Bài 5

CÁC SÁCH KHẢI HUYỀN

 

Trong đời, nhiều lần chúng ta gặp những chuyện vui và buồn. Chúng ta cố gắng làm chủ chúng, thay đổi chúng để chúng thành vui, và ban cho chúng một ý nghĩa. Và chúng ta cũng tự thay đổi chính mình khi hiểu rằng mình đang đi lạc đường.

Đó cũng là điều các ngôn sứ đã làm : họ giải thích những sự việc đã xảy ra, họ đọc được trong đó một Lời của Chúa. Họ mời người ta tự thay đổi và hoán cải.

Nhưng có khi sự dữ quá lớn, hoàn cảnh quá bế tắc hầu như không còn lối thoát. Chỉ còn mỗi một việc là chờ đợi một tương lai sáng sủa hơn. Nếu khi đó có ai nói cho ta biết rằng tình trạng bế tắc sẽ kết thúc ra sao, thì lời ấy sẽ là một ánh sáng và một hi vọng đem lại cho ta can đảm tiếp tục chịu đựng.

Những sách Khải huyền là những lời như thế. Chúng sinh ra trong một thời kỳ khủng hoảng. Các tác giả đưa ra một phán đoán bi quan về thế giới : tất cả đều nằm dưới ách thống trị của "vua của thế giới này" (ma quỉ). Để đem lại hi vọng, họ cho ta thấy rằng đến lúc tận cùng Thiên Chúa sẽ đến và sẽ tái tạo lại mọi sự thành mới. Trong khi chờ đợi thì phải "khoanh tay" để cầu nguyện. Như thế ta thấy trào lưu tư tưởng này có vẻ mơ hồ, vừa bi quan vừa lạc quan, vừa gây tin tưởng nhưng cũng vừa có thể khiến nản lòng.

Trong ngôn ngữ thời nay, khải huyền trở thành đồng nghĩa với "tối tăm, tai hoạ". Tiếc rằng người ta chỉ giữ lại khía cạnh tiêu cực ấy, chứ thực ra Khải huyền cũng còn là "sáng tươi, hi vọng".

Động từ Hy Lạp apo-caluptein dịch sang Latin là re-velare nghĩa là vén màn ra : tưởng như lịch sử diễn tiến theo một đường thẳng mà đoạn cuối bị che giấu trong bí mật của Thiên Chúa. Để nâng đỡ hi vọng của dân trong thời kỳ bi thảm, Thiên Chúa vén bức màn ra để cho dân thấy đoạn kết thúc tốt đẹp bằng chiến thắng của Thiên Chúa.

 

NHƯ LỰC SĨ NHẢY XA :

Tác giả Khải huyền vén màn lịch sử như thế nào ? Kỹ thuật của ông phần nào cũng giống một lực sĩ nhảy xa : muốn nhảy càng xa thì trước đó phải ... lùi lại đàng sau càng nhiều để lấy trớn, xong chạy nhanh tới điểm nhún, anh nhún mình phóng mạnh tới trước.

Tác giả Khải huyền cũng như ta thôi, nghĩa là chẳng biết gì về tương lai. Nhưng ông chắc chắn một điều là : Thiên Chúa luôn trung thành. Do đó nếu thấy được Thiên Chúa đã hành xử thế nào trong quá khứ thì cũng đoán trước Ngài sẽ làm thế nào trong tương lai. Vì thế tác giả lùi lại : ông làm bộ như đang sống ở 3 hoặc 4 thế kỷ trước, rồi ông lướt nhanh qua giòng lịch sử mấy thế kỷ đo ; khi chạy tới thời kỳ hiện tại, ông nhảy mạnh về tương lai. Như thế ông lấy ánh sáng mà ông khám phá ra khi đọc lịch sử quá khứ để chiếu về tương lai, về lúc tận cùng của thời gian.

 

MỘT TRÀO LƯU PHỔ BIẾN :

Trong Thánh kinh chỉ có 2 quyển sách Khải huyền : sách Đanien và sách Khải huyền của Gioan. Nhưng thực ra rất nhiều đoạn trong sách các ngôn sứ thời sau cũng thuộc trào lưu này (Is 24-27l 34-35 ; Dcr 1-8...)

Giữa năm 150 trước cn và năm 70 cn, trào lưu này sản sinh rất nhiều sách, uốn nắn tư tưởng các tín hữu rất nhiều, giúp họ sống trong hi vọng và trong khi chờ lúc tận cùng của thời gian.

 

VÀI NÉT VỀ CÁC SÁCH KHẢI HUYỀN :

- Tác giả sử dụng một tên giả : gán tác phẩm của mình cho một nhân vật thánh thiện của quá khứ. Làm như vậy thì được 2 cái lợi : một là vì nhân vật thánh thiện nầy gần với Thiên Chúa cho nên có thể mạc khải những bí mật của Thiên Chúa ; hai là vì đó là một nhân vật quá khứ nên có thể loan báo tương lai.

- Được phát sinh trong những thời kỳ khủng hoảng các sách Khải huyền bi quan về thế giới, cho rằng thế giới sẽ đi tới chỗ tiêu vong và hoàn toàn bị "vua của thế gian này" (ma quỉ) thống trị. Tuy nhiên chúng lạc quan về lúc cùng tận bởi vì Thiên Chúa sẽ tạo dựng một thế giới mới.

- Cái nhìn về lịch sử có tính cách tiền định : mọi sự đều đã được định trước và được ghi trong những sách trên trời.

- Chúng gợi lên một đức tin trọn vẹn vào Thiên Chúa nhưng cũng có thể khiến người ta chán nản vì chẳng thể làm gì khác hơn là chờ Chúa hành động.

- Nhất là chúng nhằm mục đích duy trì niềm trông cậy.

- Vì được dành riêng cho những người muốn thực hành, nên chúng sử dụng một thứ ngôn ngữ và những hình ảnh qui ước.