PARAKLETOS, HỒNG ÂN THÁNH THẦN

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu “Thánh Thần là Hồng ân” theo bài trình bày

 của ĐC Giuse Võ Đức Minh.

 

A.HƯỚNG THẦN HỌC CỦA GIOAN


Trong Tân Ước, hai thánh Gioan và Phaolô đề cập nhiều đến Chúa Thánh Thần với cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau.

Thánh Phaolô nhìn vào đời sống cụ thể của các tín hữu, nhờ việc sống mầu nhiệm Phục Sinh và khám phá ra hoạt động của Chúa Thánh Thần được xem như hồn của Hội Thánh. Khoa Thánh-Linh-học theo Thánh Phaolô quy chiếu về Hội Thánh. Thánh Thần là sức mạnh cho mọi hoạt động trong và của Hội Thánh.

Thánh Gioan chiêm ngắm Chúa Thánh Thần trong tương quan với con người và giáo huấn của Đức Giêsu, nghĩa là trong tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con ("Ai thấy Ta thì đã thấy Cha", Ga 14, 9 ). Khoa Thánh-Linh-học của Thánh Gioan vì thế, quy chiếu về Đức Kitô. Các học giả nghiên cứu về Thánh Gioan sau này thường nhấn mạnh đến cách diển tả liên quan đến từ ngữ: Lời - Hơi Thở. Bultmann đã có công khai sáng cho hướng đi này. Ông nói : "Thánh Thần là Sức Mạnh để thông hiểu Lời Chúa cho cộng đoàn, cũng là sức mạnh cho mọi lời rao giảng Lời Chúa trong cộng đoàn".

Cha Ignace de la Potterie SJ (+) , một giáo sư và là bậc thầy nổi tiếng ở Học Viện Kinh thánh Roma, người đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về vai trò của Chúa Thánh Thần trong tương quan với mầu nhiệm của Sự Thật trong Phúc âm theo Thánh Gioan (= Mạc Khải của Thiên Chúa) đã nói : "Sứ mạng của Chúa Thánh Thần hệ tại việc nội tâm hóa Lời của Đức Giêsu và qua đó giúp các tín hữu am tường Lời Chúa".


B. TỪ NGỮ LIÊN QUAN ĐẾN PNEUMA

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, ngoại trừ hai trường hợp từ ngữ Pneuma được dùng trong liên hệ với tâm thần (# psykhê) của con người, các trường hợp khác, Pneuma được dùng để chỉ Thánh Thần, Thần Khí Sự Thật.

Thường có hai động từ đi kèm từ ngữ Pneuma, đó là: ban cho  ( didonai ) và lĩnh nhận (lambanein) : "Vì kẻ Thiên Chúa sai, thì nói được Lời của Thiên Chúa, bởi không phải theo lường hạn mà Ngài ban Thần khí (Pneuma) cho " (didonai - Ga 3, 34); " Điều ấy, Ngài nói về Thần Khí (Pneuma) các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí  chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh " (lambanein-  Ga 7, 39) ; "Và Ta sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các ngươi luôn mãi ", Ga 14, 16) ; " Nói thế rối, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ : "Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho  ai, thì tội họ được tha ; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ ! " (Ga. 20, 22-23). Nhờ hai động từ " ban cho " và " lĩnh nhận ", Thánh Gioan cho chúng ta hiểu rõ : Thánh Thần chính là Hồng ân của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta và chúng ta lĩnh nhận Thánh Thần như món quà quý báu trực tiếp từ Thiên Chúa.

Ngoài ra, từ ngữ Pneuma còn gắn liền với hai động từ : gửi đến hay sai đến (pempein, apostelein)."Đấng Bầu Chữa khác, Thánh Thần Cha sẽ sai đến (pempein)  nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta nói với các ngươi" (Ga 14, 26) ; "Khi Đấng Bầu Chữa khác đến, Đấng Ta sẽ gửi đến (pempein ) từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta" (Ga 15, 26). Hai động từ "gửi đến " hoặc "sai đến " gắn liền với việc ban Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu dụng ý của Thánh Gioan muốn diễn tả sự đồng nhất giữa Đấng sai đến và Đấng được sai đến. Qua đó mầu nhiệm hiệp thông được sáng tỏ. Lãnh nhận Thánh Thần cũng là lãnh nhận Chúa Cha và Chúa Con. Khởi điểm của Đấng được sai đến là vâng phục Đấng sai mình.


C. HỔNG ÂN THÁNH THẦN


1.Tại Gò Sọ (Golgotha, Ga 19, 30. 34)

Nơi thập giá Chúa Giêsu, "mọi sự đã hoàn tất" (têlêlestai) [xt. Ga 13, 1 : Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian để đến cùng Cha, (Ngài) đã yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng (eis têlos)]. Đây là đỉnh cao sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài đã hoàn tất sứ mạng cách tuyệt hảo, hầu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại (x. Ga 4, 32-34 ; 5, 30). Tại đây cũng gợi lên chủ đề "Giờ":  Giờ Đức Giêsu rời bỏ thế gian về cùng Chúa Cha; Giờ chết và được tôn vinh. Chính vào lúc này, Thánh Gioan ghi lại : "Ngài phó thác Thần Khí (Pneuma) ". Khác hẳn với các tác giả Nhất Lãm khi nói về giờ phút cuối của Chúa Giêsu ["Ngài trút linh hồn" (Mt 27, 50) hay "Ngài tắt thở" (Mc 15, 37 ; Lc 23, 46)].

Pneuma chính là hơi thở. Hơi thở này gắn liền với Đức Giêsu. Trước hết, trong phép rửa ở sông Giođan (Ga 1, 32t) : Thần Khí như chim câu đáp xuống và lưu lại trên Đức Giêsu. Giờ đây, tại Gò Sọ, với động từ paradidonai diễn tả sự thông ban, Đức Giêsu "gục đầu xuống"  trong thái độ vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối, "Ngài phó thác Thần Khí" . Những người đầu tiên được hưởng hồng ân này là các phụ nữ (Đức Maria, bà Maria vợ của Klôpa và Maria người Magđala) và người môn đệ Chúa yêu (Ga 19, 25-26).

Trong cái nhìn của Thánh Gioan, khổ nạn cũng là vinh thăng cùng với việc trao ban hơi thở (Pneuma = Thánh Thần), làm thành một tổng thể duy nhất trong Giờ của Chúa Giêsu.

Tường thuật cuộc khổ nạn được tiếp nối với lời chứng long trọng khi chiêm ngắm cạnh sườn của Đấng bị đâm thâu, gợi lên hình ảnh Chiên Vượt Qua bị sát tế. Thánh Gioan nhấn mạnh "có máu và nước chảy ra" (Ga 19, 34) để làm chứng Đức Giêsu đã chết thật, đồng thời bày tỏ hiệu quả cái chết của Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1, 29). Máu diễn tả cái chết, Nước diễn tả hậu quả ơn cứu độ mà cái chết của Ngài đem lại : đó là việc thông ban Thánh Thần.

Đức Giêsu không chỉ là Chiên Thiên Chúa, Ngài còn là Tảng Đá xây dựng Đền Thờ (x. Ga 2, 21). Thân thể Đức Giêsu trở nên nguồn suối sống động tuôn chảy Thánh Thần, đem lại ơn hoán cải cho con người (x. Ga 7, 38-39). Trong thư của mình, Thánh Gioan  cũng có nói đến nước và máu : " Chính Ngài là Đấng đã đến nhờ nước và máu : Đức Giêsu Kitô, không chỉ với nước mà thôi, nhưng là với nước và máu ! Và Thần Khí là chứng nhân, vì Thần Khí là sự thật ..." (1 Ga 5, 6-7), chúng ta phải hiểu là tại đây đã hình thành tổ chức Hội Thánh.


2.
Tại Nhà Tiệc Ly (Ga 20, 22)

Đức Kitô Phục Sinh hiện ra vào " ngày thứ nhất trong tuần" gợi lên cuộc tạo dựng mới. Cửa Nhà Tiệc Ly, nơi các môn đệ ở, đều đóng kín (Ga 20, 19), nhưng Đức Kitô Phục sinh đã xuất hiện ở giữa họ, để diễn tả sự tự do của Đấng Phục Sinh. Ngài đã chiến thắng sự chết và không còn bị thời gian và không gian cầm giữ.

Đến với các môn đệ Ngài nói "Bình an cho các ngươi !", và các môn đệ đều mừng rỡ. Bình an gợi lại điều Chúa Giêsu hứa ban : "Ta để lại bình an cho các ngươi ; Ta ban bình an của Ta cho các ngươi ; không phải thế gian ban cho thế nào, thì Ta cũng ban cho như vậy đâu ! Lòng các ngươi chớ xao xuyến, chớ nhát đảm" (Ga 14, 27) và niềm vui liên quan đến hồng ân các môn đệ lãnh nhận : "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : Các ngươi sẽ khóc, sẽ than ; còn thế gian sẽ mừng rỡ ; các ngươi sẽ phải ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui ………. " (xt. Ga 16, 20 tt).

Trong bối cảnh này, Thánh Gioan còn lưu ý đến thương tích của Đấng đã chịu tử nạn để diễn tả nguồn ơn Thánh Thần đã được trao ban từ cái chết của Ngài, mà các thương tích đó là dấu chỉ : "Nói thế rồi, Ngài cho họ thấy tay và cạnh sườn Ngài………….. Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta ; hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta và đừng ở như ngươi cứng tin, mà như là người thành tín"  (Ga 20, 20. 27).

Mạch văn nầy nêu lên ba sự kiện : sai đi truyền giáo, hồng ân Thánh Thần và việc tha tội.

a. "Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi" (Ga 20, 21). Khi đối chiếu với lời "Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai chúng đến trong thế gian" (Ga 17, 18) chúng ta khám phá ra sự hiệp nhất giữa Chúa Con với Chúa Cha và sứ mạng tiếp nối của các môn đệ ; ngoài ra mệnh lệnh nầy còn diễn tả nguyên nhân và hiệu quả của việc sai đi : do việc Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con cũng sai các môn đệ. Khi nói lên mối tương quan này, Chúa Giêsu cho các môn đệ được thông phần sự sống mà Ngài có cùng với Chúa Cha, được thông hiểu, tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa và chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu, sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha.

b. "Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ : Hãy chịu lấy Thánh Thần !" (Ga 20, 22). Thổi hơi gợi lại câu chuyện về tạo dựng ban đầu : "[Giavê] Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành mạng sống " (St 2, 7) và lời tiên báo việc tái tạo Dân Chúa : "Hãy tuyên sấm cho Thần khí ! Hãy tuyên sấm, hỡi con người và nói với Thần khí : Đức Chúa Giavê phán thế nầy : Từ bốn luồng gió, Thần khí hỡi, hãy đến ; hãy thổi vào các tử thi nầy, để chúng được sống" (Ed 37, 9). Hơi thở (Pneuma) của Đức Kitô Phục sinh chính là việc trao ban Thánh Thần; và việc Ngài thổi hơi trên các môn đệ là cách diển tả Ngài thực hiện cuộc tạo dựng mới.

c. "Các ngươi tha tội cho ai thì tội họ được tha ; các ngươi cầm giữ tội ai thì tội họ bị cầm giữ" (Ga 20, 23). Tội ở đây được dùng ở số nhiều, khác với cách Thánh Gioan thường dùng để nói đến tội không tin. Như vậy Hội Thánh có quyền tha mọi tội. Chúa Giêsu quả thật là Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian như Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu. Giờ đây Ngài trao cho các môn đệ quyền này để họ tiếp nối sứ mạng cứu thế, và Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ thực hiện sứ mệnh này ...

                                                                  

Gm Giuse Võ Đức Minh

 

nguồn ỦY BAN KINH THÁNH – HĐGMVN

http://kinhthanhvn.org

 


Tr Ve Trang Muc Luc Kinh Thanh