Bài 3

LUẬT HOẶC NGŨ THƯ

 

Khi Ét-ra tới Giêrusalem vào năm 398 (?) nhiệm vụ của ông là tổ chức lại cộng đồng dân Do thái và giải quyết xích mích với dân Samaria.

 

I. LUẬT

Ét-ra buộc tất cả mọi người phải coi "Luật của Chúa Trời" như là luật nước (Er 7,21). Người ta nghĩ rằng đấy chính là Bộ Ngũ thư dưới hình thức như hiện nay, và chính Ét-ra đã soạn lại từ những nguồn tư liệu sau :

- Lịch sử thánh của phía Nam (J).

- Lịch sử thánh của phía Bắc (E).

Hai truyền thống này đã được hoà nhập thành một, tức là tài liệu Jehoviste.

- Đệ nhị luật (D).

- Lịch sử thánh tư tế và sách Lêvi (P).

- Những truyền thống độc lập, cách riêng là những khoản luật về lễ tế và những cuộc lễ do các tư tế soạn sau khi hồi hương.

Với những bản văn trên, Ét-ra đã soạn lại thành một bộ sách tuy không phải lúc nào cũng mạch lạc, nhưng ít ra là có tính thống nhất.

Lịch sử thánh khởi đầu từ cuộc tạo dựng cho tới cái chết của Môsê và làm nổi bật hai nhân vật Abraham và Môsê.

Sau tường thuật về khởi nguyên (St 1,11) phần còn lại của sách Sáng thế (12,50) nói về các tổ phụ, nhất là Abraham. Ông này được coi là Cha của những kẻ tin, là người mang lời hứa của Thiên Chúa (giao ước : St 15 và 17), là trung gian cầu bầu với Thiên Chúa (St 18), là người hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đòi ông hiến tế con ông (St 22).

Trong sách Xuất hành, Môsê nhập cuộc và đóng vai trò chính cho tới cuối sách. Sau khi nhắc lại thời nô lệ ở Aicập và ơn gọi của Môsê (Xh 1-5), tác phẩm tập chú vào giao ước núi Sinai : đóng khung bởi 2 tường thuật về cuộc sống trong sa mạc (Xh 16-18 ; Ds 11-12), phần trung tâm là bộ luật giao ước (Xh 2023) và những khoản luật tư tế (Xh 25-31 và 35-40) ; sách Lêvi, Dân số 1-10. Trong toàn thể này, chuyện con bê vàng (Xh 32-34) nhắc về những mối nguy phá vỡ giao ước. Phần cuối nói về cuộc hành trình về Đất hứa (Ds 13-36) và những lời cuối cùng của Môsê trên núi Nêbô (sách Đệ nhị luật).

Như thế Môsê được trình bày như người trung gian. Ông hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa là Đấng giúp ông giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ và đưa họ tới phụng sự Thiên Chúa bằng cách tuân giữ Luật mà Ngài ban cho họ. Ông cũng hoàn toàn đứng về phía dân, liên đới với dân. Và cùng với dân bị chết trong sa mạc. Môsê cũng chết trước khi tiến vào Đất hứa, nhưng là chết "trong nụ hôn của Chúa" (Đnl 34,5).

 

II. TORAH THÀNH VĂN VÀ TRUYỀN KHẨU

Đối với người Do thái, Lời Chúa chủ yếu là Luật (tiếng Híp-ri : Torah) mà Thiên Chúa đã ban cho dân ở Sinai.

Luật được lưu giữ, dưới hình thức thành văn trong Bộ Ngũ thư. Đó là trái tim của Sách thánh.

Tuy nhiên - các rabbi sẽ nhấn mạnh rất kỹ điều này - luật ấy cũng được lưu truyền song song dưới hình thức truyền khẩu. Những truyền khẩu ấy cũng quan trọng không kém sách thánh.

Các sách ngôn sứ cũng là Lời Chúa nhưng không phải cùng một tước hiệu. Trong phụng vụ vai trò của chúng là soi sáng cho luật.

Còn về "các sách vở", chúng cũng được tôn kính nhưng không được coi trọng như Luật và các sách ngôn sứ.

Đến đây ta mới thấy được vai trò quan trọng của Ét-ra là người có công san định lần cuối thành bộ luật, như lời của một rabbi sau đây: " Nếu như luật đã không được ban cho Môsê thì Ét-ra xứng đáng nhất để đón nhận nó". Môsê và Ét-ra vẫn là 2 khuôn mặt lớn nhất của Do thái giáo.

 

III. DÂN SAMARIA

Hình như Ét-ra đã thành công trong việc buộc giữ "Luật Chúa Trời" đối với cả dân Do thái lẫn dân Samaria vốn là một dân có nguồn gốc rất lộn xộn. Thực ra 2 dân chỉ hợp nhất được một thời gian ngắn rồi lại chi rẽ nhau (có lẽ vào thời Alexandre). Dân Samaria còn dựng đền thờ riêng của họ trên ngọn Garizim. Tuy nhiên họ tuân giữ Luật (hoặc Ngũ thư) mà trên thực tế bản văn cũng giống với bản văn của người Do thái. Đó là những sách thánh duy nhất mà họ nhìn nhận.

Như thế liên hệ giữa dân Samaria và Do thái rất phức tạp. Tin mừng cho ta biết rằng vào thời Đức Giêsu 2 dân này rất nghịch nhau. Tuy nhiên họ đều biết mình có cùng một vận số.

Một cộng đồng người Samaria vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và hàng năm vẫn tế lễ chiên vượt qua trên núi Garizim.

 

IV. HAI QUYỂN SỬ BIÊN NIÊN - SÁCH ÉT-RA VÀ SÁCH NƠKHEMIA

Tác phẩm được viết có lẽ vào đầu thời Hy Lạp. Không rõ tác giả, người ta gọi ông là "Sử gia" (chroniste hay chroniqueur), tham vọng của ông là viết một lịch sử từ Adam tới Ét-ra ! khi viết ông trích nhiều nguồn : có tới 20 quyển đã được trích, trong đó một số ta biết (Samuel, Các vua) và một số khác ta không biết. Tác phẩm gồm 2 tập rồi được cắt ra thành 4 : Sử biên niên quyển I, sử biên niên quyển II, sách Ét-ra, sách Nơkhemia.

Ta sẽ thấy thú vị nếu so sánh vài đoạn của Sử biên niên với những đoạn của sách Samuel và sách Các vua. Qua đó ta sẽ biết cách viết một bài midrash như thế nào. Sau đây là một vài nét đặc thù.

Tác giả Sử biên niên đưa ra một thần học về lịch sử. Để cho thấy ngày nay dân phải sống thế nào, ông lí tưởng hoá một giai đoạn lịch sử đã qua : thời Đavít-Salômon. Do đó ông lướt nhanh giai đoạn từ Adam tới Đavít (nhất là các gia phả). Đối với thời Đavít, ông kéo dài ra, chọn các nguồn, loại bỏ những chuyện nào bất lợi cho Đavít (Đavít phạm tội, sự xa hoa và tội thờ ngẫu thần của Salômon). Đavít được trình bày như một vị vua vừa ý Thiên Chúa, là đại diện cho Thiên Chúa, là vua duy nhất của Israel. Đavít có công lập một thủ đô (Giêrusalem) cho cả nước chuẩn bị xây dựng Đền thờ, ông còn có công tổ chức việc phụng tự.

Tác giả Sử biên niên không nói đến lịch sử của vương quốc phía Bắc. Ông quan tâm nhiều nhất tới lịch sử Đền thờ và phụng tự. Ông coi trọng các tư tế và Lêvi.

Ý của ông là muốn chứng minh rằng : khi nào các vua và dân còn trung thành thì họ hạnh phúc ; ngược lại khi họ bất trung thì họ cũng bất hạnh. Một cách hơi đơn giản, ông dùng các hình ảnh để cho thấy vương quốc của Thiên Chúa có thể được sống như thế nào ở thế gian này.

Bạn có thể đọc Nkm 8-9.

- Nkm 8 : phụng tự gồm những yếu tố nào ? diễn ra ở đâu ? ai chủ toạ ? có gì mới so với phụng tự ở Đền thờ ?

- Nkm 9 : đây là một bản thú tội. Trong đó tác giả nói tới những điểm lịch sử nào ? ta có thể nương tựa vào đâu ? vào công nghiệp mình ? hay vào Thiên Chúa ? Thiên Chúa có những phẩm tính nào ? những điều trên giúp gì cho sự cầu nguyện của chúng ta ?