Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 16

 

Bài giảng về ngày thế mạt

 

 

Nhiều người tin rằng thế giới sắp kết thúc, còn kết thúc khi nào và thế nào thì còn bàn cãi rất nhiều.  Theo cái nhìn Kinh Thánh thì thực sự thế giới sẽ kết thúc, nhưng chúng ta cần phải xét điều này theo nhãn quan thần học hơn là lịch sử.  Trong văn mạch Kinh Thánh, tận thế là một biến đổi lớn lao của vũ trụ để một thế giới mới (Giê-ru-sa-lem mới) sẽ được tái sinh.  Cuộc biến đổi này đánh dấu sự kết thúc thời khải huyền khi Con Người đến để xét xử toàn thể nhân loại.

          Học hỏi về ngày tận thế được gọi là thần học về cánh chung;  đặc tính khải huyền của thần học về cánh chung có ảnh hưởng lớn đối với nhiều đoạn thuật Tân Ước.  Cuộc Thương khó, sự chết và sống lại của Đức Giê-su, cũng như những biến động chính trị xã hội của thời đại, hết thảy đều làm tăng thêm ý thức sâu xa về ngày thế mạt.  Cộng đoàn Mát-thêu đã chứng kiến Đền Thờ bị phá hủy (khoảng năm 70 sau công nguyên), cuộc tử đạo của những chứng nhân (thánh Phê-rô chết khoảng năm 68 sau công nguyên) và việc lộn xộn giữa Ki-tô hữu với người Do-thái về các hội đường.  Tất cả những biến động này làm cho người ta cảm thấy ngày thế mạt đã gần kề.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc lại bài giảng về ngày thế mạt (Mát-thêu 24 – 26) trong khung cảnh ngày thế mạt đã gần kề.  Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết xuống những tư tưởng chính về ngày thế mạt Mát-thêu muốn trình bày cho cộng đoàn ngài.

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Bạn hãy so sánh kết quả của bạn với kết quả của chúng tôi.

 

·         Sẽ có cuộc tàn phá kinh khủng.

·         Sẽ có những ngôn sứ giả;  nhiều kẻ tự xưng là đấng Mê-si-a.

·         Tín hữu phải tỉnh thức.

·         Con Người sẽ đến trong vinh quang và sai các thiên thần của Ngài ra đi thổi kèn vang động khắp nơi.

·         Kẻ lành và kẻ dữ sẽ được tách riêng ra và chịu phán xét.

 

Những điều khám phá

 

Khung cảnh (Núi Cây Dầu) để tiên báo về cuộc tàn phá là khung cảnh khải huyền (xem Da-ca-ri-a 14:1-9).  Trong giai đoạn đầu của ngày thế mạt, chiến tranh giữa các quốc gia và những thiên tai sẽ xảy đến.  Điểm quan trọng về hình ảnh khải huyền này không phải là nói về một thứ chiến tranh hoặc tai ương đặc biệt nào, nhưng là những biến cố ấy tất cả đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Tin hữu đích thực ý thức rằng những điều này là “những giai đoạn đầu của cơn đau sinh nở”, nghĩa là thời kỳ xáo trộn xảy ra trước khi Đấng Mê-si-a tới.

          Song song với việc tàn phá từ bên ngoài (chiến tranh giữa các nước và thiên tai), một cuộc tàn phá tai hại hơn sẽ xảy đến từ bên trong cộng đồng.  Một số môn đệ Chúa sẽ trở thành những ngôn sứ giả hiệu và “làm cho nhiều người sai lạc” – một thí dụ nữa cho thấy Mát-thêu gắt gao đối với những kẻ làm gương xấu cho người khác.  Thối nát của cộng đồng từ bên trong (do sự kiện ngôn sứ giả và chối đạo) sẽ đưa tới việc bách hại và xung đột bởi những kẻ sa ngã và thù ghét nhau.  Điều này khiến người ta nhớ tới Mối phúc “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại...”

          Một kỹ thuật những tác giả khải huyền sử dụng đó là để trình thuật về một biến cố lịch sử quá khứ được kể lại do một sứ giả dưới hình thức tiên báo về một tương lai.  Thí dụ trong thời Mát-thêu viết Tin Mừng, Đền Thờ đã bị phá hủy và Giê-ru-sa-lem đã bị càn quét rồi.  Mát-thêu 24:15-28 muốn mô tả ngày tận thế bằng cách dựa trên phản ứng của dân chúng trước việc tàn phá Giê-ru-sa-lem.

          Giải thích lại những biến cố này với cái nhìn về ngày thế mạt còn được coi như là việc thể hiện những điều ngôn sứ khải huyền Đa-ni-en đã viết trong Cựu Ước.  Vào thời Đa-ni-en, khoảng năm 167 trước công nguyên, vua An-ti-ô-khô IV đã đặt một tượng thần ngoại trong Đền Thờ.  Đây là một ghê tởm mà Đa-ni-en đã nhắc tới (Đa-ni-en 11:31).  Năm 40 sau công nguyên, hoàng đế Rô-ma Caligula còn muốn đặt tượng của chính nhà vua vào trong Đền Thờ Do-thái.

          Mát-thêu lấy những kinh nghiệm này để dựng lên cho cộng đoàn ngài một hình ảnh về sự ghê tởm sẽ tới trong ngày thế mạt.  Giống như người ta đã phản ứng trước những hoàn cảnh lịch sử thế nào (lập tức chạy trốn, chạy trốn với các con trẻ, chạy trốn vào ngày sa-bát), thì người ta cũng phản ứng như vậy đối với ngày phán xét chung.

          Về việc Con Người sẽ đến, tín hữu phải tỉnh thức:  “Vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mát-thêu 24:42).  Cũng như ngày nay, có nhiều phần tử trong cộng đồng cứ muốn biết rõ ngày giờ nào sẽ tận thế.  Mát-thêu có lẽ cảnh giác cộng đoàn ngài và cả chúng ta nữa, rằng đúng vào ngày nào giờ nào thì đó không phải là việc của chúng ta (xem Mát-thêu 24:36).  Đề tài về canh thức được nói đến trong hai dụ ngôn:  Mười trinh nữ (Mát-thêu 25:1-13) và Những nén bạc (Mát-thêu 25:14-30).

 

 

Khám phá

 

Hành trình 15 đã giải thích Con Người là một nhân vật khải huyền, do Thiên Chúa chỉ định để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

          Bạn hãy đọc Đa-ni-en 7:13.

 

Những điều khám phá

 

Cùng một hình ảnh Con Người ngự trên mây trời giờ đây được áp dụng cho Đức Giê-su trong mô tả của Mát-thêu về ngày thế mạt.  Liên hệ mật thiết với sự kiện Con Người đến, đó là đề tài về phán xét.  Việc phán xét dành cho mọi người, Do-thái lẫn Dân ngoại, được biểu lộ qua hình ảnh các thiên thần được sai đi khắp nơi và thổi kèn tập họp mọi dân nước từ bốn phương thiên hạ.

          Cảnh phán xét trong Tin Mừng Mát-thêu được nói đến cách chi tiết và có lẽ cũng là cảnh khiến người ta hãi sợ nhất (Mát-thêu 25:31-46).  Đó là tột đỉnh của năm bài giảng qua sứ điệp đơn giản nói rằng đang khi chúng ta chờ đợi con Người đến xét xử thế gian, thì chúng ta phải nhận biết Con Người nơi mỗi người chúng ta gặp.  Đây thực sự là một cuộc phán xét đầy thương xót dựa trên những Mối phúc;  cuộc phán xét ấy thưởng công những ai có tâm hồn nghèo khó, xét xử họ theo mức độ họ biết từ bỏ mọi sự và ngay cả mạng sống mình vì Nước Trời như thế nào.

 

 

Khám phá

 

Cảnh phán xét chung cho chúng ta một cơ hội thật tốt để suy tư.  Những câu hỏi sau đây giúp chúng ta tự xét lương tâm.  Tầm quan trọng của việc tự xét này là tiếp tục dấn thân cho Chúa Ki-tô;  đừng lấy việc tự xét này để hành hạ bạn về những quyết định, hành động hoặc lối sống trong quá khứ.

 

1)    Những hành động đặc biệt nào trong cuộc sống của tôi đã thể hiện những điều kiện được kể ra trong cảnh phán xét?  Có khi nào tôi đã cho kẻ trần truồng được mặc, cho kẻ đói được ăn, an ủi kẻ yếu đau hoặc tù đày?

 

2)    Để thể hiện những điều kiện trong cảnh phán xét, tôi dự định những hành động đặc biệt nào trong tháng tới, trong sáu tháng tới và trong năm tới?

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 16, bạn đã khám phá được những điều sau đây:

 

·         Bài giảng cuối cùng trong Tin Mừng Mát-thêu về ngày thế mạt là một thí dụ về thần học cánh chung.

·         Bài giảng trình bày những tư tưởng về sự tàn phá, canh thức, Con Người và việc phán xét.

·         Văn chương khải huyền sử dụng kỹ thuật lấy kinh nghiệm về một biến cố lớn lao trong quá khứ để làm thành lời tiên báo về tương lai.

·         Việc phán xét chung sẽ đặt căn bản trên cách chúng ta phục vụ người khác như thế nào đang khi chúng ta chờ đợi Chúa đến.

 

 

 

Sách đọc thêm

 

Meier, John P.  Matthew.  New Testament Message, vol. 3.

          Collegeville, Minn.:  Michael Glazier, Inc. 1980.

 

Senior, Donald, ed. “Biblical Update:  The End of the World.”  The Bible Today,

Vol. 30, No. 1.  January 1992.

 

 

   


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà