VI. GIÊ-RU-SA-LEM MỚI

        Trong phần cuối cùng sách Khải Huyền, bắt đầu từ 19:11, hình ảnh tương lai Gio-an trình bày gần như hoàn toàn mang nét tươi sáng hơn, tức là cuộc khải hoàn của Chúa Ki-tô và những kẻ Người tuyển chọn.

        Thị kiến về người chiến sĩ khải hoàn (19:11-16) rõ ràng là thị kiến về Chúa Ki-tô, thủ lãnh đạo binh thiên quốc. Hình ảnh lấy từ Thánh Vịnh 2 và I-sai-a 63:1-3, cùng với những đoạn Kinh Thánh khác. Thí dụ trong Cựu Ước, sách Khôn Ngoan 18:14-16 viết: "Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể hủy của Ngài như lưỡi gươm sắc bén. Nó đứng và làm cho vũ trụ đầy chết chóc, đầu đụng trời chân đạp đất."

        Tiếp đến (cc. 17-18) là thị kiến một thiên thần đứng trên đỉnh trời và kêu gọi mọi loài chim chóc (ngày xưa chim chóc là biểu tượng cho những điềm xấu) hãy ăn thịt những kẻ thù của Thiên Chúa. Thị kiến này mượn của Ed 39:17-20. Hình ảnh ấy còn nói lên một cuộc khải hoàn chắc chắn sẽ đến. Thị kiến kết thúc với các câu 19-21, diễn tả cuộc thất bại và hình phạt đời đời dành cho mọi kẻ thù của Đức Ki-tô, tức là Con Thú và các tay sai của nó.

        Tất cả những điều trên là để giới thiệu và cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về những gì sẽ được mô tả tỉ mỉ ngay sau đó. Trước hết Gio-an viết: Xa-tan bị xích lại một ngàn năm. Và sau thời hạn một ngàn năm ấy nó phải được thả ra trong một thời gian ngắn (20:1-3).

        Thời hạn một ngàn năm có ý nghĩa gì? Đó là thời gian của Giáo Hội trên mặt đất. Trước đây chúng ta đã thấy Gio-an nói về sự hiện diện của Giáo Hội trên mặt đất là ba năm và một nửa năm, hoặc bốn mươi hai tháng, vv. Tuy nhiên, trong những trường hợp ấy ngài nói về Giáo Hội trong khía cạnh chịu bách hại, liên tục bị bao vây do Xa-tan và bầy tôi của nó. Còn ở đây ngài lại diễn tả khía cạnh khác của hình ảnh Giáo Hội. Đối với Chúa, một ngàn năm cũng tựa như là một ngày (2 Pr 3:8). Cho nên chúng ta sẽ hiểu là nếu một mặt số phận của Giáo Hội trên trần gian có phải chịu đau khổ và chiến đấu với thử thách, thì mặt khác Giáo Hội vẫn tồn tại trong một thế giới mà Xa-tan đã bị chinh phục cho dù nó có được thả ra trong một thời gian ngắn. Như vậy Gio-an có thể nói về sự tồn tại của Giáo Hội dưới cả hai hoàn cảnh bằng cách sử dụng những con số khác nhau để giúp phân biệt rõ ràng.

        Điều ấy không thể lẫn lộn được nếu chúng ta đem so sánh đoạn sách Khải Huyền này với những sách khác trong Tân Ước. Các sách ấy đều cho thấy: cuộc đời Ki-tô hữu trên trần gian này là một cuộc chiến (2 Cr 10:4), số phận của Ki-tô hữu là phải chịu bách hại (2 Tx 1:5), nhưng kẻ dữ không thể làm hại được con cái Chúa (1 Ga 5:8), Chúa Ki-tô đã vào nhà của Xa-tan và trói nói lại (Mt 12:29), Người đã dẹp tan quyền lực kẻ thù và chiến thắng khải hoàn (Cl 2:15), vv. Cuộc đời Ki-tô hữu vừa chịu đau khổ lại vừa khải hoàn, tuy khải hoàn ấy còn phải đợi chờ ngày báo tiệp, và mặc dù trên nguyên tắc Xa-tan đã bị chinh phục rồi, nhưng cuộc chinh phục ấy vẫn còn phải tiếp tục nơi tâm hồn mỗi Ki-tô hữu với sự nâng đỡ của ân sủng Đức Ki-tô. Như thế, cả hai hình ảnh ấy đều là thực, mặc dù ở đây thánh Gio-an muốn nhấn mạnh hơn đến khía cạnh tích cực.

        Cuộc phục sinh thứ nhất

        Việc giải thích đoạn trên đây được khẳng định qua hình ảnh trong các câu 4-6 nói về những người đã sống lại và hiển trị với Đức Ki-tô một ngàn năm, tức là cùng trong thời hạn đã nói trước đây. Họ là ai? Trước hết họ là các vị tử đạo, và tiếp đến là những kẻ đã không thờ lạy Con Thú, tức là những môn đệ trung thành với Đức Ki-tô. Họ được sống lại lần thứ nhất, trước những kẻ khác trong số kẻ chết. Đây chính là cuộc phục sinh mà thánh Phao-lô thường nói đến, thí dụ trong Cl 3:1: "Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa." Ki-tô hữu nào kết hiệp với Chúa Ki-tô thì đã được sống lại với Người rồi, trong khi những kẻ nào còn đang chết phần thiêng liêng thì chưa được sống lại trước khi hết một ngàn năm ấy, nghĩa là họ phải đợi cho đến hết thời hạn của Giáo Hội trên trần gian hoặc cho đến ngày phán xét chung và phục sinh sau hết. Những kẻ được sống lại lần thứ nhất do ơn thánh sẽ là tư tế của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô, như thánh Phê-rô diễn tả về cuộc sống Ki-tô hữu (1 Pr 2:9), và cái chết thứ hai không có quyền gì trên hoï. Cái chết thứ hai chính là án phạt đời đời, hiểu theo thành ngữ của Do-thái.

        Một ngàn năm

        Như thế thời gian hiển trị một ngàn năm không phải là có ý nói về ngày tận thế. Hiện thời, thời gian ấy đang tiếp tục. Nói Xa-tan bị xích lại chỉ là một cách để nói khác đi với cách nói trong 12:7-9. Những câu này nhắc đến việc Xa-tan bị tống ra khỏi trời và đi mê hoặc thế gian. Còn ở chương 20 này, Xa-tan được thả ra, tức là nó bị khống chế chứ không tự mình tung hoành được. Cả hai sự kiện đều là thực.

        Cuối thời hạn một ngàn năm, nghĩa là khi Giáo Hội đã hoàn tất vai trò của mình trên trần gian, thì lại có một cuộc chiến lớn giữa Đức Ki-tô và các thuộc hạ của Xa-tan, tức các quyền lực của thế gian (cc. 7-8). Ở đây chúng có tên là Gốc và Ma-gốc, như đã thấy trong Ê-dê-ki-en 38 tt. Chúng sẽ bị đánh bại (c. 9) và Xa-tan sẽ bị giải về hỏa ngục (c. 10) là nơi hai Con Thú đã bị quăng vào trước (19:20). Đối với Gio-an, vì hai Con Thú biểu tượng cho đế quốc Rô-ma và ngoại giáo, nên ngài bảo chúng ta rằng quyền lực của Xa-tan còn bền bỉ và tồn tại lâu hơn hai quyền lực kia.

        Sau đó là cuộc phục sinh của mọi người (cuộc phục sinh lần thứ hai) và phán xét chung (cc. 11-15).

        Tiếp theo sự kiện này, sách Khải Huyền mở ra một thị kiến về Giê-ru-sa-lem trên trời, tức là tình trạng vinh hiển và vĩnh cửu của những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn. Theo ngôn từ của các ngôn sứ, điều này tuy được gọi là trời mới đất mới (thí dụ Is 65:17), nhưng rõ ràng đó là quê trời. Gio-an căn cứ vào nguồn Cựu Ước, cho nên ngài diễn tả tình trạng vinh hiển sau hết bằng những từ ngữ quen thuộc đối với Cựu Ước, nhất là đối với các ngôn sứ vì các ngài đã coi việc Chúa tái tạo như là một cuộc tạo dựng mới, một đất mới, một Giê-ru-sa-lem mới và một Đền Thờ mới. Tuy nhiên viễn tượng của Gio-an còn nhìn xa hơn Cựu Ước. Ngài sử dụng ngôn ngữ của Cựu Ước, nhưng Giê-ru-sa-lem mà ngài mô tả còn là "Giê-ru-sa-lem thượng giới, mẹ chúng ta" (Gl 4:26).

        Giáo Hội vinh hiển

        Giê-ru-sa-lem trên trời (21:1-8), nơi cư ngụ của những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn và cũng là nơi không chứa chấp những kẻ tội lỗi ngoan cố với số phận bị tống vào hỏa ngục, còn được gọi là Hiền Thê của Con Chiên (cc. 9-21), mượn ngôn ngữ của Ed 40 và 48, Is 54 và 60, và những nguồn khác. Ở đây, con số mười hai, tức con số tròn đầy của thiên quốc, được sử dụng thường xuyên. Giáo Hội đã phải chiến đấu dưới đất nay là Giáo Hội vinh hiển.

        Tính chất thiêng liêng được nhấn mạnh trong đoạn 21:22-22:5. Trong thành, không có Đền Thơø, vì không cần phải có một hình thức tôn giáo nữa khi người ta đã hoàn toàn chiếm hữu được Chúa rồi. Giờ đây hầu hết các hình ảnh trong đoạn văn này đều quen thuộc với chúng ta. Trong những câu đầu chương 22, mô tả phản ảnh những gì được nói trong sách Sáng Thế chương hai về câu truyện con người sống trong ân nghĩa với Chúa thuở ban đầu.

        Chúc lành cho người công chính

        Thực ra đây là kết thúc sách Khải Huyền. Một lần nữa Gio-an lập lại lý do tại sao ngài viết sách Khải Huyền (cc. 6-11). Ngài không được niêm phong những sấm ngôn này (c. 10) vì thời giờ đã gần đến. Những lời mạc khải này được áp dụng cho hiện thời và tại đây, rồi những gì đã được nói tiên tri chắc chắn sẽ ứng nghiệm nơi mọi kẻ gian ác hiện nay và phần thưởng sẽ dành cho mọi kẻ công chính (c. 11). Lời Chúa Ki-tô đã khẳng định như vậy (cc. 12-13) và trong tinh thần công minh ấy của Chúa Ki-tô, lần cuối cùng kẻ công chính được chúc lành (c. 14) và kẻ gian ác bị cảnh cáo (c. 15). Sách Khải Huyền kết thúc với lời chứng của Chúa Giê-su và của ông Gio-an (cc. 16-21).

        Như thế, qua suốt sách Khải Huyền, vì người đời và vua chúa quan quyền thế gian này đã sống như kẻ thù của Đức Ki-tô, nên cuộc khải hoàn và tái lập sau hết đã được diễn tả như cuộc kiến tạo một thế giới mới, hay một cuộc tạo dựng mới. Cũng vì vậy, Gio-an đã mượn những chi tiết vinh hiển, tưng bừng trong Ê-dê-ki-en khi ngôn sứ mô tả về cuộc tạo dựng mới, để làm nổi bật những ghi nhận cuối cùng của ngài về thị kiến đầy hy vọng và an ủi này.

        Rõ ràng chúng ta chỉ có thể lướt qua những tư tưởng và ý nghĩa của sách Khải Huyền thôi. Chúng tôi đã cố gắng giúp quý vị hiểu tại sao sách Khải Huyền đã được viết, và người ta phải giải thích sách theo những đường hướng nào. Nói về những giải thích thì nhiều khi có khác biệt ý kiến về những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng ngày nay vẫn có rất nhiều tương đồng giữa những người nghiên cứu Kinh Thánh. Ít ra những nguyên tắc để giải thích đã được đề ra và được chấp nhận.

        Nếu độc giả đọc lại ít trang đầu của tập sách nhỏ này, trong đó những nguyên tắc này đã được giải thích, thì sẽ rất ích lợi cho họ vì họ thấy chúng đã được áp dụng như thế nào và họ sẽ hiểu rõ chúng hơn. Hiểu được những nguyên tắc này cũng giúp chúng ta nhận ra sứ điệp sách Khải Huyền có ý nghĩa gì đối với Ki-tô hữu thời nay cũng như với Ki-tô hữu thời Gio-an, cho dù văn loại và hình thức có hoàn toàn xa lạ với người đang sống thời đại hôm nay. Nếu chúng tôi chẳng giúp được gì hơn là nhấn mạnh với độc giả về điểm này, thì kể như chúng tôi cũng đã hoàn tất được rất nhiều rồi. Chúng tôi ước mong nếu tập sách nhỏ này giúp cho những người chỉ muốn tò mò đi tìm kiếm và những người cuồng tín được thay đổi và biết nhận ra vai trò đích thực của sách Khải Huyền là sách mang lại niềm vui và hy vọng Ki-tô giáo, thì đó đã là một thắng lợi cho chính nghĩa chân lý và đời sống Ki-tô rồi vậy.

Hết


Trở Về Trang Mục Lục Kinh Thánh | Trở Về Trang Nhà
Trở Về Trang Nhà