Bài 2

MỘT NGÔN SỨ THỜI HY LẠP
ĐỆ NHỊ DACARIA

 

Nếu các chuyên viên Thánh kinh đã cắt Isaia ra làm 3 thì họ đã chia Dacaria ra làm 2 : các chương 9-14 là của một ngôn sứ thời Alexandre.

Việc vị vua trẻ này lật đổ quyền lực Ba Tư để lên ngôi bá chủ đã khơi lên biết bao hy vọng : rốt cuộc, Thiên Chúa sẽ can thiệp ! Tuy nhiên theo Dacaria sự đổi thay triệt để chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Vì thế ông kêu gọi người ta hi vọng vào Đấng Messia (đấng "xức dầu") mà nhờ đấng ấy một ngày kia Thiên Chúa sẽ thiết lập vương triều của Ngài. Dung mạo mà Dacaria vẽ ra về đấng ấy rất độc đáo trong Thánh kinh : Ngài là tổng hợp tất cả các nét về Messia vua, con của Đavít hoặc Con của Thiên Chúa và những nét về Người Tôi tớ chịu khổ của Isaia. Đặc biệt có 4 bài thơ nói về Đấng ấy sau này sẽ được các Kitô hữu đầu tiên áp dụng cho Đức Giêsu. Sau đây ta hãy đọc chúng.

 

1) Vua Messia, khiêm tốn và hiếu hoà 9,9-10 :

9,1-8 có lẽ mô tả cuộc viễn chinh của Alexandre ở Palestina và Aicập năm 333. Ông ấy có phải là Đấng Messia chăng ? Dacaria trả lời rằng không.

9,9-10 : Dacaria mô tả vị vua Messia như thế nào ? chỗ dựa của Ngài là đâu ? Dựa vào sức mạnh của riêng mình ? hay dựa vào Thiên Chúa ? Ngài mang lại gì ?

So sánh với Mt 21,5 (xem chú thích của TOB).

 

2) Người mục tử bị dân mình bán 11,4-17; 13,4-9 :

Không dễ tìm ra ý nghĩa của các hình ảnh trong chuyện này. Sau đây là ý nghĩa có thể của chúng : đoàn chiên là dân, các mục tử là các vua hoặc các thượng tế, những kẻ buôn bán là các ngôn sứ giả, các tư tế xấu đã giao dân cho quân thù, những người mua là quân thù, 3 mục tử bị giết là 3 thượng tế (?), cắt đứt ân huệ và cảm thông có lẽ là nhắc lại những cuộc xâm lược trong quá khứ cùng những sự ly khai giữa Israel và Giuđa năm 935 và giữa Israel với dân Samaria. Tác giả dựa theo ánh sáng của những biến cố quá khứ để tìm hiểu ý nghĩa các biến cố hiện tại.

Người mục tử là ngôn sứ, mà cũng là Thiên Chúa (11,13), để hạ nhục Người, người ta đã mua Ngài với giá tiền mua một tên nô lệ.

So sánh với Mt 26,31 và 27,3-10 : Đức Giêsu được đồng hoá với người mục tử tốt và với Thiên Chúa.

 

3) Thiên Chúa bị đâm 12,10-13,1 :

Đây là lời tiên tri lạ thường nhất : trong bản thân một kẻ bị đâm, Thiên Chúa nói chính Ngài bị đâm !

Hậu quả bất ngờ của việc này như thế nào (13,1) xin đọc Ed 36,25t và 47,1-12. "nguồn" là gì ? phát xuất từ đâu ?

Bạn hãy đọc Ga 7,38 và 19,34 : Dacaria giúp ta hiểu thêm về Đức Giêsu như thế nào ? "nguồn" phát xuất từ đâu ? Gioan không có ý đưa ra một chỉ dẫn y học (Đức Giêsu bị đâm bên cạnh sườn nào) mà muốn nói về thần học : Đức Giêsu chính là Đền thờ thật từ đó phát sinh ra Thánh Linh.

 

NHỮNG SÁCH THUỘC ĐỆ NHỊ THƯ QUI, NHỮNG SÁCH NGUỴ THƯ

 

Có một khác biệt nhỏ giữa các Thánh kinh Công giáo và Tin lành đối với Cựu ước. Các sách Thánh kinh Công giáo có nhiều hơn Tin lành 7 hoặc 8 quyển mà Công giáo gọi là "thuộc đệ nhị thư quy" còn Tin lành gọi là "nguỵ thư".

Chữ Thư quy có nghĩa là quy định : một quyển sách được coi là hợp qui nếu nó được công nhận làm quy định cho đức tin. Thư qui các sách thánh là toàn bộ những sách được nhận làm quy định cho đức tin.

Đối với Cựu ước người Do thái có 2 thư quy : khoảng những năm 90 cn, các rabbi ở Palestina chỉ công nhận những sách viết bằng chữ Híp-ri. Nhưng những người Do thái ở Alexandria công nhận thêm những quyển được viết hoặc được biết bằng chữ Hy Lạp nữa.

Các Kitô hữu vì đọc Thánh kinh bằng chữ Hy Lạp nên nhận Thư quy Do thái ở Alexandria. Thế nhưng thánh Giêrôm (người có công dịch Thánh kinh sang chữ Latin vào đầu thế kỷ V) ngả về thư quy ở Palestina.

Trong cuộc cải cách vào thế kỷ XVI, người Tin lành theo lập trường của thánh Giêrôm nên những sách nào còn trong vòng tranh cãi thì họ in vào phần cuối của bộ Thánh kinh và gọi chúng là nguỵ thư.

Còn người Công giáo (ở công đồng Tridentinô) nhìn nhận những quyển ấy cũng linh ứng như những quyển kia, và coi chúng là "thuộc đệ nhị thư quy" nghĩa là cũng thuộc thư quy nhưng hạng nhì.

Đó là các quyển: Giuđta, Tôbia, 1 và 2 Macabêô, Khôn ngoan, Siracide, những đoạn Hy Lạp trong sách Ét-te, Barúc và thư của Giêrêmia.