Bài 4

THÁNH VỊNH TÁN TẠ
THIÊN CHÚA Ở KỀ BÊN

 

Tuy rằng Thiên Chúa là Đấng "hoàn toàn khác" vì Ngài là chủ tể lịch sử và là Đấng tạo hoá. Thế nhưng những việc kỳ diệu mà Chúa làm cho loài người khiến họ thấy Ngài lại rất gần gũi. Ngài ở nơi dân Ngài : ở Giêrusalem trong Đền thờ là chỗ Ngài có mặt và là nơi người ta hành hương về, Ngài ở trong dân Ngài. "Luật chẳng xa ngươi, chẳng quá tầm với của ngươi. Lời ở trong lòng ngươi để ngươi đem ra thi hành" (Đnl 30,11t).

 

I. EMMANUEL : THIÊN-CHÚA-Ở-VỚI-TA.

Một số Tv bày tỏ niềm hạnh phúc được mời vào nhà Chúa, được làm khách của Ngài, được sống thân mật với Ngài, là khách của Ngài, ở trong nhà Ngài, ở dưới bóng Chúa, Chúa ở trước mặt tôi, tôi ở dưới cánh của Ngài...

Có thể nghiên cứu Tv 139.

 

II. THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN TRONG ĐỀN THỜ

Giêrusalem - hoặc đồi Sion trên đó có thành Giêrusalem -và Đền thờ là những nơi mà Thiên Chúa hiện diện với dân. Khi đọc bài tường thuật ơn gọi của Isaia hoặc những bản văn P nói về Thiên Chúa hiện diện trên Khám giao ước, ta sẽ có được cảm giác đặc biệt của dân Israel khi họ ở trước sự hiện diện này.

Mỗi năm 3 lần vào những dịp lễ hành hương (lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần, và nhất là Lễ Lều) dân tiến lên Giêrusalem để sống lại cảm nghiệm được quy tụ chung quanh Thiên Chúa. Nhưng cũng có một nguy hiểm là họ coi sự hiện diện của Thiên Chúa như một cái gì ma thuật chuẩn miễn cho họ khỏi phải sống công bình. Nhiều ngôn sứ như Giêrêmia đã cố gắng kéo họ ra khỏi sự lầm lạc này, cuộc lưu đày tiếp sau việc Đền thờ bị phá huỷ càng giúp họ hiểu rằng sự hiện diện ấy Chúa không phải là một đảm bảo tự động, nơi cư ngụ của Thiên Chúa trước tiên không phải là một cái nhà nào, mà là một dân gồm các tín hữu.

Lời nguyện của chúng ta : Thiên Chúa đã hiện diện thực sự nơi Đức Giêsu Kitô, đền thờ thật của chúng ta. Giáo hội là thân thể của Ngài do Thánh Linh Ngài tác động. Những Tv này nhắc ta nhớ rằng Giáo hội là một dân tiến về Giêrusalem trên trời, là nơi mà sự dữ không còn nữa vì Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người.

 

III. THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN BẰNG LUẬT CỦA NGÀI

Ta khó chịu khi nghe nói tới Luật, tới Vâng lời...

Nhưng đối với Israel, Luật không phải là những mệnh lệnh, những cấm đoán... mà là Lời, một lời dịu dàng như nụ cười của người vợ dịu hiền, một lời cứng rắn như lời người thủ trưởng giao nhiệm vụ, một lời rõ rệt như lời người hướng đạo chỉ cho biết đường nào đi an toàn. Nhưng tựu trung Lời ấy - Shema Israel! Hỡi Israel hãy vâng nghe ! - chẳng nói gì khác hơn là "Ta yêu con... còn con thì sao ?"

Vâng lời (chữ Latin là Ob-audire) là đứng trước mặt kẻ gọi mình để chăm chỉ lắng nghe và sẵn sàng đón nhận những lời của người đó vào tận cõi lòng rồi đáp lại với cả con người mình. Theo nghĩa này cuộc nói chuyện giữa 2 người yêu nhau là một sự "vâng lời" nhau.

Cần phải nhớ tới điều vừa phân tích ở trên để có thể cầu nguyện với những Thánh vịnh "vâng lời" này và để hiểu được tại sao người tín hữu có thể ca tụng Luật một cách âu yếm như vậy, chẳng hạn như Tv 119.

Lời nguyện của chúng ta : giờ đây ta có thể dùng những Tv này để cầu nguyện cách dễ dàng, bởi vì luật đã trở thành một người : Đức Giêsu Kitô. Ngài là Lời Thiên Chúa do Thánh Linh đặt vào chúng ta. Do đó ta có thể dùng những Tv này để bộc lộ nỗi niềm yêu mến của ta đối với Đức Giêsu Kitô.

 

IV. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH

1) TV 139 "Chúa biết rõ con" :

Biết bao người từng mơ ước có được ai đó biết rõ mình cả mặt tốt lẫn mặt xấu và vẫn yêu thương mình. Người tín hữu hát Tv này không phải chỉ mơ ước như thế mà thực sự hạnh phúc vì được như thế.

Nhưng hạnh phúc này hoàn toàn không phải là tự mãn, vì phải luôn cảnh giác đừng để mình trốn chạy trước lời của Thiên Chúa nhiều khi rất nặng.

- c 1-18 : xin lưu ý những hình ảnh và kiểu nói diễn tả sự thân mật, kề cận. Khiêm tốn cũng là biết rằng mình là món quà tặng quý nhất của Thiên Chúa. "Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì Ngài đã làm cho con sự kỳ diệu tuyệt vời như thế".

- c 19-22 : nhưng người tín hữu vẫn băn khoăn một điều : tại sao có sự dữ ? một cách đơn sơ, hơi ngây ngô, người tín hữu xin Chúa tiêu diệt hết những gì chống lại mình.

- c 23-24 : lời nguyện cuối cùng rất cảm động, người tín hữu dù đang đi trên đường tốt vẫn không an lòng nên nài xin Chúa luôn coi chừng giùm mình !

Lời nguyện của chúng ta : Thiên Chúa đã ban dư tràn mọi ơn cho chúng ta trong Con-yêu-dấu của Ngài (Ep 1,6). Trong Đức Giêsu chúng ta trở nên con của Thiên Chúa và chia sẻ tình thân của Ngài với Chúa Cha nhờ Thánh Linh ở trong ta khiến chúng ta kêu lên : "Abba Thưa Cha", và chúng ta biết rằng những kẻ được Chúa Cha ban cho Chúa Con thì Chúa Con luôn gìn giữ cẩn thận (Ga 17).

 

2) Tv 84 : Toàn thể con người tôi hân hoan ca hát.

Đây là bài ca của kẻ hành hương vừa tới được Đền thờ, hát lên tình yêu thương say đắm của mình đối với Thiên Chúa.

Bạn hãy tìm những hình ảnh và kiểu nói diễn tả sự hành trình, nơi ở hạnh phúc... Cũng có thể tìm cách diễn tả lại những ý trên bằng ngôn ngữ của bạn.

Lời nguyện của chúng ta : từ nay Đền thờ đích thực là thân xác của Đức Giêsu Phục sinh, chúng ta có thể dùng Tv này để ngợi khen Ngài. Giáo hội cũng là thân thể Đức Giêsu trong lịch sử. Cho nên ta cũng có thể dùng Tv này để bày tỏ tâm tình vui sướng được sống trong Giáo hội, sống giữa anh em với nhau.

 

3) Tv 42-43 : hồn tôi khao khát Chúa :

Hai Tv này chỉ là một. Một điệp khúc (42,6-12; 43,5) cắt Tv làm ba phần bằng nhau.

Một người phục vụ Đền thờ bị đày đi tới Liban. Ông hát Tv này để bày tỏ nỗi niềm đau khổ vì xa cách Chúa.

- 42,2-6 : ao ước của ông là gì ? (xem Xh 34,23) nỗi khổ của ông là gì ? điều gì động viên ông ?

- 42, 7-12 : từ nơi lưu đày - từ mọi nơi lưu đày - ta vẫn có thể cầu nguyện với Chúa.

- 43,1-5 : lời cầu nguyện.

Hãy tìm những hình ảnh và kiểu nói diễn tả nỗi nhớ nhung, nước, ánh sáng, niềm vui, ơn cứu độ.

 

4) Tv 119 : những kỳ công của Luật Ngài

Tv này tới 176 câu, chỉ để nói lên mỗi một điều "Chúa ơi con yêu Luật Chúa", chia làm 22 khúc tương đương với số lượng các mẫu tự. Mỗi khúc gồm 8 câu thơ khởi đầu bằng một mẫu tự Híp-ri, mỗi câu thơ có một trong 8 danh từ chỉ Luật (giới luật, điều răn, mệnh lệnh...) Thánh vịnh này giống như lời tự tình của một ngươì sung sướng nói đi nói lại dưới đủ dạng thức về hạnh phúc của mình. Tác giả luôn miệng nói với Chúa rằng ông yêu Ngài và cảm thấy Ngài đang ở kề cận bên ông.

Trong cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và người tín hữu ấy, ta có thể gặp những hình ảnh và kiểu nói diễn tả Thiên Chúa như : Luật là Thiên Chúa ở kề bên (xuất phát từ miệng Ngài, Ngài dạy...) nhưng vẫn bí nhiệm.

Những hình ảnh và kiểu nói về con người và thái độ của con người : quy hướng về Chúa (dò dẫm, nghiền ngẫm, trìu mến, nghiên cứu luật) vâng nghe, bước đi, kiếm tìm... Con người quay về Thiên Chúa vì trong quá khứ đã phạm tội với Ngài.

Lời nguyện của chúng ta : ta có thể cầu nguyện với Tv này bằng cách thay chữ "Luật" bằng chữ "Đức Giêsu", vì chính Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa, được Thánh Linh đặt vào lòng ta, Ngài là "đường, là sự thật, và sự sống".