Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 13

 

 

 

Đường Thánh giá

 

         

Những học hỏi này cho bạn cơ hội suy nghĩ trong tinh thần cầu nguyện về tầm quan trọng của Tin Mừng Mác-cô.  Hành trình 3 và Hành trình 9 đã giới thiệu hai kỹ thuật giúp suy niệm Tin Mừng.  Phần đầu của Hành trình này giúp bạn thêm một phương pháp nữa, có tên là “Đọc và Nghĩ để Suy niệm.”

 

          Có nhiều cách đọc.  Tùy theo chủ ý, người ta có thể đọc thoáng qua một bài để tìm nội dung của một trang hay một đoạn, hoặc cẩn thận đọc đi đọc lại để hoàn toàn hiểu được tác giả muốn nói gì.  Đọc và nghĩ để suy niệm sử dụng những kỹ thuật cổ võ độc giả hãy phối hợp cả những khả năng về hiểu biết lẫn sự trưởng thành về thiêng liêng.  Mục đích của phương pháp là đưa người đọc đi vào sứ điệp.  Kinh Thánh dùng hình ảnh “ăn” để nói rằng bạn phải nhận ra sự ngọt ngào của Lời Chúa tựa như nếm thức ăn và để cho Lời Chúa trở thành một phần của đời sống bạn.  Vậy giờ đây không phải chỉ là đọc về Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su do Mác-cô kể lại nữa, nhưng là tìm cách kết hiệp với những gì bạn đọc.

 

          Kỹ thuật đọc và suy nghĩ không nhiều, nhưng rất uyển chuyển.

 

          -  Bạn hãy tìm một chỗ “tạm gọi là yên lặng” đủ cho bạn được thoải mái.  Càng yên lặng càng tốt.  Mỗi người có cách nhận thức về yên lặng.  Nhiều người thích ngoài trời cho dễ đọc và nghĩ để suy niệm.  Người khác lại có thể đọc và nghĩ tại phi trường, văn phòng bác sĩ hoặc trên xe điện.  Phần đông chúng ta thích đọc ở nhà.  Chọn lựa nơi chốn tùy thuộc bạn và khả năng tránh được chia trí của bạn.

 

          -  Khi đã chọn nơi chốn rồi, bạn hãy làm sao để tăng thêm bầu khí suy niệm.  Tùy theo chỗ, bạn có thể để sách Kinh Thánh cao lên, trang hoàng bằng hoa nến... để giúp mình nhớ Chúa đang hiện diện.  Ở những nơi bận rộn hơn, bạn chỉ cần để sách trên lòng.

 

          -  Hãy chọn đoạn Kinh Thánh.  Để tập luyện trong Hành trình này, bạn hãy đọc Mác-cô 14-15.  Trong khi đọc chậm chậm, bạn hãy máy môi.  Động tác này sẽ làm cho việc đọc chậm bớt lại và để bạn có thì giờ chú tâm vào bài đọc.

 

          -  Đừng nóng ruột sợ mình không đọc hết được.  Bạn có thể dừng lại ngay sau dòng đầu hoặc dùng trọn thì giờ để suy nghĩ về một lời, một tư tưởng hay một hình ảnh.

 

          -  Thời giờ để đọc và suy nghĩ tùy theo mỗi người.  Tuy nhiên, phải chia thời giờ làm hai hoặc ba phần.  Nếu bạn đọc và suy nghĩ một mình, bạn có thể chia thời giờ làm hai khoảng bằng nhau.  Nếu là tập sinh, bạn có 10 phút đọc và 10 phút để viết.  Đối với nhóm nhỏ có thể thêm phần thứ ba để chia sẻ.

 

          -  Sau khi suy niệm về đoạn Kinh Thánh, bạn bắt đầu viết.  Hãy để cho ngòi bút tự do.  Dù có viết hơi kỳ cục thì cũng không sao, vì mục đích viết không phải để “suy nghĩ” về những gì đang viết, mà là để cho những gì bạn đang viết được trào ra từ đáy lòng.  Bạn có thể viết bằng thơ, bài ca hoặc chỉ là những dàn bài.

 

          -  Khi việc tập luyện được áp dụng cho một nhóm, thì việc chia sẻ là tùy tâm.  Những ai tham dự được tự do chia sẻ tất cả những gì họ viết, hoặc một phần nào đó của bài đọc.  Không ai bị bắt ép phải chia sẻ, vì đó là những gì riêng tư, linh thiêng và đặc biệt.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mác-cô 14-15. 

Hãy dùng khoảng trống dưới đây để viết lại những suy nghĩ của bạn.

 

......................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Khám phá

 

Bây giờ chúng ta sẽ xét tới những đoạn cốt yếu trong trình thuật Thương Khó theo Mác-cô.  Phần sau đây của bài tập sẽ chuyển từ việc đọc và nghĩ bước sang thảo luận về những yếu tố chính trong trình thuật.

 

Bạn hãy đọc Mác-cô 14:3-9. 

Hãy tóm tắt biến cố trong một hoặc hai câu.

 

......................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Hai yếu tố quan trọng để nhìn lại đoạn này là hành động của người phụ nữ và những lời của Đức Giê-su.

 

          1)  Hành động:  Người phụ nữ, không biết tên là gì, đến và xức dầu cho Đức Giê-su.  Có sự chống đối (cứ coi như là do các môn đệ) tại sao lại phí phạm thứ dầu thơm đắt tiền bằng với số lương một năm của công nhân.  Động lực khiến người phụ nữ hành động là do lòng yêu mến.  Kinh Thánh không nói gì khác về ý định của cô ngoài “Điều gì làm được thì cô đã làm” (14:8).  Rồi khi hành động đã xong, cô không bao giờ được nhắc tới nữa, mặc dù cô sẽ được nhớ tới “trong khắp thiên hạ” mỗi khi Tin Mừng được rao giảng.  Việc xức dầu này nằm trong truyền thống xức dầu đã có trong Cựu Ước.

 

Bạn hãy đọc 2 Vua 9:1-13.

 

Đoạn Cựu Ước này liên hệ với đoạn của Mác-cô.  Ngôn sứ Ê-li-sa xức dầu cho Giê-hu làm “vua Ít-ra-en” đối xứng với việc người phụ nữ xức dầu cho Đức Giê-su làm Vua Ít-ra-en.

 

2)  Những lời nói của Đức Giê-su:  Yếu tố chính thứ nhì là phản ứng của Đức Giê-su trước hành vi yêu mến này.  Ngài chỉ trích những người thắc mắc về việc xức dầu với cùng một sắc thái giống như Ngài đã trách các môn đệ ngăn cấm trẻ em đến với Ngài (Mác-cô 10:14).  Đối với Đức Giê-su, đây là lúc có ý nghĩa vì Ngài liên kết việc xức dầu với cái chết của mình.  “Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14:8b).

 

Đức Giê-su lãnh nhận việc xức dầu dành cho một ông vua, nhưng Ngài lại móc nối việc xức dầu này với một vị vua sẽ chịu đau khổ và chịu chết.  Mác-cô không ngừng đề cao chủ đề Người Tôi tớ chịu đau khổ trong sách Tin Mừng của ngài.  Giống như Phê-rô đã không ý thức được câu nói của mình trong 8:29, người phụ nữ cũng không ý thức được tầm quan trọng hành động của cô.  Đức Giê-su lại giải thích Ngài là Đấng Cứu Thế-Vua đã được tuyên xưng qua lời nói của Phê-rô và hành động của người phụ nữ, nhưng một Đấng Cứu Thế-Vua cũng là Người Tôi tớ Đau khổ nữa.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mác-cô 14:12-26.

 

 

Những điều khám phá

 

Ba cảnh được mô tả trong trình thuật này là chuẩn bị lễ Vượt qua, Giu-đa phản bội và Bữa Tiệc ly.

 

Cảnh một:  Chuẩn bị

 

          Mác-cô ghi thời gian xảy ra biến cố này vào “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt qua” (14:12).  Nhưng Mác-cô ghi ngày tháng không chính xác, vì ngày thứ nhất tuần Bánh Không Men là ngày 15 tháng Nisan;  theo lịch Do-thái, chiên được sát tế vào ngày 14 tháng Nisan.  Lý do Mác-cô ghi ngày tháng như thế mang tính cách thần học hơn là lịch sử.  Ngài muốn móc nối Bữa Tiệc ly của Đức Giê-su với bữa ăn Vượt qua (14:14) và chứng tỏ Đức Giê-su đã biết trước những biến cố sắp xảy đến khi các môn đệ “thấy mọi sự y như Người đã nói” (14:16).

 

          Việc Mác-cô ghi  sai ngày tháng vào ngày thứ nhất tuần Bánh Không Men lại cho chúng ta thêm một cái nhìn khác trong việc học hỏi Kinh Thánh.  Sách Tin Mừng là lịch sử đức tin hơn là lịch sử thế tục.  Lịch sử thế tục để ý tới ngày tháng và sự kiện chính xác, còn lịch sử đức tin thì nhấn mạnh đến ý nghĩa thần học.  Việc Mác-cô liên kết Bữa Tiệc ly của Đức Giê-su với bữa ăn Vượt qua là liên kết có tính cách thần học móc nối cái chết của Đức Giê-su với những biến cố chuẩn bị cho độc giả.

 

Cảnh hai:  Cuộc phản bội

 

          Câu khó nhất trong đoạn trình thuật về việc phản bội phải là câu 14:21.  Giu-đa được tiền định để phản bội Đức Giê-su hay anh ta làm do tự ý lựa chọn?  Chúng ta có câu trả lời nếu hiểu về trách nhiệm đã được Đức Ki-tô minh định và đem so sánh trách nhiệm ấy với trường hợp Giu-đa.  Đức Giê-su đã tự do lãnh nhận trách nhiệm dành cho Ngài như đã chép trong Kinh Thánh:  “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (14:21).  Trách nhiệm này sẽ đưa Ngài tới thập giá và cái chết.

 

          Giu-đa cũng có trách nhiệm về hành động của anh.  Anh đã có sự lựa chọn theo Đức Giê-su hoặc không, nhưng anh đã chọn phủ nhận Ngài – một sự chọn lựa đã gây nên cái chết khác với cái chết bình thường.  Đức Giê-su chịu đau đớn hơn cả việc lên án sự lựa chọn của Giu-đa, và vì thế Ngài đã nói:  “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (14:21).

 

          Trong Kinh Thánh, sự lựa chọn đối với Ki-tô hữu là rõ ràng.  Chúng ta chọn Chúa hay không, và chúng ta phải chịu hậu quả của việc chọn lựa ấy.  Thiên Chúa, người yêu ghen tương, luôn chờ đợi ta chọn Người.  Tuy nhiên, vì Thiên Chúa là người yêu nên Người không khi nào cất đi quyền lựa chọn.  Hiểu như vậy về chọn lựa và trách nhiệm, giờ đây bạn có thể hỏi chính mình:  “Có phải con không?”

 

Cảnh ba:  Bữa Tiệc ly

 

          Quang cảnh xảy ra trong bữa ăn là việc tiên báo về tương lai.  Như Đức Giê-su đã cầm lấy bánh và làm phép, bẻ ra và trao cho họ, cũng vậy, Đức Giê-su sẽ trở nên bánh trên đồi Can-vê.  Như bánh đã bị bẻ ra để chia cho mọi người và do đó liên kết mọi môn đệ với Ngài, Đức Giê-su cũng dâng thân mình Ngài trên Can-vê để mọi người được nên một với Ngài và với nhau trong Thiên Chúa.  Cùng một hành động đã được làm trong hai câu truyện nuôi dân chúng mà bạn đã học hỏi trong Hành trình 11.  Như các môn đệ đã không hiểu ý nghĩa của bánh trong câu truyện nuôi dân chúng, cũng vậy, chúng ta có thể sẽ không hiểu Đức Giê-su là bánh trong khung cảnh này.

 

          Chúng ta nhận thấy mối tương quan mật thiết với bữa tiệc Thánh Thể được cử hành trong các Chúa Nhật.  Trong cộng đoàn của Mác-cô cũng như cộng đoàn chúng ta, bánh và rượu được hiến dâng là biểu tượng cho cái chết hiến tế của Đức Giê-su.  Bữa tiệc Thánh Thể chính là bữa tiệc cứu chuộc của Nước Thiên Chúa.  Như chúng ta ngồi bàn với Chúa trong tiệc Thánh Thể, cũng thế, chúng ta sẽ ngồi với Chúa trong bữa tiệc cứu thế khi Nước Thiên Chúa tới ngày viên mãn.

 

          Phần còn lại của trình thuật Thương Khó đã rõ ràng rồi.  Chỉ còn một vài điểm cần được làm sáng tỏ hơn:

 

          *  Có nhiều nhân vật xuất hiện trong trình thuật nên chúng ta có nhiều cơ hội để thực hành phương pháp bắt chước (xem Hành trình 5).  Hãy theo dõi cuộc Thương Khó bằng cách đóng vai Phê-rô, Phi-la-tô, Si-mon hoặc chính Đức Giê-su.  Vào nhiều lúc khác nhau trong cuộc sống, chúng ta nhận ra nơi chúng ta những chiều kích của từng nhân vật này.  Chúng ta do dự giữa việc chối bỏ Đức Giê-su và đến gần Ngài.

 

          *  Mác-cô 14:51-52 trình bày kẻ “thoát y” đầu tiên trong lịch sử.  Việc chen vào trong trình thuật câu truyện một thanh niên trần truồng bỏ chạy đã khiến nhiều người cho rằng thanh niên ấy chính là Mác-cô, vì thói quen của các họa sĩ là vẽ họ vào chính bức tranh ấy.  Điều đó không đòi chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen rằng Mác-cô là nhân chứng về cuộc đời Đức Giê-su;  nhưng đúng hơn, nên hiểu là ngài tự đặt mình vào trong khung cảnh ấy theo nghĩa biểu tượng.

 

          Eugene LaVerdiere, một học giả Kinh Thánh lỗi lạc, tin rằng người thanh niên trần truồng ấy tượng trưng cho các môn đệ trong mọi thời.  Người ta đã lột khỏi mình tất cả phẩm giá của họ.  Áo choàng nhắc nhớ đến chiếc áo rửa tội.  Các môn đệ đã bỏ Đức Giê-su.  Vậy Mác-cô nói là lời gọi làm môn đệ đã được trao ban khi rửa tội là lời gọi hãy chịu đau khổ, thế mà có nhiều người sẽ chạy trốn.  Như Gio-an trong sách Tin Mừng của ngài đã đồng hóa Ki-tô hữu với người môn đệ Chúa yêu, cũng vậy, Mác-cô đồng hóa sự khó khăn khi làm môn đệ Chúa với hình ảnh người thanh niên không tên, trần truồng và trốn chạy này.

 

          *  Kể lại việc Đức Giê-su chịu đội vòng gai (15:16-20), đám đông nhạo cười (29-30) và chính cái chết (33-36) đã vẽ nên bức chân dung mỉa mai về Đấng Cứu Thế đang bị đem ra làm trò hề và như tên trộm cắp.  Nhưng Đức Giê-su đã cảnh cáo về thứ vương quốc mà người ta gán cho Ngài tại trần gian này.  Ngài đã tiên báo rằng triều thiên của Ngài sẽ bằng gai nhọn, ngai vàng của Ngài sẽ là thập giá và thống trị của Ngài sẽ là đau khổ và cái chết.  Sự lựa chọn đã dành cho Đức Giê-su và Giu-đa cũng sẽ dành cho người khác nữa.  Một số người chọn không tin vào Ngài (15:29).  Mác-cô trình bày cho cộng đoàn của ngài (và cho chúng ta) một Đức Giê-su đang từ trên thập giá nhìn xuống những người con đang đợi Ê-li-a đến (xem Hành trình 12).  Ê-li-a đã đến rồi, nhưng Đấng Cứu Thế thì đang ở đây, treo cao trên thập giá, vậy mà một số người vẫn còn chưa nhận ra.

 

          *  Những Hành trình trước đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc viên sĩ quan Rô-ma tuyên xưng (15:39).  Là người duy nhất trong gia đình nhân loại đã tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, viên đại đội trưởng nhận biết xuất xứ đích thực của Đức Ki-tô trên thập giá.  Ngay sau việc tuyên xưng của viên sĩ quan là việc nhận biết do các bà đã theo Đức Giê-su trong cuộc tử nạn (15:40-41).  Mác cô chấm dứt quang cảnh với câu 15:41b:  “Lại có nhiều bà khác đã cùng Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.”  Người ta chỉ có thể thắc mắc không biết lời xác quyết này có chứng thực rằng một số đông thuộc cộng đoàn của Mác-cô là những người đã chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giê-su liệu họ có muốn tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa không.

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 13, bạn đã khám phá:

 

·         Những kỹ thuật “đọc và nghĩ để suy niệm” giúp chúng ta cầu nguyện và viết về những đoạn Kinh Thánh đặc biệt.

·         Qua việc xức dầu của người phụ nữ, Đức Giê-su dạy chúng ta biết được Ngài là Người Tôi tớ Đau khổ.

·         Sự khác biệt giữa lịch sử đức tin và lịch sử thế tục:  lịch sử đức tin sử dụng các dữ kiện hoặc biến cố cốt để giúp hiểu biết về thần học.

·         Ki-tô hữu được mời gọi hãy lựa chọn Chúa.

·         Có thể đóng vai các nhân vật trong trình thuật, hoặc người thanh niên khỏa thân trốn chạy.

·         Việc tuyên xưng của viên đại đội trưởng được công bố chỉ sau khi chứng kiến Đức Giê-su chết.

 

 

Sách đọc thêm

 

Senior, Donald và Eugene LaVerdiere.  The Gospel of Mark.  Audiocassettes.  Austin,

Texas:  Texas Catholic Conference Scripture Seminar, 1984.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà