa là "chồng" mình (Gr 31,22).

Các môn đệ của Isaia rao giảng vào khoảng cuối thời lưu đày, cho thấy trinh nữ Sion ấy, hiền thê của Đức Chúa, sinh ra rất nhiều con cái (Is 1,60-62) "Vui lên nào hỡi con gái Sion..." nàng sẽ sinh ra chính dân tộc mới (Is 66,6-10).

Các Kitô hữu đầu tiên sẽ lấy lại chủ đề này để trình bày mầu nhiệm Giáo hội. Giáo hội chính là Hiền thê, do những đau đớn trên đồi Sọ và suốt lịch sử của mình, phải hạ sinh Đức Kitô (Ga 16,21-22; Kh 12). Và đối với Luca, Đức Maria là hình ảnh của Giáo hội dư tràn ân sủng vào thời tận thế, Đức Maria là đấng cưu mang Chúa trong lòng (Lc 1,28-31).

 

IV. GIÊRÊMIA

"Nếu không có nhân vật lạ thường này thì lịch sử tôn giáo của loài người đã đi một con đường khác... đã không có Kitô giáo" (Renan).

Giêrêmia đã sống thảm kịch ập xuống trên dân vào năm 597 và 587. Hơn nữa, ông còn thấy trước là nó sẽ xảy ra, đã chuẩn bị lòng dân đón nhận nó, thế nhưng dân đã bắt bớ ông.

Giêrêmia bắt đầu rao giảng vào thời vua Josias. Khi đó sứ điệp của ông chẳng có gì khác với các ngôn sứ tiền nhiệm. Ông muốn làm cho dân ý thức rằng họ đã lầm đường, rằng cách sống của họ sẽ đưa tới thảm hoạ. Trong 6 chương đầu tóm lược sứ điệp này, có 2 chìa khoá lặp đi lặp lại : dân đã bỏ Thiên Chúa, họ phải trở về với Ngài, phải hoán cải.

Lạ thay khi Josias tiến hành cuộc cải cách tôn giáo mà Giêrêmia rất tán thành thì ông lại im tiếng.

Năm 605, vua Babylone là Nabuchodonosor đánh bại quân Aicập tại Karkémish. Và năm 603 ông này tiến quân tới tận Giêrusalem buộc Giêrusalem đầu hàng. Giêrêmia đã hiểu rằng kẻ thù sẽ đến từ phương Bắc, từ Babylone. Ông thấy trước thảm hoạ ấy và đã chuẩn bị dân đón nhận. Khi một điều đau đớn xảy ra cho ta (bệnh tật, tai nạn...) mà ta không thể làm gì để thoát, thì ta chỉ còn biết tìm hiểu ý nghĩa của nó. Tức là ta hiểu được ý nghĩa sau khi sự việc đã xảy ra. Đó là điều các ngôn sứ như Êdêkien và các môn đệ của Isaia đã làm sau khi họ bị lưu đày sang Babylone. Công của Giêrêmia là đã chỉ ra được ý nghĩa trước khi sự sự việc xảy ra. Dĩ nhiên là người ta không nghe ông bởi vì họ thích nghe những ngôn sứ nói tới những lời thuận tai với họ hơn. Nhưng khi sự việc xảy ra đúng như Giêrêmia đã tiên báo thì người ta mới nhớ lại sứ điệp của ông. Nhờ ông mà dân mới có thể sống và hiểu được biến cố đau thương ấy : dù bị lưu đày họ vẫn còn tin và hi vọng, vẫn thấy đời mình có ý nghĩa.

- Tôn giáo đích thực : dân thi hành tốt những việc tôn giáo như tôn kính Khám giao ước, đến Đền thờ, dâng lễ vật, giữ ngày Sabbat, cắt bì cho con cái v.v... Nhưng họ chỉ làm bề ngoài chứ không có tâm tình bên trong. Họ còn nghĩ rằng vì họ đã chu toàn những lễ nghi bề ngoài ấy nên Thiên Chúa phải bảo vệ họ và thành Giêrusalem của họ (vì đó là nơi Thiên Chúa ngự), họ tưởng giữ các lễ nghi ấy thì cũng đủ bảo đảm rồi, khỏi lo yêu thương nữa. Giêrêmia nói cho họ hay rằng Thiên Chúa sắp tiêu huỷ tất cả những thứ bảo đảm giả dối : Khám giao ước (3,16), Đền thờ (7,1-5; 26), thành Giêrusalem (19), bởi vì điều Thiên Chúa đòi không phải là cắt bì ngoài da mà là cắt bì trong trái tim (4,4; 9,24-25). Những lời công kích táo bạo ấy bị coi là phạm thượng khiến Giêrêmia bị mưu sát, ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Như thế Giêrêmia là hình ảnh tiên báo những lời công kích của Đức Giêsu đối với những lễ nghi bề ngoài rỗng tuếch của chúng ta.

- Giao ước mới : chương 31 là đỉnh cao của sứ điệp Giêrêmia. Trong cảnh bất hạnh ông rao giảng niềm hi vọng: Thiên Chúa sẽ tha thứ và làm mới lại.

Niềm hi vọng này dựa vào đâu ? Hãy đọc 31,20.

Trách nhiệm cá nhân (c.29-30) : Êdêkien sẽ triển khai thêm khía cạnh này (Ed 18).

Những nét nào khiến cho giao ước thành mới (21,31-34) ? Luca (22,20) và Phaolô (1Cr 11,25) sẽ thấy giao ước mới được thực hiện bằng Máu của bữa tiệc ly.

- Những hành vi ngôn sứ : cũng như mọi ngôn sứ khác và còn hơn họ, Giêrêmia rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động. Ông làm nhiều hành vi có tính cách biểu tượng. Những hành vi ấy không những loan báo mà còn có khả năng thực hiện : bởi lẽ ngôn sứ là kẻ mang Lời của Thiên Chúa, mà Lời của Thiên Chúa là lời hữu hiệu. Một cách nào đó, Lời làm cho điều được loan báo có thể hiện hữu trước. Theo nghĩa này, hành vi của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là một hành vi ngôn sứ (xem BJ chú thích Gr 19,1b; TOB chú thích Gr 18,1c).

- Nhật ký tâm hồn của Giêrêmia : Giêrêmia và Phaolô là những nhân vật trong Thánh kinh được chúng ta hiểu rõ nhất. Thực vậy Giêrêmia thổ lộ tâm tư, cảm nghĩ, đức tin và hoài nghi của ông trong nhiều đoạn văn rất chân thành, khiến người ta đôi khi gọi chúng là "những lời tự thú" (bạn có thể xem liệt kê trong TOB 11,18người ; BJ 15,10d). Ít ra bạn hãy chịu khó đọc 12,1-5 và 20,7-18 : những "lời cầu nguyện" ấy có thể giúp chúng ta thế nào để hiểu Thiên Chúa ? hiểu chính chúng ta ? hiểu liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa ?

- Ơn gọi (1,4-19) : có một dấu hiệu giúp ta hiểu rõ sứ điệp của một ngôn sứ. Đó là cách ông nói về việc mình được Thiên Chúa gọi. Đối với trường hợp Giêrêmia thì chẳng có gì lạ thường, mọi sự hình như diễn ra trong bầu khí thân mật cầu nguyện. Dựa trên bản văn này bạn hãy cố tìm xem Thiên Chúa giao cho Giêrêmia sứ mạng gì cùng một vài nét cá tính của ông. Chỗ dựa an toàn của ông là đâu ? Hai "thị kiến" (c.11t và 13t) cho chúng ta biết ngôn sứ "thấy" biến cố như thế nào. Điều này có thể giúp gì cho chúng ta trong việc khám phá Lời Chúa trong cuộc sống và trong những diễn biến của thế giới ?

 

"THIÊN CHÚA SẮP TRỪNG PHẠT CÁC NGƯƠI..."

Sứ điệp của các ngôn sứ có thể khiến chúng ta bị chạm vì nó thường cho thấy Thiên Chúa đe doạ trừng phạt dân Ngài vì họ phạm tội. Vậy phải chăng thiên tai, chiến tranh, bất công v.v... đều là những hình phạt của Thiên Chúa ? Quả thực một hình ảnh Thiên Chúa báo thù đối với chúng ta là không thể chịu nỗi.

Hãy lấy một thí dụ so sánh. Một thanh niên thích phóng môtô thật nhanh. Một hôm anh bị tai nạn, nằm nhà thương điều trị nhiều tháng. Rồi một hôm cô y tá chăm sóc anh tận tình hơn cả mức đòi hỏi của nghề nghiệp. Rồi họ cưới nhau. Anh thanh niên nói với cô y tá : "Thực tình mà nói, cũng nhờ anh gặp tai nạn mà anh mới biết em". Trước đó linh mục tuyên úy bệnh viện cũng nói với anh: "Tai nạn này là một dịp may cho anh..." Hai câu nói trong cùng một hoàn cảnh, thế nhưng câu sau thật khó nghe, còn câu trước nghe rất dễ chịu. Tại sao ? Vì câu trước được thốt ra từ chính tâm tư của đương sự và sau khi sự việc đã xảy ra, nó diễn tả ý nghĩa của tai nạn mà chính đương sự tự khám phá được, nó không bị áp đặt từ bên ngoài. Vả lại tai nạn dù sao cũng vẫn là một điều xấu, điều mà đương sự cho là may mắn chính là hiệu quả tốt phát sinh từ việc xấu kia.

Ta hãy áp dụng thí dụ trên vào các bản văn ngôn sứ. Giả sử thanh niên kia trước khi gặp nạn đã sống một đời ích kỷ và phóng túng. Những đau đớn và thời gian điều trị lâu dài đã giúp anh suy nghĩ về sự trống rỗng của nếp sống trước đây. Khi ra khỏi bệnh viện anh đã thành một con người khác, quyết tâm thay đổi nếp sống để phục vụ tha nhân nhiều hơn. Có lẽ anh sẽ nói với Chúa rằng : "Chúa thật tốt và khôn ngoan khi để con gặp tai nạn, vì nhờ đó con đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời". Lời cầu nguyện này chúng ta thấy thật dễ nghe, chứ không chướng tai như lời của linh mục tuyên úy : "Thấy chưa! Chúa đã phạt anh !".

Lời của các ngôn sứ là lời của anh thanh niên chứ không phải lời của linh mục tuyên úy. Êdêkien đã bị lưu đày cùng với dân ; Giêrêmia thì bị bắt bớ và trong bản thân ông đã chịu trước những đau khổ của dân. Các vị ấy suy nghĩ về những sự việc xảy ra. Tuy chúng tự thân là xấu, thế nhưng sau khi chúng xảy ra rồi và sau đó (hoặc "trước đó" đối với trường hợp Giêrêmia) họ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng, nhờ đó tự thâm tâm họ thấy được hiệu quả tốt của chúng : chúng có tác dụng khiến dân biết mình đã sống xấu nên nay cần phải thay đổi nếp sống. Tóm lại : những sự việc ấy đối với các ngôn sứ ít là hình phạt của Chúa cho bằng là dịp chúng ta khám phá tình yêu của Thiên Chúa mời gọi ta đổi mới cuộc sống.