Bài 3

THÁNH VỊNH TÁN TẠ
THIÊN CHÚA CỨU TINH VÀ TẠO
HOÁ

 

Có những lúc ta thấy thèm hát vì thế giới đẹp quá, vì có ai đó thương ta quá, vì vừa giải toả được 1 gánh nặng trong tâm hồn ...Có những lúc toàn dân nhảy mừng : mừng ngày đất nước được giải phóng, mừng cho cuộc sống ấm no hạnh phúc...Tiếng hát cá nhân, tiếng hát tập thể hoà lẫn nhau trong bầu không khí vui tươi mở hội...

Ở Isrel, tâm tình hân hoan tán tạ bộc phát trong hầu hết các Tv. Hầu như đó là tâm tình duy nhất của các Thánh thi. Nó cũng chen vào những Thánh ca tạ ơn, và ngay cả trong những Tv giáo huấn và van xin nữa. Đó chính là một trong những nét đặc thù của con người trong Thánh kinh khi đối diện với Thiên chúa của mình : dù hoàn cảnh cụ thể của họ lúc đó như thế nào đi nữa, dù đang vui hay đang buồn, dù đang sốt sắng hay đang ray rứt vì tội lỗi... người tín hữu vẫn tin mình đang sống trước mặt Thiên Chúa, do đó không thể ngăn nỗi lời ca ngợi khen vẻ đẹp và lòng tốt bao la của Ngài.

Tâm tình tán tạ trào ra không phải là kết quả của suy tư lý luận, mà là sự bộc phát niềm vui bởi biết mình được Thiên Chúa yêu thương, như Lời Ngài đã phán :"Ngươi rất quý giá trước mắt Ta, ngươi rất nặng ký, bởi vì Ta yêu thương ngươi" (Is 43,4).

 

I. THIÊN CHÚA CỨU TINH

Như ta đã thấy, kinh nghiệm đầu tiên của Israel về Thiên Chúa là được Ngài giải phóng và cứu độ : chính Ngài đã kéo họ ra khỏi vòng nô lệ. Ngoài tập Thánh vịnh ra, còn nhiều sách khác cũng chứa nhiều bài ca có từ rất xưa như : Bài ca Myriam hát mừng ngày Xuất hành ra khỏi Ai cập (Xh 15,21), bài ca chiến thắng của Débora dưới chân núi Tabor (Tl 5).

Và trong những cuộc lễ phụng vụ, dân chúng gợi lại những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cũng bằng những Thánh vịnh, qua đó họ ý thức thêm họ là dân riêng của Thiên chúa, họ khẳng định lại niềm tin vào Giao ước, họ củng cố thêm niềm hy vọng vào tương lai : Thiên Chúa đã nhiều lần giải phóng họ trong quá khứ, chắc chắn Ngài cũng sẽ giải phóng họ trong tương lai.

 

II. THIÊN CHÚA TẠO HOÁ

Israel khám phá thêm rằng sở dĩ Thiên chúa có thể can thiệp vào lịch sử để cứu họ vì Ngài chính là Chủ tể của lịch sử, bởi chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ. Vì thế họ cũng tán tạ Ngài vì những công trình tạo dựng trong thiên nhiên.

 

III. CƠ CẤU CỦA NHỮNG THÁNH VỊNH TÁN TẠ

Những Tv có bố cục rất đơn giản gồm 3 phần :

- Mở đầu là kêu mời hãy tán tạ Chúa.

- Tiếp đến là chính lời tán tạ, bắt đầu bằng những chữ "vì", "bởi vì", "vì Ngài"..., kể ra những việc kỳ diệu Ngài đã làm trong lịch sử hoặc những phẩm tính của Ngài.

- Kết thúc lại là một lời kêu mời tán tạ Chúa nhưng cách trang trọng hơn, và một lời tung hô hoặc "Allelu-Yah" hay "Đến muôn đời".

 

IV. LỜI NGUYỆN CỦA CHÚNG TA

Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng cầu nguyện với những Thánh vịnh này, chỉ có một khó khăn nhỏ về phương diện văn hoá là một số hình ảnh xa lạ với chúng ta (nhưng nếu ta đã quen với những bài tường thuật tạo dựng thì những hình ảnh này không còn xa lạ nữa) ; một vài ám chỉ tới những biến cố lịch sử có lẽ cũng lạ. Nhưng không sao, không phải vì ta không biết vài chi tiết về đời sống của ông bà cha mẹ ta mà ta không cảm thấy liên hệ với các Ngài. Thì cũng thế, những Thánh vịnh này, dù có một số chi tiết hơi lạ, cũng giúp ta xác tín rằng lịch sử của dân Chúa cũng là lịch sử của chúng ta, rằng nguồn gốc đức tin của chúng ta chính là những việc kỳ diệu của Thiên Chúa đã làm từ cuộc xuất hành đầu tiên cho đến cuộc xuất hành mới trong Đức Giêsu Kitô.

 

TỰA ĐỀ CỦA CÁC THÁNH VỊNH

Phần lớn các Tv ở đầu có ghi những chỉ dẫn về tác giả và thể loại nhiều khi khó hiểu.

Tác giả : giới từ híp-ri ở trước tên tác giả có nghĩa là người ta coi ông đó là tác giả của Tv, hoặc Tv này thuộc bộ sưu tập của ông đó. Thực ra đó chỉ là một cách gán ghép các Tv cho tác quyền của những nhân vật lớn của Israel thôi chứ chưa hẳn là đúng sự thật.

Một số Tv còn ghi phải hát với nhạc cụ nào, hát theo thể loại nào.

 

V. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH

1) Tv 114: Thiên Chúa của những cuộc Xuất hành.

a) Kêu mời: Allelui Yah, hãy tán tụng Chúa.

b) Tán tạ :

c 1-2 : mục đích cuộc xuất hành thứ nhất : Chúa muốn làm cho dân thành đền thánh của Ngài, Ngài muốn ở với một dân tín hữu.

c 3-4 : những việc kỳ diệu cuộc xuất hành thứ nhất.

c 5-6 : tác giả nhập cuộc mời chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của những việc kỳ diệu ấy.

c 7-8 : những việc kỳ diệu của cuộc xuất hành thứ hai : giải phóng khỏi Babylone. Đây chính là một trong những ý nghĩa có thể có. Tác giả nhớ tới Đệ nhị Isaia (Is 14,15; 42,15; 43,20) và hát mừng cuộc xuất hành mới.

c) Lời nguyện của Đức Giêsu : Đức Giêsu đã mượn lại Tv này để hát mừng "cuộc xuất hành Ngài sắp thực hiện ở Giêrusalem" (Lc 9,31).

d) Lời nguyện của chúng ta : ngày nay chúng ta sẽ dùng Tv để cầu nguyện như thế nào ? Tân ước trình bày đời chúng ta như một cuộc xuất hành mới (Ga ; 1P ; Kh) : như thế thì đời ta có ý nghĩa gì ? Ta có thể ca mừng Đức Kitô là đá tảng phát sinh nguồn nước sống cho ta (1Cr 10,4).

 

2) Thánh vịnh 113 : Tc của những người bị áp bức :

a) Kêu mời : c 1-3 mời ai ? ở đâu ?

b) Tán tạ :

c 4-6 : tán tạ những phẩm tính gì của Thiên Chúa ?

c 7-9 : hãy so sánh những câu này với 1Sm 2,1-10, với "tin mừng" mà đệ nhị Isaia đã nói tới, với những lời chúc phúc trong Tin mừng, những câu này loan báo gì ?

c) Lời nguyện của Đức Giêsu : Tv này là đầu tiên của một toàn thể (Tv 113-118) được gọi là Hallel (tán tạ), được hát trong 3 dịp lễ lớn. Đức Giêsu đã hát nó buổi chiều thứ năm thánh (Mc 14,26), Ngài dùng nó làm lời cầu nguyện của Ngài như thế nào ?

d) Lời nguyện của chúng ta : Thiên Chúa muốn bày tỏ sự cao cả của Ngài thế nào ? Ngày nay ta có thể dịch các câu 7-9 (phẩm giá của người nghèo và người bị áp bức) như thế nào ? Ta có thể cầu nguyện bằng Tv này mà không cần nỗ lực thực hiện điều ta xin hay không ?

 

3) Tv 8 : Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa.

a) Kêu mời : c.2 (được lặp lại ở c.10 để kết thúc).

b) Tán tạ :

c 3-5 : tán tạ sự cao cả của Thiên Chúa. Có lẽ phần đầu phải dịch như sau : "Tôi muốn hát mừng vinh quang của Ngài trên các tầng trời hơn miệng lưỡi của trẻ con và thơ nhi".

"Con trẻ" có lẽ là các các tinh tú thuở bình minh của tạo dựng đã hát mừng Thiên Chúa (G 38,6 ; Br 3,35) : con người hát mừng Thiên Chúa còn tốt hơn chúng nữa. "Nơi cư ngụ" của Thiên Chúa chính là trời : như ở St 1, cuộc tạo dựng được coi là việc Thiên Chúa chiến thắng hỗn mang.

c 6-9 : c 5 đã đưa con người nhập cuộc, bây giờ con người ở phần trung tâm, nhưng Thiên Chúa vẫn là chủ từ của tất cả các động từ. Tán dương sự cao cả của con người tức là tán dương sự cao cả của Thiên Chúa.

Với Tv này chúng ta ở giữa đường, giữa 2 tường thuật tạo dựng (St 2 và 1). Tv này sẽ được trích dẫn nhiều lần trong Tân ước.

 

4) Tv 104 : Cuộc tạo dựng và vinh quang của Thiên Chúa

Tác giả lấy hứng từ một thánh thi Aicập ca tụng thần Mặt trời, được soạn khoảng năm 1350. Một lời nguyện của con người có thể trở thành lời nguyện dâng lên Thiên Chúa hằng sống, cũng như bánh ăn thường ngày có thể trở thành Mình Thánh Chúa Kitô ; tác giả dùng thánh thi Aicập này để suy nghĩ về đức tin và về cuộc tạo dựng ở St 1.

a) Kêu mời : c.1.

b) Tán tạ : c.2-30.

Trước hết bạn cứ đọc chơi để thưởng thức. Sau đó so sánh nó với Thánh thi Aicập xem nó có những điểm nào giống nhau ; rồi so sánh với tường thuật St 1 xem có gì giống nhau (có theo thứ tự các ngày tạo dựng không)

c) Kết thúc : c 31-35.

Lời tán tạ của cá nhân, mơ ước tới ngày thế giới được giải thoát khỏi sự dữ.

d) Lời nguyện của chúng ta : chính nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô mà Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự (Cl 1,15-18). Chính nhờ hơi thở của Thánh Linh Ngài mà Thiên Chúa ban sự sống cho chúng ta, và bánh rượu trở thành biểu tượng của một thế giới mới được tái tạo trong Thánh Linh.