Bài 2

CÁC NGÔN SỨ THỜI LƯU ĐÀY

 

Êdêkien thuộc nhóm bị lưu đày lần thứ nhất năm 597. Trong 10 năm, ở Babylone, ông giảng cùng một sứ điệp với Giêrêmia còn ở lại Giêrusalem : ông trách dân Chúa (Ed 3-24) và các nước (25-32) về cách sống xấu xa của họ.

Từ năm 587, khi thảm hoạ ập đến và dân đã mất hết hi vọng, lời giảng của ông đổi thành sứ điệp hi vọng : Thiên Chúa sẽ tái lập dân Ngài (33-39). Ông tin chắc điều đó đến nỗi ông mô tả trước thành Giêrusalem trong tương lai, được Thiên Chúa đổi mới hoàn toàn (40-48).

 

1) Một con người kỳ cục :

Êdêkien không thể làm gì giống mọi người được ! Cũng như những vị tiền nhiệm, ông có những thị kiến, nhưng những thị kiến của ông khiến người ta kinh ngạc : chẳng hạn xin thử đọc tường thuật về ơn gọi của ông (ch.1). Ông cũng làm những hành vi ngôn sứ nhưng đôi khi chúng rất kỳ quặc : hãy đọc ch.4-5. Ông có những ngụ ngôn nhưng trong đó một số khiến người ta phải đỏ mặt : chớ nên đọc chương 16 hoặc 23 !

Thế nhưng dù kỳ cục như vậy ông vẫn chiếm được cảm tình, và khi muốn thì ông cũng tỏ ra là một thi sĩ đại tài : chẳng hạn những lời ông chống vua thành Tyr (ch.28). So sánh nó với St 2-3 (nhờ các chú thích của TOB s và BJ Êdêkiên) : bạn sẽ thấy 2 bản văn khai thác cùng những đề tài huyền thoại nhưng với cách thức khác nhau.

 

2) Cha đẻ của Do thái giáo :

Sứ điệp của Êdêkien sẽ được dùng làm nền tảng cho cái được gọi là "Do thái giáo", tức là một cách đặc biệt của người Do thái sống cuộc đời họ trước mặt Thiên Chúa và người khác, cách sống này đã được thành hình sau thời lưu đày.

Êdêkien có một ý thức rất mãnh liệt về sự thánh thiện của Thiên Chúa, ông muốn biểu lộ nó ra bằng toàn thể con người, do đó ông rất coi trọng những chi tiết lễ nghi và phụng tự (vì ông cũng là một tư tế). Ông đã lấy hứng từ "bộ luật về sự thánh thiện" (Lv 17-26) đã được các tư tế Giêrusalem san định trước cuộc lưu đày.

Giêrêmia đã nhấn mạnh tới khía cạnh nội tâm của tôn giáo, nhưng mặt yếu là làm cho tôn giáo mất tính nhập thể. Còn Êdêkien cũng giảng về tôn giáo nội tâm nhưng nhấn mạnh tới một khía cạnh bổ sung : đức tin phải được diễn tả ra bên ngoài bằng những lễ nghi. Mặt yếu của Êdêkien là làm cho người ta chỉ lo các chi tiết lễ nghi mà quên mất tâm tình.

 

3) Vài bản văn của Êdêkien :

- Sự hiện diện thánh của Thiên Chúa : Thiên Chúa đã đến ngụ trong Đền thờ. Nhưng từ trước, Natan (2Sm 7) rồi đến các ngôn sứ khác đã từng linh cảm rằng "Thiên Chúa không muốn cư ngụ một cách vật chất ở một nơi nào, mà chỉ muốn cư ngụ một cách thiêng liêng giữa một dân tin Ngài" (Congar). Khi sống cảnh lưu đày, Êdêkien, bằng cách thức riêng của mình, đã cho thấy linh cảm trên đã được thực hiện.

Xin đọc liên tục Ed 9,3 ; 10, 4-5 ; 11,22-23 rồi Ed 01, cuối cùng Ed 37,26-28; 43,1-12. Qua những hình ảnh lạ thường đó. Ẹdêkien muốn nói lên điều gì ? Thiên Chúa đang hiện diện ở đâu ? bằng cách nào ? (Luca có lẽ nghĩ đến Êdêkien khi định vị cuộc thăng thiên trên một ngọn núi phía Tây tức là núi Cây Dầu).

- "Ta là mục tử tốt" : Ed 34 và 37,15-18 :

Những mục tử của dân là ai ? họ đã cư xử thế nào ? ai sẽ là mục tử thật ?

Đức Giêsu sẽ lấy ý từ những bản văn trên (Mt 18, 10-14 ; Lc 15,1-7 ; Ga 10). Mục tử là ai ? nó làm cho những lời của Đức Giêsu có sức mạnh và ý nghĩa như thế nào ?

- "Đây Ta làm mới mọi sự" :

Ed 33,1-11 và 37,1-14. Dân lưu đày đã tuyệt vọng. Họ giống như những bộ xương cũ khô đét dưới ánh nắng mặt trời... Thiên Chúa loan báo gì trong thị kiến ch.37 ? Thiên Chúa tái tạo dân Ngài bằng Lời của Ngài và ban cho họ sự sống bằng Thánh Linh của Ngài. Điều này có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu ngày nay ?

Ed 36,16-38 và 47,1-12. Thánh Linh làm gì ? Ngài xuất từ đâu ? điều này giúp hiểu rõ hơn Gr 31,31-34 : xác định ở điểm nào ? những bản văn này giúp ta hiểu Ga 7,37-39 và 19,34 hoặc Gl 5,22-25 như thế nào ?

 

II. ĐỆ NHỊ ISAIA "TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI HÔ LỚN" : Is 40-55

Bị lưu đày, khinh ghét sau khi đã mất tất cả, rồi làm việc mà không chút hi vọng, là một công nhân ngoại lai... thế mà vẫn ca ngợi Thiên Chúa, Đấng làm những việc diệu kỳ, với một giọng xác tín đến nỗi đem lại hi vọng cho toàn dân. Đấy mới là la ! Người đó chính là một môn đệ của Isaia, không muốn xưng tên mà chỉ tự gọi mình là "tiếng nói của người hô lớn". Ông tin rằng Thiên Chúa luôn luôn là "Đấng-kéo-chúng-ta-ra-khỏi-nhà-nô-lệ" trong cuộc xuất hành. Do đó Ngài vẫn còn có thể giải phóng chúng ta, Ngài có quyền năng làm thế bởi vì chỉ mình Ngài là Tạo hoá. Ngài sẽ làm thế bởi vì Ngài trung thành và Ngài yêu thương chúng ta hơn cả mẹ thương con.

 

1) Vài chủ đề lớn :

- Tin mừng : 3 lần ông nói tới Tin mừng. Đó là tin Thiên Chúa rốt cục sẽ thiết lập một vương triều của Ngài, Ngài sẽ tỏ ra là vua thật bằng cách xoá tan mọi sự dữ, bất công và đau khổ (40,9 ; 41,27 ; 52,7. Xin cũng đọc 35,3-6 là đoạn cũng được viết cùng thời đó). Sau này Đức Giêsu khi làm những phép lạ và công bố những mối phúc, sẽ loan báo rằng nhờ Ngài mà điều đó được thực hiện, kẻ nghèo sẽ được hạnh phúc vì từ nay sự nghèo của họ chấm dứt rồi.

- Tình âu yếm của Thiên Chúa : 43,1-7 ; 49,14-16. Không gì đẹp bằng những đoạn này nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta như tấm lòng của một người mẹ hiền.

- Cuộc xuất hành mới : việc được giải phóng khỏi ách lưu đày được tác giả xem là một cuộc xuất hành mới còn kỳ diệu hơn cuộc xuất hành trước. Chẳng hạn bạn hãy đọc 40,3 ; 41,17-20 ; 43,16-23 ; 44,21-22 ; 48,17-22 (BJ 40, 3hai ; 52,12a). Sau này các Kitô hữu đầu tiên cũng sẽ coi cuộc đời của Đức Giêsu và của chúng ta là một cuộc Xuất hành (xem những quy chiếu bên lề quyển Thánh kinh).

- Đấng "Messia" Cyrus : đây là một thí dụ điển hình về việc giải thích lịch sử. Cyrus chiếm Babylone để bành trướng thế lực, nhưng chính ông giải thích việc đó là làm theo tiếng gọi của thần Mardouk của Babylone (xem bài trong khung). Còn đối với Isaia thì đó chính là Thiên Chúa của Israel đã gọi Cyrus, đã "xức dầu" cho ông (41,1-5.25-29 ; 42,5-7 ; 44,27-28 ; 45,1-6.11-13 ; 48,12-18). Chính đức tin (và chỉ đức tin mà thôi) đã giúp thấy được một ý nghĩa trong những biến cố lịch sử.

 

2) Một bản văn của Isaia :

Người Tôi tớ của Thiên Chúa Is 52,13-53,12

Đây là đỉnh cao của sứ điệp Isaia. Ý nghĩa của nó còn đang được bàn cãi. Chúng ta sẽ theo chú giải của TOB.

Bắt đầu, mời bạn tìm những chi tiết nói rằng :

- Thiên Chúa báo trước vinh quang chờ sẵn Người Tôi tớ (52,13-15).

- Các nước từng bách hại Người Tôi tớ nay thú nhận lỗi lầm của họ (53,1-6).

- Ngôn sứ suy gẫm về thân phận của Người Tôi tớ vô tội nhưng bị hành khổ và bị giết chết (53,7-9).

Tiếp đến, tác giả cầu nguyện (giải thích của TOB) :

Lạy Chúa, xin hài lòng vì kẻ đã bị khổ đau nghiền nát,

xin biến Người thành của lễ hi sinh tạ tội,

xin cho Người được thấy một dòng dõi đông đúc và cho Người được sống thọ miên trường,

và xin cho thánh ý Chúa nhờ Người mà được nên trọn (53,10).

- Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện ấy (53,11-12).

Có lẽ Người Tôi tớ này là hiện thân của dân Israel bị nhục mạ, khinh ghét và giết chết. Bất hạnh đã ập xuống họ, họ không thể làm gì khác hơn là tìm hiểu ý nghĩa của việc đó.

Số phận đau thương của Người Tôi tớ được biến đổi thế nào ? Kết quả cuối cùng sẽ ra sao ? Tại sao ? (hãy xem 2 phương diện : thái độ của Người Tôi tớ và hành động của Thiên Chúa).

Sau này hình ảnh Người Tôi tớ sẽ giúp ích rất nhiều cho các Kitô hữu đầu tiên tìm hiểu Đức Giêsu. Bạn hãy xem họ dựa vào hình ảnh ấy để hiểu thế nào.

o Về sứ mệnh của Đức Kitô (TOB 53,12c).

o Về việc Ngài chịu chết "vì số đông người" (Mc 10,45 ; Rm 4,25 ; tường thuật về Tiệc ly : Mt 26,18 và Mc, Lc) ?

o Về mầu nhiệm vượt qua ? Hãy đọc Pl 2,6-11.

Bạn tìm thấy ý nghĩa gì cho đời chúng ta ?

 

CHIẾC ỐNG CỦA VUA CYRUS.

Trên một chiếc ống bằng đất nung được tìm thấy ở Babylone, vua Cyrus đã giải thích những diễn biến lịch sử như sau :

"Mardouk, vị chúa tể (của Babylone), đấng bảo vệ những kẻ thuộc về ngài, vui sướng ngắm nhìn những hành động tốt của Cyrus và tấm lòng ngay thẳng của người. Ngài truyền cho người tiến về thành Babylone của ngài. Ngài bảo lên đường đi Babylone, ngài không ngừng đi bên cạnh người như một bạn đồng hành. Ngài giúp người vào được Babylone mà chẳng cần đánh một trận nào cả..."