Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 15

 

Văn thể khải huyền:  Bài giảng về ngày thế mạt

 

 

Bài giảng trong Tin Mừng Mát-thêu về ngày thế mạt cho chúng ta cơ hội để học hỏi về một lối văn được mệnh danh là văn thể khải huyền.  Lối văn ấy được yêu chuộng hơn hết trong thời kỳ bốn trăm năm kể từ cuộc khởi nghĩa của nhà Ma-ca-bê (năm 167 trước công nguyên) cho tới biến cố tàn phá Giê-ru-sa-lem sau cùng (năm 135 sau công nguyên).  Thí dụ rõ ràng nhất về văn thể này là sách Đa-ni-en trong Cựu Ước và sách Khải Huyền trong Tân Ước.

          Văn chương khải huyền cho chúng ta dấu chỉ hy vọng để đối phó với một vấn đề còn giấu ẩn.  Trong các thời kỳ bách hại, văn chương khải huyền được sử dụng để khích lệ người ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, mặc cho những biến cố rùng rợn đang xảy ra.  Niềm an ủi này được trình bày như là một điều bí ẩn trước tiên được tỏ ra cho người tôi tớ Chúa, để rồi đến lượt vị này sẽ tỏ điều bí ẩn ấy ra cho thế giới vào đúng hạn kỳ.  Dù mặc khải vẫn đang tiếp diễn, nhưng sứ điệp sẽ áp dụng cho một thế giới khác, hoặc cho thế giới này sau khi đã được biến đổi.  Bởi nói về thế giới khác cho nên sứ điệp cần được diễn giải do một vị hướng dẫn thiêng liêng (thường là một thiên thần), vì chỉ ngài mới có thể gỡ giải được điều bí mật tự lâu đời.  Với ngôn ngữ biểu tượng cao độ, văn thể khải huyền trình bày việc phán xét thế giới cánh chung, sự tiêu diệt kẻ dữ và cuộc biến đổi của vũ trụ vạn vật.

 

Khám phá

 

Văn thể khải huyền đã ảnh hưởng đến các tác giả Tin Mừng, nên mỗi vị đều trình bày Đức Giê-su như nhân vật khải huyền tối cao.  Với tính cách là Con Người, Đức Giê-su sẽ đến vào giờ kết thúc lịch sử nhân loại để phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Kết thúc lịch sử nhân loại sẽ đánh dấu khởi đầu việc kiện toàn Nước Trời.

          Bạn hãy đọc lại Mát-thêu 19 – 23.  Khi đọc, bạn hãy đặc biệt chú ý tới những tiêu đề nhỏ trong cuốn Kinh Thánh, nhất là “Người thanh niên có nhiều của cải” (19:16-30), “Thợ làm vườn nho” (20:1-16), “Cây vả bị chúc dữ” (21:18-22) và “Dụ ngôn tiệc cưới” (22:1-14).  (Chú ý:  các tiêu đề có thể dùng những từ khác nhau;  những tiêu đề chúng tôi lấy ở đây là từ bản dịch New American Bible with Revised New Testament.)

 

Những điều khám phá

Bản dịch New American Bible chia trình thuật chuẩn bị cho bài giảng về ngày thế mạt thành mười chín đoạn.  Một số đề tài đã được thảo luận trong những Hành trình trước.  Bốn tiêu đề nhỏ được chọn ở đây là vì có nhiều người nhận thấy chúng khó hiểu.  Chúng ta cần đọc chúng theo quan điểm khải huyền mới hiểu được, thí dụ tại sao cây vả lại bị chúc dữ hoặc tại sao người dự tiệc cưới lại bị đuổi ra ngoài vì không ăn mặc đúng cách.  Bạn hãy nhớ là văn chương khải huyền là để nói về ngày tận thế.  Vậy hãy đặt câu hỏi mỗi câu truyện ấy nói gì về kết thúc lịch sử nhân loại.

 

Khám phá

 

Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết một hoặc hai câu diễn tả những gì bạn tin là sứ điệp về ngày thế mạt trong bốn câu truyện sau đây:

 

Người thanh niên có nhiều của cải (Mát-thêu 19:16-30)

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Thợ làm vườn nho (Mát-thêu 20:1-16)

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Cây vả bị chúc dữ (Mát-thêu 21:18-22)

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Dụ ngôn Tiệc cưới (Mát-thêu 22:1-14)

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

 

Những điều khám phá

 

Bạn hãy so sánh trả lời của bạn với trả lời của chúng tôi.

 

·         Người thanh niên có nhiều của cải (Mát-thêu 19:16-30):  Cuối cùng, của cải vật chất sẽ chẳng là gì cả.  Điều quan trọng đó là quan hệ chúng ta với Thiên Chúa và với người khác.

·         Thợ làm vườn nho (Mát-thêu 20:1-16):  Cuối cùng, nếu kẻ sau hết sẽ thành trước hết và trước hết sẽ thành sau hết, thì chúng ta sẽ bị xét đoán là có để tâm phục vụ mọi người với tấm lòng quảng đại như Chúa đã quảng đại với chúng ta.

·         Cây vả bị chúc dữ (Mát-thêu 21:18-22):  Cuối cùng, Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta theo “hoa trái” đức tin (tức là hành động của đức tin).

·         Dụ ngôn Tiệc cưới (Mát-thêu 22:1-14):  Cuối cùng, Con Người sẽ đến mau chóng;  do đó chúng ta phải sẵn sàng bất cứ lúc nào.

 

Câu truyện người thanh niên có nhiều của cải có vẻ đi ngược với giáo huấn Cựu Ước là giáo huấn cho rằng sự giàu có là một ơn lành của Chúa (xem Đệ Nhị Luật 28:1-14).  Có thể đây là lý do tại sao các môn đệ sửng sốt và kêu lên:  “Thế thì ai có thể được cứu?”  Người thanh niên cũng thẳng thắn nhận rằng mình đã giữ các giới răn, kể cả giới răn yêu thương tha nhân.

Chìa khóa để hiểu được câu truyện có thể nằm trong khẳng định “Nếu anh muốn nên hoàn thiện...”  Lại nữa, hoàn thiện ở đây có nghĩa là trọn vẹn và hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa.  Đó là lời gọi hãy tìm công lý trong mọi sự và hãy thi hành ý Chúa cho đầy đủ.  Người thanh niên được nghe dạy hãy từ bỏ mọi sự và theo Đức Ki-tô trong cuộc hành trình đưa anh ta tới thập giá.  Người thanh niên trong câu truyện không thể bước vào hành trình này.  Thay vì anh sở hữu của cải thì chính của cải lại sở hữu anh!

Vườn nho thường biểu tượng cho Ít-ra-en;  trong câu truyện này nó biểu tượng cho Nước Trời.  Vấn đề là rõ ràng có sự không công bằng về lao động.  Các người thợ đều nhận được tiền lương giống nhau mặc dù giờ làm việc không bằng nhau.  Nhưng câu truyện không thể xét theo nhãn quan loài người, trọng nể những người giàu có, ưu tú và làm việc vất vả.  Thực ra câu truyện phải được nhìn theo nhãn quan của Đức Giê-su, Đấng đã đến với những người bị xã hội khinh rẻ:  người thu thuế, kẻ tội lỗi và những kẻ bệnh tật.  Để hiểu Nước Trời, chúng ta phải đảo lộn mọi tư tưởng về chức quyền và địa vị:  những kẻ cho mình là công chính thì bị loại bỏ, còn những ai được dẫn dắt để tin rằng mình là kẻ tội lỗi thì sẽ được xử cách khoan dung.

Hành vi khác lạ của Đức Giê-su khi Ngài chúc dữ cây vả thật khó hiểu nếu ta hiểu theo nghĩa đen.  Nhưng nếu nhìn theo mạch văn của câu truyện, chúng ta sẽ nhận thấy câu truyện được kẹp giữa câu truyện thanh tẩy Đền Thờ và câu truyện về quyền bính của Đức Giê-su.  Cách sắp xếp này giúp chúng ta hiểu rằng việc chúc dữ cây vả là để nói lên một điều gì đó về việc lãnh đạo chứ không có ý nào khác.

Qua điểm này, rõ ràng Tin Mừng Mát-thêu khe khắt đối với việc lãnh đạo Ít-ra-en.  Sự khe khắt này là đúng, vì:  giới lãnh đạo đã được Thiên Chúa chỉ định để dẫn dắt dân chúng lại trở thành những kẻ giả hình giả bộ.  Mát-thêu 23 kể chi tiết rõ ràng thái độ khắt khe của Đức Giê-su về việc lãnh đạo Ít-ra-en.  Các nhà lãnh đạo, được biểu tượng bằng cây vả, đã mất đức tin rồi.  Tại họ bất lực, nên quyền lãnh đạo của họ sẽ được chuyển sang cho các tông đồ (mười hai chi tộc mới của Ít-ra-en) bởi vì các ngài có lòng tin.

Mát-thêu bắt đầu câu truyện Tiệc cưới bằng lối so sánh quen thuộc Nước Trời giống như một tiệc cưới.  Hình ảnh này mô tả Thiên Chúa ngồi dự tiệc với con người, một khung cảnh văn hóa coi việc cùng ăn với nhau mang một ý nghĩa quan trọng.  Đức Giê-su thường được mô tả ăn uống với “phường tội lỗi và quân thu thuế”, điều này cho thấy chính những kẻ sống bên lề xã hội và những người nghèo lại có chỗ nơi bàn tiệc trong Nước Trời.  Như thế hình ảnh bàn tiệc sau hết của Nước Trời là Bữa Tiệc Ly (Mát-thêu 26:26-30).

Ở đây dụ ngôn trình bày sự chối từ của những người muốn ngồi đồng bàn với Đấng Mê-si-a nhưng lại không muốn thực hiện một cố gắng nào cả.  Nhóm thứ nhất gồm những khách được mời cư xử giống như những kẻ không muốn nghe lời các ngôn sứ.  Nhóm thứ hai thái độ thù nghịch hơn, chửi rủa và giết hại các đầy tớ;  điều này cũng giống như việc đối xử với ông Gio-an Tẩy giả.  Nhóm thứ ba bị quân lính của nhà vua tiêu diệt, là điều ám chỉ họ bị tiêu diệt trong ngày tận thế.  Vì nhóm thứ nhất từ chối không đến dự tiệc nên lời mời được nới rộng tới tất cả mọi người – cả những người thu thuế và tội lỗi nữa.  Bạn sẽ nhận ra điểm này là lời mời dự tiệc được nới rộng không phải chỉ vì những người này là những kẻ tội lỗi, nhưng là vì họ đã sẵn sàng nghe lời mời và phục vụ Nước Trời.

Cốt điểm của trình thuật chuẩn bị này được tóm kết trong giới răn đã được trình bày trong Mát-thêu 22:34-40.

Bạn hãy đọc lại Mát-thêu 22:34-40.  Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết xuống những điểm chính.

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

         

Bạn hãy so sánh những điểm chính của bạn với những điều trình bày dưới đây.

 

·         Một người thông luật tìm cách gài bẫy Đức Giê-su.

·         Người thông luật gọi Đức Giê-su là “Thầy”.

·         Đức Giê-su trình bày hai giới răn được coi là nền tảng cho toàn bộ Lề Luật và ngôn sứ.

 

Người thông luật hỏi một câu hỏi với cách nham hiểm cố gài bẫy Đức Giê-su.  Chẳng gì ông ta cũng là một kinh sư đã được đào tạo trong Lề Luật;  do đó ông ta biết Lề Luật.  Đức Giê-su trả lời bằng cách trích dẫn Kinh Sơ-ma (Shema) từ Lề Luật (Đệ Nhị Luật 6:4-5) và Ngài kể thêm luật yêu thương tha nhân từ sách Lê-vi 19:18.

“Thầy” không phải là một danh xưng quen thuộc về Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu;  nhưng trước hết danh xưng này được sử dụng do những người không muốn tin vào Đức Giê-su.  Bảy trong số chín đoạn trong đó Đức Giê-su được xưng hô là “thầy” thì đều là do những người Pha-ri-sêu, Sa-đu-kêu hoặc những môn đệ của họ – tất cả đều không nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a.  Danh hiệu Mát-thêu thích sử dụng hơn, đó là “Con Người”, gần ba mươi lần.  Con Người là một nhân vật khải huyền, tức là Người Tôi Tớ Đau khổ của Thiên Chúa, sẽ đến vào ngày tận thế để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

Trình bày hai giới răn được coi như nền tảng của tất cả Lề Luật và ngôn sứ là một chủ đề quen thuộc trong Tin Mừng Mát-thêu.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc lại Mát-thêu 5:17; 7:12; 11:13.

          Đối với Mát-thêu, tất cả mặc khải của Thiên Chúa được trình bày qua lề luật yêu thương.  Luật này liên kết tín hữu với Thiên Chúa và giải phóng họ khỏi tinh thần vị luật cũng như những ràng buộc không cần thiết.

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 15, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Văn chương khải huyền là một văn thể quen thuộc trong thời các thánh sử Tin Mừng.

·         Văn chương khải huyền đem lại một sứ điệp hy vọng trong thời bách hại khốc liệt.

·         Trình thuật trong Mát-thêu 19 – 23 để chuẩn bị cho bài giảng về ngày thế mạt chứa đựng những câu truyện hé mở cho chúng ta một cái nhìn về ngày tận thế.

·         Giới răn yêu thương chu toàn Lề Luật và các ngôn sứ.

 

 

Sách đọc thêm

 

Collins, John.  The Apocalyptic Imagination:  An Introduction to the Jewish

          Matrix of Christianity.  New York:  The Crossroad Publishing Company, 1992.

 

Spivey, Robert A. and D. Moody Smith.  Anatomy of the New Testament:  A Guide

          to Its Structure and Meaning, 3rd ed.  New York:  Macmillan, 1982.

 

 

 

  


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà