Đặc điểm và đề tài trong Tin Mừng Mác-cô

 

 

 

Nội dung

 

Dẫn nhập

I. Đặc điểm so với các Tin Mừng khác

   1) Tin Mừng ngắn nhất

   2) Ít diễn từ

II. Đặc điểm về nội dung Tin Mừng

   1) Mác-cô không có trình thuật thời niên thiếu

   2) Tin Mừng kết thúc ở 16,8

   3) Ít chỉnh sửa tài liệu biên soạn

III. Đặc điểm văn chương

   1) Các câu chuyện đặt kề nhau

   2) Từ ngữ lặp đi lặp lại

   3) Dùng nhiều từ gốc La Tinh

   4) Văn chương trung thực, sinh động, cảm xúc

   5) Lối hành văn ngạc nhiên, bí ẩn và nghịch lý

IV. Đề tài chính trong Tin Mừng Mác-cô

   1) Tin mừng

   2) Nước Thiên Chúa, triều đại Thiên Chúa

   3) Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Con Người

   4) Nhân vật “Các Môn đệ”

   5) “Bí mật – công khai” về căn tính Đức Giê-su

Kết Luận

 


 

Dẫn nhập

 

Tin Mừng Mác-cô thuộc Tin Mừng Nhất Lãm (Mt – Mc – Lc). Gọi là Nhất Lãm (synoptique) vì ba Tin Mừng này có nhiều đoạn văn song song với nhau. Theo thứ tự hiện nay của bốn sách Tin Mừng (Mt – Mc – Lc - Ga), Tin Mừng Mác-cô được xếp thứ hai, sau Tin Mừng Mát-thêu, nên còn gọi là Tin Mừng thứ hai. Tuy có nhiều đoạn văn song song với các Tin Mừng khác, Tin Mừng Mác-cô có những đặc điểm về ngôn ngữ, cách trình bày và triển khai các đề tài theo phong cách riêng.

 

I. Đặc điểm so với các Tin Mừng khác.

 

1) Tin Mừng ngắn nhất.

Trong bốn sách Tin Mừng, Mác-cô là Tin Mừng  ngắn nhất: 16 chương, 678 câu; tiếp đến là Tin Mừng Gio-an: 21 chương, 879 câu; Tin Mừng Mát-thêu: 28 chương, 1.071 câu; Tin Mừng Lu-ca: 24 chương, 1.151 câu.

 

2) Ít diễn từ.

Tin Mừng Mác-cô có ba diễn từ tương đối ngắn: Mc 4,1-34; Mc 9,35-50; Mc 13,1-37.

 

II. Đặc điểm nội dung Tin Mừng.

 

1) Mác-cô không có trình thuật thời niên thiếu.

 

2) Tin Mừng kết thúc ở 16,8.

Nhiều thủ bản cổ không có trình thuật về những cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh (16,9-20), có thể cho rằng Tin Mừng Mác-cô kết thúc cách lạ lùng ở 16,8. Phần 16,9-20 muộn thời hơn nhưng thuộc Quy Điển Tân Ước.

 

3) Ít chỉnh sửa tài liệu biên soạn

Tin Mừng Mác-cô gần với tài liệu nguồn vì bản văn ít bị chỉnh sửa hay được soạn thảo lại.

 

III. Đặc điểm văn chương.

 

1) Các câu chuyện đặt kề nhau.

 Một số câu chuyện đặt kề nhau, không có nối kết trong mạch văn. Chẳng hạn: 9,47-48 và 9,49 và 9,50.

 

2) Từ ngữ lặp đi lặp lại.

Một số từ ngữ xuất hiện thường xuyên. Ví dụ:

- Động từ “erkhomai” (đến, đến với) xuất hiện 78 lần.

- Tính từ “polus” (nhiều) xuất hiện 61 lần.

- Danh từ “okhlos” (đám đông) xuất hiện 38 lần.

- Trạng từ “euthus” (lập tức) xuất hiện 41 lần.

- Động từ “arkhô” (bắt đầu) xuất hiện 27 lần.

- Liên từ “kai” (và) được sử dụng nhiều. Các mệnh đề độc lập nối với nhau bằng liên từ “kai” (và). Từ Mc 2,12 đến 2,19 đều bắt đầu bằng chữ “kai” (xem Mc 10,34).

- Động từ “proskaleô” (gọi, gọi đến với, gọi lại, gọi tới) xuất hiện 9 lần.

- Động từ “sunagô” (tụ họp, tụ tập) xuất hiện 5 lần.

 

3) Dùng nhiều từ gốc La Tinh.

Xem bài viết: “Tiếng La Tinh trong Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp”.

 

4) Văn chương trung thực, sinh động, cảm xúc.

Tin Mừng Mác-cô có lối hành văn đơn sơ mộc mạc, theo kiểu có sao nói vậy, trung thực, không màu mè trang điểm, không ngại nói ra mặt trái của các nhân vật trong câu chuyện và thường được kể với những từ ngữ diễn tả cảm xúc: lo buồn, sợ hãi, giận, la mắng, trách móc… Chẳng hạn, Đức Giê-su chê trách các môn đệ, đám đông, các kinh sư và Pha-ri-sêu. Đối diện với sự chết Đức Giê-su cũng sợ hãi xao xuyến và xin Cha cất chén đắng. Trên thập giá Người cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi.

 

Có những chi tiết diễn tả thật đến độ người đọc phải mỉm cười như:

- Thân nhân của Đức Giê-su cho rằng Người mất trí (3,21).

- Đức Giê-su đói và đi tìm trái để ăn nơi cây vả, trong lúc không phải mùa vả, rồi thất vọng và nguyền rủa cây vả (11,13-14).

- Người là Con Thiên Chúa mà cũng không biết về ngày giờ Con Người sẽ ngự đến (13,32). Lạ lùng hơn là người thuật chuyện biết là Đức Giê-su không biết về ngày giờ cùng tận.

 

Với lối hành văn trên, Tin Mừng Mác-cô tạo ra những câu chuyện sinh động như người mù thành Giê-ri-cô (10,48-50).

 

5) Lối hành văn ngạc nhiên, bí ẩn và nghịch lý.

Nếu tóm kết Tin Mừng Mác-cô bằng một dấu chấm câu, thì đó là dấu chấm hỏi (xem C. FOCANT, L’évangile selon Marc, Paris, Cerf, 2004, p. 43). Nói đúng hơn, Ki-tô học của Tin Mừng Mác-cô là Ki-tô học ngạc nhiên, vì Tin Mừng làm người đọc ngạc nhiên về những mặc khải của Đức Giê-su và về chính Người. Y. Bourquin đề nghị gọi những nghịch lý trong Tin Mừng Mác-cô là oxymore hay oxymoron. Tiếng Hy Lạp: oxumôron, ghép từ hai từ oxus:“aigu” (nhọn, góc nhọn, dữ dội, kịch liệt) và môros: “sot” (người say bí tỉ), “fou” (điên, điên rồ, quá đáng, quá mức). Từ “oxymore” (viết theo tiếng Pháp) là tu từ học (rhétorique) dùng những hình ảnh tương phản, hay những từ đối lập đặt cạnh nhau làm cho ý nghĩa của nó thêm mạnh mẽ. Ví dụ: Một sự dịu dàng mạnh mẽ (une douce violence), một sự im lặng hùng hồn (un silence éloquent).

 

IV. Đề tài chính trong Tin Mừng Mác-cô.

 

1) Tin mừng.

Xem bài viết: “Tin mừng” trong “sách Tin Mừng”  Mác-cô.

 

2) Nước Thiên Chúa, triều đại Thiên Chúa.

 

Từ Hy Lạp “basileia” được dịch là “vương quốc” (nước) hay “triều đại” tuỳ theo mạch văn. Tin Mừng Mác-cô dùng 20 lần từ “basileia” (Mc 1,15; 3,24a.24b; 4,11.26.30; 6,23; 9,1.47; 10,14.15.23.24.25; 11,10; 12,34; 13,8a.8b; 14,25; 15,43). Trong đó, 14 lần nói về “triều đại” hay “vương quốc” của Thiên Chúa (1,15; 4,1.26.30; 9,1.47; 10,14.15.23.24.25; 12,34; 14,25; 15,43); 1 lần nói về triều đại Đa-vít (11,10) và 5 lần nói về vương quốc trần gian (3,24a.24b; 6,23; 13,8a.8b).

 

Đặc biệt, Tin Mừng Mác-cô chỉ dùng từ “Vương quốc Thiên Chúa” (hê basileia tou theou) hay “Nước Thiên Chúa” chứ không dùng từ “Vương quốc của các tầng trời” (hê basileia tôn ouranôn) hay “Nước Trời” như thường thấy trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 3,2; 4,17; 5,3.10...).

 

3) Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Con Người.

 

   a. Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (Khristos).

 

Danh hiệu “Ki-tô” (Khristos) xuất hiện 7 lần trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 1,1; 8,29; 9,41; 12,35; 13,21; 14,61; 15,32). Trong đó, có 3 lần quan trọng: (1) Mc 8,29 (Phê-rô tuyên xưng); (2) 12,35 (Đấng Ki-tô là con Đa-vít và cao trọng hơn Đa-vít); (3) 14,61 (Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng). Đấng Ki-tô (tiếng Híp-ri là Đấng Mê-si-a) có nghĩa là “Đấng được xức dầu”.

 

Đức Giê-su thi hành ba sứ vụ của Đấng Mê-si-a: Ngôn sứ, quân vương và tư tế.

 

Là Ngôn sứ, Đức Giê-su rao giảng Nước Thiên Chúa (1,14-15) khắp miền Ga-li-lê (1,39) và mặc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (4,1-34). Người nói về mình như một ngôn sứ bị rẻ rúng tại quê hương (6,4). Một số thính giả coi Người là một ngôn sứ (8,28).

 

Là quân vương, Đức Giê-su bày tỏ quyền năng cứu độ của Người. Người có quyền trên ma quỷ và thần ô uế (1,25-26.39; 3,11.15.22b; 5,1-13; 6,13; 9,17-27); quyền trên thiên nhiên (4,37-41); trên bệnh tật (5,25-34); và trên cả sự chết (5,22-23.35-43). Với quyền năng như thế, Đức Giê-su chăm sóc các con chiên bệnh tật, chữa lành những kẻ yếu đau tật nguyền. Với tư cách quân vương, Đức Giê-su nuôi dưỡng dân qua hai phép lạ bánh hoá nhiều (6,34-44; 8,1-10).

 

Là tư tế, Người tuyên bố: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống của mình làm giá chuộc muôn người” (10,45). Người vừa là tư tế (người hiến dâng), vừ là lễ vật (mạng sống của Người). Ý tưởng này được trình bày qua việc Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể (14,22-24).

 

   b. Đức Giê-su là Con (huios).

 

Danh từ “con” (huios) xuất hiện 34 lần trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 1,1.11; 2,10.19.28; 3,11.17.28; 5,7; 6,3; 8,31.38; 9,7.9.12.17.31; 10,33.35.45.46.47; 12,6a.6b.35.37; 13,26.32; 14,21a.21b.41.61.62; 15,39).

 

Trong đó, 28 lần từ “con” (huios) chỉ Đức Giê-su trong các kiểu nói: “Con Người” 14 lần (2,10.28; 8,31.38; 9,9.12.31; 10,33.45; 13,26; 14,21a.21b; 14,41.62; “Con Thiên Chúa” 4 lần (1,1;  3,11; 5,7; 15,39). “Con yêu dấu”  2 lần (1,11; 9,7; “Con” 1 lần (13,32); “Con Đấng Đáng Chúc Tụng” 1 lần (14,61); “Con Đa-vít” 3 lần (10,47; 12,35.37). “Con bà Ma-ri-a” 1 lần (6,3). Từ “con” (huios) xuất hiện 2 lần trong dụ ngôn vườn nho nói về Đức Giê-su: “Con yêu dấu” (12,6a); “chúng nể con ta” (12,6b). Trong 28 lần từ “con” nêu trên, có hai tước hiệu quan trọng: “Con Thiên Chúa” và “Con Người”.

 

(1) Tước hiệu “Con Thiên Chúa” còn diễn tả qua kiểu nói: “Con yêu dấu”, “Con” và “Con Đấng Đáng Chúc Tụng”.

 

(2) Tước hiệu “Con Người” xuất hiện 14 lần và chia thành ba loại:

(a) 3 lần từ “Con Người” ở 8,38; 13,26; 14,62 gợi đến sự quang lâm của Đức Giê-su và có liên hệ với Đn 7,13.

(b) 2 lần từ “Con Người” ở 2,10.28 chỉ hoạt động công khai của Đức Giê-su có liên hệ với Đn 7,13.

(c) 9 lần từ “Con Người” gợi đến biến cố Thương Khó – Phục Sinh ở 8,31; 9,9.12.31; 10,33.45; 14,21a.21b.41. Trong đó, 8,31; 9,31; 10,33 là 3 lần tiên báo Thương Khó – Phục Sinh.

 

Từ “Con Người” trong loại thứ ba (c) gợi lại bài ca thứ IV về người tôi tớ đau khổ (Is 52,13–53,11), nhất là Is 53,2b-12. Đấng Mê-si-a đau khổ là điều khó chấp nhận đối với người Do Thái, vì họ quan niệm Đấng Mê-si-a sẽ chiến thắng kẻ thù của Ít-ra-en. Theo một số tác giả, Mác-cô dùng tước hiệu Con Người thay thế cho tước hiệu Mê-si-a để nói về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su.

 

Trong 34 lần từ “con” (huios) trong Tin Mừng Mác-cô, có 6 lần không nói về Đức Giê-su: “Con thiên lôi” (3,17); “con cái loài người” (3,28); “con ông Dê-bê-đê” (10,35; “con ông Ti-mê là Ba-ti-mê” (10,46); “con trai tôi bị thần câm ám” (9,17); “khách dự tiệc” (2,19).

 

4) Nhân vật “Các Môn đệ”. 

 

Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ từ những chương đầu tiên sách Tin Mừng (ch. 1–2): Si-môn và An-rê (1,16-18); Gia-cô-bê và Gio-an (1,19-20); Lê-vi (2,14). Sau đó Người thiết lập Nhóm Mười Hai (3,13-19) “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (3,14). Theo mạch văn Mc 4,11 đánh dấu một bước tiến triển mới. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Mc 4,11: “Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được ban cho anh em; nhưng những người kia là những kẻ ở ngoài, thì mọi sự xảy đến trong dụ ngôn.” 

 

Tuy nhiên, càng về cuối Tin Mừng các môn đệ càng không hiểu Đức Giê-su. Xem bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (7,18) “Hành trình của các môn đệ” nói gì với độc giả? Có thể nói, các môn đệ là những người ở trong, nhưng thực chất là ở ngoài vì không hiểu Đức Giê-su. Sự không hiểu này là cơ may để người đọc bản văn, là người ở ngoài, có thể hiểu Đức Giê-su và trở thành người ở trong.

 

5. “Bí mật – công khai” về căn tính Đức Giê-su.

 

Trong Tin Mừng Mác-cô, các đoạn văn nói đến “bí mật” về Đấng Mê-si-a là Mc 1,25.44; 3,12; 5,43; 7,36; 8,30; 9,9. Có thể giải thích Đức Giê-su cấm không cho tiết lộ về tư cách Mê-si-a để tránh hiểu lầm. Người cần thời gian để làm rõ vai trò Mê-si-a của Người.

 

Tuy nhiên, Tin Mừng trình bày cách nghịch lý: Bí mật nhưng ai cũng biết. Lối hành văn “Bí mật – công khai” vừa đề cao quyền năng của Đức Giê-su, vừa nhắc nhở cho độc giả biết rằng: Đừng đánh giá Đức Giê-su bề ngoài qua những phép lạ. Biến cố Thương Khó – Phục Sinh mới là nơi mà tư cách Mê-si-a của Đức Giê-su thực sự được lộ tỏ. Vấn đề đặt ra đối với cộng đoàn Mác-cô cuối thế kỷ I và đối với độc giả qua mọi thời đại là Đức Giê-su đã Phục Sinh rồi, nhưng liệu độc giả có nhận ra Đức Giê-su thực sự là ai chưa? Độc giả chuẩn bị mảnh đất lòng mình thế nào để nghe và đón nhận giáo huấn của Người? Xem bài viết: “Bí mật công khai.” Cấm không được nói mà ai cũng biết!

 

Kết luận

 

Phần trên trình bày một số đặc điểm và đề tài chính trong Tin Mừng Mác-cô. Về văn bản Mác-cô là (1) Tin Mừng ngắn nhất, (2) Ít các triển khai tư tưởng bằng diễn từ, (3) Không có trình thuật thời niên thiếu của Đức Giê-su, (4) Bản văn ít chỉnh sửa so với tài liệu gốc. Dựa trên những đặc điểm này có thể xem Tin Mừng Mác-cô biên soạn trước Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca. Xem phần “Nguồn tài liệu để biên soạn các sách Tin Mừng” trong bài viết: “Tác giả, độc giả, nơi biên soạn, niên biểu và tài liệu biên soạn sách Tin Mừng Mác-cô (Tin Mừng thứ hai)”.

 

Về đặc điểm văn chương, Tin Mừng Mác-cô có kiểu hành văn đặc thù: (1) Các trình thuật như thể đặt kề nhau. (2) Nhiều từ ngữ lặp đi lặp lại. (3) Bản văn dùng nhiều từ gốc La Tinh. (4) Văn chương trung thực, sinh động, cảm xúc. (5) Lối hành văn ngạc nhiên, bí ẩn và nghịch lý.

 

Trước đây người ta không chú ý nhiều đến kiểu hành văn trong Tin Mừng Mác-cô, nhưng các thập niên gần đây, nhiều tác giả đã quan tâm đến kỹ thuật hành văn, chú ý đến các chi tiết lạ lùng, bí ẩn và nghịch lý. Có thể nói, nếu độc giả không sững sờ và kinh ngạc về mọi thứ trong Tin Mừng Mác-cô: Kinh ngạc về cách hành văn, sững sờ về giáo huấn của Đức Giê-su, lạ lùng trong cách trình bày căn tính của Người cùng với những chi tiết nghịch lý trong cách kể chuyện, thì độc giả chưa thưởng thức được những nét độc đáo và thú vị của thần học Tin Mừng Mác-cô. Xem các bài chia sẻ trong mục: Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô./.

 

 

Ngày 15 tháng 01 năm 2013.

Giuse Lê Minh Thông, O.P.

Email: josleminhthong@gmail.com

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/01/ac-iem-va-e-tai-trong-tin-mung-mac-co.html

 


Mục Lục Kinh Thánh