Bài 6

SÁCH ĐANIÊN

 

Quyển sách này liên hệ mật thiết với thời Macabê, được viết khoảng năm 164. Nó được liệt vào hàng "những sách vở" hoặc vào hàng "sách ngôn sứ" do nó sử dụng hai loại văn thể : văn thể chuyện đạo đức và văn thể khải huyền.

 

I. NHỮNG CHUYỆN ĐẠO ĐỨC hoặc CHUYỆN HÀI HƯỚC ĐEN : Đn 1-6

Trong thời chiến, tinh thần của quân đội rất quan trọng. Để duy trì tinh thần này người ta dùng những câu chuyện đạo đức kể cho họ nghe, làm cho quân lính giải trí bằng những nhân vật tác giả tưởng tượng ra. Chẳng hạn nếu nói Thiên Chúa biến vua Antiochus IV thành một "con thú ăn cỏ" thì thật nguy hiểm, cho nên người ta đem câu chuyện ấy gán cho Nabuchodonosor là người sống trước đấy tới 4 thế kỷ (Đn 4).

Thế nhưng những chuyện ấy không chỉ để giải trí mà còn nhằm giáo dục, để củng cố đức tin. Sau đây là vài thí dụ :

Chế độ ăn uống của người Do thái rất nghiêm ngặt, có thể lố bịch đối với người ngoại và thậm chí đối với một số người Do thái chạy theo phong trào Hy Lạp hoá. Vì thế vua Antiochus đã cấm không cho tuân theo chế độ ấy. Chuyện những thiếu niên lưu đày bên Babylone nhằm đưa ra câu trả lời : dù chỉ ăn rau và uống nước lã, các thiếu niên này vẫn xinh đẹp hơn những đứa khác ăn thịt (Đn 1).

Israel đã bị đè bẹp bởi Antiochus cũng như trước kia bởi nhiều kẻ thù khác như Babylone, Mèdes, Ba Tư và Hy Lạp, của nhà Lagos. Israel thấy mình bất lực trước kẻ thù khổng lồ. Đaniên trấn an họ: "Đó chỉ là một tượng khổng lồ chân bằng đất sét", một khối đá từ núi lăn xuống sẽ nghiền nát nó ra (2,34). Nghĩa là chính Thiên Chúa (chứ không phải gươm giáo của nhà Macabê) sẽ kết thúc lịch sử này và lập vương quốc của Ngài (2,44).

Đối với những người Do thái nào cãi lệnh vua, thà chết còn hơn thờ phượng một thần khác (3,28), tác giả kể cho họ nghe câu chuyện 3 thiếu niên bị quăng vào lò lửa để nhắn rằng "Đừng sợ, Thiên Chúa sẽ sai thiên sứ đến với các bạn trong ngọn lửa hồng để chở che bạn" (Đn 3).

"Và ngay cả nếu người ta giết bạn, Thiên Chúa vẫn có khả năng cứu sống bạn ra khỏi mồ", đó là giáo huấn của chương 6. Đaniên bị quăng vào hầm sư tử ; một tảng đá đậy lên trên như đậy một ngôi mồ, chính nhà vua cũng để tang. Nhưng Đaniên không chết, ông vẫn sống và ra khỏi đó. Ông là hình ảnh của toàn dân Do thái bị quân thù giết chết nhưng được Thiên Chúa làm cho sống lại.

Trong những chuyện trên, ta đã thấy một vài chi tiết có tính khải huyền : tảng đá tượng trưng sự can thiệp của Thiên Chúa, những thị kiến và những giấc mộng. Nhưng nhất là trong các chương 7-12 tác giả cố ý sử dụng văn thể khải huyền.

 

MỘT THẦN HỌC BẰNG HÌNH

Các sách Khải huyền dùng một hệ thống hình ảnh để diễn tả những ý tưởng. Sau đây là những hình ảnh chính :

Màu :

Trắng : chỉ chiến thắng, sự tinh tuyền.

Đỏ : chỉ bạo lực, sát nhân, máu các vị tử đạo.

Đen : chỉ cái chết, sự vô đạo.

Số :

7 là đầy đủ, hoàn hảo.

6 (7 — 1) là bất toàn.

3,5 (phân nửa số 7) chỉ sự bất toàn, đau khổ, thời gian thử thách và bị bắt bớ. Chú ý : 3,5 có thể xuất hiện dưới nhiều dạng nhưng ý nghĩa biểu tượng vẫn giữ nguyên như "ba năm rưỡi", "ba ngày rưỡi", "42 tháng", "1260 ngày", "một thời, nửa thời, và những thời".

12 chỉ Israel (vì gồm 12 chi tộc).

4 chỉ Trái đất (vì có 4 hướng).

1000 chỉ một số lượng lớn không đếm xuể.

Vài hình ảnh khác :

Cái sừng : sức mạnh.

Tóc trắng : sự vĩnh cửu (chứ không phải sự già nua : ông già trong Đn 7 thực ra không là già, mà đời đời vẫn trẻ !).

Áo dài : chức tư tế.

Đai vàng : vương quyền.

Dê : kẻ ác.

Chiên : kẻ lành, dân.

 

II. MỘT ĐOẠN KHẢI HUYỀN : Đn 7-12

Phần khải huyền đích thực (chương 7-12) của sách Đanien mới quan trọng đối với tư tưởng Israel. Nên nhớ, tác giả viết năm 164 nhưng ông làm bộ như viết vào thời bị bách hại ở Babylone, nghĩa là 4 thế kỷ trước, và ông mượn tên Đanien, tức là một nhân vật được nói ở Êd 14,14 có thế thì tác giả mới có thể tiên báo tương lai giữa thời lưu đày với thời Macabê. Nhưng chủ yếu là tác giả muốn vạch ra những nét lớn trong cách hành xử của Thiên Chúa để từ đó biết được Thiên Chúa sẽ hoàn tất lịch sử như thế nào.

 

Nghiên cứu một bản văn Đn 7 :

Trước tiên, xin bạn chịu khó đọc một mạch hết chương này. Bạn sẽ thấy như đi lạc ! Nhưng như thế sẽ giúp bạn biết thế nào là văn chương khải huyền.

Bây giờ bạn hãy tìm xem chương này chia làm mấy phần. Thông thường thì một đoạn văn khải huyền gồm một thị kiến và tiếp sau đó là một thiên sứ giải thích thị kiến ấy.

Thị kiến được thuật ở 7,1-14, nhưng ở cc 19-22 tác giả đưa ra một chi tiết quan trọng. Xin bạn đọc theo thứ tự sau : 7,1-8, tiếp đến 19-22 rồi mới đọc 9-14.

Lời giải thích được đưa ra ở cc 15-18 rồi 23-28.

Sau đây hãy xem xét lại các chi tiết :

Có sự đối lập giữa những con thúmột người (trong chữ Híp-ri, thuật ngữ "con của" có nghĩa là "thuộc giống", "con của người" hay đơn giản là "người") ; những con thú từ vực thẳm đi lên tức là từ sào huyệt của những thế lực xấu, còn con người thì xuất hiện trên trời. Như thế trước khi biết rõ những hình ảnh này tượng trưng cho ai thì ta cũng biết những con thú là xấu và con người là tốt, một bên thuộc phía sự dữ, bên kia thuộc phía Thiên Chúa.

Những con thú tượng trưng gì ? hãy xem chú thích ở 7,17 (TOB 7,1t ; BJ 2,28a). Tại sao tác giả chú ý tới con thú thứ tư ? Đây là con dữ nhất, tượng trưng cho Antiochus IV, kẻ bách hại người Do thái. Xin đọc c.25.

Còn con người tượng trưng cho ai ? hãy đọc cc 18-27 (và TOB 7,13t ; BJ 7,13h).

Đã có những biến đổi gì đối với những con thú và con người ?

Thị kiến này muốn nói gì với dân Do thái đang bị bách hại và thà chết chứ không chịu chối đức tin ?

 

Kẻ chết sống lại Đn 12,1-4 :

Đây là bản văn đầu tiên trong Thánh kinh giúp ta thấy rõ niềm tin vào việc kẻ chết sống lại. Thị kiến của Êd 37 mới chỉ là một hình ảnh về sự sống lại của cá nhân. Bản văn này là một cách diễn tả khác cho điều đã được viết ở Đn 7. Ta hãy xét tới bối cảnh.

Antiochus bách hại dân Do thái, một số người trong họ thà chết còn hơn chối bỏ đức tin. Điều này đặt thành một vấn đề nghiêm trọng : từ trước tới giờ ở Israel người ta chưa có ý tưởng về cuộc sống sau khi chết. Chỉ có mỗi một cuộc sống, đó là sống ở đời này. Nay vì tin Chúa mà một số vị tử đạo đã chấp nhận mất đi cuộc sống duy nhất ấy, họ sẽ ra sao ? Thiên Chúa trả lời : "các ngươi đang chịu đựng bách hại và chịu chết. Đó là mặt hữu hình. Ta sẽ cho các thấy mặt vô hình : những kẻ chịu chết như thế sẽ làm thành dân thánh của Đấng tối cao và sẽ được đưa vào vinh quang để hưởng một cuộc sống hoàn toàn mới, trong một vương quốc tuyệt diệu sẽ kéo dài tới vô tận".

Dưới đây là hai kiểu nói quan trọng để diễn tả ý tưởng sống lại :

- Đn 12 diễn tả theo sơ đồ trước / sau : "trước khi chết các ngươi còn sống. Cái chết đã đưa các ngươi xuống một cái lỗ hoặc vào một giấc ngủ. Sau khi chết các ngươi ra khỏi cái lỗ đó, các ngươi thức dậy". Trước và sau cũng vẫn là những con người đó. Nhưng cuộc sống sau sẽ không hoàn toàn y như một cuộc sống trước, đấy là điều mà tác giả muốn nói qua những hình ảnh vũ trụ "vẻ huy hoàng của bầu trời...".

- Đn 7 thì nhấn mạnh tới khía cạnh thêm hơn và dùng sơ đồ dưới / trên. Dưới đất các ngươi bị giết chết, nhưng rồi các ngươi được đưa lên ở cạnh Thiên Chúa để hưởng một cuộc sống hoàn toàn mới.

Ta phải nhớ những hình ảnh này khi nghiên cứu cuộc sống lại của Đức Kitô, bởi vì các Kitô hữu đã dùng chúng để diễn tả ý tưởng Đức Kitô sống lại.

Một chi tiết quan trọng : Con Người là một hình ảnh, tượng trưng cho tập thể tất cả những người trông cậy Thiên Chúa cho tới chết. Ta cũng phải nhớ điểm này khi đọc Tân ước thấy Đức Giêsu được mô tả là Con Người.