Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 2

 

Những trang bị cho hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

 

 

Ðể bắt đầu hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu, chúng ta cần thu thập một số trang bị giúp chúng ta lên đường. Ðiều thứ nhất chúng ta nên biết là những trình thuật được trình bày trong sách Tin Mừng đã thấy có trong khoảng thời gian dữ liệu truyền khẩu quan trọng hơn dữ liệu thành văn. Một số học giả tin rằng những câu truyện này trước tiên là những bài ca. Nhịp điệu của lời ca giúp người ta dễ nhớ. Thí dụ trẻ em học vần ABC bằng cách hát.

          Chúng ta gọi trình thuật lâu đời hơn cả là “truyền khẩu,” tức là những câu truyện nhắm mục đích trước hết muốn cho người ta biết Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô. Dần dần khi cộng đoàn bắt đầu lo lắng câu truyện sẽ mai một đi, thì có một số người đã khởi sự viết lại câu truyện.

          Chúng ta cũng nên biết các sách Tin Mừng là những câu truyện đức tin nói lên một cảm nghiệm về Thiên Chúa. Ý định không phải để trình bày một bản tiểu sử về Ðức Giê-su Na-da-rét hoặc một tiểu luận lịch sử nói về Pha-lét-tin thế kỷ I, nhưng để giúp người nghe câu truyện biết trung thành tuyên xưng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô. Giáo Hội sơ khai đã muốn tín hữu hãy nghe sứ điệp “Maranatha! Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” và vui mừng đáp lại.

          Sau hết, chúng ta nên ý thức đây là những câu truyện mở ra một chân trời, chứ không phải là những trình thuật cạn kiệt. Những câu truyện ấy gắn liền với những biến cố trong cuộc sống chúng ta. Không phải chúng ta kể lại mọi câu truyện, nhưng chỉ chọn những câu truyện nào gây ảnh hưởng đối với cuộc sống chúng ta. Những câu truyện chúng ta kể thường xoay quanh những gì chúng ta coi như những giây phút “ngạc nhiên”, tức là những lúc chúng ta hiểu được sâu xa hơn ý nghĩa cuộc sống. Qua ngôn ngữ Tin Mừng, tác giả trình bày những câu truyện “ngạc nhiên” ấy về Ðức Giê-su để hỗ trợ cho đức tin của người nghe.

          Khi hành trình qua Tin Mừng Mát-thêu, bạn hãy cố nghe câu truyện như là mới nghe lần đầu tiên. Có khi bạn cần phải luyện đôi tai để có thể nắm bắt được tất cả ý nghĩa gặp thấy trong câu truyện.

 

 

Những điều khám phá

 

Cần có một số hiểu biết về Cựu Ước để nghe câu truyện Mát-thêu kể về Ðức Giê-su. Tóm lược ngắn gọn sau đây về lịch sử tôn giáo của dân Ít-ra-en vẫn không đủ để chúng ta hoàn toàn hiểu được Tin Mừng Mát-thêu, vì điều này đòi hỏi phải có một hiểu biết rộng rãi. Tóm lược này chỉ là một khởi đầu, một thoáng nhìn về những liên hệ giữa các biến cố trong Tin Mừng Mát-thêu với những đoạn trích dẫn Cựu Ước quan trọng.

          Cựu Ước là câu truyện về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn. Cựu Ước vẽ lại việc triển khai của một dân tộc, khởi sự là một nhóm du mục được kết hợp lại trong niềm tin vào một Thiên Chúa là Ðức Chúa, để trở thành một quốc gia đoàn kết và một vương quốc hùng mạnh.

          Ban đầu, những người này làm nô lệ cho vua Pha-ra-ô, rồi được Thiên Chúa giải phóng dưới sự lãnh đạo của Mô-sê. Biến cố giải phóng vĩ đại này là tâm điểm câu truyện của người Ít-ra-en và được ăn mừng trong lễ Vượt qua. Gắn liền với biến cố giải phóng (cuộc Xuất hành) là biến cố Xi-nai qua đó Thiên Chúa ban cho Mô-sê và dân chúng một giao ước lớn lao. Giao ước (đó là Mười giới răn) là đuốc soi cho người ta sống cuộc sống đầy tràn đích thực. Sau khi được giải thoát khỏi những kinh hoàng của ách nô lệ và được đem về vùng đất hứa, người Ít-ra-en thăng hoa và trở thành một vương quốc dưới tài lãnh đạo xuất chúng của các vua, thí dụ như Ða-vít. Chính lúc dân Ít-ra-en trở thành một quốc gia hùng mạnh cũng là thời gian họ xây cất một đền thờ nguy nga.

          Nhưng việc phá hủy Ðền Thờ và thảm cảnh đã ảnh hưởng tới dân Chúa. Các thế lực ngoại bang bắt đầu thống trị phần đất của họ. Người Ba-bi-lon phá hủy Ðền Thờ đầu tiên và dân Do-thái bị đem đi lưu đày. Những kẻ xâm lăng sau đó đã cho phép người Do-thái trở về và xây lại Ðền Thờ. (Ðền Thờ thứ hai là Ðền Thờ tồn tại trong thời Ðức Giê-su và sau này bị người Ro-ma phá hủy vào khoảng năm 70 sau công nguyên).

          Trong thời gian Ðền Thờ bị phá hủy và nội chiến, các vị đại ngôn sứ đã đứng lên tố cáo dân Ít-ra-en bất trung với Thiên Chúa. Mỗi vị đều cố gắng thức tỉnh dân Ít-ra-en về giao ước Thiên Chúa đã ban cho họ qua Mô-sê trên núi Xi-nai.

          Song song với Lề Luật và truyền thống ngôn sứ là những sách thuộc truyền thống khôn ngoan. Những sách này chứng tỏ rằng đời sống con người không hiểu được nếu không có Ðức Chúa. Với những trình bày thực tế, các thầy dạy về đức khôn ngoan dạy dỗ dân chúng về kỷ luật, điều độ và phải hăng say làm việc. Qua những sách khôn ngoan, người ta được kêu gọi hãy “kính sợ” Ðức Chúa – tức là vâng theo ý Thiên Chúa với một niềm kính cẩn.

 

Khám phá

 

Mát-thêu viết cho một cộng đoàn ý thức mình mang gốc rễ Do-thái. Cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do-thái của ngài có lẽ đang phải phấn đấu với việc bị đuổi ra khỏi các hội đường đang khi họ cố trung thành giữ Lề Luật Do-thái và niềm tin Ki-tô vào Ðức Giê-su là Ðấng Cứu Thế.

          Ðấng Cứu Thế sẽ đến là một chủ đề thường gặp trong Cựu Ước. Tin Mừng Mát-thêu chứng tỏ cho các tín hữu sơ khai (gốc Do-thái hoặc Dân ngoại) thấy rằng Ðức Giê-su đã thực hiện những lời Cựu Ước nói về Ðấng Cứu Thế sẽ đến. Mát-thêu cho rằng độc giả của ngài đã biết sứ điệp của Kinh Thánh Do-thái (Cựu Ước) rồi. Giả định này cũng có thể quá đáng đối với nhiều học viên học hỏi Tin Mừng hiện nay. Vậy chúng ta cần phải giải thích một vài trích dẫn Tin Mừng Mát-thêu.

          Bạn hãy đọc Mát-thêu 1:17.

          Bạn hãy đọc Mát-thêu 1:12-16.

Bạn hãy tóm tắt lại trong một câu ý tưởng chính của Mát-thêu 1:17 mà thôi.

 

Những điều khám phá

 

Có thể bạn đã nhận thấy Mát-thêu 1:17 sắp đặt gia phả Ðức Giê-su thành ba nhóm mười bốn. Tuy nhiên, nếu so sánh với Mát-thêu 1:12-16 và đếm lại danh sách các tên có liên hệ

với thời kỳ hậu lưu đày Ba-bi-lon, bạn sẽ thấy chỉ có mười ba tên. Việc đếm sai này có vẻ là chủ tâm của Mát-thêu cốt để nói lên một quan điểm thần học.

          Các con số giữ một vai trò quan trọng trong đời sống người dân Do-thái. Họ tin rằng Thiên Chúa sử dụng những con số để cho biết vừa kế hoạch vừa ý nghĩa, thí dụ nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Trong Tân Ước, mười hai tông đồ song song với mười hai chi tộc Ít-ra-en. Tên gọi cũng có giá trị con số, có ý nghĩa để chúng ta hiểu Mát-thêu 1:17. Con số mười bốn liên quan với tên Ða-vít, ông vua vĩ đại của Ít-ra-en. Vì Do-thái ngữ không có nguyên âm, nên Ða-vít được viết là DVD. D có giá trị con số là bốn, V có giá trị con số là 6. Cho nên 4+6+4=14. Mát-thêu cố ý sắp các thế hệ thành những nhóm mười bốn để “người nghe” móc nối con số ấy với Ða-vít. Ðiều này muốn nhấn mạnh rằng Ðức Giê-su đến từ dòng dõi Ða-vít, và như vậy lời tiên tri trong Cựu Ước đã được thể hiện.

          Trong Hành trình 1, chúng tôi đã đề nghị phân chia sách Tin Mừng Mát-thêu thành bảy đoạn, gồm có phần chính là năm bài giảng. Con số bảy (seven) trong từ Do-thái savah có nghĩa là đầy tràn hoặc thỏa mãn. Trong Tin Mừng Mát-thêu thường nói đến con số bảy khi kể những truyện nói về Ðức Giê-su hoàn toàn là Chúa.

          Con số năm ám chỉ về một thứ ân huệ được ban cho những kẻ không đáng lãnh nhận – ân sủng. Ân sủng là quà tặng Thiên Chúa ban cho nhân loại. Năm bài giảng trong phần chính của Tin Mừng Mát-thêu liên quan tới năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước. Những sách này (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân số và Ðệ nhị luật) được gọi là Lề Luật (tiếng Do-thái là Torah) hoặc Ngũ Thư (tiếng Hy-lạp là Pentateuch). Ðó là những sách gồm có những giáo huấn hay Lề Luật. Lề Luật ở đây không hiểu theo ý nghĩa pháp luật; nhưng thực ra đó là Lề Luật bởi ơn nhận biết Thiên Chúa là Ðức Chúa, Ðấng ban cho chúng ta sự sống. Những kẻ theo Ðức Chúa đáp lại hồng ân sự sống bằng cách sống theo Lề Luật để thiết lập bình an và công chính. Mát-thêu cho thấy Lề Luật của Thiên Chúa được trình bày trong năm cuốn sách đầu của Cựu Ước, thì cũng vậy, Lề Luật Mới của Thiên Chúa do Ðức Ki-tô ban cho chúng ta đã được trình bày trong năm bài giảng.

 

 

Khám phá

 

Chúng ta có thể nhận thấy một móc nối giữa tâm điểm của Cựu Ước với tâm điểm của Tân Ước. Trong Cựu Ước, câu truyện chính yếu là Biến cố Xuất Hành/ Xi-nai (xem Xuất Hành 1-20), thời kỳ đại giải phóng và giao ước với Thiên Chúa. Khởi đầu của lịch sử cứu rỗi (Sáng Thế 12-50), với những câu truyện về Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và Giu-se (các tổ phụ) được sử dụng làm phần mở đầu cho biến cố giải phóng ấy. Mọi biến cố xảy ra sau Xuất Hành, tức là mọi điều được nói trong các sách lịch sử, ngôn sứ và khôn ngoan, đều quy về cuộc giải phóng ấy cả.

 

                                                Phần Mở đầu

                                                (Sáng Thế 12-50)

 

 

                                                          Các sách Lịch sử

                                                          Ngôn sứ

                                                          Khôn ngoan

 

                                                         

                                                 Biến cố Xuất Hành/Xi-nai

 

          Tâm điểm của Tân Ước là cuộc Thương khó, chết và sống lại của Ðức Giê-su. Ðây cũng là thời kỳ giải phóng lớn lao và một giao ước mới giữa Thiên Chúa với dân Người. Ðó là sứ điệp chính của Tân Ước. Biến cố này thể hiện những lời tiên tri trong Cựu Ước và tôn Ðức Giê-su lên làm Ðấng Ki-tô. Những câu truyện về Giáng Sinh và những câu truyện về sứ vụ của Ngài hết thảy đều liên hệ với biến cố trung tâm này. Bạn hãy nhớ là sách Tin Mừng để chia sẻ đức tin chứ không phải để kể lại tiểu sử.

                                               

                                                Những trình thuật

về thời thơ ấu

 


                                                          Sứ vụ

                                                         

                                               

                                                 Cuộc Thương khó/Chết/Sống lại

 

 

 

 

          Qua sách Tin Mừng của ngài, Mát-thêu cho thấy liên hệ mật thiết giữa những câu truyện Cựu Ước với những biến cố Tân Ước.

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 2 này, bạn đã khám phá được những điều sau đây:

 

·         Những câu truyện có tầm quan trọng là để trình bày sứ điệp Tin Mừng.

·         Sự phong phú của sứ điệp Cựu Ước là cốt yếu để giúp chúng ta hiểu biết Tin Mừng Mát-thêu.

·         Các con số đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng Mát-thêu.

·         Tâm điểm của Cựu Ước liên hệ với tâm điểm của Tân Ước.

 

 

Sách đọc thêm

 

Boadt, Lawrence. Reading the Old Testament: An Introduction. Mahwah, N.J.:

          Paulist Press, 1984.

 

Bullinger, E. W. Number in Scripture. Grand Rapids, Mich.:

          Kregel Publications, 1967.         

                                                         

                                                         


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà