Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 2

 

 

Câu đầu tiên

 

 

          Mỗi câu truyện có một đầu đề, hoặc viết ra hoặc hiểu ngầm. Thường chúng ta biết một câu truyện nhờ đầu đề ấy, thí dụ truyện Cô bé lọ lem hay Alice in the Wonderland. Hoặc chúng ta bắt đầu những câu truyện riêng tư, với một đầu đề hiểu ngầm: “Không biết tôi đã nói với anh câu truyện ngày xe tôi bị chết máy trên xa lộ chưa nhỉ?” Ðầu đề câu truyện cố gắng lồng trong mấy lời để cho thấy sơ lược câu truyện. Một đầu đề câu truyện nói lên câu truyện ấy phải có đầu có cuối. Dù nhiều người chúng ta hiểu câu truyện của Mác-cô là “Tin Mừng theo thánh Mác-cô,” hoặc “Tin Mừng Mác-cô,” nhưng các học giả Kinh Thánh thì tin rằng đầu đề thực sự của Tin Mừng Mác-cô được trình bày ngay trong câu đầu tiên của chương 1.

 

 

Khám phá

 

Theo bản dịch chúng tôi đang sử dụng, Mác-cô 1:1 là:

 

                   “Ðây khởi đầu Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.”

 

Vậy trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết bạn hiểu thế nào về mỗi từ trong đầu đề của Tin Mừng Mác-cô:

 

1) Ðây                                                         2) khởi đầu

 

 

 

 

 

3) Tin Mừng                                        4) Ðức Giê-su

 

 

 

 

 

5) Ki-tô                                              6) Con Thiên Chúa

 

 

 

 

 

Những điều khám phá: Những từ chủ yếu trong câu đầu tiên

 

Sau đây là liệt kê sáu từ chủ yếu trong đầu đề Tin Mừng Mác-cô.  (Lưu ý đây là một bản dịch chúng ta sử dụng.  Bản dịch nguyên thủy bằng Hy-ngữ không có động từ khởi đầu và trạng từ đây.)

 

Ðây.  Ðược sử dụng như một trạng từ có nghĩa “tại nơi đây” hoặc “trong lúc này” hoặc “trong thế giới này.”  Mác-cô làm cho bạn chú ý đến từ đây khi muốn cho bạn biết rằng câu truyện ngài kể bắt đầu vào lúc này và tại thế giới này.

 

Khởi đầu.  Thì hiện tại của động từ diễn tả tính cách cấp thời của hành động.  Không phải trong quá khứ (“đã khởi đầu”), cũng không phải trong tương lai (“sẽ khởi đầu”), nhưng là hiện lúc này.  Sử dụng thì hiện tại là kỹ thuật thường dùng của Mác-cô.  Có tất cả 151 lần sử dụng trong sách Tin Mừng, khiến bạn có cảm tưởng mình đang ở trong chính câu truyện và cảm nghiệm một sự hối thúc hoặc “không kịp thở” tựa như chạy đua.

 

Tin Mừng.  Từ Tin Mừng hoặc “Phúc Âm” hiểu theo ý nghĩa trần thế là một điều gì đem lại niềm vui.  Thí dụ: ngày sinh nhật của hoàng đế Augustô đã được công bố như là khởi đầu cho năm mới và như là “tin mừng” cho toàn thế giới.

          Trong Kinh Thánh Do-thái (Cựu Ước), ý nghĩa của “tin mừng” là khi một sứ giả loan báo sự cứu thoát Ít-ra-en khỏi cuộc lưu đày.  Thí dụ trong Is 52:7-10.  Mặc dù chính từ tin mừng không gặp trong đoạn Kinh Thánh này, nhưng nội dung thì đúng là một “tin mừng” được công bố:

                   “Ðẹp thay trên đồi núi

                   bước chân người loan báo tin vui, công bố bình an,

                   người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ

                   và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị!”

 

Trong Mác-cô, từ tin mừng (Hy-ngữ là evangelion) chỉ về Tin Mừng do Ðức Giê-su rao giảng, đó là Nước Thiên Chúa tới gần.

 

Ðức Giê-su.  Ðây là tên riêng của Ðức Giê-su hơn là danh hiệu của Ngài.  Cũng như tên của chúng ta thường mang một ý nghĩa nào đó, thì tên Giê-su có nghĩa là “đấng cứu thế” hoặc “sự cứu chuộc ở đây” hoặc đúng hơn nữa là “Ðức Chúa cứu thoát.”

 

Ki-tô.  Ðây là danh hiệu thường đi với tên riêng Giê-su.  Ki-tô có nghĩa là “đấng được xức dầu.”

 

Con Thiên Chúa.  Thoáng đọc danh hiệu này, chúng ta hiểu Ðức Giê-su là người con của Chúa Cha theo ý nghĩa sinh học.  Vấn nạn về từ ngữ này ngầm hiểu rằng Chúa Cha có trước và trong khoảng thời gian hoặc lịch sử nào đó Chúa Con mới được tạo dựng. Nhưng niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng cả Chúa Cha lẫn Chúa Con (và Chúa Thánh Thần) đều đã có, đang có và sẽ có.

          “Con Thiên Chúa” cũng có thể có nhiều ý nghĩa.  Mác-cô chọn một ý nghĩa đặc biệt: sử dụng từ này làm đầu đề sách Tin Mừng, Mác-cô muốn chọn ý nghĩa biểu lộ đức tin.  Từ này tuyên xưng niềm tin rằng Ðức Giê-su liên hệ với Thiên Chúa một cách độc đáo, hoàn toàn hòa nhập vào Thiên Chúa và thi hành công việc của Thiên Chúa.  Qua tất cả sách Tin Mừng, chủ ý của Mác-cô là muốn làm sáng tỏ danh hiệu này cũng như mối liên hệ giữa Ðức Giê-su với Thiên Chúa. Vì hai danh hiệu – Con Thiên ChúaCon Người – rất quan trọng đối với Tin Mừng Mác-cô, nên bạn sẽ có dịp bàn tới trong một Hành trình khác.

 

          Cách Mác-cô sử dụng những danh hiệu khác nhau để chỉ về Ðức Giê-su ngay trong phần khởi đầu sách Tin Mừng cho thấy Ðức Giê-su là ai đối với Mác-cô và độc giả của ngài.  Ðức Giê-su là đấng cứu thế, đấng được xức dầu và một đấng như Thiên Chúa.  Thật rõ ràng Mác-cô muốn giới thiệu với chúng ta Ki-tô học của ngài, nghĩa là một tiểu luận về Ðức Giê-su Ki-tô là ai đối với Mác-cô và cộng đoàn của ngài.

 

 

Ôn lại

 

          Trong Hành trình 2, bạn đã khám phá:

 

·         Mác-cô 1:1 là đầu đề của sách Tin Mừng.

·         Tin Mừng có nghĩa là “tin vui.

·         Tin Mừng Mác-cô đặt người đọc vào biến cố đang diễn tiến.

·         Từ Ðức Giê-su, Ki-tôCon Thiên Chúa cho thấy Mác-cô hiểu

Ðức Giê-su là ai đối với ngài và với cộng đoàn của ngài.

 

 

Sách đọc thêm

 

Flanagan, Neal. Mark, Matthew, and Luke: A Guide to the Gospel Parallels.

          Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1978.

 

Spivey, Robert & D. Moody Smith. Anatomy of the New Testament: A Guide to Its

Structure and Meaning, 3rd ed. New York: Macmillan Publishing Co., 1982.

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà