Ga 15,9-13: Dòng chảy TÌNH YÊU giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ

 

 

Tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su; tình yêu giữa Đức Giê-su và các môn đệ, cũng như tình yêu giữa các môn đệ với nhau là đề tài lớn trong Tin Mừng Gio-an. Tình yêu này được diễn tả như thế nào? Các môn đệ đón nhận tình yêu và đáp trả tình yêu này bằng cách nào? Đoạn Tin Mừng Ga 15,9-13 mời độc giả khám phá đề tài tình yêu trong Tin Mừng Gio-an.

 

Ga 15,9-13 được chia làm hai tiểu đoạn: (1) Ga 15,9-11 trình bày tương quan tình yêu và cách bày tỏ tình yêu, trong đó 15,11 là câu kết nói về niềm vui của Đức Giê-su nơi các môn đệ. (2) Ga 15,12-13 nói về điều răn yêu thương, điều răn này mời gọi các môn đệ yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu thương họ. Cấu trúc các câu văn liên quan đến tình yêu sẽ giúp hiểu mặc khải của Đức Giê-su.

 

Phần sau đây sẽ trình bày các mục: (1) Bản văn Ga 15,9-13. (2) Cấu trúc 15,9.10. (3) Cấu trúc 15,12-13. (4) Yêu NHƯ (kathôs) Đức Giê-su đã yêu. (5) Dòng chảy tình yêu. (6) Kết luận.

 

1. Bản văn Ga 15,9-13:

(Bản dịch: Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.)

 

15,9

Như Cha đã yêu mến Thầy,

Thầy cũng yêu mến anh em.

Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

15,10

Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,

anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy,

như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy

và ở lại trong tình yêu của Người.

15,11

Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em

để niềm vui của Thầy ở trong anh em

và niềm vui của anh em được trọn vẹn.

15,12

Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau

như Thầy đã yêu mến anh em.     

15,13

Không ai có tình yêu cao cả hơn

người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình.

 

2. Cấu trúc Ga 15,9.10

 

Cấu trúc Ga 15,9.10 cho thấy “hướng đi” của tình yêu. Ga 15,9 trình bày tình yêu đi từ trên xuống: Chúa Cha à Đức Giê-su à các môn đệ. Ga 15,10 trình bày tình yêu đi từ dưới lên: các môn đệ à Đức Giê-su àChúa Cha.

 

a)   Cấu trúc 15,9

 

Câu 15,9: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” có thể được cấu trúc như sau:

 

 

Cấu trúc này làm rõ tình yêu của Đức Giê-su bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Cha dành cho Người. Cũng bằng tình yêu ấy, Đức Giê-su yêu mến các môn đệ và cách thức các môn đệ đáp trả tình yêu của Đức Giê-su là “ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su”. Như thế, tình yêu được diễn tả theo chiều đi xuống: “Tình yêu của Chúa Cha” đến “tình yêu của Đức Giê-su” và cuối cùng là “tình yêu của các môn đệ” dành cho Đức Giê-su. Hướng tiến triển của tình yêu: Chúa Cha à Đức Giê-su à các môn đệ. Trong câu tiếp theo (Ga 15,10), tình yêu sẽ được trình bày theo hướng ngược lại với những yếu tố mới.

 

b)   Cấu trúc Ga 15,10

 

Ga 15,10: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người”. Câu này có thể được cấu trúc theo dạng song song A, B, A’, B’ như sau:

 

 

Cấu trúc này cho thấy đề tài tình yêu được trình bày theo hướng từ dưới lên trên. Cách đáp trả tình yêu của các môn đệ được nói đến trước, sau đó là cách đáp trả tình yêu của Đức Giê-su trước tình yêu của Chúa Cha dành cho Người. Hai cách đáp trả này (của các môn đệ và của Đức Giê-su) giống nhau với hai yếu tố: “giữ các điều răn” và “ở lại trong tình yêu”. Không phải chỉ có các môn đệ “giữ các điều răn” và “ở lại trong tình yêu” của Đức Giê-su mà chính Đức Giê-su cũng đã “giữ các điều răn” và “ở lại trong tình yêu” của Chúa Cha.

 

Hai bảng cấu trúc Ga 15,9.10 trên đây cho thấy chỉ có một tình yêu duy nhất. Tình yêu này nối kết Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ thành một dòng chảy tình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn từ Chúa Cha đến với các môn đệ qua trung gian Đức Giê-su và sự đáp trả của các môn đệ cũng qua trung gian Đức Giê-su theo cả hai hướng: (1) Hướng từ trên xuống: Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su – Đức Giê-su yêu mến các môn đệ và (2) hướng từ dưới lên: Các môn đệ giữ các điều răn của Đức Giê-su và ở lại trong tình yêu của Người – Đức Giê-su giữ các điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Dòng chảy tình yêu này chỉ thực sự trọn vẹn với tình yêu giữa các môn đệ với nhau trong điều răn yêu thương.

 

3. Cấu trúc Ga 15,12-13: Điều răn yêu thương

 

Sau khi mặc khải tình yêu theo chiều dọc (chiều đi xuống và đi lên) như trên, Đức Giê-su ban điều răn của Người cho các môn đệ. Điều răn này mời gọi các môn đệ yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu thương họ. Cấu trúc Ga 15,12-13 gồm hai ý: (1) Nội dung điều răn yêu thương và (2) làm rõ “yêu như Thầy” là yêu như thế nào.

 

 

Cấu trúc trên làm rõ hai điều (1) “Điều răn của Đức Giê-su” chứ không phải của ai khác (15,12), (2) Cách thức Đức Giê-su yêu thương là “hy sinh mạng sống của Người” cho các môn đệ. Ở đây các môn đệ được gọi là “bạn hữu”, đề tài này sẽ được triển khai trong những câu tiếp theo (15,14-15).

 

Theo thần học Tin Mừng Gio-an, biến cố HY SINH MẠNG SỐNG của Đức Giê-su là cách thức bày tỏ TÌNH YÊU CAO CẢ và CHƯA AI CÓ. Trong thực tế, đã có những tình yêu cao cả bằng cách hy sinh mạng sống mình vì người khác, chẳng hạn cha mẹ hy sinh mạng sống vì con, vợ chồng hy sinh mạng sống cho nhau, bạn hữu hay những người làm nhiệm vụ cứu hộ hy sinh mạng sống mình vì người khác. Đó là tình yêu lớn lao và là sự hy sinh cao đẹp. Tuy nhiên, theo thần học Tin Mừng Gio-an thì không thể so sánh những tình yêu hy sinh mạng sống cao quý này với tình yêu hy sinh mạng sống của Đức Giê-su. Đức Giê-su là mục tử tốt, Người hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Điều không ai trong nhân loại có thể làm được, đó là Đức Giê-su có quyền lấy lại mạng sống đó như Người đã khẳng định: “17Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: ‘Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. 18Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự mình hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi” (Ga 10,17-18). Hơn nữa không ai trong nhân loại có thể nói: “Tôi xuống từ trời” (Ga 6,38), “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10,30), “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9)… Căn tính và nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su là duy nhất, nên tình yêu hy sinh mạng sống của Người cũng duy nhất, đó là một tình yêu cao cả và chưa hề có.

 

4. Yêu NHƯ (kathôs) Đức Giê-su đã yêu

 

Đức Giê-su ban điều răn yêu thương cho các môn đệ như sau: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (15,12). Có thể nêu lên ba đặc điểm của điều răn yêu thương: (1) Đặc điểm trước tiên là điều răn của Đức Giê-su chứ không phải của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban điều răn cho dân Ít-ra-en, còn trong Tân Ước, Đức Giê-su ban điều răn cho các môn đệ của Người. Như thế, Đức Giê-su đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. (2) Thứ đến, “yêu mến nhau” là tình yêu giữa các môn đệ của Đức Giê-su, chứ không phải “yêu mến người thân cận” như trong Cựu Ước, nghĩa là tình yêu giữa những ai thuộc về dân Ít-ra-en. (3) Cuối cùng là yêu mến nhau “NHƯ (kathôs) Đức Giê-su đã yêu mến”. Từ “như”, tiếng Hy Lạp là “kathôs”, ở đây không có nghĩa so sánh bình thường nhưng mang ý nghĩa thần học. “Yêu NHƯ (kathôs) Thầy đã yêu” muốn nói rằng: Tình yêu của Đức Giê-su phải là nền tảng và là nguồn gốc của tình yêu lẫn nhau giữa các môn đệ. Nói cách khác, tình yêu giữa các môn đệ với nhau sẽ không còn ý nghĩa nếu không liên lỉ quy chiếu về tình yêu của Đức Giê-su, nghĩa là các môn đệ có thể “yêu mến nhau” nhưng đó không phải là “tình yêu của điều răn yêu thương” mà Đức Giê-su ban tặng. 

 

Đoạn Tin Mừng Ga 15,9-13 trình bày dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ cho thấy tình yêu trong Tân Ước vừa kế tục vừa đứt đoạn với Cựu Ước. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận là điều răn của Cựu Ước, Do Thái giáo giữ điều răn này. Đặc điểm của tình yêu trong Tân Ước là các môn đệ “yêu mến Đức Giê-su” và “yêu mến nhau” như Đức Giê-su đã yêu mến họ. Khi Đức Giê-su khẳng định: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (14,6) thì các môn đệ chỉ có thể “yêu mến Thiên Chúa” bằng cách “yêu mến Đức Giê-su”. Đức Giê-su trở thành Đấng trung gian duy nhất có khả năng dẫn con người bước vào tương quan tình yêu và hiệp thông với Thiên Chúa.

 

5. Dòng chảy Tình Yêu

 

Những phân tích trên cho phép thiết lập sơ đồ về dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ như sau:

 

 

Dòng chảy tình yêu trong Ga 15,9-13 làm thành một vòng tròn. Trong đó xuất hiện ba tương quan tình yêu theo cả hai chiều: (1) Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su và Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha, (2) Đức Giê-su yêu mến các môn đệ và các môn đệ yêu mến Đức Giê-su, (3) Các môn đệ yêu mến nhau như Đức Giê-su đã yêu thương họ. Biểu tượng vòng tròn diễn tả tình yêu, nhưng đây không phải là một tình yêu đóng kín. “Yêu như Đức Giê-su đã yêu” thì chỉ có các môn đệ của Đức Giê-su mới có tình yêu này. Tuy vậy, đây là tình yêu diễn tả căn tính của người môn đệ cho tất cả mọi Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ở điều này mọi người sẽ nhận biết rằng anh em là môn đệ của Thầy, nếu anh em có tình yêu mến lẫn nhau” (Ga 13,35). Xem sơ đồ 2: “Điều răn yêu thương” trong tương quan tình yêu trong tập sách TÌNH YÊU và TÌNH BẠN trong Ga 15,9-17, tr. 118.

 

Riêng mối tương quan Chúa Cha và các môn đệ trong sơ đồ trên, chỉ có một mũi tên mô tả tình yêu của Chúa Cha dành cho các môn đệ mà thôi, không có chiều ngược lại. Không có chỗ nào trong Tin Mừng Gio-an nói đến việc các môn đệ trực tiếp yêu mến Chúa Cha. Đây là chi tiết quan trọng, theo thần học Tin Mừng Gio-an về tình yêu, các môn đệ chỉ có thể bước vào tương quan tình yêu với Chúa Cha bằng một con đường duy nhất: “Yêu mến Đức Giê-su”. Đức Giê-su khẳng định tình yêu của Chúa Cha dành cho các môn đệ, bởi vì các môn đệ đã yêu mến Đức Giê-su. Người nói với các môn đệ: “Chính Cha thương mến anh em, vì anh em đã thương mến Thầy” (Ga 16,27a).

 

Theo sơ đồ trên, tình yêu giữa các môn đệ là một phần trong dòng chảy tình yêu. Nghĩa là tình yêu giữa các môn đệ không thể tồn tại nếu không có tình yêu của Đức Giê-su dành cho họ. Nói cách khác, “yêu thương nhau” chỉ có thể hiệu hữu, khi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su (15,10). Vị trí của điều răn yêu thương trong sơ đồ trên cho thấy hai đặc tính: (1) Bên trong cộng đoàn các môn đệ, “yêu thương nhau” cho phép tham dự vào mối tương quan “tình yêu” giữa Chúa Cha và Đức Giê-su; giữa Đức Giê-su và các môn đệ (15,9-10). (2) Đối với bên ngoài cộng đoàn các môn đệ, “điều răn yêu thương” trở thành dấu chỉ cho mọi người biết họ là môn đệ của Đức Giê-su (13,35). Hai đặc tính này của “điều răn yêu thương” giúp các môn đệ giữ vững lòng tin vào Đức Giê-su trong mọi khủng hoảng đến từ bên trong, cũng như đến từ bên ngoài cộng đoàn.

 

6. Kết luận

 

Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ là một trong những đề tài độc đáo riêng của thần học Tin Mừng Gio-an. Có thể nói toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su nhằm bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian nhân loại, bởi vì Đức Giê-su nói: “Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Cuối sứ vụ công khai, Đức Giê-su trung tín cho đến cùng với sứ vụ mặc khải tình yêu Thiên Chúa, nên cái chết của Người cũng là chết vì tình yêu. Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, tác giả sách Tin Mừng cho biết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng” (13,1). Đức Giê-su bày tỏ tình yêu này bằng cách “hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (15,13a). Đó là tình yêu duy nhất, tình yêu chưa hề có và là tình yêu cho đến tận cùng. Tận cùng về thời gian, vì yêu cho đến chết trên thập giá. Tận cùng về mức độ, vì đó là một tình yêu cao cả.

 

Dòng chảy tình yêu trong Tin Mừng Gio-an mời gọi độc giả trở thành môn đệ của Đức Giê-su để bước vào tương quan tình yêu lớn lao, để đắm mình trong dòng chảy tình yêu này. Một tình yêu có khả năng mang lại sự sống và sức sống cho cuộc đời. Ước mong TÌNH YÊU là yếu tố chủ đạo trong cuộc sống của người môn đệ và đó là TÌNH YÊU không ngừng tuôn chảy và lớn lên trong tương quan với Đức Giê-su, với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Độc giả có thể đọc thêm bài viết “Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh” và phần phân tích chi tiết về đề tài dòng chảy tình yêu trong tập sách TÌNH YÊU và TÌNH BẠN trong Ga 15,9-17, tr. 79-96 và tr. 118./.

 

 

Ngày 06 tháng 05 năm 2012

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2012/05/ga-159-13-dong-chay-tinh-yeu-giua-chua.html

Email: josleminhthong@gmail.com 

 


Mục Lục Kinh Thánh