Bài 4

SỰ KHÔN NGOAN

 

Tất cả chúng ta, bạn cũng như tôi, đều là những người khôn ngoan, nhưng chúng ta không phải tất cả là những người viết các tác phẩm về sự khôn ngoan.

Người khôn ngoan là kẻ cố gắng sống tốt, biết tìm tòi những gì có ích cho cuộc sống chứ không dẫn tới sự chết. Vì thế người khôn ngoan suy tư về những vấn đề lớn của con người như : sống, chết, tình yêu, đau khổ, sự dữ... đời người có nghĩa gì không ? ý nghĩa đó là gì ?.. Và mỗi người theo trình độ của mình, người trẻ và kẻ già, ông giáo sư và người thợ thủ công hoặc bà nội trợ, ai cũng làm triết lý, ai cũng có sự khôn ngoan và nghệ thuật sống của mình.

Đôi khi có những nhà thơ, những triết gia viết những suy tư ấy ra thành những tác phẩm lớn.

Đó là điều xảy ra đối với Israel. Từ lúc dân tộc của họ có, họ đã tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, họ suy tư về những vấn đề lớn và chúng ta đã thấy chẳng hạn tường thuật về tạo dựng là "một suy tư khôn ngoan". Họ đã diễn đạt những suy tư ấy ra thành châm ngôn và những lời cầu nguyện, tức là những phác thảo của những tác phẩm.

Thế nhưng chỉ sau thời lưu đày mới có một số người viết những suy tư ấy ra thành sách, những quyển mà chúng ta sắp đọc dưới đây.

Tuy nhiên ta phải coi chừng một nguy hiểm có thể có trong việc nghiên cứu của chúng ta. Trong 5 chương trước chúng ta đã thấy tiến trình hình thành Bộ Ngũ thư, đợi đến chương VI này ta mới nói tới những sách khôn ngoan. Như thế có thể khiến ta tưởng rằng Israel ban đầu chỉ sống kế đó mới viết lịch sử, và phải chờ 8 hoặc 9 thế kỷ mới bắt đầu suy tư ! Dĩ nhiên là sai. Chúng ta đang đọc những quyển sách được viết vào thời ấy. Thế nhưng chúng chứa đựng suy tư của bao thế hệ trước.

 

I. AI LÀ NGƯỜI KHÔN NGOAN (HAY HIỀN SĨ) Ở ISRAEL ?

Thưa là bất cứ người Israel nào. Khôn ngoan là của dân gian, rất nhiều châm ngôn chứa đựng sự khôn ngoan của các bậc tiền bối dưới hình thức những ngạn ngữ rất sâu sắc.

Kế đến là nhà vua, kẻ lãnh trách nhiệm quản trị dân, do đó cần phải biết phân biệt cái gì tốt và cái gì xấu cho dân. Vua được coi là chia sẻ sự khôn ngoan của thần linh.

Các ký lục : khôn ngoan của dân gian, tuy nhiên nó cũng có tính uyên bác. Các ký lục (phần đông là quan chức triều đình) là những người khôn ngoan hàng đầu, và chính nhờ khôn ngoan mà họ nắm quyền. Sẽ thường xuyên có xung đột giữa các ngôn sứ hay bảo vệ những người thấp cổ bé miệng với giai cấp ký lục.

Những hiền sĩ sau thời lưu đày là những kẻ thừa kế tất cả những trào lưu trên. Nhờ biết suy tư và biết viết, nên sự khôn ngoan của họ tuy cũng là suy tư của con người nhưng đồng thời cũng được coi là một ơn ban của Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan duy nhất.

 

VÀI NÉT VỀ KHÔN NGOAN

Khôn ngoan là nghệ thuật sống tốt, nó tìm tòi những gì đưa tới sự sống chứ không dẫn tới sự chết. Nó là suy tư về những vấn đề lớn của con người như sống, chết, yêu thương, đau khổ, sự dữ, tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, cuộc sống xã hội...

Khôn ngoan có tính phổ quát và vượt thời gian. Đau khổ, sống, chết, yêu thương không có biên giới. Người bệnh rên đau ở Babylone hay ở Israel 2.000 năm trước cn cũng không làm gì khác hơn người bệnh hấp hối trong một bệnh viện thời nay.

Như thế, các hiền sĩ của Israel có thể múc lấy suy tư từ nguồn phong phú của các nền văn minh khác : Aicập, Babylone, Hy Lạp... rồi đúc lại trong một cái khuôn độc đáo là đức tin vào Thiên Chúa duy nhất. Như thế rốt cục sự thật - nguồn cội của khôn ngoan - chính là Thiên Chúa ; và cách duy nhất để có được khôn ngoan chính là liên hệ mật thiết và kính cẩn với Thiên Chúa, điều mà Thánh kinh gọi là "lòng kính sợ Chúa".

 

II. NHỮNG SÁCH VỀ KHÔN NGOAN TRONG THỜI BATƯ

1) Sách Ruth :

Đây quả là một trò đùa của Thiên Chúa ! Để giữ cho đức tin được tinh tuyền, Ét-ra vừa buộc những người Do thái lỡ cưới vợ ngoại phải bỏ những người vợ đó. Thiên Chúa thấy điều này cũng đúng nhưng hơi khắt khe, do đó Ngài soi sáng cho có người viết ra câu chuyện này. Booz là một người Do thái đạo đức ở Bêlem, kết hôn với Ruth là một cô gái ngoại của xứ Moab. Họ sinh ra một đứa con là Obed, cha của Jessé và là ông nội của... Đavít !

Một bài học về tinh thần đại đồng và một lời nhắc nhở đầy khôi hài của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta vốn tưởng mình kính mến Thiên Chúa vì đã giữ kỹ các lệnh truyền của Ngài : "Kính mến Ta thì tốt đấy, nhưng đừng cuồng tín. Chớ nên lẫn lộn mục đích với phượng tiện". Tên bà Ruth sẽ được kể trong gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,5).

 

2) Sách Giôna :

Giôna, vai chính của câu chuyện này, là một ngôn sứ không đồng ý với những cách hành xử của Thiên Chúa. Ngài sai ông đi rao giảng ở Ninivê thủ đô của Assyria, một đế quốc thù nghịch với dân Do thái. Ninivê nằm ở phía Đông, Giôna xuống tàu đi về phía Tây ! Nhưng Thiên Chúa khiến một con cá to thộp đầu ông lại để nhả ông lại trên bờ biển phía Đông. Giôna chỉ còn nước theo đúng hướng Ngài chỉ.

Khi tới Ninivê, ông giảng rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt thành này, và ông đã rất hí hửng. Thế nhưng dân thành ăn năn sám hối và Thiên Chúa không phạt họ...

Một bài học tuyệt vời về tinh thần đại đồng. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, "Ngài không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống" (Ed 33,11).

Sau này Đức Giêsu sẽ dùng Giôna làm một dấu chỉ để kêu gọi hoán cải (Lc 11,29; Mt 16,4) và Mt coi ông là hình ảnh của sự sống lại (Mt 12,40).

 

MIDRASH VÀ TARGUM

Người Do thái đã sớm đặt vần đề làm sao cập nhật hoá Sách thánh. Lời Chúa được phán ra trong một hoàn cảnh xa lạ không giống như hiện thời của họ. Do đó cần phải đọc lại để khám phá xem lời ấy có ý nghĩa gì cho cuộc sống hiện thời của họ.

MIDRASH (từ gốc chữ darash nghĩa là "tìm tòi") vừa chỉ một phương pháp giải thích Sách thánh, vừa chỉ những quyển sách được viết theo phương pháp ấy.

Có hai loại Midrash :

- Midrash halakak (halakak là "con đường") nhằm tìm ra những quy luật hướng dẫn cách sống. Trong Do thái giáo, halakhôt (số nhiều của chữ halakak) đồng nghĩa với quy luật.

- Midrash aggadah : kể chuyện) nhằm đưa ra những bài học giáo dục.

Tài liệu P đã đọc lại những truyền thống trong bối cảnh lưu đày để tìm ý nghĩa của lịch sử và niềm hi vọng cho cuộc sống. Tác giả Sử biên niên tìm cách rút từ lịch sử ra một cách thức sống Nước Thiên Chúa. Đấy là 2 thí dụ về Midrash halakak. Còn sách Ruth và Giôna thuộc thể loại Midrash Aggadah.

TARGUM là cách dịch bằng miệng Sách thánh từ tiếng Híp-ri sang tiếng Aram. Mặc dù Híp-ri vẫn còn là ngôn ngữ phụng vụ nhưng từ một lúc nào đó dân chúng không còn hiểu nó nữa vì họ đã quen nói tiếng Aram. Do đó trong phụng vụ người ta đọc sách thánh bằng tiếng Híp-ri rồi có một ký lục dịch ra tiếng Aram. Nhưng thay vì dịch sát từng chữ thì người ta dịch rộng ra theo nghĩa mà người ta hiểu lúc đó (vừa dịch vừa quản diễn).

Trong buổi lễ mà Ét-ra chủ sự (Nkm 8-9), sau phần đọc sách thánh, các Lêvi đã giải nghĩa cho dân hiểu. Có lẽ đó là một trong những thể hiện Targum đầu tiên.

Những Targum chính đã được cố định khoảng đầu công nguyên. Nhờ chúng mà ta thấy được thời Đức Giêsu người Do thái đã hiểu một số đoạn sách thánh như thế nào.

Sau này các Kitô hữu đầu tiên sẽ tiếp thu cách giải thích sách thánh ấy. Họ thường đọc sách thánh dưới ánh sáng của Targum, đôi khi họ cũng viết những midrash Kitô giáo (chẳng hạn những tường thuật trong Mt về thời thơ ấu của Đức Giêsu).

 

3) Sách Gióp :

Vào thời mà Hy lạp có những thi hào soạn những vở kịch về lịch sử và con người (chẳng hạn những vở Les perses, Antigone) thì có một người Do thái cũng viết một vở kịch về số phận của con người trước đau khổ. Đó là sách Gióp.

Hình thức hiện nay của tác phẩm là kết quả của một lịch sử dài : cái sườn là một chuyện bằng văn xuôi có lẽ đã có từ thời Salômon, sau thời lưu đày người ta thêm vào đó những cuộc đối thoại giữa Gióp và các bạn ông.

Bi kịch của Gióp cũng là của mọi tín hữu vô tội mà phải chịu khổ. Gióp tin nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa công bình và toàn năng. Rồi ông gặp khổ, ông đã xét mình kỹ (xét về đức công bình và bác ái với tha nhân) và thấy mình vô tội.

Tác giả đặt vào miệng các bạn của Gióp những luận đề cổ truyền : "Anh khổ là vì anh đã phạm tội... anh khổ là vì Chúa thương anh nhiều, bởi vì Chúa phạt kẻ Chúa thương..." Nhưng Gióp phản đối : toàn những lời bá vơ ! Ông kêu lên Chúa, nhưng Chúa im lặng, ông la lối, ông nổi loạn, ông nguyền rủa...

Cuối cùng thì Thiên Chúa lên tiếng, không phải để giải thích hay để an ủi mà là để đè bẹp Gióp bằng vẻ huy hoàng của công trình tạo dựng và để đặt cho ông một câu hỏi : "Ngươi có quyền gì mà bắt Ta trả lời ?" và Gióp cúi mình khuất phục.

Rốt cục ta cũng chẳng hiểu lý do của sự dữ. Dù sao cũng là tốt nếu có một quyển sách như thế bày tỏ sự nổi loạn của chúng ta trước sự dữ. Bởi vì nổi loạn và nguyền rủa cũng có thể là một cách cầu nguyện (42,7: Thiên Chúa phán : "Chỉ có Gióp là thẳng thắn nói về Ta"). Những lời giải thích đầy mùi đạo đức chẳng giá trị gì cả. Thái độ duy nhất có thể được của kẻ tin là trông cậy. Đó là thái độ của nữ sĩ Marie Noel ("trong giờ khủng khiếp tôi tưởng là Chúa không có thật, tôi vẫn cứ yêu mến Ngài"). Đó cũng là thái độ của Đức Kitô trên thập giá.

Bạn có thể đọc :

- Nỗi thất vọng của Gióp : 3,6-7; 29-30.

- Sự khôn ngoan mầu nhiệm của Thiên Chúa : 28.

- Gióp xét mình : 31.

- "câu trả lời" của Thiên Chúa : 38.

 

4) Sách Châm ngôn :

Quyển này giúp ta có một cái nhìn tổng quát về nền văn chương Khôn ngoan và sự tiến hoá của nó.

Sách gồm 9 sưu tập có chiều dài, bút pháp và thời kỳ soạn tác khác nhau. Những châm ngôn xưa nhất có thể lên tới thời Salômon (trong các chương 10-22). Hai sưu tập (30-31) được coi là của những hiền sĩ ngoại quốc, chứng tỏ tính phổ quát của sự khôn ngoan. Sưu tập của "các hiền sĩ" (22,17-24,22) có nhiều điểm tương đồng với một tác phẩm Aicập mang tựa đề "Khôn ngoan của Amenemopé". Phần đầu (1-9) và phần cuối (31,10-31) được soạn sau thời lưu đày.

Khởi sự bạn hãy đọc những sưu tập xưa nhất. Không cần đọc liền một hơi những chương này, nhưng đọc chậm rãi để thưởng thức từng câu. Có thể đọc theo chủ đề, chẳng hạn như sau :

- Kính sợ Chúa là nguồn gốc của khôn ngoan 10,27; 14,2.26-27.

- Những câu nói về Thiên Chúa (TOB : Đức Chúa ; BJ : Jahvé). Ngài làm gì ? 10,22-29 ; 11,1; 12,2.22.

- Những phương pháp tích cực trong việc giáo dục : 10,11 ; 12,1 ; 19,29.

- Vài đức tính (yêu thương, khiêm tốn, chính trực...) 10,2 ; 11,2 ; 12,28.

- Nói về đàn bà (cả một sưu tập những câu khinh chê phụ nữ) 11,22 ; 18,22 ; 19,13 ; 21,9.19 ; 27,15...

- Những bài học luân lý : sự ngoại tình 7,6-27 ; kẻ lười biếng 19,24 ; 24,30-34 ; người buôn bán 20,14 ; kẻ say sưa 23,29-35...

 

CHÂM NGÔN CỦA DÂN SUMER

 

- Đối với người nghèo, thà chết còn hơn sống.

Có bánh thì không có muối, có muối thì không có bánh.

- Chưa phải nuôi vợ nuôi con nghĩa là chưa phải mang dây xỏ mũi.

- Bình nước trong sa mạc là sự sống của con người.

Vợ là tương lai của con người.

Con trai là nơi nương tựa của con người.

Con gái là phần rỗi của con người.

Nhưng con dâu là địa ngục của con người !

 

*** Bà Khôn : Cn 1-9

Những chương đầu (và 31,10-31) lại được soạn sau cùng, có lẽ vào thời Ba Tư. Tác giả lấy lại sứ điệp của Đệ nhị luật, Giêrêmia và Đệ nhị Isaia. Đây là những lời của ông thầy nói với học trò, âu yếm như cha mẹ nói với con : dạy phải sống khôn ngoan, phải yêu người lân cận (3,27t), đừng truỵ lạc. Tác giả tán dương lòng yêu người với giọng điệu như dạo trước cho sách Diễm ca (5,15-23).

Trong vài đoạn, tác giả trình bày sự khôn ngoan như một người : "Bà Khôn" (ngược lạ với "Bà Ngu ở 9,13t), ngôn sứ (1,20-33). Dưới đây ta sẽ nghiên cứu một bản văn rất đặc thù (8,22-31). Trong chương sau chúng ta sẽ thấy các hiền sĩ tiếp tục đi theo hướng ấy. Khôn ngoan càng ngày càng trở thành AI ĐÓ xuất phát từ chính Thiên Chúa. Sau này các Kitô hữu sẽ dùng những bản văn này để diễn tả thiên tính của Đức Kitô, Khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24).

 

*** Nghiên cứu một bản văn : Cn 8,22-31.

- Có những vai nào ? các vai được bố trí ra sao trong bản văn ? hãy tìm những từ và những nhóm từ có nghĩa tương đồng ?

- Thiên Chúa làm gì ? sự khôn ngoan làm gì ? khôn ngoan có địa vị gì trong tương quan với Thiên Chúa ? (hãy xem các động từ) trong tương quan với công trình tạo dựng ? với con người ? vai trò của Khôn ngoan là gì ?

Nhiều thuật ngữ rất khó hiểu, nhưng những chú thích của sách Thánh kinh (nhất là TOB) sẽ soi sáng bạn.

Nghiên cứu xong bản văn rồi, bạn có thể tự hỏi bản văn này có thể giúp ta hiểu vai trò của Đức Kitô như thế nào ? Hãy xem Cl 1,15-20.

 

"AMEN - AMÔN - AMOUN"

Câu 30 là một dịp tốt giúp ta nhận ra sự phong phú - và sự phức tạp - của ngôn ngữ Híp-ri. Trong chữ Híp-ri, và chữ Ả rập, người ta chỉ viết có phụ âm. Đến khi đọc thì mới thêm nguyên âm tuỳ theo ý nghĩa. Ở đây ta có 3 phụ âm của ngữ căn MN muốn nói tới một cái gì vững chắc. Trong phụng vụ chữ Amen có nghĩa là "Chắc chắn là vậy". Còn trong câu này thì ta có thể đọc 2 cách : Amôn (phân từ hiện tại - participle présent) nghĩa là "người cưu mang", "người xây cất", từ đó có nghĩa là "kiến trúc sư" ; Amoun (phân từ quá khứ - participle passé) nghĩa là "người được xây dựng", "người được cưu mang", từ đó ra nghĩa "đứa con", "con gái nhỏ".