Bài 4

LỊCH SỬ TƯ TẾ

 

Khi bị lưu đày, dân đã mất tất cả những gì tạo họ thành một dân. Họ có nguy cơ bị đồng hoá và biến mất như trường hợp nửa thế kỷ trước khi vương quốc Israel phía Bắc bị lưu đày sang Assyria. Ai sẽ giúp họ đứng vững trước thử thách ? Thưa là các ngôn sứ. (Êdêkien và Đệ nhị Isaia) và nhất là các tư tế. Trước đó chính các tư tế ở Giêrusalem đã là một tập thể có tổ chức vững chắc và có lòng đạo sâu sắc. Nay chính họ cũng sẽ nâng đỡ đức tin của những người bị lưu đày. Họ sẽ làm cho tôn giáo thích nghi với hoàn cảnh khó khăn mới và cho tôn giáo có một tương lai mới.

Các tư tế nghĩ ra nhiều hình thức sinh hoạt mới có một giá trị mới. Ngày Sabbat để thánh hoá thời gian và việc cắt bì để đánh dấu thuộc về dân Thiên Chúa. Hai hình thức sinh hoạt này được coi trọng hàng đầu. Họ cũng tổ chức những buổi họp (gọi là synagogues sau này khi đã hồi hương thì trở thành những "nhà họp" hoặc là "hội đường") để cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, chúng thay thế cho những lễ tế.

Lịch sử tư tế (viết tắt là P) phát sinh trong bối cảnh như thế. Mục tiêu của nó là đọc lại lịch sử đã qua để tìm câu trả lời cho những vấn đề âu lo hiện tại : tại sao Thiên Chúa im lặng ? Làm sao còn tin Thiên Chúa được nữa trong cái thế giới Babylone tôn thờ Mardouk như thần sáng tạo ? Các nước khác có chỗ đứng nào trong kế hoạch của Thiên Chúa ? Như thế truyền thống P cũng mời gọi chính chúng ta tiếp tục suy nghĩ xem chúng ta phải sống đức tin của mình như thế nào và giải đáp những vấn đề mới như thế nào trong thế giới mà chúng ta đang sống. Lời hứa của Thiên Chúa vẫn còn giá trị mãi, ta phải nỗ lực làm việc để hoàn thành nó.

 

VÀI NÉT VỀ P :

Bút pháp khô khan. P không có tài kể chuyện, P thích những con số, những bản liệt kê, thường lặp đi lặp lại cùng một sự việc, như "Thiên Chúa phán... Thiên Chúa làm...". Thí dụ : tường thuật qua biển (xem trang 64) tường thuật tạo dựng (St 1), kiến thiết Đền thờ (Xh 25-31 và 35-40).

Ngữ vựng thường có tính cách kỹ thuật và phụng tự.

Thường có những bảng gia phả. Chúng rất quan trọng đối với một dân đang bị lưu đày và dễ quên nguồn gốc. Những gia phả ấy giúp đặt người ta vào lịch sử dân tộc, và P còn nối kết lịch sử ấy với cuộc tạo dựng ban đầu nữa (St 2,4 ; 5,1 ; Ds 3,1...).

Phụng tự được coi trọng hàng đầu. Môsê tổ chức, Aharon và hậu duệ ông có trách nhiệm thực hiện bằng cách sắp xếp những cuộc hành hương, những ngày lễ, những lễ tế, việc phục vụ Đền thờ và nơi thánh là chỗ có Thiên Chúa hiện diện. Chức tư tế là định chế thiết yếu bảo đảm sự tồn tại của dân. Tư tế thế chỗ cho vua của truyền thống J, và cho ngôn sứ của truyền thống E.

Các khoản luật thường được ghi giữa những bài tường thuật, như thế chúng được nối kết với những diễn biến lịch sử và khiến những diễn biến ấy có ý nghĩa. Thí dụ khoản luật về sinh sản (St 9,1) được lồng trong tường thuật hồng thuỷ ; khoản luật về lễ Vượt qua (Xh 12,1t) được móc nối với tai ương thứ 10.

Vì có những nét đặc thù ấy, những bản văn tư tế là dễ tìm nhất trong Bộ Ngũ thư.

 

I. MỘT BẢN VĂN CHÌA KHOÁ St 1,28

"Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói với họ rằng : hãy sinh sôi nảy nở, hãy tăng số, hãy đầy dẫy mặt đất, và hãy thống trị nó, và hãy làm chủ trên các cá biển và trên những chim trời và trên những thú vật bò trên đất".

Một lời chúc phúc lạ thường biểu lộ đức tin của các tư tế đang bị lưu đày. Trong câu trên có 5 động từ nói ngược hẳn với hoàn cảnh lúc đó ! Chúng cho thấy ý muốn của Thiên Chúa tạo hoá : một ngày nào đó ý muốn này sẽ được thực hiện, kết thúc sự dữ và cảnh lưu đày.

Hãy để ý xem lời chúc phúc này rải rác đánh mốc cả quyển Sáng thế khiến cho những chuyện được thuật trong đó mang một màu sắc mới như thế nào : St 8,17 và 9,1-7 (hồng thuỷ), 17,20 (Abraham), 28,1-4 và 35,11 (Giacob), 47,27 (Giuse). Trong Xh 1,7 lời ấy không chỉ là một lời hứa mà còn là một thực tại phải được tiếp nối suốt dòng lịch sử.

 

II. ĐỌC LƯỚT QUA TRUYỀN THỐNG P

Cũng như truyền thống J, truyền thống P khởi sự từ tạo dựng và kết thúc với cái chết của Môsê (Đnl 24,7). Phần sau chúng ta sẽ nghiên cứu riêng tường thuật tạo dựng. Còn bây giờ chúng ta đọc vài bản văn.

 

1) Giao ước với Noé và hồng thuỷ St 6-9 :

Hai truyền thống J và P hoà lẫn nhau trong tường thuật này (TOB 6,1h / BJ 6,5a). Cả 2 đều theo sát câu chuyện huyền thoại về hồng thuỷ được thuật trong anh hùng ca Gigamesh. P nhấn mạnh hơn về việc đóng tàu gồm có 3 tầng giống như Đền thờ của Salômon dựng : ngụ ý rằng con người được cứu nhờ Đền thờ ấy (6,16).

Tường thuật này kết thúc bằng giao ước Thiên Chúa ký với Noé, với hậu duệ ông và với cả Trái đất (9,8-17). Thế có nghĩa Thiên Chúa của Israel cũng là Thiên Chúa phổ quát, và giao ước của Ngài liên hệ tới mọi người. Tất cả các nước đều có chỗ trống trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng phải chăng Israel có chỗ đặc biệt hơn ?

 

2) Giao ước với Abraham St 17 :

Khoản luật về cắt bì được lồng trong một bài tường thuật gồm 4 diễn từ của Thiên Chúa. Bạn thử xem tư tưởng tiến triển dần như thế nào từ diễn từ này sang diễn từ khác. Thiên Chúa muốn gì nơi Abraham ? Ngài muốn ông bước đi trước mặt Ngài (hãy nhớ lại tư tưởng của sách Lêvi), và phải liêm chính ; không lỗi lầm ; không tì vết giống như của lễ dâng lên Ngài (Xh 12,5 ; Lv 1,3...) Việc cắt bì trở thành dấu thuộc về Dân Chúa (so sánh bản văn này với St 15// trang 155 mục "giao ước với Abraham").

Trong lúc bị lưu đày, Israel ý thức rằng mình phạm tội, rằng mình đã bẻ gãy giao ước song phương ký kết ở Sinai, do đó Chúa có để họ bị như bây giờ thì cũng đáng mà thôi. Vì thế P đã lướt nhanh qua giao ước Sinai để tìm tới tận giao ước với Abraham là giao ước một chiều : Thiên Chúa đơn phương hứa che chở con cháu Abraham. Do đó dù Israel (và cả chúng ta bây giờ) dù có tội lỗi thế nào đi nữa thì cũng có thể đến xin Chúa giúp.

Truyền thống này quan tâm tới việc Abraham tậu một thửa đất ở Hebron để chôn cất Sara (St 23). Điều này quan trọng đối với những người bị đày : tổ tiên họ đã tậu một thửa đất và được chôn cất ở đấy (25,9) cho nên họ có quyền trên mảnh đất ấy !

 

3) Xuất hành :

Vì là những người bị lưu đày cho nên các tác giả P nhấn mạnh tới cảnh nô dịch cực nhọc ở Aicập (Xh 1,13-14; 2,23-24) và tới Lời Chúa hứa với Abraham (Xh 6 : ơn gọi của Môsê). P nhắc lại cách thức làm lễ mừng cuộc giải phóng ấy, bởi vì phụng tự giúp làm sống lại trong mỗi thế hệ công cuộc giải phóng của Thiên Chúa (Xh 12,1-20). Việc qua biển trở nên một hành động quyền năng của Thiên Chúa tạo hoá (xin hãy xem lại trang 65) ; Ngài có khả năng lặp lại hành động ấy đối với dân Ngài đang bị lưu đày. Khoản luật về ngày Sabbat được nối kết với ơn ban manna (Xh 16) : ngụ ý rằng trong ngày Sabbat, dân có thể nghỉ việc một cách an tâm vì Chúa chẳng để cho họ chết đói đâu !

 

4) Giao ước Sinai :

Giao ước này quá quan trọng nên những người lưu đày không thể không nhắc tới, nhưng họ đã đổi thay ý nghĩa của nó. Không có phần kết luận về giao ước như trong J và E (Xh 24). Thiên Chúa chỉ loan báo rằng Ngài sẽ làm cho Israel thành một vương quốc tư tế và một dân thánh (Xh 19; 5-6). Israel được điều khiển không phải bởi vua như ở các dân khác mà là bởi các tư tế.

Thiên Chúa không ban luật cho dân mà ban những lệnh truyền xây dựng đền thánh (Xh 25-27) thiết lập những tư tế (Xh 28-29) và phụng tự : chỉ có một khoản luật là luật về ngày Sabbat (Xh 31,12-17).

Trước sự thất bại của giao ước Sinai người ta quay về với lời Thiên Chúa hứa với Abraham. Định chế có trách nhiệm nhắc dân nhớ tội của họ và sự tha thứ của Thiên Chúa, đó là chức tư tế.

 

5) Sự hiện diện thánh của Thiên Chúa Xh 25,10-22; 40,34-38.

Trong tổng thể gồm Xh 25-31 và 35-40 ta phải đọc ít ra là phần đầu và phần cuối. "Chúng phải làm cho Ta một đền thánh để Ta lưu lại giữa chúng" (25,8). Bản văn tập chú vào nắp xá tội (propitiatoire, một cái nắp bằng vàng ròng đậy khám giao ước) và vào khoảng trống giữa nắp xá tội với 2 Kêrubim : đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với dân ; chính trên nắp xá tội này mà mỗi năm một lần vị thượng tế rảy máu lên để xin ơn Chúa tha thứ (Lv 16).

Sau này khi muốn nói rằng Đức Kitô là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa và máu Ngài đem lại ơn tha thứ cho chúng ta, thánh Phaolô sẽ viết : "Thiên Chúa đã đặt Ngài làm nắp xá tội do máu Ngài" (Rm 3,25).

 

III. TƯỜNG THUẬT TẠO DỰNG : St 1,1-2,4

Những từ và những nhóm từ lặp đi lặp lại :

- "Thiên Chúa phán" (10 lần) : khiến ta liên tưởng tới 10 giới răn. Thiên Chúa tạo dựng thế giới cũng như tạo dựng dân Ngài ở Sinai (TOB 1,3f).

- "Thiên Chúa làm" : sự đối nghịch giữa tạo dựng bằng lời và bằng hành động có lẽ là dấu chỉ về một tường thuật khác có trước hoặc là bút pháp quen thuộc của P.

- "Đã có một buổi chiều..." : công trình tạo dựng được phân thành 6 ngày để hoàn tất vào ngày Sabbat. Nghĩa là tổ chức theo phụng vụ (chứ không theo khoa học) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày Sabbat.

Thời kỳ soạn tác bản văn này : đừng quên đây là thời lưu đày. Có nhớ như vậy mới thấy được giá trị đức tin của bản văn này. Sống trong cảnh lưu đày, mọi sự như đều tan vỡ, thế mà bản văn lại đẹp như một bài thơ : "tất cả đều tốt đẹp". Nghĩa là dù bị khinh chê, dù chịu đau khổ, tác giả vẫn khẳng định đức tin vào một Thiên Chúa đã muốn thế giới được tốt đẹp và công chính.

Có những thuật ngữ và thực tại mang một ý nghĩa đặc biệt vào thời đó :

- Ngày Sabbat rất quan trọng đối với những kẻ lưu đày. Mô tả Thiên Chúa cũng tuân giữ ngày đó tức là coi ngày đó có giá trị linh thánh.

- Tác giả không nói mặt trời và mặt trăng, nhưng gọi chúng là hai chiếc đèn (TOB 1,8m / BJ 1,16i). Chữ này thuộc về ngữ vựng phụng tự của các tư tế, nó chỉ những ngọn đèn cháy sáng trong đền thờ (thí dụ Xh 25,6 ; 27,20). Như thế mặt trời và mặt trăng không phải là những thần linh như ở Babylone người ta quen nghĩ, mà là những dấu chỉ cho thấy có một sự hiện diện (cũng như "đèn nhà tạm" của chúng ta ngày nay) và cho biết thời kỳ của những cuộc lễ. Đền thờ Giêrusalem đã bị tàn phá ư ? Chẳng sao cả. Vì toàn thể vũ trụ là Đền thờ của Thiên Chúa.

Bạn sẽ càng thú vị hơn nếu so sánh bản văn này với những huyền thoại Babylone (xem lại trang 44-45). Có những chi tiết giống nhau : Thiên Chúa không tạo dựng từ hư không, tạo dựng bằng cách tách đôi. Chữ "vực thẳm" trong tiếng Híp-ri là tohom khiến ta liên tưởng tới Tiâmat là tên của một vị thần Babylone. Nhưng cũng có khác biệt : chẳng có sự tranh đấu giữa các thần, chỉ có Thiên Chúa là thần duy nhất.

Và cũng có thể so sánh tường thuật này với nhiều bản văn Kinh thánh khác. Chẳng hạn 2 bản sau đây :

- Tạo dựng của P (St 1) và của J (St 2).

o Cả 2 đều nói tới "sự hiểu biết" (science) nhưng lại khác nhau. Trong St 2 đất được hình dung như 1 ốc đảo giữa sa mạc, còn ở đây nó là một hòn đảo giữa nước mênh mông. Qua 2 lần tách rời liên tiếp nhau Thiên Chúa làm cho khô ráo xuất hiện để làm chỗ ở cho con người.

o Trong St 2 người nam được tạo dựng trước để canh tác đất, tiếp đến là người nữ. Còn ở đây loài người (nam nữ) được tạo dựng cuối cùng. Đó là 1 cách đề cao phẩm giá con người : trong một cuộc kiệu rước của phụng vụ, kẻ địa vị cao nhất đi sau cùng. Tác giả nói Thiên Chúa tạo dựng người vậy thôi. Sau này khi nói lại lần nữa thì tác giả mới nói rõ là người gồm có nam và nữ.

- Tạo dựng và qua biển (Xh 14) :

Hai bản văn có nhiều điểm giống nhau : Thiên Chúa phán và làm (hoặc làm trực tiếp hoặc làm qua Môsê) ; Người tách nước cho khô ráo xuất hiện. Như thế ngụ ý việc giải phóng khỏi Aicập là một hành vi quyền năng của Thiên Chúa tạo hoá và tạo dựng là một hành vi của Thiên Chúa giải phóng. Ngài muốn cho không phải chỉ một dân Israel mà còn tất cả các dân đều được tự do.

Bây giờ ta hãy tóm lại một vài điểm quan trọng:

 

1) Một bài thơ phụng vụ :

Ta đừng tìm ở đây những chỉ dẫn lịch sử và khoa học, vì đây là một bài thơ diễn tả niềm tin lạ thường của các tư tế vào Thiên Chúa của họ. Nói thế giới được tạo dựng trong 6 ngày là để hợp pháp hoá ngày Sabbat. Ngày này có 2 ý nghĩa : nó là lúc Thiên Chúa nghỉ việc (nói cách khác "Thiên Chúa giữ ngày Sabbat") ; vì nó là ngày thứ bảy nên nó cũng là thời gian lịch sử của loài người, thời gian được ban cho loài người làm việc và tiếp tục công trình tạo dựng trước khi tới "ngày thứ 8" là ngày cùng tận. Nhưng người ta mừng ngày Sabbat này bằng cách ngưng làm việc, mục đích là để thánh hoá thời gian, để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa là Đấng làm chủ việc làm của con người.

 

2) Từ "Tc - giải phóng" đến "Tc - tạo dựng"

Thiên Chúa mà Israel đã khám phá trước tiên là Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Aicập, một Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Khi bị lưu đày sang Babylone, họ lại hướng về Thiên Chúa ấy để hi vọng Ngài sẽ giải phóng họ nữa. Nhưng (như Đệ nhị Isaia giải thích) sở dĩ Thiên Chúa có khả năng hành động trong lịch sử là vì chính Ngài đã tạo dựng lịch sử. Ngài là Thiên Chúa tạo dựng.

 

3) Con người là hình ảnh Thiên Chúa :

Do đâu mà con người là hình ảnh của Thiên Chúa ? Bài tường thuật này nhấn mạnh 2 phương diện :

- Con người được dựng nên làm kẻ tạo dựng : do quyền làm chủ thế giới, do sự hiểu biết (hoặc khoa học), con người thể hiện quyền năng của Thiên Chúa. Vì vậy con người có trách nhiệm tổ chức vũ trụ khiến nó có thể ở được.

- Con người là tương quan yêu thương : hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương không thể là một cá nhân đơn độc, mà phải là một đôi gồm một nam một nữ yêu thương nhau, và tình yêu thương ấy sinh ra sự sống. Phải chờ tới mạc khải của Đức Giêsu mới khám phá hết ý nghĩa mà hình ảnh này gợi cho hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.

 

MỘT THIÊN CHÚA KHÔNG CÓ TÊN

Gọi tên ai tức là có quyền trên người đó; xưng tên cho ai biết tức là ban cho người đó một phần của mình. Vì thế nên Thiên Chúa không có tên riêng (xem St 32,23-33). Thiên Chúa không chịu xưng tên.

EL ELOHIM : cách thứ nhất để gọi Ngài là dùng một danh từ chung. El có nghĩa là Thần, Chúa. Từ thiên niên kỷ thứ 3 những người Sêmit đã quen gọi vị thần chính của họ là El. Tín đồ Hồi giáo còn giữ tập tục này : Đấng Allah của họ xuất phát từ chữ Al-Ilah nghĩa là "Thần". Dân Do thái gọi Thiên Chúa đơn giản là "El của Abraham, của Isaac..." Như vậy là một lời giáo huấn đầu tiên : Thiên Chúa là Đấng không thể biết được, ta chỉ có thể biết được chút ít về Ngài qua điều ta thấy về những kẻ thờ phụng Ngài : Ngài là El của Abraham, của Đức Giêsu, của ông A, của bà B ; Elohim là dạng số nhiều của chữ El để diễn tả sự trang trọng.

YHWH : với Môsê hình như Thiên Chúa chịu xưng ra một tên. Thực ra đó không phải là một tên mà chỉ là một dấu chỉ về một sự hiện diện. Vả lại, "tên" đó (YHWH) ta cũng chẳng biết đọc thế nào ! Do kính trọng, người Do thái không bao giờ đọc ra "tên" đó. Họ viết 4 phụ âm của chữ YHWH (đôi khi gọi là Tétragramme nghĩa là "tứ tự", 4 vần) nhưng miệng thì lại đọc Adonai, nghĩa là "Chúa". Các nhà Massorètes lấy những nguyên âm của chữ Adonai (a hoặc é, o, a) ghép vào 4 phụ âm của chữ YHWH thành ra chữ Yêhowah.

Bản 70 thì dịch "tứ tự" ấy thành Kurios "Đức Chúa". Rồi các Kitô hữu đầu tiên bắt chước theo. Vì những người Do thái cảm thấy rất chạm khi nghe chúng ta đọc tên cực trọng của Thiên Chúa. Cho nên để kính trọng tình cảm của họ chúng ta cũng nên làm như họ, nghĩa là phải đọc chữ YHWH là "Đức Chúa". Đó là điều mà TOB đã làm (nhưng rất tiếc BJ lại không làm !)