Bài 7

CÁC THÁNH VỊNH CẦU NGUYỆN
để SỐNG

 

Suy tư của các hiền sĩ sau thời lưu đày đã khiến xuất hiện hoặc đào sâu thêm nhiều chủ đề mới, chẳng hạn ca ngợi người công chính, ca ngợi Luật, vấn đề thưởng phạt... Những chủ đề này được thấy trong một số Thánh vịnh.

 

I. CA NGỢI NGƯỜI CÔNG CHÍNH hay là TÔN KÍNH CÁC THÁNH

Chỉ cần đọc bài ca ngợi bà chủ nhà khôn ngoan (Cn 31,10-31) hoặc bài tán dương các bậc tổ tiên (Mc 44t) thì ta cũng đủ hiểu các hiền sĩ thích những dung mạo ấy như thế nào.

Xin đọc Tv 111 : Thánh vịnh theo mẫu tự này là một bài ca ngợi Thiên Chúa. Xin đọc thêm Tv 112 (cũng có cấu trúc tương tự) bạn sẽ ngạc nhiên thấy tác giả gán cho người công chính nhiều phẩm tính của Thiên Chúa. Hoặc đọc Tv 1 hoặc 26 ("tôi rửa tay trong lòng vô tội") : trên thực tế ai mà dám đọc những Tv này ? Thưa có ! bằng 2 cách :

- Cách đơn sơ như Đức Maria ngây ngất vì kỳ công Chúa đã thực hiện trong Người "Chúa đã làm cho tôi những việc kỳ diệu". Tội không phải là nhìn nhận những điểm tốt của mình mà là không chịu thấy chúng hoặc không dùng chúng để tôn vinh Thiên Chúa.

- Cách khiêm tốn : tôi quá rõ là tôi chưa hoàn toàn để cho Chúa thực hiện ước mơ của Ngài về tôi. Như vậy đọc những Tv này tức là đặt một lý tưởng trước mặt mình, nhìn nhận mình chưa đạt tới lý tưởng ấy và xin Chúa giúp mình đạt được.

 

II. TÔN KÍNH LUẬT

Chúng ta đã đọc Tv 119 gồm tới 176 câu ca tụng Luật. Bây giờ bạn hãy đọc thêm Tv 19 nữa.

Đối với người Do thái, Luật tức là Lời Chúa, là sự khôn ngoan của Ngài (Hc 24; Br 4,1), Phaolô ban đầu nói : "Lẽ sống của đời tôi là Luật", rồi sau đó nói : "Lẽ sống của đời tôi là Đức Kitô". Không phải ông nói 2 điều, mà chỉ nói một điều thôi.

Đối với Kitô hữu, Luật không bị huỷ bỏ. Chính Đức Kitô giúp ta hiểu Luật (Lc 24,25) cho nên nó cũng là đường dẫn ta tới Ngài.

 

III. VẤN ĐỀ THƯỞNG PHẠT

"Nếu ngươi làm điều tốt thì sẽ được thưởng, còn nếu làm điều xấu thì sẽ bị phạt". Đây là một nguyên tắc rất rõ trong sách Đệ nhị luật. Thế nhưng thực tế nhiều khi không đúng như vậy. Nhiều người vì thế cho rằng phải đợi tới đời sau thì mới có công bình trọn vẹn. Nhưng phải mãi sau này Israel mới tới niềm tin vào đời sau. Còn trong khi chờ đợi, họ chỉ hiểu thưởng phạt theo cách ở đời này : thưởng là giàu có, đông con, sống lâu ; phạt là nghèo đói, khổ sở, chết yểu... Nhưng nghĩ như vậy cũng chưa ổn vì thực tế có những người ác mà được những điều tốt kể trên, còn những người lành lại bị những điều xấu kể trên. Người ta lại nghĩ tới tình liên đới : một người lành bị khổ tức là do tội của ông bà và cha mẹ người đó. Cũng vẫn không ổn : Êdêkiên (Êd 18) và Gióp, rồi Qohelet thay nhau phản kháng quan niệm trên.

Khoảng 20 Thánh vịnh cũng bàn về vấn đề hóc búa này. Trong đó ta có thể nhận ra 4 giai đoạn chính của con đường đức tin.

 

1) Bình an vô tư :

Bằng lòng với giáo thuyết cổ truyền (chẳng hạn Tv 138).

 

2) Đau khổ ngỡ ngàng :

"Nếu thật có Chúa, sao Ngài lại để cho trẻ thơ vô tội bị chết ?". Những Thánh vịnh này (chẳng hạn Tv 10 ; 94) đau đớn đặt câu hỏi mà không tìm được câu trả lời.

 

3) Bình an trong đức tin :

Nhìn cảnh sung túc của kẻ ác, ta nghĩ rằng đó không phải là điều lành đích thực. Phẩm giá con người còn khác thế. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ chiến thắng những thử thách hiện tại (Tv 49; 91; 139).

 

4) Vui mừng trong tình thương :

Tv 37 (sắp nghiên cứu dưới đây) là đỉnh cao nhất. Không cần lý luận, chỉ biết hoàn toàn phó thác và tin chắc mình được Chúa thương, do đó, dù trong hoàn cảnh nào cũng vui mừng.

 

IV. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH

1) Tv 49 : nhân loại là đàn vật trong lò sát sinh !

Cần phải đọc lại Qohelet trước khi đọc Thánh vịnh này. Cũng một giọng chán chường, mỉa mai, đánh đổ mọi ảo ảnh rẻ tiền.

Thánh vịnh này quân bình lại với những Thánh vịnh tán dương Người công chính. Nó gọi ta phải tìm phẩm giá con người ở chỗ khác hơn là thành công đời này. Vĩ đại của Qohelet chính là không chấp nhận những giải đáp giả dối cho dù ông chưa đưa ra được giải đáp nào khác. Con người đáng giá trăm nghìn lần hơn những đồ mà nó đang trang sức. Đây là một bài học khó nuốt nhưng cần thiết cho mọi tín hữu.

Lời nguyện của chúng ta : chớ vội nghĩ rằng Kitô hữu chúng ta biết nhiều hơn Thánh vịnh này, rằng chúng ta đã có câu trả lời dứt khoát. Đức Kitô khi sống kiếp làm người đã dạy ta phải tìm cho nó một ý nghĩa. Ngài đã trải qua nhiều đau khổ mà không dùng thuốc tê, Ngài mời chúng ta theo gương Ngài sống trọn kiếp làm người của chúng ta.

 

2) Thánh vịnh 93 : con luôn ở với Chúa.

Đây là lời nguyện của một tín hữu chân thành không giấu giếm sự yếu đuối của đức tin mình. Tác giả đơn sơ nhìn nhận "vấp chỉ một sợi tóc tôi cũng đủ ngã". Ông hoang mang vì đã cố gắng sống hết sức lương thiện bởi vì tin Chúa và mến Chúa. Thế nhưng kết quả là ông vẫn nghèo và bị khinh miệt đang khi những đức không tin thì cứ sung sướng phây phây. Vậy thì tiếp tục sống lương thiện làm chi ? (c.13).

Thật đau đớn, thật khó chấp nhận ! Nhưng tác giả chợt thấy mình quá dại khờ trước mặt Chúa, bởi ông hiểu rằng "con luôn ở với Chúa. Chúa nắm tay con và dẫn con đi theo chương trình của Chúa, và một ngày kia Chúa sẽ đưa con vào vinh quang của Chúa. Vậy thì con còn ước mong gì hơn nữa kia ?!".

Tới đây ta lên được tận đỉnh : tình yêu là tiếng nói cuối cùng cho dù không thốt ra, người tín hữu không có câu giải thích, nhưng yêu thương và biết mình được yêu thương. Bấy nhiêu thôi đủ giúp ta đứng vững, đủ giúp ta vui mừng.