Bài 3

NHỮNG SÁCH VỀ KHÔN NGOAN

 

I. QOHELET HOẶC GIẢNG VIÊN

Đây là một quyển sách kỳ lạ, trong đó tác giả đánh đổ tất cả những thứ mà người ta quen coi là an toàn, chắc chắn như : hoạt động chính trị, tình yêu, lạc thú... "Tất cả chỉ là gió thoảng, chỉ có một điều đáng kể thôi, là ăn ngon...". Có Thiên Chúa chứ ? Vâng, nhưng Chúa thì ở trên trời, còn bạn thì ở dưới đất, cho nên hãy tự xoay sở trong cái thế giới phi lý của bạn !

Tác giả ẩn mình dưới một cái tên giả : Qohelet, nghĩa có lẽ là "Cộng đoàn". Đó có lẽ là tiếng nói của cộng đoàn. Trước một bài giảng rằng Thiên Chúa thấy trước mọi sự, Thiên Chúa là Đấng công bằng và tốt lành, thế giới vận hành theo đúng chương trình của Chúa..., cộng đoàn đã dám lên tiếng phản ứng : "tất cả toàn là gió thoảng".

Đây là một liều thuốc đắng buộc chúng ta đừng quá quan trọng hoá vấn đề, phải xoá đi những ảo tưởng... và phải ra tay hành động : "Trong 2 điều, bạn không biết điều nào sẽ thành công, cho nên hãy làm cả hai".

Bạn thử mở Thánh kinh ra, hãy tìm những tựa đề khiến bạn chú ý... Có lẽ bạn sẽ đọc trọn quyển sách này !

 

II. TÔBIA (thuộc đệ nhị thư quy) :

Đây là một tường thuật rất đẹp, hoặc một midrash aggadah. Tác giả đọc lại lịch sử các tổ phụ để rút ra một chuyện có tính xây dựng mà ông đặt vào thời lưu đày.

Tôbia-cha là một người thánh thiện nhưng bị tai nạn mù mắt và đâm ra thất vọng ; nàng Sarra là một thiếu nữ đạo hạnh nhưng bao nhiêu người cưới nàng đều phải chết nên nàng cũng muốn chết luôn... Tại sao có sự dữ phi lý như thế ? Thiên Chúa vắng mặt rồi chăng ? Nếu có thì tại sao Ngài quá dửng dưng như vậy ?

Tác giả trả lời rằng : Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống từng người chúng ta nhưng Ngài ẩn mình. Do đó phải biết cách khám phá Ngài.

Tường thuật này cũng đồng thời là một chứng từ rất đẹp về tình yêu và hôn nhân.

Ít ra bạn hãy cố gắng đọc những lời cầu nguyện rất hay trong sách này : lời nguyện của cụ Tôbia lúc tuyệt vọng (3,1-6), của Sarra khi muốn tự tử (3,11-15), của Sarra và Tôbia trong đêm tân hôn (8) và của cụ Tôbia khi được khỏi bệnh (13,1-10).

 

III. DIỄM CA

Đây là một bài thơ tuyệt vời ca tụng tình yêu với tất cả thể xác lẫn tâm hồn và với những nét rất thực tiễn khiến cho các thi sĩ ngày nay cũng phải khen ngợi.

Bản văn hiện nay đã trải qua một lịch sử dài. Nguồn gốc có lẽ là những bài thơ tình ngày xưa được hát trong ngày đám cưới, lấy hứng có lẽ từ những nghi lễ của người ngoại, nên không bao giờ nói tới tên Chúa. Tuy nhiên tác giả đồng thời suy gẫm về đoạn St 2,3-24, Ml 2,14 và về những đoạn sách ngôn sứ viết về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài theo hình ảnh của tình yêu vợ chồng.

Diễm ca cũng sẽ khơi lên cả một lịch sử : nó sẽ trở thành biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa và của dân (hoặc của người tín hữu), và sẽ gợi ý rất nhiều cho cả người Do thái lẫn các Kitô hữu, như thánh Gioan Thánh giá chẳng hạn.

Vào thời mà phụ nữ bị coi là nô lệ của đàn ông, những bài thơ trong Diễm ca rất độc đáo vì ca tụng tình yêu bình đẳng giữa nam và nữ, một tình yêu dịu dàng trong sáng nhưng không phải là chẳng có khó khăn.

 

IV. SIRACIDE HAY HUẤN CA (thuộc đệ nhị quy thư) :

Đây là công trình của một người cháu nội dịch sang tiếng Hy Lạp tác phẩm của ông nội mình vào khoảng năm 190. Thời đó, cám dỗ chạy theo văn hoá Hy Lạp rất lớn khiến nhiều thanh niên muốn bỏ hết những truyền thống tổ tiên. Tác phẩm này nhắc rằng chính lòng trung thành với Luật mới giúp ta đạt tới khôn ngoan đích thực.

Bạn có thể đọc một đoạn sau :

- Thánh thi tán tụng lòng kính sợ Chúa (đẹp không kém thánh thi đức ái của 1Cr 13) : 1,11-20. Khôn ngoan đã được đặt vào trong ta ngay từ trong bụng mẹ : mỗi người khi sinh ra đều có sẵn mầm giống khôn ngoan trong mình.

- Niềm vui của người tìm kiếm khôn ngoan 4,11-19.

- "Bà Khôn" tự nói về vai trò của mình trong cuộc tạo dựng và trong lịch sử : 24. Khôn ngoan được đồng hoá với Luật. Về sau Ga 1 sẽ lấy ý từ đoạn này.

- Bài tán dương công trình tạo dựng (42,15-43,33) nêu gương các tổ tiên (từ chương 44), cách riêng đoạn nói về thượng tế Simon (50) là chương sẽ gợi hứng cho Lc 24,50-52.