Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 9

 

 

Làm môn đệ

 

 

Chúng ta đã thấy phần chính của Tin Mừng Mát-thêu có thể chia làm năm bài giảng.  Bài giảng thứ nhất (được trình bày trong các Hành trình 5-7) đặt nền móng cho sứ điệp Ki-tô tức là Nước Trời.  Để Nước Trời được lan rộng, các công nhân (môn đệ) cần phải trình bày sứ điệp cho người khác.

          Những môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su được gọi là các tông đồ (Mát-thêu 10:2).  Từ tông đồ theo nguyên ngữ sê-mít có nghĩa là “người được vua trao phó cho một sứ mệnh để chu toàn nhân danh ngài và với quyền bính của ngài.”  Sau khi Đức Giê-su sống lại, Giáo Hội sơ khai sử dụng từ tông đồ để chỉ về mười hai người đầu tiên là môn đệ thân cận của Đức Giê-su và chứng nhân về những việc Ngài làm.

          Về con số mười hai thì còn bàn cãi.  Con số ấy không những đúng là số cộng tác viên thân cận nhất của Đức Giê-su, nhưng cũng mang ý nghĩa biểu tượng nhắc nhớ chúng ta về mười hai chi tộc Ít-ra-en và mười hai tòa xét xử được nói đến trong Mát-thêu 19:28.  Hai chi tiết này cũng như những trích dẫn Kinh Thánh khác, đều có ý nói rằng con số mười hai biểu tượng cho sự cai trị toàn hảo hoặc luật lệ toàn hảo.

 

 

Khám phá

 

Kinh Thánh nói đến các môn đệ hoặc những người theo Đức Giê-su.  Vào thời ấy, có một số người đã bỏ nhà cửa và gia đình để đáp lại lời gọi đi theo một người mà họ tin là người ấy đã rao giảng chân lý.  Cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, chúng ta có thể khám phá và kê ra sáu đặc điểm của những lời gọi như thế.

 

1)    Lời gọi hoàn toàn là một ân huệ;  người ta chẳng làm gì để đáng được gọi cả.

2)    Lời gọi là độc đáo và trực tiếp đối với người được gọi.

3)    Lời gọi giúp cho một người phát triển được hoàn toàn khả năng của họ.

4)    Lời gọi là tiến trình đưa một người tiến sâu vào những giai đoạn đi theo mỗi ngày một hơn.

5)    Lời gọi đưa một người từ cái biết tới cái không biết.

6)    Lời gọi nhắm phục vụ cho những người khác trong cộng đồng, chứ không khi nào cho cá nhân.

 

Bạn hãy đọc lại Mát-thêu 4:18-22.

          Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết xuống những đặc tính của một lời gọi có thể gặp thấy trong đoạn Tin Mừng.

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

 

Những điều khám phá

 

Lời kêu gọi ông Phê-rô và An-rê hoàn toàn là một ân huệ.  Họ chỉ đang thả lưới, chứ đâu có làm gì khác thường để xứng đáng được kêu gọi.

          Lời gọi độc đáo và trực tiếp với từng cá nhân.  Đức Giê-su gọi ông Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an.

          Lời gọi giúp cho những người đánh cá miền Ga-li-lê này thăng tiến những khả năng mà họ có thể đã không để ý tới.

          Trong khung cảnh được kêu gọi, họ đi từ cái biết đến không biết khi họ bỏ thuyền và cha họ lại để đi theo Đức Giê-su tới một nơi họ không biết.

          Lời gọi là vì tha nhân trong cộng đồng.  Đức Giê-su bảo họ Ngài muốn “làm cho [họ] thành những kẻ lưới người” (câu 19).  Hai cặp anh em cùng nhau trở thành những phần tử thuộc cộng đồng Đức Ki-tô.

 

Khám phá

 

Phần giới thiệu thực sự cho bài giảng trong Mát-thêu về việc làm môn đệ bắt đầu từ Mát-thêu chương 8.

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 8:1-9:34.

          Tóm tắt lại những biến cố được trình bày trong những đoạn Kinh Thánh này.  Đánh dấu sao (*) bên cạnh những biến cố nào là phép lạ.

 

8:1-4                                                 8:28-34

 

 

 

 

8:5-13                                               9:1-8

 

 

 

 

8:14-15                                             9:9-13

 

 

 

 

8:16-17                                             9:14-17

 

 

 

 

8:18-22                                             9:18-26

 

 

 

 

8:23-27                                             9:27-31

 

 

 

 

                                                          9:32-34

 

 

 

 

 

 

Những điều khám phá

 

Bạn có ghi dấu sao bên cạnh những biến cố phép lạ sau đây không?

 

* 8:1-4:      chữa người bị phong hủi;

* 8:5-13:    chữa đầy tớ của một đại đội trưởng;

* 8:14-15:  chữa bà mẹ vợ ông Phê-rô;

* 8:16-17:  chữa lành mọi kẻ ốm đau;

* 8:23-27:  dẹp yên biển động;

* 8:28-34:  chữa hai người bị quỷ ám;

* 9:1-8:      chữa người bại liệt;

* 9:18-26:  cho con gái một kỳ mục sống lại và chữa người đàn bà bị băng huyết;

* 9:27-31:  chữa hai người mù;

* 9:32-34:  chữa người câm bị quỷ ám.

 

 

Khám phá

 

Một số học giả Kinh Thánh đặc biệt để ý tới sự kiện mười câu truyện phép lạ được trình bày ở đây.  Họ so sánh chúng với Mười Giới răn được trình bày trong Xuất Hành 20, để một lần nữa cho thấy Đức Giê-su ban bố lề luật mới.  Câu hỏi Mát-thêu có thực sự trình bày sự liên hệ này hay không vẫn còn đang trong vòng tranh luận.  Tuy nhiên đa số học giả đều chấp nhận lấy Cựu Ước làm nền tảng cho những câu truyện phép lạ.

 

          Bạn hãy đọc I-sai-a 26:19;  29:18-19;  35:4-6;  53:4.

          Bạn có nhận thấy bất cứ liên hệ nào giữa những câu truyện phép lạ trong Mát-thêu với bốn đoạn sách ngôn sứ I-sai-a không?  Hãy viết xuống trong khoảng trống dưới đây.

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

          I-sai-a 26:19 hứa rằng người chết sẽ sống.  Chúng ta thấy có liên hệ với việc cho con gái một kỳ mục sống lại trong Mát-thêu 9:18-26.

          I-sai-a 29 nói đến người điếc được nghe và người mù được thấy, chắc chắn liên hệ với Mát-thêu 9:27-34.

          I-sai-a 35 cũng nói đến người mù được thấy, lại nói thêm về người què sẽ nhảy nhót và người câm sẽ hát ca.  Đoạn này liên hệ với Mát-thêu 9:1-8, chữa người bại liệt.

          I-sai-a 53:4 tóm tắt toàn thể công việc của Đức Giê-su được trình bày qua mười câu truyện chữa lành.  Đức Giê-su tỏ ra lòng cảm thương của Ngài đối với nhân loại, ước ao mang lấy bệnh tật và chịu đựng đau khổ của họ và mong muốn họ được lành mạnh.

          Việc chữa lành hiểu theo nghĩa đen là điều không thể chối cãi, nhưng những câu truyện chữa lành còn có ý nghĩa sâu rộng hơn nữa.  Sứ điệp có nghĩa là những ai đui mù, câm điếc, què quặt và chết về phương diện thiêng liêng, tất cả đều được mời gọi trở nên lành mạnh để có thể nhận ra Đức Ki-tô, lắng nghe lời Ngài, công bố sứ điệp của Ngài, rao truyền Tin Mừng và sống đời sống trong Đức Ki-tô.

          Trong phần chuẩn bị cho bài giảng về việc làm môn đệ, Mát-thêu muốn đặt nền móng cho đời sống người môn đệ, nghĩa là đời sống người môn đệ phải được lành mạnh trước thì họ mới có thể đem sứ điệp Đức Ki-tô đi giúp cho người khác cũng được lành mạnh.

          Sự lành mạnh của môn đệ có liên hệ với khẳng định trong Mát-thêu 5:48, “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”  Sự hoàn thiện này không chỉ có nghĩa là không có tội lỗi.  Từ Hy-ngữ hoàn thiện được sử dụng ở đây có nghĩa là “nguyên vẹn” hoặc “toàn vẹn.”  Những từ hoàn thiệnlành mạnh được sử dụng nhiều lần và có thể gặp thấy trong nhiều đoạn Cựu Ước, thí dụ Thánh Vịnh 19:8 (Lề Luật) và Ê-dê-ki-en 28:12 (các thành thị).  Khi nói “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”, Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu muốn nói đến ý niệm hoàn thiện hiểu theo Cựu Ước.  Người môn đệ Đức Ki-tô phải là người toàn vẹn, tức là một người hoàn toàn phù hợp với những gì nói lên thế nào là người môn đệ chân chính:  đó là người không vướng mắc những đau yếu bệnh tật thiêng liêng đã được liệt kê trong những câu truyện chữa lành.

 

Khám phá

 

Những câu truyện không liên quan với những phép lạ cũng mang một sứ điệp quan trọng không kém.  Phép lạ dẹp yên biển động (Mát-thêu 8:23-27) là một thí dụ nói lên liên quan giữa hành động của Đức Giê-su với hành động của Thiên Chúa.  Trong câu truyện tạo dựng thứ nhất (Sáng Thế 1:1-2:4), Thiên Chúa kiềm chế biển khơi và tỏ quyền năng Ngài trên thiên nhiên.  Trong Mát-thêu 8:23-27, Đức Giê-su thực hiện một hành động tương tự, khiến cho những người “kém lòng tin” kia phải ngạc nhiên.  Có những phần tử trong cộng đoàn Mát-thêu (cũng như những phần tử trong những cộng đoàn ngày nay) đang phải phấn đấu để theo gương Đức Ki-tô.  Mát-thêu cho độc giả của ngài biết rằng nếu họ muốn làm môn đệ Đức Ki-tô thì họ không thể là những người “kém lòng tin” và cũng không thể chỉ “ngạc nhiên” trước những hành động của Đức Giê-su.

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 9, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Từ tông đồ được sử dụng để ám chỉ mười hai vị nguyên thủy theo Đức Giê-su và được sử dụng đặc biệt sau cuộc Phục sinh của Ngài.

·         Lời gọi trong Kinh Thánh gồm có sáu đặc điểm.

·         Những phép lạ chữa lành cho thấy người môn đệ cần phải được lành mạnh phần thiêng liêng như thế nào.

·         Trở nên hoàn thiện có nghĩa là trở nên toàn vẹn, như Cha trên trời là Đấng toàn vẹn.

 

 

Sách đọc thêm

 

Ellis, Peter F.  Matthew: His Mind and Message, 4th printing. 

Collegeville, Minn.:  The Liturgical Press, 1985.

 

           


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà