Bài 3

SÁCH LÊVI

 

Quyển sách này thật tuyệt vời nhưng đầy những cấm kỵ về phái tính và tràn ngập máu ! Cần có can đảm mới đọc được : có những kiểu nói luôn lặp đi lặp lại, giọng điệu nhàm chán , những quy định tỉ mỉ và lạ lùng... Tóm lại, nó dễ làm ta lạc hướng. Tuy nhiên...

 

I. CẦN CÓ NHHỮNG LỄ NGHI

Vì chúng ta có thân xác nên những tâm tình của chúng ta phải được diễn tả ra bằng những cử chỉ cụ thể. Hãy nhìn bà nội trợ dọn chén đĩa trên bàn ăn : tất cả đều phải theo thứ tự quy ước... Nhưng có thế bà mới tỏ cho thực khách biết rằng bà vui mừng đón tiếp họ. Tuy nhiên lễ nghi cũng có nguy hiểm là dễ trở thành máy móc, vô hồn.

Khi ta chuẩn bị đến gặp Chúa thì cũng cần lễ nghi, vì đó là một việc rất hệ trọng. Do đó sự tỉ mỉ của các lễ nghi cũng là một cách biểu lộ tâm tình kính mến khi ra trước mặt Chúa.

 

II. "CÁC NGƯƠI HÃY NÊN THÁNH, VÌ TA LÀ THÁNH !"

Nhiều nghi thức trong sách này thuộc về một nền văn hoá khác với chúng ta, do đó áp dụng chúng cho chúng ta thì rất ngược nghĩa. Tuy nhiên nội dung của chúng mới là điều chủ yếu : Thiên Chúa luôn hiện diện và chúng ta sống trước mặt Ngài. Tác giả thường xuyên nhắc tới Thiên Chúa (hơn 350 lần), và kiểu nói "trước mặt Ngài" thường trở đi trở lại như một điệp khúc (hơn 50 lần). Xin bạn đọc chương 19 : "Chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi" là câu duy nhất giải thích lý do của tất cả mọi lệnh truyền, như phải yêu cận nhân (c.18), phải trả lương công bằng (c.13) và tất cả mọi hoàn cảnh trong cuộc sống thường ngày. Như vậy là chính vì yêu thương Thiên Chúa mà người tín hữu tìm ra cách sống trong thế giới và với mọi người khác.

Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa thánh, tức là hoàn toàn khác với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa sống, Ngài là sự sống. Chính vì thế mà ta phải tôn trọng máu và phái tính.

 

LINH THÁNH-TƯ TẾ-LỄ TẾ :

Trong tất cả các tôn giáo, linh thánh (le sacré) là lĩnh vực của thần linh. Hoàn toàn cách biệt với phàm tục (tiếng Latin là profanum nghĩa là "cái ở trước" nơi linh thánh). Tâm thức này ăn sâu vào Israel, Thiên Chúa là thánh, nghĩa là hoàn toàn khác.

Hơn nữa Israel cảm nghĩ sâu sắc rằng con người chỉ hiện hữu nếu hiện hữu trong tương quan với những người khác và nhất là với Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để vượt qua hố thẳm cách biệt giữa Thiên Chúa thánh và người phàm ?

Tư tế sẽ lo việc đó. Nhưng muốn thế thì tư tế phải bước vào lĩnh vực linh thánh bằng việc thánh hiến. Thánh hiến giúp ông tách biệt khỏi dân để được hành động riêng cho phụng tự, tách biệt khỏi phàm tục và những sinh hoạt thường ngày để vào trong Đền thờ. Đỉnh cao của hoạt động tư tế là lễ tế, chữ sacrifice (lễ tế) không có nghĩa là hi sinh chịu mất đi mà là biến đổi làm cho nên thánh (sacri-facere) : của lễ mà ta dâng lên được đưa vào lĩnh vực của Thiên Chúa. Ngược lại tư tế cũng chuyển đến dân những ơn ban của Thiên Chúa như : ơn tha thứ, ơn dạy dỗ, phúc lành...

Với Đức Giêsu Kitô, quan niệm trên sẽ hoàn toàn thay đổi. Trong Ngài linh thánh sẽ trở thành phàm tục ! Chẳng còn có thể phân biệt giữa hai thứ ấy nữa, vì nhờ Ngài mà mọi sự được thánh hoá, và Ngài là tư tế duy nhất, là trung gian hoàn hảo ; lễ tế của Ngài là lễ tế duy nhất (Thư gửi tín hữu Híp-ri sẽ triển khai rộng tư tưởng này). Thế nhưng cám dỗ của Giáo hội là luôn muốn dùng lược đồ của Cựu ước để diễn tả lễ tế và tác vụ của các tư tế. Đó chính là lý do giải thích biết bao khó khăn hiện nay về chức tư tế trong Giáo hội Công giáo.

 

III. "MÁU CHÍNH LÀ SỰ SỐNG" Lv 17,11.14

Máu là linh thánh vì nó là sự sống, chính sự sống phát xuất từ Thiên Chúa và chảy trong huyết quản của chúng ta. Vì thế không được làm đổ máu người. Cũng không được uống máu con vật (huống chi là máu người) vì làm như thế tức là muốn tự mình gia tăng sự sống đang khi chỉ mình Thiên Chúa là chủ sự sống. Đây không phải chỉ là một quy định về việc ăn uống (đừng ăn tiết canh !) mà chính là tôn trọng sự sống. Trái lại tế hiến máu trong lễ tế là một cách nhìn nhận rằng sự sống là do Thiên Chúa ban cho ta. Trong những lễ tế ấy, người ta không phải dâng hiến con vật (thực ra nó chỉ là một xác chết), mà là dâng hiến máu tươi (nói cho đúng là máu sống), tức là chính sự sống của con vật. Ta phải tập quen chuyển nghĩa chữ "máu" thành chữ "sự sống được dâng hiến", khi đọc những bản văn của sách Lêvi, thì sẽ thấy dễ hiểu hơn.

Cũng thế đối với những cấm kị về phái tính. Ngoài yếu tố cấm kị, trước hết còn có yếu tố tôn kính vì được tham dự, thông qua phái tính, vào công trình truyền sinh của Thiên Chúa khiến cho phái tính có tính cách linh thánh.

 

NHƠ UẾ HAY LINH THÁNH ?

Đối với chúng ta, tinh sạchnhơ uế là những khái niệm luân lý. Nhưng trong Thánh kinh cũng như trong mọi tôn giáo đó là những khái niệm rất gần với khái niệm về cấm kị (tabou) và linh thánh (sacré). Nhơ uế là khi ta tiếp xúc với một quyền lực thần bí (có thể là tốt hoặc là xấu). Do đó sau đấy phải có một nghi thức "tẩy uế" để giúp khỏi lây nhiễm quyền lực ấy.

Chẳng hạn một vài chứng bệnh có thể làm cho con người nhơ uế vì người ta nghĩ rằng chúng là do tà ma gây nên.

Ngược lại việc tiếp xúc với Thiên Chúa cũng có thể gây "nhơ uế". Chính vì thế mà các sách Phụng vụ Công giáo quy định rằng "sau lúc rước lễ, chủ tế phải "tẩy uế" chén thánh" (bằng một tấm khăn gọi là purificatoire "khăn tẩy uế"). Bởi vì chén thánh ấy đã trở thành "nhơ uế" (theo nghĩa luân lý) do đã đựng Máu Đức Kitô chăng ? Không, chén ấy đã trở nên "linh thánh" vì đã vào lĩnh vực của Thiên Chúa, bởi đó cần có nghi thức "tẩy uế" để "giải thánh" và đưa nó trở về công dụng phàm tục như trước. Người đàn bà vừa sanh đẻ xong cũng phải được "tẩy uế". Phải chăng đây cũng là một nghi thức "giải thánh" ? Đúng thế, vì khi sinh đẻ, người ấy đã tiếp xúc với Thiên Chúa là nguồn sự sống, cho nên phải có một nghi thức tẩy uế để đưa người ấy trở về nếp sống phàm tục bình thường.

Xem thế, vấn đề tinh sạch và nhơ uế là phức tạp và còn được bàn cãi nhiều bởi các chuyên viên. Để đơn giản hoá cho dễ hiểu, ta có thể ghi nhớ vài điểm như sau :

- Những khái niệm về tinh sạch và nhơ uế thường chẳng có tính cách luân lý tí nào, nhưng có tính cách tôn giáo gần với những khái niệm về cấm kị và linh thánh.

- Tuy nhiên đôi khi chúng cũng mang một ý nghĩa luân lý.

- Sở dĩ những chữ ấy bị hiểu lẫn lộn (từ nghĩa tôn giáo sang nghĩa luân lý) là do người ta sẵn coi khinh phái tính. Bởi thế khi Thánh kinh nói tới "nhơ uế" theo nghĩa "linh thánh" thì ta lại hiểu đó là sự nhơ uế luân lý.

 

IV. VIỆC SOẠN THẢO SÁCH LÊVI

Bộ luật về sự thánh (Lv 17-26) đã được soạn tại Giêrusalem trước khi lưu đày. Vào lúc người ta sử dụng những tài liệu từ phía Bắc để soạn quyển Đệ nhị luật vốn tập chú vào giao ước và việc tuyển chọn của Thiên Chúa, thì các tư tế ở Giêrusalem đã muốn quy thành luật tất cả những tập tục về Đền thờ, tất cả đều được cho qui vào phụng tự nhằm nhắc dân ý thức rằng Thiên Chúa là thánh, là Đấng hoàn toàn khác.

Luật về những lễ tế (Lv 1-7) và luật về sự tinh sạch (Lv 11-16) thì được soạn sau thời lưu đày, cũng như luật về những ngày nghỉ (Ds 28,29).

 

V. VÀI VĂN BẢN CỦA SÁCH LÊVI

Có lẽ bạn không thể đọc hết sách này, nhưng sẽ là thiếu sót nếu bạn không biết một số đoạn trong đó, xin kể như sau :

- Lv 19,1-17 : sự thánh thiện của Thiên Chúa là nguồn của tình huynh đệ và nếp sống cộng đoàn.

- Lv 23 dạy cách thánh hoá thời gian bằng ngày Sabbat và những ngày lễ lớn.

- Lv 16 nói về lễ Yom Kippour tức là Ngày xá tội : đó là ngày duy nhất trong năm mà vị thượng tế được bước qua tấm màn ngăn cách để vào gian cực thánh của Đền thờ hầu xin ơn tha thứ các tội lỗi. Sau này tác giả thư Híp-ri sẽ dựa vào lễ nghi này để giải thích lễ tế của Đức Kitô. Chương này cũng lấy lại một tập tục xưa có tính cách hơi ma thuật, đó là tập tục về "con chiên gánh tội".

- Sau cùng Lv 1-7 (và bài dẫn nhập của TOB) sẽ giúp bạn biết về những loại lễ tế.