Bài 2

NHỮNG THÁNH VỊNH LÊN ĐỀN
TV 120-134

 

Nhóm này gồm 15 Thánh vịnh ngắn và đầy vẻ tươi mát. Chúng được gọi là Ca khúc Lên đền. Có lẽ vì được hát khi người ta lên đền thờ Giêrusalem vào 3 dịp lễ hành hương. Đó là những Thánh vịnh từ 120 đến 134 (nhưng có lẽ Tv 132 không thuộc nhóm này).

Chúng thuộc nhiều gia đình khác nhau. Nhưng nhờ vậy khi ta nghiên cứu chúng thì ta cũng được làm quen với các gia đình ấy, khám phá ra thi văn Híp-ri và nhất là tâm tình tôn giáo của các tác giả.

Khởi sự, xin bạn đọc qua những Thánh vịnh ấy, chỉ để thưởng thức thôi. Sau đó đọc lại lần nữa kỹ hơn để nghiên cứu các khía cạnh của chúng.

 

I. VĂN THỂ

Từng Tv trong nhóm này thuộc văn thể nào ?

TOB và BJ xếp loại gần như nhau : những Tv phó thác, những Tv kêu cứu (cá nhân và tập thể), một Tv tạ ơn, một thánh thi, nhiều Tv giáo huấn và một Tv phụng vụ.

Bạn thử tìm ra những nét đặc thù của từng văn thể (nhưng cũng nên ý thức rằng biên giới giữa chúng rất mơ hồ : trong cùng một Tv có thể có giọng điệu cầu khẩn rồi chuyển sang phó thác).

 

II. THI VĂN HÍP-RI

1) Vần điệu :

Trong một bài thơ Híp-ri người ta tính tiết điệu dựa vào một số vần được dùng như điểm tựa khi ngâm câu thơ lên. Số vần có thể bằng nhau trong mọi câu (3 + 3 chẳng hạn), mà cũng có thể khác nhau (3 + 2...). Thí dụ :

Từ vực sâu con kêu lên Ngài, lạy Chúa (3)

xin lắng nghe tiếng con kêu (2)

Xin Ngài lắng tai để ý (3)

đến tiếng con cầu nguyện (2)

 

2) Sóng đôi :

Đây là cách lặp lại 2 lần cùng một điều nhưng dưới một dạng khác. Bạn thử tìm một số thí dụ trong các Thánh vịnh này (chẳng hạn 122,8-9).

 

3) Từ móc nối :

Đôi khi câu sau bắt đầu từ một từ có ở câu trước, làm cho 2 câu được móc nối với nhau. Thí dụ Tv 121.

 

III. HÌNH ẢNH

Bạn có thể nghiên cứu chúng theo 2 mức độ.

Có những hình ảnh gì ? chúng cho thấy môi trường xã hội, kinh tế, văn hoá thế nào ? thí dụ hình ảnh me / con, chủ / tớ gợi lên đời sống gia đình ; hình ảnh người gác, mũi tên, xây nhà, gặt lúa... gợi lên sinh hoạt đồng áng...

Nhưng nhất là phải tìm xem chúng muốn nói gì :

- Các Tv này trình bày khuôn mặt nào của Thiên Chúa ? Ngài có quan hệ gì với con người ? Thí dụ câu "Chúa canh giữ bạn từ lúc khởi hành cho đến lúc tới, bây giờ và mãi mãi" diễn tả khuôn mặt của Chúa quan phòng.

- Con người đáp trả thế nào trước tình yêu của Chúa, trong cuộc sống hàng ngày, trong gian truân thử thách...? Ý thức về tội được diễn tả thế nào ? Tác giả luôn sống kết hợp với Thiên Chúa trong mọi giây phút cuộc đời, dù là đời riêng tư trong gia đình hay là đời sống chung trong xã hội, mọi sự đều được tác giả thấy là dấu chỉ về Đấng hằng yêu thương mình.

- Ý nghĩa của việc hành hương thế nào ? tầm quan trọng của Giêrusalem và của Đền thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện.

 

IV. LIÊN HỆ VỚI SÁCH THÁNH

Các Tv này lấy lại những ý tưởng của Êdêkien và của truyền thống tư tế : lòng sùng kính tập chú vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền thờ. Thế thì làm sao chúng hoà hợp được trong đời sống hàng ngày ? chúng có giống với quan niệm Đệ nhị Isaia về một Thiên Chúa tạo hoá hằng ở bên cạnh ta không ?

Suy cho cùng, những Ca khúc lên đền này có 4 ý nghĩa : hát mừng việc người ta đang lên đền Giêrusalem ; cuộc hành hương này cũng làm sống lại việc lên khỏi Aicập và lên khỏi Babylone ngày xưa ; và đó cũng là hình bóng muôn dân lên đền Giêrusalem vào thời cánh chung (Is 60-62).

 

V. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA KITÔ HỮU

Đức Giêsu đã dùng những Tv này để cầu nguyện như thế nào ? và hôm nay ta có thể dùng chúng để cầu nguyện như thế nào ?

 

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA :

Sự nghèo trong Thánh kinh có thể có 2 nghĩa mà ta không nên lẫn lộn. Nghèo trước tiên là một tình trạng túng thiếu cụ thể. Nó là một điều dữ, thậm chí là một cớ vấp phạm, vì nó cho thấy rằng nước Thiên Chúa chưa đến do vẫn còn người khổ sở và chịu bất công. Các ngôn sứ thời lưu đày nói về ngày nước Thiên Chúa đến như sau : "Khi đó không còn người nghèo nữa". Và bài "các mối phúc" trong Tin mừng Luca cũng theo chiều hướng đó.

Đôi khi nghèo là một thái độ thiêng liêng : thái độ của người hoàn toàn phó thác vào Chúa bởi đã có kinh nghiệm về sự bất lực của mình, nói cách khác, về "sự nghèo nàn" của mình. Đây là cái nghèo trong tâm hồn.

Người nghèo như thế này (anaw) chính là đối tượng của những lời chúc phúc trong Tin mừng Mt.

Lý tưởng về sự nghèo thiêng liêng xuất hiện rõ nhất trong sách Xôphônia. Lý tưởng này phát triển mạnh sau thời lưu đày và tạo thành một lớp người đơn sơ, tin tưởng sâu sắc, xa lánh những tranh giành về chính trị và tôn giáo của các tư tế. Đại biểu của họ vào đầu công nguyên là Dacaria, Isave, Simêon, Anna, Maria...

Những Tv lên đền được soạn sau thời lưu đày nên cũng đề cao lý tưởng trên. Cuộc sống của người nghèo thiêng liêng rất đơn giản. Họ là dân thôn dã đã sống gần gũi thiên nhiên, vui với những thú vui khiêm tốn trong gia đình, thân thiện với bạn bè, lối xóm, hoà thuận với mọi người... Họ không diễn tả tâm tình bằng những từ ngữ uyên bác, nhưng sử dụng những hình ảnh đơn sơ bộc lộ tình cảm sâu sắc tự đáy lòng. Đối với họ tất cả đều nói về Chúa, tất cả đều là sứ điệp của tình yêu Chúa. Sau này Đức Giêsu cũng nói thứ ngôn ngữ ấy trong những dụ ngôn.

Thiên Chúa ấy là một Thiên Chúa hữu vị, gần gũi với con người. Ngài bảo vệ con người trong tất cả mọi việc làm của nó, và người nghèo đáp lời Ngài bằng đức tin và sự trông cậy hoàn toàn.

Thiên Chúa ấy ở giữa dân Ngài, trong Đền thờ của Ngài ở Giêrusalem. Như thế cuộc sống của người nghèo là một cuộc hành hương. Israel là một dân hành hương về nơi Thiên Chúa ngự. Hành hương từ lúc Xuất hành, vì Thiên Chúa đã giải phóng họ. Hành hương từ lúc ra khỏi Babylone và vẫn còn tiếp tục hành hương cho tới lúc tất cả mọi dân tộc quy tụ trong cùng một đức tin, một niềm vui và một sự thông hiệp với cùng một Thiên Chúa.

 

DÙNG THÁNH VỊNH ĐỂ CẦU NHUYỆN CHUNG NHƯ THẾ NÀO ?

Dĩ nhiên chẳng có một cái toa nào cho tất cả mọi người trong mọi trường hợp. Mỗi người, mỗi nhóm phải có sáng kiến. Ở đây chỉ là kể một vài cách đã được thực hiện thử đó đây.

Mọi người trong nhóm tập họp lại một nơi thích hợp (có thể đặt tượng ảnh Chúa vv...). Một người đọc lớn tiếng một Thánh vịnh, rồi mỗi người âm thầm đọc lại một lần, 2 lần, 10 lần...để "nghiền ngẫm". Một lúc sau (dài ngắn tuỳ) người này, rồi người khác tiếp theo, đọc lớn lên 1 câu có thể chỉ đọc nguyên văn, có thể diễn tả ý câu đó bằng lời lẽ của mình. Nhiều câu, nhiều chữ, nhiều hình ảnh được đọc lại, được giải thích lại như thế sẽ chứa đầy chất "sống" của mỗi người và do đó sẽ có 1 ý nghĩa mới, khơi lên lời cầu nguyện của mỗi người. Đừng sợ những khoảng im lặng vì đó không phải là thời gian chết mà là thời gian cho lời Thánh kinh biến thành lời của người anh em vang dội vào lòng ta và khơi lên lời cầu nguyện của ta.

Thỉnh thoảng có thể tự phát cất lên điệp khúc của một Thánh ca mà mọi người đều thuộc.

Và thỉnh thoảng cũng có thể đọc lên vài câu Tin Mừng, cho thấy rằng những Thánh vịnh ấy cũng là những lời cầu nguyện của Đức kitô.

Trong 1 số ấn bản Thánh vịnh, sau mỗi Thánh vịnh có in thêm những lời cầu nguyện khai thác những chủ đề chính của Tv ấy.