CHƯƠNG VI

ISRAEL DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA BA TƯ
538-333

  

Bài 1

LỊCH SỬ

 

Năm 538 sắc chỉ của vua Cyrus cho phép người Do thái hồi hương và xây dựng lại Đền thờ (xem sắc chỉ này trong Er 1,2-4). Điều này phù hợp với tinh thần bao dung của Cyrus, nhưng cũng đúng theo chính sách của ông muốn dùng Giêrusalem làm tiền đồn của đế quốc Ba Tư ngăn chận ảnh hưởng Aicập.

Trong vòng 2 thế kỷ, dân Do thái sống dưới sự lệ thuộc vào đế quốc Ba Tư, đang lúc đó sức mạnh của Hy Lạp càng ngày càng lớn thêm. Sau đây ta hãy chú ý tới vài điểm quan trọng trong giai đoạn lịch sử sôi động này.

 

I. ĐẾ QUỐC BA TƯ

Sau khi chiếm được Babylone, Cyrus tiếp tục mở mang bờ cõi về hướng Đông. Ông băng hà năm 530. Con ông là Cambyse chiếm được Aicập nhưng thất bại ở Éthiopie.

Darius I nối ngôi và ngự trị một thời gian dài (522-486). Ông lo tổ chức lại đế quốc rộng lớn này : chia lãnh thổ thành 20 tỉnh được gọi là 20 satrapies, mỗi satrapie được quản trị bởi một satrape (tương đương tỉnh trưởng), một chưởng ấn (chancelier) và một tướng quân (général). Các tỉnh phải đóng thuế rất nặng cho triều đình. Ông còn thiết lập một hệ thống đường bộ rất đáng kể, trong đó có "con đường Hoàng gia" đi từ Suse tới tận Êphêxô ở Địa Trung Hải. Ông chinh phục được thành Thrace và Macédoine ở phía Bắc Hy Lạp, nhưng phải chịu thất bại tại thành Marathon (490).

Sau khi Xerxes I cũng bị quân Hy Lạp đánh bại tại Salamie (480), Artaxerxès I (464-424) lên ngôi. Việc đầu tiên của ông là lo trấn áp Aicập đang khởi loạn. Một người Do thái tên Nơkhemia đang làm viên chức trong triều đình được phái đi Giêrusalem ; trước đây dân Do thái thuộc tỉnh Samaria, nhưng từ nay họ thành một tỉnh độc lập.

Lúc bấy giờ Hy Lạp lên tới thời hoàng kim về nhiều mặt : nghệ thuật (thí dụ đền Parthénon), văn chương (thí dụ các văn hào Sophocle, Euripide), triết học (thí dụ triết gia Socrate, Platon...).

Darius II (424-404) bận chinh chiến bên Aicập. Trong đảo Éléphantine có một nhóm kiều dân Do thái làm lính cho Ba Tư, họ có một đền thờ kính "thần Yahô". Các thư từ của họ với Giêrusalem và triều đình Ba Tư giúp ta biết ít nhiều về tín ngưỡng của họ.

Khi Artaxerxèr II lên ngôi (404-359), Aicập giành lại được độc lập. Tỉnh Giêrusalem lại trở nên một tiền đồn quan trọng cho đế quốc Ba Tư. Năm 398 vua phái Ét-ra tới đó. Ông này cố gắng dàn hoà giữa dân Do thái với dân Samaria, cả hai được cho hưởng một quy chế đặc biệt trong đế quốc. Đó là được sống theo "Luật của Chúa Trời" (Er 7,21) dưới quyền điều khiển của một Thượng tế. Tuy nhiên sự kết hợp mong manh giữa 2 dân chỉ kéo dài khoảng 20 năm.

Các vua cuối cùng của Ba Tư phải đối phó với cuộc nổi loạn của nhiều tỉnh, và cuối cùng phải đành nhường quyền cho một thế lực mới, đó là dân Macédoine. Năm 338, Philippe de Macédoine thống nhất đế quốc Hy Lạp. Lên nối ngôi là Alexandre, năm 336 khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của lịch sử.

 

II. LƯU ĐÀY TRỞ VỀ

Vua Cyrus chấm dứt 50 năm lưu đày bên Babylone. Ước tính có chừng 50 nghìn người Do thái trở về quê hương mình thành 2 đợt chính :

Năm 538, đoàn hồi hương đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Sheshbacar, gồm nhiều tư tế, một ít Lêvi (TOB Er 2,40z) và nhiều "quà tặng" là các nô lệ phục vụ Đền thờ (TOB Er 2,43c và 55e), những người không có địa vị tôn giáo và đã làm ăn khá ở Babylone thì chọn ở lại.

Việc tái định cư ở Giuđa gặp khó khăn, đất đai đã bị người Samaria chiếm, cho nên họ không cảm tình với những sở hữu chủ cũ ngày nay trở về đòi lại. Mặt khác, họ muốn góp phần tái thiết Đền thờ nhưng bị dân Do thái từ chối vì cho rằng tín ngưỡng của họ không tinh tuyền. Hơn nữa dân Samaria còn chống lại việc xây lại tường thành Giêrusalem. Cộng vào đấy lại thêm nạn hạn hán và thiếu tiền. Tất cả những khó khăn trên buộc phải ngưng xây cất Đền thờ. Có lẽ trong những năm này, một đệ tử của Isaia lên tiếng rao giảng, đó là Đệ tam Isaia.

Năm 529 dưới triều Darius, một đoàn thứ hai rời Babylone dưới sự dẫn dắt của hoàng thân Zorobabel và thượng tế Giôsuê. Theo sự hướng dẫn của 2 vị này và sự hỗ trợ của các ngôn sứ Khacgai và Dacaria, cuối cùng Đền thờ đã tái thiết xong năm 515.

 

III. NĂM 515 - KỶ NGUYÊN CỦA ĐỀN THỜ THỨ HAI

Sau 5 năm nỗ lực, Đền thờ đã tái thiết xong. Những bô lão đã từng biết vẻ huy hoàng của Đền thờ Salômon trước đây không cầm được nước mắt trước dáng vẻ tầm thường của Đền thờ mới (Er 3,10-13 ; Kg 2,3). Nhưng không sao, vì ít ra cũng còn Đền thờ ; sau này nó sẽ được Hêrôđê nới rộng và trang hoàng từ năm 19 trước cn tới năm 64 cn, nhưng lại bị quân Rôma phá huỷ vào năm 70 cn.

Xin lưu ý tới kiểu nói "Đền thờ thứ hai" : không những nó chỉ một ngôi đền mà còn chỉ một kỷ nguyên khởi sự lúc lưu đày trở về và kéo dài tới năm 70 cn. Đó là kỷ nguyên của Do thái giáo.

Ngôn sứ Nơkhemia lên tiếng 2 lần (các năm 445 và 432) để khuyến khích xây dựng lại tường luỹ thành Giêrusalem, đánh dấu sự độc lập khỏi Samaria. Cũng chính trong thời kỳ này Malakhi cố gắng làm sống lại đức tin của dân.

Năm 398 (niên biểu khả dĩ chấp nhận được, vì các niên biểu thời này rất lộn xộn), Ét-ra được vua Artarxerxès giao trách nhiệm ổn định trật tự trong vùng. Bằng những biện pháp cứng rắn, ông tái lập sự tinh tuyền của đức tin, buộc huỷ bỏ những cuộc hôn nhân với những người không phải Do thái, bắt mọi người phải giữ "Luật của Chúa Trời" coi đó như là luật nước. Hình như luật ấy chính là Bộ Ngũ thư bây giờ mà Ét-ra đã soạn lại từ 4 nguồn truyền thống JEDP.

Nkm 8-10 mô tả một cuộc lễ long trọng được coi như lúc khai sinh chính thức cho Do thái giáo. Dân không tụ họp trong Đền thờ mà là ở một quảng trường, không có dâng những lễ tế mà là đọc sách luật và cầu nguyện. Đây là nét chính của phụng tự Hội đường được khai sinh ngày hôm ấy.

 

IV. NHỮNG NÉT QUAN TRỌNG

Chúng ta còn chưa rõ nhiều chi tiết của lịch sử Israel. Tuy nhiên vẫn có thể thấy được một vài điểm chính như sau :

1) Quyền nằm trong tay các tư tế :

Chính các tư tế đứng ra tổ chức dân. Họ thực thụ là những lãnh tụ cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị.

2) Những người Do thái ở nước ngoài (diaspora) :

Có nhiều người Do thái ở lại Babylone, làm thành một cộng đoàn sinh động. Còn có một cộng đoàn ở Éléphantine và một cộng đồng nữa ở Alexandria (Aicập)... Đó là những diaspora (tiếng Hy Lạp nghĩa là "tản mác") tức là những nơi quy tụ các người Do thái tha hương trên khắp thế giới.

3) Tiếng Aram được chọn làm ngôn ngữ chung :

Aram là thứ ngôn ngữ gần với tiếng Híp-ri, nó được dùng làm tiếng quốc tế được sử dụng trong khắp đế quốc Ba Tư trong công việc thương mại và ngoại giao (như tiếng Anh ngày nay). Ở Giuđêa, tiếng Aram dần dần thay thế tiếng Híp-ri là thứ tiếng chỉ còn dùng trong phụng vụ. Thời Đức Giêsu dân nói tiếng Aram và không còn hiểu tiếng Híp-ri nữa.

Ngôn ngữ chung Aram và Diaspora, đó là 2 nhân tố góp phần làm cho người Do thái hướng tới khuynh hướng đại đồng.

 

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG :

Thời này có nhiều ngôn sứ hoạt động như : Khacgai, Dacaria, Malakhi, Ôvađia và nhất là Đệ tam Isaia.

Nhưng nổi bật nhất trong thời này là ảnh hưởng của các ký lục và hiền sĩ. Các ký lục (như Ét-ra) đọc lại Sách thánh, tập họp chúng lại (Bộ Ngũ thư), bổ sung chúng (những quyển sử Biên niên, sách Ét-ra, Nơkhemia). Các hiền sĩ gom góp những tư tưởng của các thế hệ trước và làm thành những tác phẩm lớn như sách Ruth, Giona, Châm ngôn, Gióp.

Các Thánh vịnh cũng bắt đầu được tập họp lại thành những sưu tập mà không bao lâu sẽ thành một quyển chung.