Bài 5

THÁNH VỊNH HY VỌNG

 

Bài này gom chung 2 loại Thánh vịnh vì chúng đều ca tụng vương quyền : vương quyền của Thiên Chúa và vương quyền của vị vua trần thế. Nhưng cả hai đều hướng về tương lai, tới lúc mà Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra là một vị vua trung tín và công bình, qua trung gian của Đấng mà Ngài sẽ đặt làm Vua Messia.

 

I. CHÚA LÀ VUA

Ở Israel chỉ có một vua thật duy nhất thôi, đó là Thiên Chúa. Các ông vua trần thế chỉ là kẻ thay mặt Ngài.

Trong thời lưu đày ở Babylone và sau đó nữa, Israel không còn vua trần thế, cho nên người ta càng nghĩ nhiều tới vương quyền của Thiên Chúa (Is 40,12-31 ; 41,42 ; 43,15 ; 44,6 ; 52,7.

Có 5 Tv rất giống nhau ca tụng vương triều của Thiên Chúa : 93 96 96 98 99. Giọng điệu rộn rã, vui mừng khiến ta nghĩ tới ngày lễ phong vương. Israel và các dân xa xôi nhất (các đảo) thậm chí những yếu tố thiên nhiên đều chia sẻ niềm vui phổ quát đó. Những Tv này lấy lại chủ đề "tin mừng" của Đệ nhị Isaia để loan báo lúc mà Vua-Thiên Chúa sẽ làm chấm dứt hết mọi sự nghèo khó và khổ đau.

Thánh vịnh 47 có lẽ cũng cùng nguồn gốc. Còn Tv 24,7-10 có lẽ xưa hơn, hát mừng việc Khám giao ước tiến vào Giêrusalem thời Đavit ; những câu 1-6 được thêm vào sau thời lưu đày đưa ý nghĩa của Tv tới chiều hướng phổ quát hơn.

Cách chung những Tv vương quyền này được sinh ra trong khung cảnh phụng vụ, bởi vì chính trong những lúc phụng tự mà vương triều vĩnh cửu của Thiên Chúa bắt đầu trở thành hiện thực ở trần gian.

Lời nguyện của chúng ta : khi tuyên bố những mối phúc và những phép lạ cứu giúp kẻ nghèo khổ, Đức Giêsu cho thấy nhờ Ngài mà vương triều của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện. Nhưng chỉ mới bắt đầu thôi, các môn đệ Đức Giêsu phải nỗ lực làm cho vương triều ấy được thực hiện trọn vẹn. Như thế những Tv này vừa thúc giục chúng ta chờ mong cho sớm tới ngày đó ("xin cho vương triều của Cha trị đến") và kêu mời chúng ta phải ra tay làm cho điều đó được sớm thực hiện.

 

II. SINH NHẬT CỦA VUA

Có 7 Thánh vịnh (và có lẽ vài Tv khác nữa) hát mừng ngày sinh của vua Israel : 2 21 45 72 89 101 110.

Không như những dân khác, Israel không bao giờ thần thánh hoá các vua của mình. Nhưng theo lời ngôn sứ Natan các vua này trong ngày tấn phong được trở thành con của Thiên Chúa. Như thế ngày ông được tấn phong cũng là ngày ông được sinh ra làm con Thiên Chúa.

Các Tv này khiến người ta hi vọng rằng sẽ có một ngày Thiên Chúa ban xuống cho dân Đấng Messia-Vua của Ngài.

Lời nguyện của chúng ta : Kitô hữu tin rằng, Đức Giêsu chính là Vua-Messia. Do đó ta có thể dùng những Tv này để ca mừng Đức Giêsu và xin cho vương triều của Ngài mở rộng tới toàn thể nhân loại.

 

THÁNH VỊNH 2 TRONG TÂN ƯỚC :

- Tv 2 giúp chúng ta hiểu và diễn tả điều gì về Đức Giêsu Kitô ?

- Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô : lúc phục sinh là lúc Ngài sinh ra làm Con Thiên Chúa, làm vua Messia và làm Đức Chúa của toàn vũ trụ (Cv 13,32 ; Rm 1,3 ; Dt 1,5 ; 5,5 ; Kh 12,5). Đây không phải là cuộc sinh ra ở Bêlem, và thuật ngữ "Con Thiên Chúa" không có nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay : nó không chỉ Thiên tính của Đức Giêsu mà chỉ việc Ngài được đặt làm vua và Chúa của vũ trụ.

- Cái chết của Đức Giêsu Kitô : Ngài bị các lãnh tụ Dothái chối bỏ, họ chính là "những kẻ dữ" trong Tv này, nổi loạn chống Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài (Cv 4,23-31).

- Việc Đức Giêsu Kitô lại đến vào ngày tận thế : sẽ có một ngày Ngài được tấn phong làm Chúa cả vũ trụ (Kh 19,15; 21,1-5). Đây là nền tảng của niềm hi vọng chúng ta. Gioan hứa rằng tới ngày đó chúng ta sẽ được tham dự vào vinh quang của Ngài (Kh 21,7 ; 2,26).

 

III. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH

1) Thánh vịnh 96 : Thiên Chúa ngự trị.

Có nhiều điểm tương quan giữa Tv này với sứ điệp của đệ nhị Isaia :

- c 1-3 : mời toàn cõi đất hát lên bài ca mới (Is 42,10). Qua việc cứu dân thoát cảnh lưu đày, Thiên Chúa biểu lộ ơn cứu độ, đức công bình và vinh quang Ngài trước mặt muôn dân (Is 45,14-25; 52,10).

- c 4-6 : điều đó chứng minh rằng Ngài là Thiên Chúa thật và các thần khác chỉ là hư vô (Is 41,21-49; 43, 9-13).

- c 7-9 : kêu mời tất cả muôn dân hãy ca tụng Chúa (xem chú thích TOB hoặc BJ về Is 45,14).

- c 10-13 : những câu này tuyên bố Thiên Chúa là Đấng tạo hoá (xem TOB dẫn nhập vào Isaia và BJ chú thích Is 42,8) bởi thế câu 11-12 nói vì vậy mà Ngài có thể ngự trị như một vị vua công bình.

Xin hãy để ý tới những hình ảnh và kiểu nói diễn tả vinh quang, tạo dựng, hoà bình, công chính, lời ca tụng của toàn vũ trụ.

 

2) Thánh vịnh 2 và 110 : Con hãy ngự bên hữu Ta.

Trước tiên nên đọc sấm ngôn của Natan ở 2Sm 7.

- Tv 2,1-3 : Những "kẻ dữ" (tức các vua và các dân thế gian) âm mưu chống Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài.

- Tv 2,4-6 : Thiên Chúa phì cười : Ngài đã có sẵn kế hoạch mà những kẻ nổi loạn ấy chẳng làm gì chống lại được.

- Tv 2,7-9 : Vua Messia nhắc lại kế hoạch ấy : trong ngày ông lên ngôi, Thiên Chúa chọn ông làm con của Ngài. Vương quyền của ông vượt khỏi lãnh thổ Israel để lan tới mọi dân tộc. Như thế đây không chỉ là một vị vua trần thế.

- Tv 2,10-12 : lời cảnh cáo những kẻ phản loạn : hãy biết điều mà ở yên.

- Tv 110 dùng những kiểu diễn tả khác nhưng cũng nói cùng những ý tưởng trên.

o "Hãy ngự bên hữu Ta" : đền vua ở bên phải đền thờ ; chỗ bên phải là chỗ vinh dự nhất sau vua.

o "Con là tư tế...": ở Israel cũng như ở vài nước khác, vua cũng là tư tế.

Lời nguyện của chúng ta : ( xem khung trước đây : Tv 2 trong Tân ước).

 

3) Tv 89 : Con vẫn tin vào Chúa.

Năm 587 thể chế quân chủ tiêu vong. Thế mà trước đó Thiên chúa đã hứa sẽ bảo vệ vương quyền Đavit bền vững muôn đời. Phải chăng Ngài thề gian, hứa cuội ?

- c.2-3 : dù thực tế phũ phàng nhưng tác giả vẫn ca tụng tình thương và lòng trung tín của Thiên chúa (2 chữ rất đặc biệt : hésed và émounah). Tác giả như bám vào 2 tảng đá đó trong cơn giông bão (cc.2 3 9 15 25 29 34 50).

- c.4-5 : Tác giả nhắc Thiên Chúa nhớ lại lời Ngài đã hứa với Đavit xưa.

- c.6-19 : Thiên Chúa là Tạo hoá và là Vua, cho nên Ngài toàn năng. Ngài chẳng có cớ gì để không giữ lời đã hứa.

- c.20-38 : Nhắc lại chi tiết lời Thiên chúa đã hứa với Đavit và con cháu ông.

- c.39-46 : Tác giả táo bạo nói rằng Thiên Chúa đã bất trung !

- c.47-52 : Khẩn thiết kêu xin Thiên Chúa ra tay hành động.

- c.53 : Lời nguyện đã bắt đầu bằng một đức tin khắc khoải nay kết thúc bằng một lời tạ ơn, tạ ơn vì một điều Thiên chúa chưa làm !

Lời nguyện của chúng ta : Tv dạy ta một thái độ : dù đứng trước nghịch cảnh, dù ta có cảm tưởng Thiên Chúa đã bất trung, dù ta muốn nổi loạn, nhưng hãy cứ tin, cứ cầu nguyện và phó thác. Đức Giêsu đã sống những tâm tình đó khi Ngài ở trong vườn Gethsémani và trên Thập giá.

 

THÁNH VỊNH 110 TRONG TÂN ƯỚC

Trước Thượng Hội đồng Do thái, Đức Giêsu đã áp dụng Tv này vào bản thân Ngài.

- Ngài "ngự bên hữu Thiên Chúa" : Đây cũng là là lời tuyên xưng của kinh Tin Kính, là lời tuyên bố của Phêrô trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên (Cv 2,34). Tân ước cũng nhiều lần nói về điểm này : Cv 5,31 7,55 Rm 8,34 Cl 3,1 Ep 1,20 1Cr 15,25 1Pr 3,22.

- Thư Do thái sẽ coi c.4 làm nền tảng cho lập luận rằng Đức Giêsu là vị Thượng Tế (Dt 5,6).