Tìm hiểu Ga 20,1-2: “Lúc sáng sớm, khi trời còn tối”, Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ để làm gì?

 

Một ngôi mộ có phiến đá đã lăn ra,

ngôi mộ này ở bên ngoài thành phố cổ Giê-ru-sa-lem 

(ngày 05 tháng 12 năm 2007)

 

 

Bản văn Ga 20,1-2 (dịch sát theo bản Hy Lạp)

 

1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la

đi đến mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối,

thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ.

2 Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô

người môn đệ khác người Đức Giê-su thương mến –,

nói với các ông: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ

chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.”

 

 

Nội dung

 

Dẫn nhập

1) Tại sao có chi tiết “trời còn tối”? 

2) Tại sao không cho biết lý do ra mộ để làm gì?

3) Tại sao Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ một mình?

4) Tại sao thấy một đàng kể lại một nẻo? 

Kết luận

 

 

 

Dẫn nhập

 

Tam nhật vượt qua tưởng niệm biến cố Thương khó – Phục Sinh của Đức Giê-su. Sau khi được mai táng, Người rời khỏi sân khấu lịch sử, không ai thấy Người nữa. Ít lâu sau, các môn đệ xuất hiện loan báo Người đã Phục Sinh, Người là Chúa và ai tin vào Người thì được cứu. Đó là tin vui lớn lao cho nhân loại. Nhưng giữa hai biến cố lịch sử: “Đức Giê-su đã chết” và “các môn đệ khẳng định Người đã Phục Sinh”, điều gì đã xảy ra?

 

Các Tin Mừng thuật lại biến cố Phục Sinh xoay quanh ngôi mộ và những cuộc hiện ra của Người. Trình thuật Tin Mừng Gio-an kể lại những gì xảy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần với những chi tiết lạ lùng. Xin chia sẻ đôi nét về nhân vật Ma-ri-a Mác-đa-la trong trình thuật Ga 20,1-2.

 

“Lúc sáng sớm, khi trời còn tối”, Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ để làm gì? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ trả lời, vì bản văn Ga 20,1-2 ngắn gọn để lại đằng sau nhiều thắc mắc. Bản văn không cho biết Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ “để viếng xác” hay “để ướp xác” Đức Giê-su. Vậy, Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ để làm gì? Tại sao lại đi một mình? Tại sao không vào mộ? Và còn nhiều “tại sao” khác nữa. Đọc song song bốn Tin Mừng sẽ thấy cách trình bày độc đáo, ngắn gọn và lạ thường của Tin Mừng Gio-an.

 

Mc 16,1-4      

1 Ngày sa-bát vừa hết, Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và Sa-lô-mê mua dầu thơm (arôma) để đến ướp xác (aleiphô) Người [Đức Giê-su]. 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, các bà ra mộ lúc mặt trời mọc. 3 Các bà nói với nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ cho chúng ta đây?” 4 Và  ngước mắt lên, các bà thấy tảng đá đã lăn ra, vì tảng đá ấy rất lớn.

 

Mt 28,1-2

1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng (theôrêsai) mộ (ton taphon). 2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên sứ của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên…

 

Lc 24,1-2

1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm (arôma) đã chuẩn bị sẵn. 2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.

 

Ga 20,1-2

1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, bà thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ.

2 Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác người Đức Giê-su thương mến –, bà nói với các ông: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.”

 

Theo Tin Mừng Mác-cô, có ba bà đi ra mộ và có mục đích rõ ràng, họ đã “mua dầu thơm (arôma) để đến ướp xác (aleiphô) Đức Giê-su” (Mc 16,1).

Theo Tin Mừng Mát-thêu, có hai bà ra mộ và cũng có mục đích rõ ràng: “để viếng (theôrêsai) mộ (ton taphon)” (Mt 28,1). Động từ “theoreô” ở lối vô định, dịch sát: “để quan sát”, “để xem” mộ Đức Giê-su.

Theo Tin Mừng Lu-ca, bản văn cho biết là “các bà” nhưng không cho biết tên của họ. Lc 23,55 nói đây là “những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê”. Các bà ra mộ “mang theo dầu thơm (arôma) đã chuẩn bị sẵn” (Lc 24,1), hiểu ngầm là để ướp xác Đức Giê-su. Nhưng Tin Mừng Lu-ca không nói ra điều này để đề cao việc “mang theo dầu thơm (arôma) đã chuẩn bị sẵn”. Dầu thơm này đã được các bà chuẩn bị ngay sau khi táng xác Đức Giê-su. Lc 23,56 kể: “Các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền”. Các Tin Mừng Mác-cô, Mát-thêu và Gio-an không có chi tiết chuẩn bị dầu thơm này.

 

So với các Tin Mừng khác, Tin Mừng Gio-an chỉ nói ngắn gọn: “Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ (mêmeion)”. Có ba chi tiết mới so với các Tin Mừng Nhất Lãm: 1) Chi tiết về thời gian được làm rõ và nhấn mạnh: “Lúc sáng sớm, khi trời còn tối”. Cụm từ “khi trời còn tối” chỉ có trong Tin Mừng Gio-an. 2) Chỉ một mình Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ. 3) Không cho biết ra mộ để làm gì.

 

Ngoài ra, còn một số chi tiết riêng của Tin Mừng Gio-an. Đó là sau khi thấy tảng đá đã lăn ra, Ma-ri-a Mác-đa-la không vào mộ mà lại chạy đi nói với với Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” Điều lạ là Ma-ri-a Mác-đa-la đã không nói “điều chị thấy” mà nói “điều chị nghĩ” (điều chị ấy giả thiết là thế). Tại sao ra mộ một mình (số ít) mà khi kể cho hai môn đệ lại xưng là “chúng tôi” (số nhiều)? 

 

Cách kể chuyện lạ lùng trong Ga 20,1-2 đặt ra cho độc giả nhiều câu hỏi, xin gợi ý giải đáp bốn câu hỏi sau:

1) Tại sao có chi tiết “trời còn tối”? 

2) Tại sao không cho biết ra mộ để làm gì?

3) Tại sao Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ một mình?

4) Tại sao “thấy” một đàng “thuật lại” một nẻo?

 

1) Tại sao có chi tiết “trời còn tối”? 

 

Bản văn nói rõ lúc Ma-ri-a Mác-đa-la đi ra mộ là “sáng sớm, khi trời còn tối”. Đã “sáng” nhưng vẫn còn “tối”. Chi tiết này cho biết là vào thời điểm rất sớm. Hình như Ma-ri-a thao thức, chờ trời sáng để đi ra mộ sớm bao nhiêu có thể được.

 

Đồng thời, bối cảnh trình thuật cho phép hiểu “trời còn tối” theo nghĩa biểu tượng. “Trời còn tối” gợi đến “bóng tối trong lòng” chị. Bóng đêm của sự chết vẫn còn đè nặng tâm hồn Ma-ri-a Mác-đa-la, lòng trí của chị vẫn còn ở trong bóng tối của biến cố Thương Khó. Đó là lý do khiến Ma-ri-a không nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh trong trình thuật tiếp theo (Ga 20,11-18). Chị đã khóc và chỉ mong tìm lại xác Đức Giê-su vì nghĩ người ta lấy mất xác Chúa (Ga 20,11). Ở Ga 20,1, chi tiết “tối trời”, “tối lòng” cho thấy Ma-ri-a hoàn toàn ở về phía con người, biến cố Đức Giê-su chết đang ám ảnh lòng trí của chị. Có thể hiểu, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối và lòng Ma-ri-a cũng tối.

 

Tóm lại, chi tiết “trời còn tối” gợi lên hai điều độc đáo: 1) Lòng gắn bó của Ma-ri-a với Đức Giê-su, chị đi ra mộ rất sớm. Tất cả những gì chị làm đã bộc lộ lòng mến của chị dành cho Thầy. 2) Gợi ý đến bóng tối về cái chết của Thầy trong lòng chị, chị không nghĩ gì khác ngoài cái chết của Thầy.

 

2) Tại sao không cho biết lý do ra mộ để làm gì?

 

Bản văn không cho biết Ma-ri-a ra mộ để làm gì. Ma-ri-a Mác-đa-la của Tin Mừng Gio-an không mang dầu thơm ra mộ để ướp xác Đức Giê-su như trong Tin Mừng Mác-cô hay Lu-ca. Theo thần học Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đã được an táng đúng theo tục lệ chôn cất của người Do Thái: Thi hài Đức Giê-su đã được “quấn bằng băng vải tẩm thuốc thơm” (19,39) với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương mà Ni-cô-đê-mô mang tới (19,40). Như thế, không cần “mang dầu thơm ra ướp xác Đức Giê-su” nữa vì đã làm ở Ga 19,39-40 rồi. 

 

Bản văn cũng không nói Ma-ri-a “đi viếng mộ” như trong Tin Mừng Mát-thêu. Sự kiện Tin Mừng Gio-an thuật lại việc Ma-ri-a đến mộ mà không nói rõ lý do, giúp người đọc nhận ra một lý do sâu xa hơn. Mạch văn cho phép hiểu, Ma-ri-a ra mộ chỉ đơn giản là vì lòng mến, lòng gắn bó với Thầy, ước mong gặp lại Thầy, được ở bên cạnh Thầy, dù Thầy đã chết.

 

3) Tại sao Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ một mình?

 

Khác với trình thuật Nhất Lãm, theo Tin Mừng Gio-an chỉ có một mình Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ. Điều này ăn khớp với những điểm thần học mà Tin Mừng Gio-an muốn trình bày. Việc Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ một mình chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ và trao đổi riêng giữa Đức Giê-su Phục Sinh và Ma-ri-a Mác-đa-la trong đoạn văn tiếp theo (Ga 20,11-18). Đây là một đoạn văn quan trọng mô tả cách thức và điều kiện để con người có thể nhận ra Đấng Phục Sinh và cách thức Đấng Phục Sinh bày tỏ Người ra cho con người.

 

Như thế nhân vật Ma-ri-a Mác-đa-la trở thành nhân vật biểu tượng. Hành trình Ma-ri-a nhận ra Đấng Phục Sinh cũng là hành trình của độc giả qua mọi thời đại. Hai câu mở đầu Tin Mừng Phục Sinh theo Tin Mừng Gio-an (Ga 20,1-2) mời gọi độc giả cùng sống với tâm trạng của Ma-ri-a Mác-đa-la, mời gọi độc giả gắn bó với Đức Giê-su, bày tỏ lòng mến đối với Người cho dù lòng mình vẫn tối tăm mù mịt. “Lòng mến dành cho Thầy” là bước khởi đầu nền tảng để nhận ra Người mình yêu mến đã Phục Sinh.

 

4) Tại sao thấy một đàng kể lại một nẻo? 

 

Điều lạ lùng trong bản văn là Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ” (Ga 20,1b), nhưng chị không kể lại “điều mình thấy” mà kể lại “điều mình nghĩ”. Chị kể với Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” Lời này gợi lại trình thuật Mt 28,12-13: “Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác’.”

 

Có thể nói cách hài hước rằng: Ý tưởng “lấy trộm xác Đức Giê-su” là của Ma-ri-a Mác-đa-la trong Tin Mừng Gio-an chứ không phải của các thượng tế và kỳ mục trong Tin Mừng Mát-thêu. Điểm khác nhau là Ma-ri-a Mác-đa-la giả thiết là “Người ta” đã lấy Chúa khỏi mộ (Ga 20,2) còn giả thuyết của các thượng tế và kỳ mục là “các môn đệ của Đức Giê-su” đã lấy trộm xác Đức Giê-su (Mt 28,13).

 

Độc giả ngạc nhiên là chính Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã bày tỏ lòng mến và lòng gắn bó với Đức Giê-su mà lại đưa ra giả thuyết “bị lấy trộm xác”, trong khi điều chị thấy chỉ là “tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ”. Điều này mang ý nghĩa thần học quan trọng về biến cố Đức Giê-su Phục Sinh. Thực vậy, không chỉ các thượng tế và kỳ mục là những người không tin, mà kể cả Ma-ri-a Mác-đa-la và các môn đệ, không ai có thể nghĩ đến việc Đức Giê-su đã Sống Lại. Điều mọi người có thể nghĩ tới khi đứng trước ngôi mộ trống là “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ.” Ma-ri-a Mác-đa-la tin vào giả thuyết của mình đến nỗi chị đã hỏi chính Đức Giê-su Phục Sinh về xác chết của Người, vì tưởng Đấng Phục Sinh là người làm vườn (Ga 20,15).

 

Như thế, nhận ra Đức Giê-su đã Phục Sinh là một ơn ban từ trên. Chính Đức Giê-su đã tỏ ra cho Ma-ri-a Mác-đa-la và các môn đệ biết Người đã sống lại, còn chính họ không thể tự mình nhận biết. Nhưng làm thế nào để có thể nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh, khi được Người bày tỏ cho biết? Đó là hãy sống những gì rất “người”, “rất nhân bản” như Ma-ri-a Mác-đa-la đã sống, đã làm, đã thấy, đã nghĩ và đã nói ra trong Ga 20,1-2, nhất là lòng mến, lòng gắn bó mà chị đã dành cho Đức Giê-su.

 

Kết luận

 

Những phân tích trên cho thấy nhiều điểm độc đáo của bản văn Gio-an cũng như những hàm ẩn thần học phong phú. Chúng ta không đi tìm thực tế lịch sử đã xảy ra như thế nào, vì điều này vượt khỏi khả năng chủ quan (không phải là nhà sử học) và khách quan (không có tài liệu lịch sử đúng nghĩa về biến cố), điều chúng ta có là “ý nghĩa của biến cố” hay “cách hiểu biến cố” mà các bản văn Tin Mừng thuật lại cho chúng ta. Mỗi Tin Mừng thuật lại một cách khác nhau để chuyển tải ý nghĩa mặc khải của biến cố đã xảy ra, điều này cho thấy sự phong phú về ý nghĩa của biến cố. Nhiệm vụ của độc giả là đọc ra được ý nghĩa của trình thuật muốn nhắn gửi cho độc giả qua cách thức kể chuyện trong bản văn. Có thể tóm kết gợi ý trả lời bốn câu hỏi trên như sau:

 

1) Tin Mừng Gio-an đưa vào chi tiết “trời còn tối” vừa để cho độc giả thấy sự gắn bó và lòng mến của Ma-ri-a Mác-đa-la dành cho Đức Giê-su, vừa thoáng cho thấy chị đang bị bóng tối của sự chết đè nặng trong lòng.

 

2) Bản văn không cho biết lý do rõ ràng của việc Ma-ri-a Mác-đa-la đi ra mộ để độc giả nhận ra một lý do sâu xa hơn: Tình yêu dành cho Thầy và ước mong được hiện diện với Thầy. Qua nhân vật Ma-ri-a, bản văn mời gọi độc giả cũng sống như thế để có cơ may nhận ra Đức Giê-su đã Sống Lại.

 

3)  Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ một mình, trước hết là để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ riêng với Đức Giê-su trong đoạn văn sau (Ga 20,11-18), thứ đến là khi “ra mộ một mình”, nhân vật Ma-ri-a Mác-đa-la trở thành biểu tượng cho cuộc gặp gỡ giữa độc giả và Đức Giê-su Phục Sinh. Có thể chính độc giả cũng nghĩ đến giả thuyết: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ” chứ làm gì có chuyện Sống Lại. Độc giả được mời gọi đến với Đức Giê-su đã chết, với tấm lòng của một con người, muốn hiện diện với Người, dù trên bình diện lịch sử, Nguời đã thất bại và đã chết. Chỉ khi sống bằng lòng mến như Ma-ri-a Mác-đa-la, độc giả mới có cơ may nhận ra Đấng Phục Sinh, khi được Người tỏ cho biết.

 

4) Ma-ri-a Mác-đa-la thấy “tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ” nhưng lại nói: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ” để làm lộ ra biến cố Đức Giê-su Phục Sinh là biến cố “vượt ra ngoài”, “vượt lên trên” lịch sử. Không ai dám nghĩ tới, cho dù trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su đã báo trước ba lần biến cố Phục Sinh này cho các môn đệ.

 

Như thế tự nó, biến cố Phục Sinh không để lại dấu vết trong lịch sử. Không ai có bằng chứng hiển nhiên về biến cố Đức Giê-su đã Phục Sinh. Mãi mãi biến cố Đức Giê-su Sống Lại là biến cố của lòng tin. Người Ki-tô hữu tin Đức Giê-su đã Sống Lại là nhờ lời chứng của các Tông Đồ và nhờ lời chứng của Hội Thánh thuật lại trong các sách Tin Mừng. Đến lượt người tin qua mọi thời đại, họ được mời gọi sống và làm chứng như thế nào đó, để người khác nhìn vào thì có thể tin là Đức Giê-su đã Sống Lại, tin là Người đang sống, đang ở với và đang hoạt động trong người tin và trong Hội Thánh.

 

Những gợi ý trả lời cho bốn câu hỏi trên đây chỉ là những đề nghị, những định hướng để độc giả tiếp tục suy tư và đọc  bản văn, nhờ đó rút ra từ bản văn những điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, nghĩa là đọc lại chuyện ngày xưa để thêm sức sống cho ngày nay.

 

Xem phân tích đoạn văn tiếp theo (Ga 20,3-9) trong bài tìm hiểu về “thấy” và “tin” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến: “Ông đã thấy và đã tin”. Ai thấy? Thấy gì? Tin gì?

 

 

Mừng Lễ Chúa Phục Sinh, ngày 24 tháng 04 năm 2011

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/  -  email: josleminhthong@gmail.com