II.   NHỮNG ĐIỀU GIO-AN ĐÃ NHÌN THẤY

        Khi đề cập tới tính cách biểu tượng của sách Khải Huyền, ngay từ đầu chúng tôi minh định là không muốn đề cập đến nội dung thị kiến của Gio-an một cách sơ sài. Gio-an là một ngôn sứ; ngài nhận một sứ điệp đích thực từ nơi Thiên Chúa. Giáo huấn của sách Khải Huyền là chân thật và là một ghi chép đúng sự thực về mạc khải Chúa cho Gio-an biết.

        Nhưng sách Khải Huyền lại là một ghi chép những mạc khải Gio-an đã nhận được trước kia và chỉ được ghi chép lại sau đó (1:9 và tiếp theo). Có lẽ Gio-an đã nhận được những mạc khải này trong khoảng thời gian khá dài. Công việc của Gio-an là dưới linh hứng của Chúa Thánh Thần, ngài sắp đặt những mạc khải ấy lại để làm thành cuốn sách và chọn lựa cách thức để diễn tả chúng. Cách thức ngài viết, như đã nói ở phần trước, là văn loại khải huyền Do-thái.

        Ngài nói với chúng ta về rất nhiều điều. Chẳng hạn ngài nói ngài đã nhìn thấy "có ai giống như Con Người" (1:13), hoặc "có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê" (4:6), hoặc "tôi thấy đứng ở giữa là một Con Chiên, trông như thể đã bị giết" (5:6), hoặc "tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa" (15:2)... Nếu đem gom lại tất cả những từ "giống như," "tựa," "như," và "trông như thể" trong cả sách Khải Huyền, ta sẽ nhận thấy chúng là một trong những đặc nét cơ yếu của sách Khải Huyền. Nói cách khác, Gio-an không nói ngài đã chính mắt nhìn thấy một người, một biển trong vắt như pha lê, hoặc một Con Chiên bị giết, nhưng là những điều được biểu tượng do những hình ảnh trên. Một nhà chú giải sách Khải Huyền đã nói rất đúng rằng trong sách này rất nhiều điều đã được tác giả suy nghĩ chứ không phải là nhìn thấy. Những hình ảnh ngài sử dụng và cũng là những gì hầu như ngài hoàn toàn vay mượn từ sách vở đã có trước kia đều nhằm diễn tả những tư tưởng đã được mạc khải của ngài.

        Đây là một sự kiện quan trọng cần phải nhớ khi đọc sách Khải Huyền. Thí dụ chúng ta lấy đoạn 5:6 và những câu tiếp theo. Gio-an đã thấy một Con Chiên đang đứng mà lại trông như thể đã bị giết. Làm sao một con chiên đã bị giết lại đứng được? Thực ra Con Chiên không hành động như chiên đã bị giết bởi vì "Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai" (c. 7). Con Chiên đó lại có bảy sừng và bảy mắt. Vậy thì chúng ta phải hiểu thế nào đây? Hiểu là Gio-an đã thực sự nhìn thấy con vật kỳ lạ như thế đang hành động sống chết trái ngược ư? Không, không thể hiểu như thế được, vì đây là những biểu tượng nói lên tư tưởng chứ không phải là những ảo giác. Con Chiên tượng trưng cho Đức Giê-su, Đấng đã chết theo nghĩa thực, tuy nhiên lại đang sống. Bảy sừng tượng trưng cho một điều, một điều rõ ràng đối với độc giả của Gio-an vì họ quen thuộc với Cựu Ước nên hiểu được ý nghĩa của số "bảy" và "sừng." Bảy mắt tượng trưng cho một điều khác; nhưng trong trường hợp này vì ý nghĩa kém rõ ràng nên Gio-an đã giải thích biểu tượng ấy cho độc giả hiểu (c. 6). Cứ như thế, chúng ta sẽ gặp từng biểu tượng và chúng ta không nên hiểu theo ý nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa biểu tượng.

Biểu tượng

        Khi Gio-an nói rằng ngài đã thấy "có ai giống như Con Người" nói những lời về bảy Hội Thánh được ghi lại trong chương 2-3 trong khi "từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén" (1:16), thì chúng ta có nên đặt câu hỏi: Người có phải lấy thanh gươm ra khỏi miệng trước khi nói hay là cứ nói trong khi miệng còn ngậm thanh gươm (nếu có thể làm được như vậy)? Rồi cũng "có ai giống như Con Người" nắm bảy ngôi sao trong tay hữu (1:16), mà tay hữu đó lại đặt trên Gio-an (1:17). Vậy Người đã phải đặt những ngôi sao xuống chứ? Và điều gì đã đột ngột xảy ra cho Người sau khi nói xong?

        Đọc Khải Huyền theo cách đó thì thật là điên khùng. Thanh gươm hai lưỡi tượng trưng cho lời Chúa là một hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước. Biểu tượng bảy ngôi sao đã được giải thích trong mạch văn. Cho nên một khi biểu tượng đã nói hết ý nghĩa rồi thì thường không còn tác dụng gì nữa.

Ý nghĩa được hiểu

        Tuy nhiên đôi khi chúng ta thấy có những giải thích sách Khải Huyền theo khuynh hướng của những người không cần biết rằng Gio-an muốn tất cả những hình ảnh này chỉ là biểu tượng, cho nên họ mới cố vẽ bức họa con chiên có bảy sừng và bảy mắt, hoặc bức họa "một Con Thú từ dưới biển đi lên; nó có mười sừng và bảy đầu; trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa" (13:1), hoặc ráng giải thích làm thế nào cuốn sách niêm bảy ấn lại mở được từng ấn một mà lại không bẻ gẫy tất cả một lúc (chương 5)... Đọc sách Khải Huyền theo lối này quả thực không đúng chút nào.

        Như chúng ta đã nói, hầu hết những biểu tượng Gio-an dùng đều lấy từ Cựu Ước. Tuy nhiên chúng ta sẽ hiểu hơn nếu đem so sánh sách Khải Huyền của ngài với những sách khải huyền Do-thái khác để thấy họ giống nhau trong những phương pháp phải theo. Các ngôi sao trong 1:16 là các thiên thần, còn trong 9:2 là một thiên thần sa ngã. Cũng vậy, trong Sách Hê-nóc các ngôi sao tượng trưng cho các thiên thần sa ngã. Văn chương khải huyền Do-thái mô tả kẻ thù của Do-thái giáo bằng hình ảnh những con thú dữ tợn thế nào, thì Gio-an cũng nói về kẻ thù của Giáo Hội như vậy, cả hai đều mượn những hình ảnh lấy từ chương 7 sách ngôn sứ Đa-ni-en. Sách Ét-ra thứ bốn hình dung Đế quốc Rô-ma như một con phượng hoàng có mười hai cánh và ba đầu. Gio-an dùng biểu tượng khác.

        Vậy biểu tượng là cốt yếu của văn loại khải huyền. Cũng như Gio-an, các sách khải huyền Do-thái khác đều lập đi lập lại việc sử dụng biểu tượng. Sách Hê-nóc viết: "Tôi tiến đến gần một ngôi nhà vĩ đại, tường nhà tựa như cẩn pha lê... mái nhà giống như giải ngân hà... nó bừng cháy như lửa và lạnh lẽo tựa tuyết băng." Rồi trong một đoạn khác, hoàn toàn giống như Gio-an: "Tôi đã thấy một vị bô lão, đầu tựa như len trắng; cùng với ngài là một nhân vật trông như laø người, nhưng hình dáng lại như một thiên sứ"...

Những con số biểu tượng

Tính cách biểu tượng của những con số là điều rất hiển nhiên trong các sách khải huyền Do-thái cũng như trong sách của Gio-an. Con số hay dùng nhất là số bảy (bảy thiên sứ, bảy thần khí, bảy ngọn núi... trong sách Hê-nóc, Chứng thư của Mười hai Tổ phuï, và Sách Ét-ra thứ bốn); số bảy mươi, cấp số nhân của số bảy, cũng rất thường dùng (chương thứ chín sách Đa-ni-en cho con số này một ý nghĩa huyền nhiệm đặc biệt). Vậy bất cứ ai đọc sách Khải Huyền cũng đều biết số bảy được sử dụng trong đó. Có bảy thư, bảy ấn, bảy chén, bảy kèn, ai cũng thấy như vậy. Nếu đọc kỹ hơn chúng ta sẽ thấy có bảy dấu chỉ (chương 12-21), bảy chúc lành trong toàn cuốn sách, và tên Chúa Ki-tô xuất hiện bảy lần. Chúng ta nên nhớ số bảy là số tròn đầy đối với Do-thái, nhưng trong Gio-an số bày lại bị tách làm hai nhóm, nhóm bốn và nhóm ba (thí dụ bốn ấn được mở trước, rồi tới ba ấn kia; bốn kèn thổi trước, rồi ba kèn sau mới thổi, v.v...). Nếu nhân hai số này với nhau, ta có số mười hai là một con số khác biểu tượng cho sự tròn đầy. Rồi tới con số mười hai là con số đẹp ứng với mười hai chi tộc Ít-ra-en.

Các sách khải huyền Do-thái sử dụng số mười hai để chỉ về các thời đại của thế giới (Sách Ét-ra thứ bốn), các thời kỳ thử thách (Hê-nóc). Còn Gio-an sử dụng con số ấy để đặc biệt nói đến tình trạng trên trời của Giáo Hội. Hai mươi bốn Kỳ Mục xuất hiện trong sách Khải Huyền tượng trưng cho những người được tuyển chọn thuộc cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Thành Giê-ru-sa-lem trên trời có mười hai cửa, được chia làm bốn nhóm ba cửa (21:12 tt), và mười hai nền móng. Kích thước đo đạc (câu 15 tt) là những cấp số nhân của số mười hai. Cũng như Gio-an, các sách khải huyền Do-thái khi thì sử dụng số ba, khi thì số bốn.

Ý nghĩa của những con số

Số bảy và mười hai tượng trưng cho sự đầy đủ và trọn vẹn, còn những khoảng thời gian hoặc nơi chốn bất định thì được biểu tượng cách khác. Con số biểu tượng "một ngàn năm" như trong Kh 20:2 là một thí dụ, và thường gặp trong những sách khải huyền Do-thái. Một biểu tượng khác được dùng trong 11:9, 12:14 (cũng xem Đn 7:25, 9:27) là nửa số bảy, hoặc "nửa thời," "bốn mươi hai tháng" (11:2), nghĩa là "một ngàn hai trăm sáu mươi ngày" (c. 3) hay ba năm rưỡi.

Nếu số bảy là con số toàn bích, thì số sáu lại là con số bất toàn, và do đó con số của Con Thú trong 13:18 tượng trưng cho sự bất toàn lớn lao nhất vì là ba lần sáu.

Vì những sách khải huyền Do-thái không thuộc về Kinh Thánh là tác phẩm của những người không được linh hứng và cũng không có đặc tính siêu việt như của Gio-an, nên chúng ta chỉ coi những sách ấy thuộc truyền thống văn chương chung mà thôi. Tất cả đều có nhiều điểm giống nhau, biết sách này có thể giúp hiểu sách khác. Theo cách này, những sách khải huyền Do-thái sẽ giúp chúng ta rất nhiều để hiểu sách Khải Huyền của Gio-an. Nếu chúng ta đã nhận là Gio-an sử dụng những biểu tượng mang ý nghĩa mà độc giả đã hiểu saün từ trước, ít nhất là trong nhiều trường hợp, thì quả thực chúng ta đã đi được nửa đường hiểu biết sách Khải Huyền rồi.

"... trên đôi cánh chim bằng"

Tuy nhiên, cũng cần xét một số tư tưởng chủ yếu được diễn tả bằng biểu tượng mà Gio-an đã mượn từ Kinh Thánh Cựu Ước.

Trong Xuất Hành 19:4, Đức Chúa nói với Ít-ra-en: "Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta." Cùng tư tưởng ấy được lập lại trong Đệ nhị luật 32:11. Vậy Gio-an 12:14 cũng lấy hình ảnh đó để nói lên sự che chở của Thiên Chúa trên It-ra-en Mới là Giáo Hội. Gio-an mô tả Giáo Hội này đã được mang vào sa mạc như Ít-ra-en khi xưa để được bảo vệ khỏi tay kẻ thù. Cũng thế, trong 21:3, khi Gio-an nói: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại," thì đó có nghĩa là nhà tạm mới trong Giáo Hội vinh hiển, tức Giáo Hội lập lại và hoàn tất nhà tạm cũ của Thiên Chúa ở với Ít-ra-en được nhắc đến trong Đệ nhị luật 26:11 t. Nhưng chỗ đúng nhất trong Cựu Ước mà Gio-an lấy ý cho hình ảnh này là sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, sách được Gio-an sử dụng nhiều nhất (37:27 t): "Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta. Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hóa Ít-ra-en, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời." Mối bận tâm nhất của Gio-an là số phận của Giáo Hội. Đó là Ít-ra-en Mới, mà như Thiên Chúa đã thề sẽ bảo vệ dân Người ngày xưa thế nào thì bây giờ Người cũng hứa bảo vệ những kẻ được Đức Ki-tô cứu chuộc như vậy. Như Ê-dê-ki-en đã tiên báo một giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại về việc Người sẽ ở cùng dân Người cho đến muôn đời, cũng thế, Gio-an thấy giao ước này được thể hiện hoàn toàn qua việc Thiên Chúa ở cùng Giáo Hội. Gio-an nói: với những lời hứa như thế, thì dù bất cứ quyền lực nào của loài người, bất cứ bách hại nào có tàn ác, cũng không thể làm chúng ta thất vọng. Giáo Hội sẽ tồn tại, không những tồn tại mà còn chiến thắng nữa. Chiến thắng của Chúa Ki-tô được bảo đảm.

Ngôn sứ Gio-an

Rõ ràng Gio-an đứng trong hàng ngũ các ngôn sứ qua nhiều ám chỉ và trích dẫn ngài đã sử dụng. "Có ai giống như Con Người" trong thị kiến mở đầu (1:13) được mô tả theo ngôn ngữ của những thị kiến trong Đa-ni-en 10:5 tt và Ê-dê-ki-en 1:26 tt. Trong Kh 10:11, sau khi nghe được những lời đã nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a (1:10) khi vị này khởi đầu sứ vụ ngôn sứ, Gio-an đã nuốt đi cuốn sách giống như Ê-dê-ki-en đã làm (2:8 tt). Như chúng ta đã thấy, sách Đa-ni-en và Ê-dê-ki-en vang vọng trong suốt sách Khải Huyền. Việc sống lại của hai chứng nhân trong 11:11 được mô tả theo từ ngữ của Ê-dê-ki-en chương 37, và 11:4 tt lập lại những gì trong Da-ca-ri-a 4:11-14 (lưu ý: câu 10b-14 được đặt ngay sau câu 6a). Còn rất nhiều những ám chỉ khác về những sách ngôn sứ trên, cho nên nếu chỉ nhấn mạnh đến một ám chỉ nào đó thì quả thực là sai.

Ba-by-lon

Một điều đáng lưu ý nhất của sách Khải Huyền là sách đặc biệt nói đến hình ảnh Ba-by-lon. Trong Khải Huyền, Ba-by-lon tượng trưng cho đế quốc ngoại giáo Rô-ma, như trong 1 Phê-rô 5:13 rõ ràng Ba-by-lon có nghĩa là Rô-ma. Đây là một liên tưởng hoàn toàn của riêng Do-thái, bởi vì từ ngày bị phát lưu tại Ba-by-lon khiến cho Ít-ra-en tan nát và hoàn toàn biến mất trên trường chính trị, Ba-by-lon đã trở thành một dấu chỉ và biểu tượng kẻ thù của dân Chúa. Khi tiên báo chắc chắn về chiến thắng sau hết của Giáo Hội trên quyền lực bạo tàn của đế quốc ngoại giáo, bài ca than khóc Ba-by-lon trong chương 17 đã trích dẫn những sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a và Ê-dê-ki-en.

Thực ra không có sách Cựu Ước nào mà Gio-an không sử dụng, nhưng ngài đã không sử dụng chỉ vì những sách ấy quen thuộc với mình. Gio-an nhận ra lời Chúa trong Cựu Ước chứa đựng những chân lý ngàn đời. Do đó khi sử dụng và áp dụng Cựu Ước cho hoàn cảnh Giáo Hội, ngài đã chứng tỏ mình xác tín về sự duy nhất của hành động Thiên Chúa qua lịch sử. Vậy những gì trước kia Thiên Chúa đã làm cho dân Người thì Người cũng sẽ làm lại như vậy cho Giáo Hội, vì đó là bản chất của Người.

Đồng thời Gio-an cũng biết có sự khác biệt lớn lao đã xảy ra trong thế giới sau khi Chúa Giê-su Ki-tô đã sống, chết và sống lại. Cựu Ước đã được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Ki-tô. Do đó, chúng ta thấy những thay đổi và thích ứng đã được Gio-an đưa vào hình ảnh Cựu Ước; những thay đổi và thích ứng ấy được ghi lại theo mạc khải mới và đầy đủ hơn của Đức Ki-tô. Gio-an nói: có một dòng liên hệ trực tiếp nối liền các thời đại Cựu Ước với Tân Ước, nhưng sự liên hệ ấy đồng thời cũng là một tiến bộ, một khai triển, hoặc một điều gì tuyệt diệu hơn.

"... như thể tiếng kèn"

Chúng ta hãy lấy một thí dụ để hiểu điều này nghĩa là gì. Trong chương 4, Gio-an kể lại thị kiến trên trời, rõ ràng được tả lại theo ngôn ngữ của chương thứ nhất sách Ê-dê-ki-en. Có một cái ngai và "có một Đấng ngự trên ngai" (c. 2), giống y như trong Ê-dê-ki-en 1:26 "trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai" (lưu ý là cả Ê-dê-ki-en cũng sử dụng từ "tựa như"). Vậy tiếng nói "như thể tiếng kèn" (c. 1) khiến chúng ta liên tưởng đến Xuất Hành 19:16 kể lại Thiên Chúa hiện ra trên núi Si-nai, và dĩ nhiên ở đây, trường hợp của Khải Huyền, đó cũng là việc Thiên Chúa hiển linh. Ngai đó trông "giống như ngọc thạch và xích não... giống như bích ngọc" (c. 3), còn trong Ê-dê-ki-en 1:26 thì "giống như đá lam ngọc." "Ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét...bảy ngọn đuốc" (c. 5) thì từa tựa như Xuất Hành 19:16 và Ê-dê-ki-en 1:27. "Cầu vồng" (c. 3) cũng gặp thấy trong Ê-dê-ki-en 1:28: "Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì vinh quang Đức Chúa cũng như vậy." Và chắc chắn Gio-an cũng muốn diễn tả cùng một điều như vậy.

Mỗi sinh vật có bốn mặt

Có những song song khác giúp chúng ta thấy rõ hơn. Gio-an kể: "Chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt" (4:6-8). Điều này rõ ràng song song với Ê-dê-ki-en 1:4-10: "... có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh... Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người đằng trước, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng đằng sau. Những "mắt" được nói đến trong Gio-an thì trong Ê-dê-ki-en lại nằm chung quanh những "vành bánh xe" đi theo bốn sinh vật (1:18). Cả Ê-dê-ki-en lẫn Gio-an đều nói đến "biển trong vắt tựa pha lê" (Kh 4:6) nâng đỡ cái ngai (Ed 1:22,26).

Như thế rõ ràng Gio-an đã chủ ý diễn tả thị kiến của ngài dựa theo thị kiến của Ê-dê-ki-en, mặc dù nhiều khi ngài đã tóm kết lại hoặc đơn giản đi nhưng vẫn giữ gần giống như vậy. Tuy nhiên cũng có một ít thay đổi đáng kể.

Thị kiến của Ê-dê-ki-en khởi sự với vinh quang Thiên Chúa ngự trong Đền thánh Giê-ru-sa-lem, dưới bóng đôi cánh Kê-ru-bim, trên ngai đặt Hòm Bia Chứng Ước. Còn Gio-an khi chủ ý móc nối thị kiến của ngài với Cựu Ước, ngài muốn nói với chúng ta là đã có sự thay đổi lớn lao rồi.

Thị kiến

Trong thị kiến của Gio-an chứ không phải trong thị kiến của Ê-dê-ki-en, có hai mươi bốn vị Kỳ Mục đầu đội triều thiên, đứng chung quanh ngai (4:10). Những vị này, theo nghĩa thông thường của sách Khải Huyền, tượng trưng cho các Thánh thuộc Cựu và Tân Ước - số biểu tượng mười hai (mười hai chi tộc, mười hai Tông Đồ...) được nhân đôi. Đây là những vị "đã chiến thắng," như đã nhắc đến trong những chương đầu của sách Khải Huyền. Những vị này tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa Gio-an và Ê-dê-ki-en. Ê-dê-ki-en viết trong sự mong đợi, còn Gio-an viết trong sự hoàn tất.

Một khác biệt lớn nữa gặp thấy khi thị kiến của Gio-an tiếp tục ở chương năm. "Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất" (5:6). Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa sứ điệp của Ê-dê-ki-en và sứ điệp của Gio-an, đó là Gio-an đã tỏ bày sứ điệp ấy nhân danh Đức Ki-tô vinh hiển trên trời.

Sách Hê-nóc

Con Chiên đã được ám chỉ về Đấng Mê-si-a, tức "Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít" (5:5). Hình ảnh Con Chiên đã được lấy từ một số nguồn Cựu Ước. Con chiên trông như thể đã bị giết là hình ảnh mượn từ lời tiên tri về Đấng Cứu Thế của ngôn sứ I-sai-a 53:7, "như chiên bị đem đi làm thịt." Nhưng con chiên này không chỉ là con chiên đã bị giết, mà còn là con chiên chiến thắng, con chiên đang đứng, có sừng, tức là có quyền lực. Hình ảnh này lấy từ Sách Hê-nóc là sách đã mô tả Đấng Mê-si-a trông như một con chiên có sừng đang dẫn dắt dân Chúa tới chiến thắng. Trong cả Sách Hê-nóc lẫn Gio-an, từ Hy-lạp "chiên" giống nhau và khác với từ "chiên" trong sách ngôn sứ I-sai-a. Như thế là Gio-an đã tổng hợp hai ý tưởng trong Cựu Ước lại để diễn tả những khổ đau của Đấng Mê-si-a và khải hoàn của Người. Hình ảnh bảy mắt của Con Chiên được mượn từ sách ngôn sứ Da-ca-ri-a là sách Gio-an đã sử dụng rất nhiều hình ảnh từ đó: "Bảy ngọn đèn kia là bảy con mắt của Đức Chúa, đang rảo khắp cõi đất" (4:10). Gio-an còn đặc biệt giải thích những con mắt ấy là "bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất." Bởi vì hiện giờ cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa không chỉ cai trị và xem xét toàn thể trái đất, nhưng Người còn hành động cách thiêng liêng hơn khi Người sai Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con đến.

Việc Gio-an đặt Con Chiên "đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục" là để cho thấy Con Chiên tuy thuộc về trời, nhưng Người lại nối liền giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chính sự chết và khải hoàn của Chúa Giê-su Ki-tô đã cho thấy khác biệt xa vời giữa Cựu Ước và Tân Ước.

Muốn đọc Gio-an, người ta phải đọc liên tục, nhất quán cho đến hết. Giáo huấn tuyệt vời của Khải Huyền là giáo lý đức tin và an ủi. Đó chính là lời tiên tri đích thực vậy.

Những truyền thống

Chúng ta chỉ có thể đọc Gio-an nếu lưu ý những sự kiện sau đây. Trước hết như chúng ta đã thấy, tác phẩm của ngài thấm nhuần những ám chỉ văn chương trong Cựu Ước, và Cựu Ước phải luôn luôn là khởi điểm khi bắt đầu giải thích sách Khải Huyền. Thứ hai, ngài viết trong một truyền thống khải huyền là truyền thống sử dụng những chủ đề quy ước qua những biểu tượng đã được cấu tạo và thừa nhận. Không nhìn nhận sự kiện này và lịch sử lúc Gio-an viết sách thì cũng giống như muốn giải thích Hiến pháp Hoa-kỳ mà không biết gì về lịch sử Hoa-kỳ. Và cuối cùng, chúng ta phải luôn luôn nhận ra những khác biệt Gio-an đã đưa vào trong những tư tưởng Cựu Ước và truyền thống trên, bởi vì những khác biệt ấy chính là cốt yếu của sứ điệp ngài muốn nói đến. Cũng như các sách Tân Ước, sách Khải Huyền không thể hiểu được nếu tách rời khỏi mạc khải của Chúa Ki-tô trong Giáo Hội.

Nếu nắm vững những sự kiện trên, chúng ta sẽ không sa vào những tin tưởng kỳ cục và bừa bãi của nhiều người đã cố tạo ra khi đọc sách Khải Huyền. Chúng ta sẽ tránh được nguy hiểm chính, đó là hiểu những hình ảnh Gio-an sử dụng theo nghĩa đen. Chúa Giê-su Ki-tô được diễn tả khi thì như Con Chiên, khi thì như Chàng Rể, khi thì như Con Người, tất cả những hình ảnh này đều có trong Cựu Ước. Nhưng đó là những biểu tượng mà thôi. Đức Ki-tô không phải thực sự là một Con Chiên, cũng thế, con số "một trăm bốn mươi bốn ngàn" trong 7:4 không phải là con số thực sự, nhưng chỉ là con số biểu tượng. Tất cả đều ám chỉ về một thực tại, thí dụ Con Chiên tượng trưng cho một thực tại, nên chúng ta đừng hiểu thực tại là chính biểu tượng ấy, mà phải hiểu thực tại là những gì biểu tượng ấy nói lên.

Một nguy hiểm chủ yếu nữa chúng ta sẽ tránh được nếu giữ những quy tắc trên, đó là muốn làm thỏa mãn tính tò mò của dân chúng bằng cách biến Khải Huyền thành một cuốn sách mộng mị về tương lai, đoán trúng về những biến cố lịch sử. Sách Khải Huyền là một lời tiên tri, nhưng việc tiên đoán hiểu theo ý nghĩa thiêng liêng chứ không phải về những điều vật chất.

Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ ứng dụng những nguyên tắc này và sẽ trình bày một tóm lược về giáo huấn của sách Khải Huyền. Để tiện lợi, chúng tôi xin chia thành ba phần, giống như các nhà chú giải Kinh Thánh thường làm. Xin nhớ là sự phân chia này chỉ là vì tiện dụng mà thôi. Tuy nhiên đối với sách của thánh Gio-an cũng như đối với văn loại khải huyền ngài đã sử dụng, việc phân chia không phải là dễ dàng. Chúng ta sẽ thấy toàn bộ của sách Khải Huyền lại ở trong từng mỗi phần của nó. Do đó việc phân chia chỉ là cách nhấn mạnh đến những điểm nào đó thôi.


Trở Về Trang Mục Lục Kinh Thánh
Trở Về Trang Nhà