Bài 7

KHÔN NGOAN Ở DIASPORA

 

Chúng ta kết thúc chương này với 2 quyển sách được viết ở Diaspora: một ở Babylone (Barúc) và một ở Aicập (sách Khôn ngoan).

 

I. SÁCH BARÚC (Đệ nhị thư quy) :

Quyển sách này được gán cho Barúc, thư ký của ngôn sứ Giêrêmia. Thực ra nó gồm 4 phần do nhiều tác giả viết vào nhiều thời kỳ khác nhau. Trong hình thức hiện tại, nó là một lễ nghi sám hối. Bắt đầu là một nhận định : tội lỗi của chúng ta đã bẻ gãy liên hệ với Thiên Chúa (1,1-14). Tiếp đến là một suy nghĩ : tội làm cho người ta bị đày xa cách Thiên Chúa ; ta chỉ có mỗi một chỗ cứu giúp, đó là tình thương và lòng trung tín của Thiên Chúa (1,15-3,18). Sau đó tác giả suy gẫm về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thực ra Khôn ngoan không gì khác hơn Luật. Do đó khi giữ Luật thì sẽ được khôn ngoan (3,9-4,4). Phần cuối (cung giọng giống với Đệ nhị Isaia) là những lời khuyến khích Giêrusalem và loan báo rằng Thiên Chúa khấng ban cho nó ánh sáng và lòng thương sót của Ngài. Thế là đã giao hoà xong (4,5-5,9).

Bạn có thể đọc "lời cầu nguyện của những kẻ bị lưu đày" (2,11-3,8) và nhất là "suy gẫm về sự Khôn ngoan của Thiên Chúa" (Khôn ngoan Thiên Chúa đã xuất hiện dưới đất và sống với loài người" 3,32-4,1). Thánh Gioan cũng chẳng nói gì khác hơn thế khi bàn về Đức Giêsu.

 

ĐỨC GIÊSU - KHÔN NGOAN CỦA THIÊN CHÚA :

Nói cách đơn giản, các ngôn sứ đã giúp các Kitô hữu biết được về sứ mạng của Đức Giêsu : Ngài làm gì ; còn những sách về khôn ngoan giúp họ biết Ngài là ai ?

Trong Cựu ước, mặc dù đôi khi sự khôn ngoan của Thiên Chúa được trình bày như một Ai đó, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một hình ảnh, như khi tôi nói : "Trí tôi ở trên cung trăng", tôi đã nhân hoá cái trí của tôi tưởng như nó có khả năng tự bay lên cung trăng trong khi thực ra trí tôi gắn liền với tôi. Cũng thế, sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng gắn liền với Thiên Chúa, nó là Thiên Chúa. Nói cách khác : đó là Thiên Chúa trong tư cách là Khôn ngoan. Bởi đó ta có thể gán cho Khôn ngoan ấy những phẩm tính của Thiên Chúa như : khả năng tạo dựng chẳng hạn v.v... (Kn 7).

Sau này khi các Kitô hữu nói Đức Giêsu là Khôn ngoan của Thiên Chúa thì họ cũng có thể gắn những phẩm tính của Thiên Chúa cho Ngài.

 

II. SÁCH KHÔN NGOAN (Đệ nhị thư qui) :

Được viết bằng chữ Hy Lạp, tại Alexandria ở Ai cập khoảng những năm 50-30 trước cn. Đây là quyển sách cuối cùng của Cựu ước.

Tác giả sống trong văn hoá Hy Lạp, thông thạo tục lệ Hy Lạp nhưng là người Do thái. Nhờ sống xa cách những biến động ở Palestina trong triều đại Asmon, tác giả theo khuynh hướng "bàn tay đưa ra". Cũng như triết gia Do thái Philon Alexandria sau này, tác giả thử suy nghĩ về đức tin Do thái theo những phạm trù tư tưởng Hy Lạp.

Sách gồm 3 phần :

 

1) Vận số của con người : 1-5

Đời người có nghĩa gì ? Tác giả trình bày 2 thái độ sống : có người cho rằng con người chỉ sinh ra vì tình cờ, cuộc đời ngắn ngủi, sau khi chết chẳng còn gì cả... bởi thế phải lo hưởng thụ cuộc sống, chà đạp lên người khác để tranh sống... Đối với thái độ này, tác giả nhận định : thực ra những người như thế là "bạn của sự chết", họ quên rằng "Thiên Chúa đã dựng nên con người bất hoại theo hình ảnh và bản tính của Ngài" ; có người khác "tín nhiệm vào Chúa, bền vững trong tình thương của Ngài". Họ thường chịu khổ có khi còn bị bách hại nữa, nhưng tác giả nói rằng sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ thì "họ sẽ được ở bên cạnh Chúa".

 

2) Bài tán tụng sự khôn ngoan : 6,1-11,3

Chút nữa chúng ta hãy xem kỹ một phần của đơn vị này, nhưng bây giờ cũng cần phải đọc hết đơn vị. Tác giả thúc giục ta tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa "bạn của loài người", hãy coi khôn ngoan như "bạn đời" của mình, hãy "yêu mến vẻ đẹp của nó". Tiếp đến, trong một midrash đặc biệt, tác giả ngược lại những giai đoạn quan trọng của lịch sử thánh để chứng minh rằng chính Khôn ngoan đã dẫn dắt giòng lịch sử ấy, đã tạo nên Adam, đã lèo lái con tàu của Nôê, đã khiến Abraham mạnh hơn tình thương của ông đối với con mình, đã hướng dẫn Môsê...

 

3) Suy gẫm về Xuất hành 11,4-19,22 :

Ở đây Khôn ngoan hầu như biến đi. Những tai hoạ của Ai cập vừa là hình phạt cho người này vừa là ơn cứu rỗi cho người kia.

 

Nghiên cứu một bản văn : Kn 7,21-30 :

Khó cắt ra được một đoạn văn riêng biệt vì toàn thể các chương 6-10 tiếp đến liền lạc nhau. Vì thế phải đọc chung tất cả những chương đó với nhau.

Tác giả làm như mình là Salômon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan, và ông tự trình bày cho biết ông là thế nào : ông khôn ngoan không phải do bẩm sinh mà nhờ cầu xin Chúa, và Thần trí Khôn ngoan đã đến trong ông. Khôn ngoan đã dạy cho ông cũng chính là Đấng tạo dựng vũ trụ (7,22).

Hãy đọc riêng 7,21-30. Khôn ngoan tự giới thiệu ra sao ? 7,22-23 liệt kê 3 nhóm mỗi nhóm 7 phẩm tính : nghĩa là 3 lần con số 7 tuyệt hảo ! Một số trong các phẩm tính ấy chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Bạn thử tìm xem đó là những phẩm tính nào ?

Đặc biệt để ý xem địa vị của khôn ngoan trong tương quan với Thiên Chúa.

Câu 26 rất mạnh. Đối với người Do thái "hình ảnh" chỉ  một sự hiện diện.

Cũng xin để ý xem vai trò của khôn ngoan trong tương quan với việc tạo dựng và với loài người.

Giờ đây bạn đọc tiếp St 1,26-27 : Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, và Khôn ngoan 2,23. Trong Kn 7,26 khôn ngoan hình ảnh Thiên Chúa. Nói thế phải chăng con người phản ảnh những nét của sự Khôn ngoan ấy ?

Bạn hãy đọc 2Cr 4,4 và Cl 1,15 rồi 1Cr 11,7; 2Cr 3,18 và Cl 3,10. Bạn biết gì thêm về Đức Kitô, về ơn gọi của con người ?

Cuối cùng bạn có thể đọc lại các chương này bằng cách thay chữ "Khôn ngoan" bằng chữ "Giêsu".

 

BẢN DỊCH 70 (LXX)

Người ta gọi bản dịch Cựu ước đầu tiên sang chữ Hy Lạp là "Bản 70" (viết tắt là LXX).

Gọi vậy vì có một truyền thuyết ghi trong "Thư của Aristée" (một tác phẩm Hy Lạp vào cuối thế kỷ II trước cn) rằng : có 72 tiến sĩ Do thái dịch Cựu ước, mỗi người dịch riêng. Thế nhưng sau 72 ngày đã hoàn thành những bản dịch trên hoàn toàn giống hệt như nhau ! Đây là một cách nói rằng bản dịch này là một phép lạ, và do Thiên Chúa soi sáng.

Thực ra công trình này được thực hiện giữa những năm 250 và 150 do nhiều dịch giả.

Cộng đoàn Do thái ở Alexandria nói tiếng Hy Lạp nên không còn hiểu tiếng Híp-ri. Cũng như ở chính Palestina người ta đã dịch Thánh kinh Híp-ri sang tiếng Aram, thì ở Ai cập, Thánh kinh cũng được dịch sang tiếng Hy Lạp. Bản dịch này có lẽ ban đầu để dùng trong phụng vụ. Nó không phải là dịch sát chữ mà là dịch thích nghi, là đọc lại Sách Thánh, là cập nhật hoá. Một thí dụ điển hình là Is 7,14 nguyên bản là : "Người phụ nữ trẻ mang thai và sẽ sinh ra Emmanuel"; bản LXX đã dịch: "Trinh nữ mang thai", dịch như thế giúp các Kitô hữu áp dụng câu này cho Đức Maria (Mt 1,23).

Bản dịch này rất quan trọng.

Trước tiên nó giúp đặt đức tin Do thái vào phạm trù tư tưởng Hy Lạp và tạo ra một ngôn ngữ để diễn tả nó. Bản dịch này sử dụng "ngôn ngữ chung" (koinè) nhưng tô điểm nó bằng nhiều cú pháp vay mượn từ ngôn ngữ Híp-ri.

Nó đã trở thành Thánh kinh của Kitô hữu, vì Giáo hội đã nhận bản liệt kê các sách thánh trong đó. Giáo hội cũng thường lấy lại những cách giải thích Sách thánh trong đó.