Bài 2

NHỮNG NGÔN SỨ THỜI HỒI HƯƠNG

 

I. KHÁCGAI

Năm 520, Khácgai gửi cho dân hồi hương một sứ điệp tuy ngắn nhưng thẳng thừng : "Các ngươi đã hồi hương 20 năm rồi. Các ngươi đã xây dựng nhà cửa cho mình, thế mà nhà của Thiên Chúa vẫn còn hoang tàn !". Vấn đề mà Khacgai đặt ra là Israel muốn xây dựng đất nước cùng với Thiên Chúa hay bất cần Thiên Chúa. Quả là một vấn đề thời nào cũng có giá trị.

 

II. ĐỆ NHẤT DACARIA : Dcr 1-8

14 chương của quyển sách như hiện nay thực ra gồm sứ điệp của 2 ngôn sứ được gọi là Đệ nhất và Đệ nhị Dacaria. Ta sẽ đọc sứ điệp của Đệ nhị Dacaria trong chương sau.

Đệ nhất Dacaria dựa vào lời rao giảng của Khacgai, nhưng diễn tả theo ngôn ngữ riêng của mình, mang màu sắc khải huyền.

 

III. MALAKHI

Khi Malakhi rao giảng thì đền thờ đã xây dựng xong, phụng vụ và lễ tế đã bắt đầu lại... Nhưng đồng thời cũng sống lại những tệ nạn trước thời lưu đày : chỉ lo lễ nghi bề ngoài trong khi cuộc sống thì bất công, bất nghĩa...

Malakhi đã phản ứng lại cách mạnh mẽ và sứ điệp của ông sẽ có ảnh hưởng lớn cho tới tận thời Tân ước.

Tác phẩm của ông mang một hình thức một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Ngài, chuẩn bị cho cuộc đối thoại trong Tin mừng : "Ta đói... nhưng lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói đâu ?..." "Chúa phán : Ta yêu thương các ngươi. Và các ngươi hỏi lại : Chúa yêu thương chúng con chỗ nào đâu ?" Cái điệp khúc "và các ngươi hỏi lại" được tác giả lặp lại 8 lần để chống một dân hay vặn hỏi ! 8 lần để lột trần tội lỗi khéo được che giấu. Tội của những kẻ đang đổ thừa cho Chúa (1,6t) tội của các tư tế không giảng dạy Lời Chúa (2,1t), tội của những kẻ bơ vơ (2,10t : một bài suy gẫm tuyệt vời về hôn nhân), tội của những kẻ không còn biết phân biệt lành dữ (2,17t)...

Trong phần cuối, Thiên Chúa loan báo Ngài sẽ gửi xuống trần ngôn sứ Êlia trước ngày phán xét. Đoạn văn này sẽ góp phần làm cho Êlia có tầm quan trọng đặc biệt trong Do thái giáo. Đức Giêsu sẽ tuyên bố rằng Gioan Tẩy giả hoàn thành vai trò của Êlia (Mt 17,9t).

 

IV. GIOEN

Ta không rõ "vị ngôn sứ môi sinh" này rao giảng lúc nào. Ông coi "ô nhiễm môi sinh" là một dấu chỉ rằng đã đến "ngày của Chúa", ngày mà Thiên Chúa lột con người khỏi tội lỗi. Nhưng trong con người đã bị lột trần ấy, Ngài sẽ đặt Thánh Linh của Ngài vào. Hôm lễ Ngũ tuần, Phêrô sẽ trích Gioen 3 lần (Cv 2).

 

LỜI CỦA THIÊN CHÚA

Nhiều người thất vọng khi đọc Thánh kinh : họ tưởng gặp thấy "Lời của Thiên Chúa", thế nhưng chỉ thấy "Lời của loài người".

Đôi khi người ta có một ý tưởng hơi ma thuật về Lời Chúa, tưởng đó là một cái gì từ trời rơi xuống, đang khi thực ra Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử, trong những biến cố đời sống con người. Chính đó là nơi ta phải cố gắng tìm hiểu Lời Chúa.

Phải chăng một số Kitô hữu cũng hơi thất vọng tương tự trước Đức Giêsu ? Họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Lời. Thế nhưng nhiều người khác lại coi Đức Giêsu là một con người như họ, Gioan đã không viết "chúng tôi đã thấy Lời" mà lại viết "điều chúng tôi đã thấy và đã nghe về Lời" (1Ga 1,1). Tức là : xuyên qua những gì chúng ta đã thấy (những cử chỉ, những lời nói, cũng như chúng ta thôi), chúng ta được đức tin và Thánh Linh soi sáng, và chúng ta được thấy Lời.

Trong Cựu ước, Thiên Chúa cũng không làm khác. Những người Do thái cũng trải qua những biến cố thông thường, thế nhưng ai có đức tin (nhất là các ngôn sứ) thì đọc được Lời Chúa trong những biến cố ấy.

Tuy nhiên ta có thể lầm... Có chắc gì những ngôn sứ và những tín hữu kia không lầm ? Chính ở đây đức tin và Thánh Linh trở thành cần thiết (Ga 16,13). Chờ cho Lời Chúa từ trời rơi xuống là thái độ chối từ không tin Thánh Linh và không sống đức tin.

 

V. ĐỆ TAM ISAIA : Is 56-66

Trước lời hứa trong Đệ nhị Isaia về một cuộc xuất hành mới, dân Do thái hồ hởi trở về quê hương. Nhưng khi đã về tới nơi sự thật lại chua chát phũ phàng, lòng hồ hởi ban đầu như quả bóng xì hơi : cuộc sống thì nghèo khổ, người ta không còn tin vào tương lai... Khi đó một môn đệ của Isaia lên tiếng hầu tái lập đức tin.

Sứ mạng thật khó khăn vì thính giả không phải là một khối thống nhất, họ gồm những người từ Babylone hồi hương, những người Do thái "bám trụ" tại chỗ, những ngoại kiều đã đến đấy lập cư, và những người Do thái ở Diaspora. Chia rẽ, thù ghét, khinh chê nhau... Cộng vào đó còn nạn thờ ngẫu thần và nỗi thất vọng. Sứ mạng của Đệ tam Isaia là đem lại hăng say cho mọi người.

Quyển sách hiện nay được trình bày như một đường cong, trong đó các bản văn tương ứng nhau từng cặp, quanh một chóp đỉnh là chương 61. Trước khi nghiên cứu chóp đỉnh này, ta hãy đọc lướt qua toàn thể.

- 56,1-8 : các ngoại kiều có thể thuộc về dân Chúa, bởi vì "nhà cầu nguyện" của Ngài là nhà của mọi dân, 66,17-24. Thiên Chúa sẽ tập họp tất cả các dân cho một cuộc tạo dựng mới.

- 56,9-57,21 : ngôn sứ than phiền về sự kiện những kẻ tin được tự động thuộc về dân Thiên Chúa. 66,1-16 : ngược lại ông cho thấy rằng Thiên Chúa ban cho con gái Sion có quyền sinh ra một dân mới.

- 58 : cách sống đạo đích thực, việc ăn chay đích thực làm Thiên Chúa vui lòng, chính là chia cơm sẻ áo, dẹp bỏ bất công và phóng thích những kẻ bị áp bức... 65 : những lời chúc phúc và chúc dữ đối với những người để cho Chúa thương hoặc từ chối tình thương của Ngài.

- 59,1-15 : lời buộc tội của ngôn sứ đã có kết quả : dân xưng thú tội lỗi. 63,7-64,11 : đây là một thánh vịnh khẩn cầu, tiền vị của kinh Lạy Cha sau này : nài xin Thiên Chúa thương xé trời ngự xuống. Theo Mc, điều này sẽ được thực hiện trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa (Mc 1,10).

- 59,15-20 và 63,1-6 : không nên coi thường Thiên Chúa, Ngài sẽ đè bẹp kẻ thù... Sách Khải huyền (19,13) sẽ áp dụng đoạn này cho Đức Kitô : máu Ngài chảy ra sẽ chuộc lấy tội lỗi chúng ta.

 

Nghiên cứu một bản văn : Is 60-63

Is 61 là chóp đỉnh của tác phẩm, nhưng nó thuộc về một toàn thể thống nhất chung với các chương 60 và 62. Vì vậy ta phải nghiên cứu chung cả 3 chương.

a) Vui lên nào hỡi con gái Sion... Is 60 và 62.

Bạn hãy chịu khó đọc 2 chương này, chú ý xem tác giả trình bày các vai như thế nào ?

- Thiên Chúa: mang khuôn mặt nào ? tác giả dùng những hình ảnh gì để mô tả những tình cảm của Ngài ?

- Con gái Sion : là ai ? hãy để ý những hình ảnh diễn tả sự thay đổi hoàn cảnh của nàng ?

- Những đứa con: là ai ? từ đâu tới ? được thu hút đến bởi gì ?

Đây là một hình ảnh lạ thường về dân Chúa (và về Giáo hội bây giờ) : giống như một ngôi nhà toả ánh sáng trên khắp vùng tăm tối chung quanh để dẫn dắt những người bước đi trong bóng tối, dân Chúa cũng là một ngọn đèn sáng đặt giữa thế gian để dẫn đường cho người ta. Nhưng sự sáng không tự nó phát ra mà phát ra từ Thiên Chúa ngự trong đó.

b) Thánh Linh của Chúa ngự trên tôi... Is 61.

Chương này chia thành 3 phần:

- 61,1-4 : ngôn sứ tự giới thiệu. Ông được ơn gọi ra sao ? sứ mạng của ông là gì ? ông được sai tới ai, để mang "tin mừng" gì ? hãy chú ý những hình ảnh diễn tả sự biến đổi.

- 61,5-9 : ngôn sứ nói với thính giả. Ông nói, và Chúa nói qua ông (c.8) về tương lai. Điều gì được hứa ? vai trò của dân sẽ như thế nào ?

- 61,10-11 : ngôn sứ hoặc dân (hoặc cả hai) bày tỏ sự hứng khởi. Lý do và nguồn gốc của niềm hứng khởi ấy ?

Bây giờ bạn hãy đọc lại toàn thể Is 60-62. Tin mừng mà tác giả nói có thể gây hứng khởi cho đám dân hồi hương đang thất vọng ấy là tin mừng gì ?

Xin hãy đọc Lc 4,16-21. Theo Lc, Is 61 diễn tả sứ điệp của Đức Giêsu như thế nào ? nó giúp ta hiểu ý nghĩa những phép lạ của Đức Giêsu và sứ điệp của những Lời chúc phúc như thế nào ?