CHƯƠNG VII

ISRAEL DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA HY LẠP (333-63)
VÀ ROMA (sau năm 63)

  

Bài 1

LỊCH SỬ

 

Năm 333, nhờ thắng được Issos (phía Bắc Antioche), Alexandre mở được cánh cửa vùng Trung Đông. Năm 332 ông tiến đến Aicập và xây thành Alexandria. Năm 331, ông chiếm Babylone, Suse, Persépolis. Năm 327 ông tiến sát biên giới Ấn Độ và năm 323 vị vua trẻ mới 33 tuổi ấy đã chết tại Babylone. Trong vòng 10 năm, ông đã liên tiếp chiến thắng trên con đường viễn chinh 18.000 km, đã xây dựng hơn 70 thành trong đế quốc bao la (trong đó nhiều thành mang tên Alexandria) ông đã đem văn hoá Hy Lạp phổ biến khắp nơi và tạo ra một phương tiện để thống nhất toàn đế quốc, đó là một ngôn ngữ chung. Tiếng koinè (nghĩa là "ngôn ngữ chung") được sử dụng lúc bấy giờ ở Hy Lạp, sẽ trở thành tiếng nói chung cho toàn vùng lòng chảo Địa Trung Hải suốt 8 thế kỷ dài (mãi tới năm 500 cn nó mới bị tiếng Latin thế chỗ). Đây cũng chính là thứ ngôn ngữ mà Cựu ước sẽ được dịch ra (bản dịch 70) và được dùng để viết Tân ước.

 

I. ISRAEL DƯỚI QUYỀN NHÀ LAGOS : 333-198

Sau khi Alexandre băng hà, các tướng lĩnh của ông (gọi là những vị Diadoques) tranh giành đế quốc và cuối cùng chia đế quốc làm 3 phần, lập nên các triều đại mang tên vị vua đầu tiên : triều đại Antigon ở Hy Lạp, triều đại Lagos ở Aicập và triều đại Seleucos ở Syria (từ Địa Trung Hải tới Ấn Độ).

Trong vòng hơn 100 năm, đất Palestina nằm dưới quyền nhà Lagos. Các vua của triều đại này đa số mang tên là Ptolémée và thường tôn trọng tập tục của các nước bị trị, do đó họ để cho dân Do thái được tự do theo quy chế mà Ét-ra đã ấn định. Dân Do thái cũng được hưởng một sự tự trị khá rộng.

Trong giai đoạn này Do thái giáo bắt đầu phân chia ra ba trung tâm chính :

- Ở Babylone, cộng đoàn kiều dân Do thái tiếp tục tồn tại. Nó sẽ sinh ra nhiều tác phẩm quan trọng, đặc biệt là Talmud de Babylone.

- Ở Aicập, cộng đoàn Alexandria mở mang nhanh. Tới thời Đức Giêsu nó đã chiếm tỉ lệ 1/5 dân số trong thành. Cộng đoàn này khai sinh một hình thức Do thái giáo đặc biệt, có thể hoà đồng với tư tưởng Hy Lạp. Chính tại nơi đây Thánh kinh sẽ được dịch sang tiếng Hy Lạp (bản 70), nhiều sách khác được soạn (trong đó có sách Khôn ngoan) và cũng tại đây vào thời Đức Giêsu, triết gia Do thái tên Philon sẽ cố gắng suy tư đức tin của mình bằng phạm trù tư tưởng Hy Lạp.

- Ở Palestina, cộng đoàn bị chia rẽ. Có những người bị cám dỗ chạy theo văn minh Hy Lạp, tham gia các trò chơi và tới lui những hồ tắm Hy Lạp, thậm chí đi giải phẫu lại để che giấu vết tích cắt bì của họ. Nhưng có những người khác rất lo lắng trước làn sóng "Hy Lạp hoá". Họ rất gắn bó với đức tin Do thái và những hình thức diễn tả đức tin ấy, họ thiết tha chứng minh rằng : đức tin Do thái giáo có thể giúp người ta triển nở trọn vẹn, và muốn duy trì đức tin Do thái giáo thì phải duy trì những hình thức lễ nghi Do thái giáo. Chính trong bối cảnh chia rẽ ấy đã phát sinh một số tác phẩm như sách Qohelet, Tobia, Siracide...

 

II. ISRAEL DƯỚI QUYỀN NHÀ SELEUCOS 198-63

Năm 198 đoàn voi Syria chọc thủng đạo quân Aicập và mở màn thời kỳ tử đạo cho Israel. Tại trận Paneion phía thượng nguồn sông Giođan, vua Antiochus III của triều Seleucos giành được quyền cai trị xứ Palestina khỏi tay Aicập.

Khác với nhà Lagos, nhà Seleucos chủ trương dùng sức mạnh để buộc người Do thái theo văn hoá và tín ngưỡng Hy Lạp. Năm 167, Antiochus IV bãi bỏ những đặc quyền của người Do thái, cấm giữ ngày Sabbat và việc cắt bì, đặt tượng thần Zeus trong Đền thờ Giêrusalem. Cuộc khủng hoảng càng trầm trọng thêm vì các tư tế không đồng tâm nhất trí, một số còn lại ủng hộ phong trào Hy Lạp hoá.

Nhân một dịp quan chức của Antiochus buộc dân phải tế thần, một tư tế đã giết chết ông này và cùng với 5 người con rút vào bưng biền. Người con thứ năm tên là Giuđa, chính tên riêng của ông này sẽ trở thành tên của cả gia đình : Macabê (nghĩa là "Búa"). Bằng những cuộc đột kích táo bạo, Giuđa Macabê giải phóng được Giêrusalem. Phụng tự tại Đền thờ được tái lập ngày 15-12-164. Từ đó lễ Cung hiến Đền thờ hàng năm cũng là lễ tưởng niệm cuộc giải phóng đó. Hai anh của Giuđa và những người kế vị sau đó lập thành triều đại Macabê (hay còn gọi là triều đại Asmon) và thậm chí còn xưng hiệu là Vua.

Nhưng than ôi, lịch sử triều đại Asmon khởi sự bằng máu của các vị tử đạo sẽ kết thúc trong bùn nhơ. Những người kế nghiệp Giuđa đút lót các vua Seleucos để được phong làm thượng tế, một số còn giết chết những người Do thái vì trung thành với đức tin mà chống lại hành vi của họ.

Năm 63, dân Do thái chia rẽ thành 2 phe, mỗi phe ủng hộ vua riêng của mình. Họ dại dột kêu cầu Rôma làm trọng tài phân xử cho họ. Thế là tướng Pompée có lý do can thiệp : viện cớ để ủng hộ một phe Do thái, ông chiếm thành Giêrusalem sau 3 tháng bao vây. Đó là mở màn cho ách đô hộ của Rôma sẽ kéo dài cho tới thế kỷ VII cn khi quân Á rập tràn vào xứ này.

 

II. NHỮNG HỆ PHÁI DO THÁI

1) Phái Pharisêu (nghĩa là "tách biệt" hoặc "biệt phái"). Những người phái này thuộc phong trào Hassidim (từ ngữ hésèd nghĩa là "sốt sắng, đạo đức"). Phong trào này đã có từ thời Ét-ra chủ trương xây dựng một đất nước trên những giá trị thiêng liêng. Những người Pharisêu rất có lòng đạo, rất gắn bó với Luật và các lễ nghi. Do lòng đạo đức sốt sắng và do thông thạo Sách thánh, họ sẽ trở thành lương tri của Do thái giáo.

2) Phái Êssêni : từ hồi khám phá những thủ bản ở Qumrân người ta biết nhiều hơn về phái này. Họ cũng là những Hassidim. Có lẽ trong cuộc nổi dậy của gia đình Macabê, họ cũng bỏ Giêrusalem rút vào sa mạc và trú tại một nơi gần Biển Chết, ở đấy họ thành lập một cộng đoàn Giao ước mới để chuẩn bị cho Đấng Messia tới bằng một cuộc sống cầu nguyện và suy gẫm. Vốn chủ trương đạo đức triệt để, họ cho rằng những người phái Pharisieu quá nguội lạnh nên đoạn giao với phái ấy.

3) Phái Sađóc : phái này gồm một nhóm tư tế cao cấp. Họ liên minh với các vua triều đại Asmon và dùng mọi phương tiện để bảo vệ quyền lợi của họ. Ta không nên lẫn lộn nhóm tư tế trưởng giả này với số đông các tư tế "cùng đinh" là những người thường rất sốt sắng và thiên hơn về phái Pharisêu.

 

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG

Thời này có một ngôn sứ được gọi là Đệ nhị Dacaria.

Phong trào Hy Lạp hoá gây nên nhiều phản ứng hoặc theo hoặc chống, biểu hiện trong những sách Qohelet, Siracides, Tobia, Diễm ca, Baríc Khôn ngoan. Trong thời này Sách thánh được dịch sang tiếng Hy Lạp : bản dịch 70.

Cuộc bách hại của Antiochus và thiên anh hùng ca của nhà Macabê cũng làm phát sinh nhiều tác phẩm : Ét-te, Giuđitha, 1 và 2 Macabê và triển khai một thể loại văn chương mới phát sinh với những ngôn sứ sau cùng, đó là văn thể khải huyền, mà đại biểu trong Cựu ước là sách Đaniên.

Những Thánh vịnh cuối cùng được soạn thành Bộ Thánh vịnh.